“Điểm đến” của cán bộ kiểm lâm bắt tay với lâm tặc

Thứ Tư, 30/10/2024, 12:02

Là cán bộ kiểm lâm, thay vì chung tay canh giữ rừng thì đằng này Trần Viết Thế Sơn lợi dụng công việc của mình bắt tay với một số “lâm tặc” để thu mua cây gỗ được các đối tượng khai thác trái phép ở Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Bên cạnh đó, dù biết các loại gỗ quý hiếm, nằm trong danh mục cấm nhưng Sơn vẫn thu mua để đêm khuya đưa về xuôi tiêu thụ cho xưởng mộc ở TP Huế nhằm thu lợi bất chính. Chưa dừng lại ở đó, Sơn còn ma mãnh, đặt mua 2 biển số xe ô tô giả để sử dụng nhằm đối phó với lực lượng chức năng trong quá trình vận chuyển gỗ trái phép đưa đi tiêu thụ.

Gắn biển số giả đi thu mua gỗ trái phép

Cuối tháng 10/2022, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Viết Thế Sơn (sinh năm 1995), Đỗ Ngọc Cường (sinh năm 1992) với 2 tội danh “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan” cùng các đồng phạm gồm: Đặng Phương Nam (sinh năm 1999), Nguyễn Văn Lãm (sinh năm 1994), Trần Văn Đông (sinh năm 1995), Trần Văn Lanh (sinh năm 1988), Trần Định Vĩ (sinh năm 1983), Nguyễn Quốc Hà (sinh năm 1993, đều trú tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế và Lê Hữu Thiện (sinh năm 1988, trú tại phường An Cựu, TP Huế) về tội “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản”.

“Điểm đến” của cán bộ kiểm lâm bắt tay với lâm tặc -0
Đối tượng Trần Viết Thế Sơn thời điểm bị Công an bắt giữ.

Theo hồ sơ vụ án, Lê Hữu Thiện - là chủ xưởng mộc và Trần Viết Thế Sơn - cán bộ của Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) quen nhau từ trước. Đầu tháng 12/2023, Thiện thỏa thuận mua của Sơn khoảng 2m3 gỗ kiền (có giá từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng/m3). Đến ngày 11/11/2023, Sơn có trao đổi với Thiện về việc không có tiền nên đề nghị Thiện chuyển khoản trước 30 triệu đồng để thanh toán tiền mua gỗ và Thiện đồng ý. Đến 21h cùng ngày, Sơn cùng với Đỗ Ngọc Cường và Đặng Phương Nam trên xe ô tô của Sơn (loại xe bán tải màu trắng, gắn biển kiểm soát BKS 75C-091.64) đến nhà Trần Văn Vĩ để mua gỗ kiền. Lúc này, Sơn đỗ xe trước nhà Vĩ; Cường cùng Nam, Vĩ và Trần Văn Đông (là em ruột của Vĩ, bán gỗ chung với Vĩ) cùng nhau bốc 20 phách gỗ kiền đưa lên xe 75C-091.64. Sơn trả cho Đông số tiền là 20,5 triệu đồng.

Sau đó, Sơn điều khiển xe ô tô chở 20 phách gỗ cùng với Cường, Nam chạy đến đoạn gần cây xăng Hương Hòa (thuộc địa phận thôn 8, xã Hương Xuân, huyện Nam Đông) đón thêm Hoàng Tiến Lành. Trong đêm khuya, Sơn chở cả nhóm và số gỗ trên từ miền núi Nam Đông xuôi về TP Huế bán cho Lê Hữu Thiện ở đường Ngự Bình, phường An Cựu, TP Huế. Sau khi giao gỗ, Sơn có nói Thiện chuyển thêm tiền để Sơn mua và giao đủ gỗ cho Thiện và Thiện đồng ý chuyển cho Sơn thêm 20 triệu đồng. Số tiền còn lại hai bên thống nhất sẽ thanh toán sau khi chuyển đủ số lượng gỗ đã thỏa thuận.

Khuya cùng ngày, Sơn cùng nhóm người trên chạy lên lại huyện Nam Đông. Tại đây, Sơn giao Cường điều khiển xe ô tô bán tải màu đen biển đăng ký là 36C- 356.04 (xe ô tô của Sơn mua ở Thanh Hóa vào năm 2022). Tuy nhiên Sơn đã gắn biển số giả 75C-114.72. Biển số giả này được Sơn đặt mua trên mạng xã hội vào năm 2022, rồi lắp sẵn vào xe ô tô dùng để vận chuyển gỗ trái phép tiếp tục đi thu mua gỗ. Khoảng gần 2h khuya hôm sau, Cường lái xe trên cùng Nam đến nhà Vĩ chở 29 phách gỗ kiền kiền Phú Quốc còn lại.

Tại đây, Cường đưa 5 triệu đồng cho Đông và Sơn dùng tài khoản cá nhân chuyển khoản trả cho Đông 17,8 triệu đồng. Số gỗ này được Cường và Nam vận chuyển về để ở nhà mẹ ruột của Sơn là bà Trần Thị Huệ. Để có đủ số gỗ bán cho Thiện theo thỏa thuận, Cường và Sơn thống nhất mua 2 lần gỗ kiền kiền Phú Quốc gồm 63 phách của Trần Văn Lanh cùng với 29 phách gỗ kiền đã mua trước đó. Trưa ngày 12/12/2023, Sơn nói với Cường tìm thuê xe ô tô để chở toàn bộ 63 phách gỗ trên về bán cho Thiện.

“Điểm đến” của cán bộ kiểm lâm bắt tay với lâm tặc -0
Bị cáo Trần Viết Thế Sơn và các đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm.

Dẫn đường để vận chuyển gỗ trái phép

Sau khi lên kế hoạch, tối cùng ngày, Cường gọi điện thoại và thuê Nguyễn Văn Lãm điều khiển ô tô của Lãm có BKS 75C- 101.42 (loại xe ô tô tải thùng, trọng tải 3,5 tấn) đến nhà bà Huệ để bốc gỗ chở về xuôi bán. Sau khi bốc 63 phách gỗ kiền kiền Phú Quốc lên xe ô tô BKS 75C-101.42, Lãm điều khiển xe chở Cường cùng toàn bộ số gỗ xuất phát từ nhà bà Huệ đi về TP Huế giao cho anh Thiện. Còn Trần Viết Thế Sơn trực tiếp điều khiển xe ô tô Civic màu trắng BKS 75A-024.64 chở Nam chạy trước dẫn đường.

Quá trình di chuyển, Cường phát hiện có xe ô tô chạy phía sau, nghi bị lực lượng chức năng theo dõi, phát hiện nên Cường gọi điện thoại báo cho Sơn biết để tính. Sơn hỏi Cường: “Có phải xe của Công an không?” thì Cường trả lời: “Không phải”, nhưng Sơn vẫn nghi ngờ là có xe của lực lượng chức năng đuổi theo nên Sơn yêu cầu Cường cứ điều khiển cho xe ô tô tiếp tục chạy, còn Sơn cho xe chạy chậm để đợi xe của Cường. Khi thấy xe Cường điều khiển vừa đi qua ngã ba từ Xuân Lộc ra Quốc lộ 1 hướng TP Huế thì Sơn điều khiển xe ô tô nối liền theo sau với mục đích là không cho xe ô tô chạy phía sau (nghi của lực lượng chức năng) vượt lên. Sơn gọi điện nói với Cường rằng, cứ tiếp tục điều khiển xe ô tô chở gỗ chạy thẳng về địa phận xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc tìm chỗ để đưa số gỗ trên xe ô tô xuống nhằm đánh lạc hướng, tránh bị phát hiện.

Dưới sự chỉ đạo của Trần Viết Thế Sơn, khuya cùng ngày, Cường chạy đến một bãi đất trống, xa khu dân cư thuộc địa phận xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và cho hạ tải toàn bộ 63 phách gỗ trên xe ô tô BKS 75C-101.42 xuống. Sau đó, cả nhóm hẹn gặp nhau tại cầu vượt Thủy Dương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đi ăn uống, rồi quay về lại huyện Nam Đông. Trưa hôm sau, Sơn điện thoại cho Cường dùng xe bán tải màu đen mang biển số giả 75C-114.72 và chuẩn bị khi trời tối về chở số gỗ tối qua để giao cho Thiện. Tại nhà riêng của mình, Trần Viết Thế Sơn đã tháo biển số ô tô thật 75C-091.64 gắn trên xe ô tô Ford ranger màu trắng, rồi lắp biển số giả 75C-098.86. Biển số giả này cũng được Sơn đặt mua trên mạng xã hội từ năm 2022.

Đến khoảng 23h cùng ngày, Sơn điều khiển xe ô tô lắp biển giả BKS 75C-098.86 chở theo Nguyễn Quốc Hà cùng Cường, Nam đi từ thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông về xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc để lấy xe bán tải màu đen lắp BKS giả 75C-114.72. Tại đây, Nam trực tiếp điều khiển xe ô tô bán tải màu đen mang BKS giả 75C-114.72 (sau đây gọi tắt là xe bán tải màu đen) chở Cường, còn Sơn trực tiếp điều khiển xe ô tô mang BKS giả 75C-098.86 (sau đây gọi tắt là xe bán tải màu trắng) chở Hà về nơi để 63 phách gỗ kiền tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc.

Khi đến nơi, các đối tượng bốc 34 phách gỗ xếp lên xe bán tải màu đen. Sau đó, Sơn điều khiển xe bán tải màu trắng chở Hà dẫn đường trước cho các đối tượng điều khiển xe bán tải màu đen theo sau chở gỗ đi đến xưởng mộc nhà Thiện. Khoảng 1h khuya ngày 14/12/2023, cả nhóm đến xưởng mộc nhà Thiện và bốc 34 phách gỗ kiền trên xe bán tải màu đen xuống. Sau khi bốc gỗ xong, Sơn đi ăn tối và giao Nam lái xe bán tải màu đen tiếp tục về xã Vinh Mỹ (cách nhà Thiện khoảng 50km) bốc tiếp 29 phách gỗ còn lại giao cho Thiện trong khuya. Đến khoảng 2h20 phút cùng ngày, Sơn đứng gần đoạn Sân bay Phú Bài, thị xã Hương Thủy và chạy trước dẫn đường cho xe bán tải màu đen chạy sau đến nhà Thiện để tiếp tục giao gỗ.

Khi đến ngõ nhà Thiện tại đường Ngự Bình (TP Huế) để giao gỗ cho Thiện thì Sơn mới yên tâm nên lái xe bán tải màu trắng chở Cường về trước; còn xe ô tô bán tải màu đen do Nam điều khiển chở Hà và 29 phách gỗ kiền vừa vào trong ngõ nhà Thiện thì bị lực lượng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Công an huyện Nam Đông bắt giữ các đối tượng cùng toàn bộ tang vật.

“Chảy máu” rừng ở Vườn Quốc gia Bạch Mã

Theo Cơ quan điều tra; đối tượng Đông và Vĩ khai nhận, đối với 49 phách gỗ kiền kiền Phú Quốc bán cho Sơn là do Vĩ và Đông trực tiếp khai thác tại khu vực Vườn Quốc gia Bạch Mã. Cuối tháng 2/2024, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành thực nghiệm điều tra để xác định vị trí Đông, Vĩ khai thác. Kết quả xác định hiện trường các đối tượng khai thác thuộc Lô 1, khoảnh 1, Tiểu khu 410 lâm phận Vườn Quốc gia Bạch Mã địa phận xã Thượng Long, huyện Nam Đông.

Theo Cơ quan chức năng, căn cứ kết quả phân tích cấu tạo thô đại và hiển vi của 83 mẫu gỗ giám định do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp, kiểm tra so sánh với cơ sở dữ liệu các loài gỗ, mẫu tham chiếu, tài liệu, cơ quan chức năng kết luận: 83 mẫu gỗ giám định nêu trên đồng nhất một chủng loại gỗ, tên Việt Nam: Kiền kiền Phú Quốc; Tên khoa học: Hopea pierre được xếp nhóm IA trong “Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm” ban hành kèm theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; và có trong “Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ.

“Điểm đến” của cán bộ kiểm lâm bắt tay với lâm tặc -0
Chiếc xe bán tải mà Sơn thường gắn biển số giả để đi thu mua gỗ lậu.

Theo lý lịch các bị cáo trong cáo trạng của VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa truy tố, Trần Viết Thế Sơn học đến lớp 12/12. Từ 2018 đến tháng 1/2022, làm nghề buôn bán tự do. Từ tháng 2/2022 là cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông cho đến ngày phạm tội. Tháng 4/2022, Sơn bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Đông khởi tố vụ án về tội “Cố ý gây thương tích” và đến tháng 9/2022 thì ra quyết định đình chỉ vụ án lý do người bị hại rút đơn yêu cầu.

Trong số các bị cáo đồng phạm với Trương Viết Thế Sơn, có một số đối tượng có nhân thân xấu. Đơn cử, Nguyễn Văn Lãm từng bị xử phạt về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép. Ngoài ra, đối tượng này từng 2 lần bị Công an huyện Nam Đông 2 xử phạt hành chính về hành vi đánh nhau và trộm cắp tài sản. Đối với Đặng Phương Nam cũng 3 lần bị Công an xử phạt hành chính về các hành vi: đánh nhau, xâm hại sức khỏe người khác và trộm cắp tài sản…

TAND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tuyên phạt bị cáo Trần Viết Thế Sơn 2 năm 6 tháng tù và 80 triệu đồng; Đỗ Ngọc Cường 2 năm 3 tháng tù và 50 triệu đồng về tội “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan”. Tòa tuyên phạt bị cáo Đặng Phương Nam 1 năm 3  tháng tù, Trần Văn Đông 2 năm tù, Trần Định Vĩ 2 năm 3 tháng tù, Nguyễn Văn Lãm 10 tháng 24 ngày tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản”. Xử phạt Lê Hữu Thiện 350 triệu đồng, Nguyễn Quốc Hà 80 triệu đồng, Trần Văn Lanh 60 triệu đồng về tội “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản”.

Hải Lan
.
.
.