Xét xử phúc thẩm vụ án Lê Văn Luyện: Còn nỗi đau ở lại

Thứ Sáu, 06/04/2012, 22:35

Ngày 30/3, Tòa án nhân dân Tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Lê Văn Luyện. Vẫn biết với quy định của pháp luật hiện hành, Tòa có tuyên kịch khung thì Lê Văn Luyện cũng chỉ phải chịu mức án 18 năm tù như bản án sơ thẩm. Nhưng, với những người thân của gia đình nạn nhân, nỗi đau mất mát vẫn không nguôi khi mà cả một gia đình đã tan nát vì kẻ sát nhân…

1 - 6h30' ngày 30/3, con đường Hoàng Văn Thụ, nơi đặt trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã được lực lượng công an, dân phòng chốt chặn hai đầu bằng hàng rào dây kẽm gai.

Để đảm bảo an ninh cho phiên tòa phúc thẩm này, Công an tỉnh Bắc Giang đã huy động hơn 300 cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cơ động, Trại giam, Hỗ trợ tư pháp tham gia công tác bảo vệ. Trong đó, khoảng 200 cán bộ chiến sĩ bảo vệ vòng trong (khu vực từ cổng Tòa án trở vào phòng xét xử) và 100 chiến sĩ bảo vệ ở vòng ngoài, chốt chặn các tuyến đường dẫn đến Tòa án, ngăn ngừa sự phấn khích của người dân, tạo điều kiện cho phiên tòa diễn ra an toàn tuyệt đối.

Trước cổng tòa, người nhà nạn nhân anh Trịnh Thành Ngọc - chị Đinh Thị Chín đã có mặt tại tòa với những vành tang trắng chít trên đầu cùng những bức hình về cháu Bích.

Trước phiên tòa một ngày, tôi trở lại tiệm vàng Ngọc Bích (số 45 phố Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang). Bảy tháng sau vụ thảm sát kinh hoàng, ngôi nhà 3 tầng ngay mặt phố vẫn bỏ không. Lúc tôi đến, ông Trịnh Văn Tín và anh Trịnh Văn Sinh (bố đẻ và anh Trai của anh Trịnh Thành Ngọc) đang ở trong nhà. Thấy khách không mời mà đến, ông Tín bảo rằng bình thường ngôi nhà vẫn đóng cửa bỏ không, vì ông vẫn ở ngôi nhà trong làng,  chỉ có vợ chồng anh Sinh ở cùng phố hàng ngày qua lại thắp hương cho đỡ lạnh lẽo. Nhưng hôm nay, "bác Kiên nó" (chị Đinh Thị Kiên, chị gái chị Đinh Thị Chín, hiện đang nuôi cháu Trịnh Ngọc Bích) từ trong miền Nam ra gọi điện nói đến thắp hương nên ông mới tới.

Nhìn gương mặt khắc khổ, mái tóc bạc trắng của ông, tôi không khỏi chạnh lòng. Lần nào đến ngôi nhà này, tôi cũng mang cái cảm giác nặng nề như vậy. Người ta vẫn bảo "trẻ cậy cha già cậy con", vậy mà ông lại phải chịu cái cảnh "lá vàng khóc lá xanh rơi".

Ngồi nói chuyện với tôi, ông bảo cứ mỗi lần đến ngôi nhà này, tất cả chuyện cũ lại hiện về. Ông kể ngày vợ chồng anh Ngọc thông báo sẽ mở tiệm vàng. Cả hai ông bà đều can ngăn vì thấy cái nghề này nguy hiểm, "tôi bảo với vợ chồng nó là tao thấy buôn bán cái ấy nó bất trắc lắm, không cẩn thận nó ăn trộm, tráo hàng thì mất hết cả vốn, chẳng may bị cướp thì có khi mất mạng, nhưng nó lại bảo con đã mua cả bình xịt hơi cay để bảo vệ rồi". Vậy mà chẳng ngờ cái điều ông bà lo lắng ấy lại trở thành sự thật.

Nhắc lại cái buổi sáng khủng khiếp ấy, ông bảo khi biết tin đến nơi, ông không tin vào mắt mình nữa, đi khắp mấy tầng của ngôi nhà, chỗ nào cũng thấy máu. Vừa dẫn tôi đi hết 3 tầng của ngôi nhà, ông Tín vừa chỉ những vị trí mà con trai, con dâu và cháu nội ông đã bị tên sát nhân sát hại, thậm chí ông còn nhớ chi tiết cả những vết máu dính trên tường như thế nào.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, 6 giờ sáng ngày 24/8/2011, anh Trịnh Thành Ngọc ngủ dậy bê chậu quần áo đi lên sân phơi tầng 3. Khi thấy anh Ngọc đi lên tầng 3, Luyện cài dao phớ sau thắt lưng, cầm dao nhọn ở tay phải rồi đi ra nấp ở sau cánh cửa phòng vệ sinh tầng 3. Anh Ngọc quay ra đi về phía phòng ngủ tầng 3 thì Luyện lén đi theo và nấp ở sau cửa. Khi anh Ngọc đi ra, Luyện cầm con dao nhọn đâm một nhát vào ngực trái sau đó đâm liên tiếp vào ngực và tay anh Ngọc.

Anh Ngọc hô cướp rồi giằng co với Luyện. Lúc này chị Đinh Thị Chín nghe chồng hô cướp nên chạy từ tầng 2 lên tầng 3 và hô cướp rồi xông vào ôm giữ, vật lộn với Luyện. Trong lúc giằng co thì chị Chín và Luyện đều bị ngã xuống nền nhà làm Luyện rơi dao phớ. Anh Ngọc giằng co con dao nhọn với Luyện làm anh Ngọc và Luyện đều bị thương ở tay. Sau khi giằng được dao, anh Ngọc cầm dao đâm về phía Luyện nhưng do đã bị thương và sức yếu nên đâm không trúng Luyện.

Khi anh Ngọc giơ dao định đâm tiếp thì bị Luyện dùng chân đạp làm anh Ngọc ngã ra sàn nhà. Lúc này, chị Chín tiếp tục vật lộn rồi ngồi đè lên Luyện và dùng hai tay bóp cổ. Luyện dùng hai ngón tay cái bấm vào mắt chị Chín và đẩy chị Chín ngã ra nền nhà rồi dùng dao chém chị Chín đến chết.

Sau khi giết chị Chín, Luyện cầm dao phớ đi ra cầu thang, thấy anh Ngọc đang ngồi gục đầu ở cầu thang tầng 3, Luyện đã dùng con dao phớ chém mạnh một nhát vào vùng gáy anh Ngọc làm con dao bị rơi xuống bậc cầu thang tầng 2.

Luyện nhặt dao xuống phòng ngủ tầng 2 thấy cháu Bích ở trong phòng ngủ đang cầm điện thoại cố định gọi, Luyện chạy vào dùng dao phớ chém một nhát làm đứt bàn tay phải cháu Bích. Khi cháu Bích ngã ngửa xuống sàn nhà thì Luyện cầm dao phớ chém vào mặt cháu Bích. Nghĩ là cháu Bích đã chết, Luyện cầm dao đi ra ngoài.

Khi ra đến cửa phòng ngủ thì nghe thấy tiếng cháu Thảo nằm trên giường khóc nên Luyện quay lại dỗ rồi quay ra. Luyện đi ra nhưng đến cửa phòng thì lại nghe cháu Thảo khóc. Luyện quay vào thấy cháu Thảo ngồi dậy khóc to, nên ra tay sát hại luôn.

Người nhà nạn nhân đòi đánh Lê Văn Luyện.

Sau khi giết người, Luyện còn bình tĩnh rửa chân tay, tự băng vết thương, lấy điện thoại, lấy vàng rồi mới bỏ đi…

Câu chuyện đang dở thì chị Đinh Thị Kiên cùng với hai người nữa mang hương hoa đến. Mới bước qua cửa, người phụ nữ đi cùng đã khóc. Sau ngày cháu Bích ra viện, để thay đổi môi trường sống cho con bé, chị Kiên đã đưa cháu Bích vào miền Nam chăm sóc. Theo lời chị Kiên thì sức khỏe cháu Bích hiện không được tốt bởi cánh tay phải vẫn rất yếu, may mà con bé tập viết và đã viết được bằng tay trái nên đã đi học trở lại được. 

Giờ đây, cả hai bên gia đình đều lo lắng khi nhắc tới tương lai của con bé. Cho tới bây giờ, bé Bích vẫn bị ám ảnh bởi những gì nó chứng kiến trong cái buổi sáng khủng khiếp ấy, vì thế hôm trước tết, khi được đưa về, lúc đi xe chạy qua nhà, con bé vẫn còn lấy tay che mặt. Ngoài vết thương làm mất tới 74% sức khỏe thì vết thương tâm lý của con bé có lẽ sẽ còn rất lâu mới có thể lành. Vì vậy gia đình quyết định không cho cháu có mặt tại phiên tòa.

Theo lời anh Sinh, từ ngày ra viện, cứ 3 tháng một lần, cháu Bích phải ra Hà Nội để các bác sĩ Bệnh viện Việt- Đức kiểm tra để có hướng điều trị cho cánh tay phải. Cánh tay phải của Bích vẫn đang trong quá trình phục hồi, chưa thể cầm nắm được như bình thường "nhiều lúc cầm vào tay con bé phải một lúc mới ấm và thấy được mạch đập; các bác sĩ cũng nói với chúng tôi rằng họ chỉ có thể nối được những dây thần kinh mà họ nhìn thấy mà thôi. Nhưng dù sao thế cũng tốt rồi". Vì thế, hàng ngày chị Kiên vẫn phải tự tay chăm sóc, làm cho mọi việc, kể cả vệ sinh cá nhân, mặc quần áo cho Bích. Ngay cả lúc ở trường, con bé cũng có một cô phục vụ riêng. Hàng ngày, Bích vẫn phải uống thuốc và có một bác sĩ vật lý trị liệu chữa trị 4 tiếng một ngày…

Tôi đi một vòng khắp lượt mấy tầng nhà, sau mấy tháng không có người ở nên vào phòng nào cũng thấy lạnh và mùi ẩm mốc. Chỉ có bàn thờ đặt trên tầng 3 vẫn được vợ chồng anh Sinh hàng ngày qua lại hương khói. Nhìn cảnh ông Tín với mái đầu bạc trắng cứ đứng tần ngần trước bức ảnh cháu Thảo trên bàn thờ, bên cạnh, 3 người phụ nữ khóc sụt sùi mà không thể cầm lòng và mới hiểu tâm trạng bức xúc của đại gia đình này với bản án đã dành cho Lê Văn Luyện (dù theo quy định của pháp luật thì đã là kịch khung hình phạt). Vì thế, khi Luyện và các bị cáo bước vào phòng xử án. Người thân trong gia đình bị hại lập tức đổ xô vào liên tục đòi phải xử tử Luyện cũng là điều dễ hiểu, vì đứa cháu bé bỏng tội nghiệp của họ dù sống sót nhưng giờ đây vẫn đang phải chịu đau đớn cả thể xác và tinh thần trong khi kẻ sát nhân thì vẫn mang vẻ mặt lạnh lùng đứng trước mặt họ.

Gia đình bị hại mang theo di ảnh nạn nhân tới tòa.

2 - Cách tiệm vàng Ngọc Bích khoảng hơn 2km, ngôi nhà của gia đình Lê Văn Luyện nằm đối diện UBND xã Thanh Lâm (huyện Lục Nam) vẫn cửa đóng then cài. Những người hàng xóm gần nhà Luyện cho biết, từ nhiều tháng nay không nhìn thấy mẹ và 2 đứa em của Luyện.

Cách đó không xa, ngôi nhà ông bà nội của Lê Văn Luyện là Lê Văn Ngà và Trương Thị Nhủng nằm khép mình gần cuối thôn Sơn Đình. Ba gian nhà cấp 4 cũ kỹ, lụp xụp tối tăm. Lúc tôi đến chỉ có bà Trương Thị Nhủng ở nhà đang còng lưng nặng nhọc kéo lê thùng nước vào gần cửa bếp để nấu cơm vì ông Ngà đang phải đi bệnh viện điều trị.

Nghe hỏi chuyện thằng Luyện, bà bảo từ ngày thằng Luyện gây nên tội ác tày trời, cả hai ông bà chưa một lần lên gặp mấy bố con, anh em nó trên trại tạm giam, cũng chẳng biết chúng nó thế nào. Ông bà cũng thấy tủi nhục với hàng xóm láng giềng, chẳng dám thò mặt ra khỏi cổng. Ông bà cũng không dám tới nhà các nạn nhân để nói xin tha tội, một phần vì sợ và phần nhiều là cả hai ông bà đều biết rằng, tội ác mà đứa cháu bất hiếu đã gây nên cho gia đình họ quá lớn, không thể chuộc hết được.

Hỏi mẹ và hai đứa em Luyện đang ở đâu, bà Nhủng bảo mấy tháng rồi không gặp, chẳng biết mẹ con nó dắt nhau đi đâu. "Từ khi công an phát hiện vàng của thằng Luyện giấu ở nhà, nó ôm đứa con út biến đi mất tăm, chẳng gọi điện thoại về nhà cho tôi biết lấy một câu. Nhà tôi bây giờ tan nát hết rồi".

Bố con Lê Văn Luyện trước vành móng ngựa.

Tôi nhìn quanh căn nhà lụp xụp, ngoài cái tivi màu và mấy bao thóc là giá trị, còn cái gì cũng cũ kỹ, nhem nhuốc. Ông bà có 6 người con thì chỉ có Lê Văn Miên (bố Luyện) là con trai, mấy người con gái cũng đều nghèo túng cả...

Vụ án rồi sẽ phải kết thúc bằng một bản án, nhưng gia đình anh Ngọc, chị Chín và nhất là cháu Bích sẽ chẳng bao giờ nguôi được nỗi đau mất mát. Những ám ảnh khủng khiếp sẽ còn theo cháu Bích suốt cuộc đời.

Lê Văn Luyện sẽ phải đền tội (dù rằng bản án không làm thỏa mãn gia đình nạn nhân), nhưng còn những người không phải đứng trước vành móng ngựa như ông bà, như mẹ và em Luyện giờ đây cũng đang phải chịu cái án ghẻ lạnh của người đời.

Sau vụ án này, vẫn còn quá nhiều người đã và sẽ còn phải chịu những nỗi đau

Nguyễn Thiêm
.
.
.