Vụ đánh bạc nghìn tỷ vừa bị triệt phá: Cám dỗ của Esports

Thứ Hai, 17/02/2020, 21:16
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển vượt bậc của Công nghệ thông tin cũng như ngành Công nghiệp giải trí - chơi game đã trở thành một môn thể thao được công nhận - thể thao điện tử (tiếng Anh gọi là Esports). Thậm chí, xuất hiện nhiều game thủ “hái ra tiền” chỉ bằng việc chơi game và livestream (phát trực tuyến) trên mạng Internet.

Song, nếu thiếu đi tài năng và bản lĩnh, esports dễ khiến cho game thủ gặp phải những cái kết đắng chát.

1. Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy vừa công bố kết quả điều tra vụ án đánh bạc ngàn tỷ tại Hà Nội, thông qua một số môn thể thao điện tử. Đã có 56 đối tượng bị Cơ quan công an khởi tố về các hành vi “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”. Trong số này có không ít đối tượng là những thanh niên trẻ, từng là những game thủ hoặc bình luận viên sừng sỏ trong Game “Đế chế” (Age of Empires - viết tắt là AOE).

Tài liệu điều tra ban đầu của Cơ quan công an cho thấy đối tượng cầm đầu đường dây này là Phí Văn Huấn (SN 1981, trú tại tòa nhà Mandarin, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Để che giấu cho việc điều hành đường dây đánh bạc, Huấn thành lập Công ty cổ phần EGOLD Việt Nam (có website là Playonline.win). Dưới trướng của Huấn có các nhóm kỹ thuật, quản lý (gồm 16 đối tượng) và phụ trách các đại lý để đổi tiền ảo cho các game thủ trên cả nước đánh bạc trên trang web Powgs.com. Các đại lý cấp 1 có 13 đối tượng, đại lý cấp 2 có 2 đối tượng.

Nhóm đại lý có nhiệm vụ đổi tiền Việt Nam sang tiền riêng được quy ước là “GOLD”, để các đối tượng đánh bạc chuyển vào tài khoản và dùng để đặt cược. Con bạc muốn tham gia đánh bạc sẽ đăng ký tài khoản và phải mua tiền ảo GOLD thông qua các đại lý của hệ thống trang web POWGS.com. Tỷ lệ tiền thật - ảo là 100-121 (nghĩa là với mỗi 100 nghìn đồng tiền thật thì mua được 121 nghìn tiền ảo - GOLD). Còn nếu con bạc muốn bán lại tiền ảo GOLD cho đại lý thì cứ 123 nghìn tiền ảo GOLD sẽ mua được 100 nghìn đồng tiền thật.

Huấn cũng quy định, các đại lý không được tùy tiện mua tiền ảo GOLD mà phải thông qua Huấn, sau đó Huấn sẽ yêu cầu “quản lý viên” Trần Ngọc Anh chuyển tiền ảo GOLD cho đại lý. Còn tiền mặt thì các đại lý sẽ chuyển lại cho Huấn.

Các đối tượng trong đường dây đánh bạc được đưa về trụ sở Công an.

Trang web POWGS.com cũng do Huấn quản lý có các hình thức đặt cược thông qua các trò chơi điện tử như:  Bóng đá có “Trận cầu vàng”, “Siêu sao bóng đá” là các trận bóng điện tử được giả lập như các đội thi đấu trong Word Cup, có thời gian từ 3 đến 5 phút, có kết quả thắng thua. Người chơi đặt cược cho chủ nhà hoặc các khách chơi tự cá cược ăn thua với nhau.

Còn ở trò “Đế chế”, các con bạc có thể lựa chọn ăn thua ở các trò chơi như: Game show “quân tuyển - không tuyển”, đào vàng “cung - chém”, game show “đạp - không đạp”. Trong game “Đế chế”, có 16 đội quân trong đó có chia ra 8 đội quân tuyển - 8 đội không tuyển, hoặc 8 đội quân ngựa cung - 8 đội quân ngựa chém hoặc 8 đội quân ngựa đạp đôi - 8 đội quân không đạp.

Khi kỹ thuật viên mở 7 loại quân thì loại quân nào đạt từ 4/7 trở lên thì thắng, thời gian mỗi lượt mở từ 3 phút đến 5 phút cho người chơi đặt cược thắng thua. Các kỹ thuật viên, bình luận viên tạo bàn cho con bạc cá cược trực tiếp với hệ thống hoặc con bạc có thể tự tạo bàn để đặt cược với nhau trong web POWGS.com.

Mỗi ngày sẽ có nhiều khung giờ cho các con bạc vào cá cược, mỗi khung giờ sẽ có nhiều lượt chơi. Mỗi lượt chơi sẽ có những kỹ thuật viên đứng ra để quản lý lượt chơi đó. Khi mỗi lượt chơi được mở, các con bạc sẽ vào bàn và bắt đầu đặt cược số tiền mình muốn cá cược, các kỹ thuật viên có nhiệm vụ phát trực tiếp và chọn các hình thức cá cược. Có 5 loại hình thức cá cược nêu trên, khi người chơi thắng sẽ được gấp đôi số lượng tiền ảo GOLD, còn hệ thống sẽ cắt của người thắng từ 1% đến 1,5% số tiền thắng cược.

Cơ quan điều tra đã làm rõ số lượng tài khoản các con bạc đăng ký trên hệ thống là hơn 350 ngàn tài khoản. Trong đó chỉ tính riêng trong 2 tháng (từ tháng 7-2019 đến tháng 9-2019) tổng số giao dịch đánh bạc lên tới gần 1.200 tỷ tiền ảo GOLD, tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng tiền thật. Số lượng tiền ảo các đại lý bán ra cho các con bạc trong 2 tháng là hơn 239 tỷ GOLD, tương đương hơn 194 tỷ đồng và hiện số lượng tiền ảo còn lưu giữ trong hệ thống có hơn 13 tỷ GOLD, tương đương 10,5 tỷ đồng.

Một cảnh đối kháng trong game “Đế chế” – AOE.

Tiến hành khám xét khẩn cấp tại 4 địa điểm liên quan tới các hoạt động đánh bạc và chỗ ở của các đại lý trong đường dây tổ chức đánh bạc, Cơ quan công an thu giữ 1 ô tô Land Cruiser V8 mang biển kiểm soát 36A-442.75, 80 chiếc điện thoại di động các loại, 2 két sắt, 19 thẻ ATM, 37 case máy tính, 47 màn hình máy tính, gần 800 triệu đồng, 12 sổ tiết kiệm mang tên Huấn với giá trị gần 70 tỷ đồng.

Sau nhiều tháng điều tra tích cực, khẩn trương, cho đến thời điểm này, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã làm rõ toàn bộ hành vi, phương thức thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây, hoàn thành hồ sơ khởi tố bị can đối với 56 đối tượng.

2. Với các game thủ cũng như người hâm mộ của game “Đế chế” thì ngày 27-9-2019 là một ngày “kỳ lạ”. Bởi thời điểm đó, Vòng chung kết giải AOE Việt Nam - Trung Quốc đang đi vào những trận đánh căng thẳng nhất, hấp dẫn nhất thì bất ngờ bị hoãn vô thời hạn. Nói không quá thì giải đấu đã bị “toang” do sự vắng mặt “đột xuất” của một số game thủ sừng sỏ - là ứng cử viên cho chức vô địch một số thể loại.

Cũng xin được mở ngoặc ở đây một chút, game “Đế chế” - một thể loại game chiến thuật được Công ty Microsoft phát triển từ năm 1997 - hiện vẫn đang được rất nhiều thanh thiếu niên (cũng như trung niên) quan tâm. Nhiều game thủ 9x với tài năng của mình vẫn đang “làm mưa làm gió” trên mạng và trong các giải đấu. Đặc biệt, họ còn trở thành các Facebook Gaming Creator (người sản xuất nội dung game trên facebook) được Facebook rất cưng chiều, trả tiền cho họ chơi game.

Điển hình là game thủ Nguyễn Đức Bình (với nickname là chimsedinang). Mỗi khi game thủ này phát các clip chơi game trực tiếp là sẽ có hàng vạn người xem, rồi “tặng sao”, thậm chí sau đó họ sẽ trở thành người ủng hộ cho game thủ này. Và điều ít ai ngờ tới là chỉ riêng việc chơi game như vậy đã mang lại khá nhiều tiền cho game thủ trẻ tuổi.

Được biết, Bình làm quen với game “Đế chế” từ khi là học sinh trung học cơ sở. Thời điểm những năm 2011-2012, Bình bắt đầu nổi danh trong giới game bằng lối đánh thông minh, kỹ năng vượt trội và trở thành một trong những game thủ hàng đầu trong giới chơi game “Đế chế” lúc bấy giờ. Số lượng chức vô địch mà Bình đã gặt hái trong khoảng 8 năm chơi “Đế chế” có lẽ phải lên đến con số hơn 30. Cùng với đó là số tiền thưởng “khủng” mà game thủ này nhận về cũng như được người hâm mộ ủng hộ.

Bình hiện đang đầu quân cho một team “Đế chế” là Sparta và hưởng lương theo tháng. Song, có lẽ thu nhập “đều đặn” nhất của Bình trong thời gian vài năm trở lại đây chính là việc phát các video chơi game online. Kỷ lục livestream của game thủ này có lần lên tới hơn 3 vạn người xem trực tiếp. Trong khi xem, khán giả có thể nhặt sao rơi để ủng hộ game thủ. Cứ mỗi sao nhận được, streamer sẽ được trả 0,01USD.

Một số tang vật cơ quan Công an thu giữ.

Tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, có nhiều doanh nghiệp trả tiền cho Bình chơi, xen lẫn giữa các trận đấu là quảng cáo từ thuốc tăng lực cho đến trà giảm cân. Và theo một số đại lý bán quảng cáo, thu nhập của game thủ này không dưới 200 triệu đồng mỗi tháng chỉ bằng việc chơi game. Quả là con số mơ ước đối với không ít game thủ cũng như giới streamer nói chung. Cũng vì thế mà hiện đang có hàng ngàn thanh thiếu niên ngày đêm “cày cuốc” trên bàn phím mong có một ngày gặt hái được những thành công như chimsedinang.

Trở lại giải đấu AOE Việt - Trung bị hoãn vô thời hạn mà chúng tôi đã đề cập ở trên, khi mà trận chung kết giữa game thủ chimsedinang và đối thủ của anh là H.A. chuẩn bị diễn ra thì giới mộ điệu bất ngờ khi thấy H.A. không đến và bị xử thua. Song, cũng trong ngày hôm đó, tất cả game thủ khác cũng đồng loạt “biến” khỏi địa điểm thi đấu.

H.A. (quê gốc ở tỉnh Thái Bình) vốn là một game thủ sừng sỏ, với trình độ ngang ngửa với chimsedinang. H.A. cũng là một Facebook Gaming Creator với số lượng fan đông đảo. Tuy nhiên vào ngày 27-9-2019, một số bức ảnh được đăng tải trên mạng Internet cho thấy H.A. đã được triệu tập lên Cơ quan công an. Được biết, game thủ này có ít nhiều dính líu với đường dây đánh bạc do đối tượng Huấn cầm đầu. Tuy nhiên, do chưa tới mức phải xử lý hình sự nên khoảng tháng 1-2020, H.A. đã tiếp tục quay lại con đường game thủ chuyên nghiệp của mình.

Song, với “ông trùm” Phí Văn Huấn thì lại không được may mắn như vậy. Là đồng hương với H.A. và thuộc hàng game thủ kỳ cựu, Huấn từng là một game thủ sừng sỏ với sở trường đánh cung R (ngựa bắn tên) của quân “Shang”. Sau đó anh ta thành lập công ty chuyên về mảng công nghệ thông tin, đồng thời cũng trở thành “ông bầu” nổi tiếng trong giới AOE Việt.

Có thời điểm “ông bầu” Huấn được những người chơi “Đế chế” rất ngưỡng mộ. Huấn chính là người phát triển “team” “Đế chế” ở Thái Bình, rồi đến team “liên quân Pow” và nhiều team và cá nhân khác. Huấn còn được hâm mộ hơn về sự thân thiết, nhiệt tình lúc nào cũng coi những game thủ như “anh em trong nhà”.

Ông trùm đường dây đánh bạc ngàn tỷ Phí Văn Huấn (ảnh trái) và quản lý viên website cho Huấn - Trần Ngọc Anh.

Trong nhiều năm, tại các hoạt động lớn nhỏ của AOE tại Việt Nam đều có mặt Huấn. Huấn từng khiến nhiều game thủ phải “mắt tròn mắt dẹt” khi đặt chân đến các quán game bằng chiếc siêu xe có giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng, dùng điện thoại di động Vertu giá vài trăm triệu đồng. Thậm chí, nhiều game thủ còn khẳng định Huấn là người đàn ông quyền lực nhất của làng AOE Việt Nam.

Song chẳng ai ngờ đằng sau sự hào nhoáng, nhiệt tình, đằng sau những khoản tài chính lớn đầu tư cho “sự nghiệp” phát triển game đó là hoạt động phi pháp. Huấn lại là kẻ điều hành đường dây cá độ, bánh bạc qua game núp bóng dưới một công ty do Huấn điều hành.

Và Huấn cũng kéo theo không chỉ H.A. mà còn hàng loạt game thủ khác vào “mạng lưới” của anh ta, như Trần Ngọc Anh, Lê Thanh Tùng, T.A... để rồi họ phải ngồi chung con thuyền của anh ta, là bị khởi tố về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc. Có những bình luận viên, từng là game thủ như T.A. - vì mê game mà chấp nhận mức lương bèo bọt - cuối cùng cũng bị rủ rê tham gia vào đường dây của Huấn. Đây có lẽ là bài học đau xót cho những game thủ không giữ được bản lĩnh.

M.Tiến - M.Trí
.
.
.