Trần Phương Bình đã câu kết chiếm đoạt tiền ngân hàng như thế nào?

Thứ Hai, 26/11/2018, 15:55
Theo kế hoạch, từ ngày 27-11 đến ngày 25-12-2018, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (viết tắt DAB).

Có 26 bị cáo bị đưa ra xét xử, đứng đầu là ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị) và Nguyễn Thị Kim Xuyến (60 tuổi, nguyên Phó Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị). Cùng bị xét xử còn có Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm”, 43 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Ông Trần Phương Bình.

Dùng tiền của DAB mua cổ phần DAB

DAB thành lập năm 1992, đến nay đã có 39 thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hiện tại, DAB có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, trong đó nhóm gia đình Trần Phương Bình chiếm 10,24% cổ phần, nhóm PNJ chiếm 7,7%, nhóm Công ty Bắc Nam 79 chiếm 12,73%, Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh chiếm 12,79% cổ phần.

Qua thanh tra, cơ quan thanh tra Nhà nước đã phát hiện tổng dư nợ tại DAB là 20.233 tỷ đồng, tập trung chủ yếu có 9 nhóm khách hàng với tổng dư nợ là 19.414 tỷ đồng. Có 7.960 tỷ đồng là nợ khó thu hồi và hơn 5.600 tỷ đồng là nợ không có khả năng thu hồi.

Vì lý do này, ngày 13-8-2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định kiểm soát đặc biệt DAB. Theo yêu cầu của Ban Kiểm soát đặc biệt NHNN, DAB đã phải tiến hành kiểm tra kho quỹ trên hệ thống. Phát hiện kho Hội sở thiếu hụt 2.089 tỷ đồng và 62.154 lượng vàng, kho quỹ Sở Giao dịch thiếu hụt 416 tỷ đồng.

Ngày 9-12-2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra. Đến nay xác định, trong quá trình điều hành DAB, Trần Phương Bình đã lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái Luật Kế toán, Luật Các tổ chức tín dụng và Điều lệ ngân hàng... cùng các nhân viên trong DAB và những người liên quan thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho DAB. Đó là nguyên nhân dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm 31-12-2015 là rất xấu, tiếp tục là đối tượng phải kiểm soát đặc biệt.

Từ năm 2007 đến năm 2014, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến và các nhân viên thực hiện 9 hành vi phạm tội trong việc lập phiếu thu tiền khống đứng tên Trần Phương Bình và người thân để mua cổ phần của chính DAB. Để bù đắp số tiền thu khống, Bình chỉ đạo xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán số tiền mua cổ phần. Trần Phương Bình đã chiếm đoạt của DAB 1.160 tỷ đồng trong việc mua 74.279.236 cổ phần của chính DAB.

Nguyễn Thị Kim Xuyến - Phó Tổng Giám đốc Đông Á Bank (người ngồi, bên trái).

Liên minh “ma quỷ”

DAB thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ. Năm 2013, Trần Phương Bình chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng để thu hút vốn đầu tư nhằm xử ký khó khăn tại DAB.

Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ bàn bạc và thống nhất: Vũ mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014. Mục đích chính là để Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB. Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng vay 400 tỷ đồng của DAB. 200 tỷ đồng còn lại, Bình chỉ đạo nhân viên xuất quỹ cho Vũ và Vũ ký khống chứng từ nộp tiền.

Tăng vốn điều lệ không thành công, DAB phải chuyển trả tiền cho các tổ chức, cá nhân đăng ký mua, trong đó có chuyển trả cho Công ty Bắc Nam 79, trả đủ 600 tỷ đồng và hơn 9 tỷ đồng tiền lãi. Sau đó, Bình và Vũ thống nhất: Bình bán 50 triệu cổ phần DAB của 4 cổ đông hiện hữu cho Công ty cổ phần Bắc Nam 79 với giá 500 tỷ đồng. Công ty Bắc Nam 79 và Vũ đã thanh toán đủ số tiền mua 50 triệu cổ phần DAB. Trong đó, có 400 tỷ đồng Vũ vay từ chính DAB, 100 tỷ đồng có nguồn gốc từ 200 tỷ đồng thu khống cũng từ DAB cho Công ty Bắc Nam 79.

Biết DAB sẽ bị kiểm soát đặc biệt, 13,6 triệu cổ phần đứng tên công ty vốn An Bình sẽ bị cấm chuyển nhượng, ngày 11-8-2015, Bình bán toàn bộ cổ phần trên cho Vũ với giá 136 tỷ đồng. Vũ chỉ mới thanh toán cho Công ty vốn An Bình 46 tỷ đồng và vẫn còn nợ hơn 90,5 tỷ đồng. Tổng số tiền bán hơn 63 triệu cổ phần, Trần Phương Bình đã sử dụng 546 tỷ đồng mục đích cá nhân và trả nợ cho các khoản vay tại DAB.

Vũ “Nhôm” khai: tiền mua cổ phần có 400 tỷ đồng Vũ thế chấp 220 lô đất để vay DAB, 200 tỷ đồng còn lại Vũ chỉ ký chứng từ khống, không nộp tiền vào. Sau khi việc tăng vốn điều lệ không thành công, số tiền 600 tỷ đồng được DAB chuyển trả lại cho Công ty Bắc Nam 79, Vũ đã sử dụng 500 tỷ đồng mua lại... cổ phần của DAB. Còn lại 100 tỷ đồng, Vũ đã sử dụng cho hoạt động của Công ty Bắc Nam 79. Ngoài ra, hiện Vũ còn nợ Bình 90,5 tỷ đồng tiền mua cổ phần DAB của Công ty An Bình.

Phan Văn Anh Vũ.

Vũ “Nhôm” đã sử dụng 13,4 triệu đô la của DAB vào việc gì?

CQĐT còn thu được 5 tờ giấy viết tay của Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ Hội sở DAB) thể hiện các khoản thu - chi sai nguyên tắc gây thiệt hại cho DAB. Trong đó, từ ngày 11-10-2012 đến 12-3-2015, Hùng đã xuất quỹ chi 12 khoản tổng cộng 293 tỷ đổng để mua 13,9 triệu USD cho Trần Phương Bình. Sau đó, theo đề nghị của Phan Văn Anh Vũ, Bình đã chuyển 13,4 triệu USD cho Vũ, đến nay Vũ chưa trả lại. Bình không biết Vũ đã sử dụng số tiền trên vào việc gì.

Còn Vũ “Nhôm” khai nhận, số tiền trên Vũ vay cá nhân ông Bình đến nay chưa trả.

Tổng cộng, Trần Phương Bình, Phan Văn Anh Vũ và 2 đồng phạm khác bị cáo buộc đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt số tiền rất lớn của DAB. Ngoài ra, Trần Phương Bình còn có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại cho DAB cũng hết sức nghiêm trọng. Tháng 7-2014, Bình đồng ý cho Lê Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Không gian ngầm) vay tiền thông qua hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán trên 10 triệu cổ phần của Công ty Không gian ngầm.

Bình đã nhờ Vũ “Nhôm” sử dụng Công ty Bắc Nam 79 ký hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán số cổ phần trên của Công ty Không gian ngầm, thanh toán tiền mua cổ phần vào tài khoản của Lê Tuấn tại DAB. Để có tiền chuyển cho Lê Tuấn, ngày 17-7-2014, Bình chỉ đạo cho cấp dưới lập chứng từ thu khống 31,2 tỷ đồng của Nguyễn Minh Thái (cháu rể Trương Quốc Phục, chồng bị can Nguyễn Thị Kim Xuyến) để chuyển vào tài khoản của Lê Tuấn.

Bình lại tiếp tục chỉ đạo Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Đức Vinh xuất quỹ chi sai nguyên tắc 31,2 tỷ đồng để Bình trả cho Tuấn. Cuối ngày, Nguyễn Đức Vinh chỉ đạo Đỗ Thanh Hùng tiếp nhận điều chuyển số tiền đã thu khống từ DAB Sở Giao dịch về Phòng Ngân quỹ Hội sở để Hội sở chịu âm quỹ số tiền này.

Bình cũng đã chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến và các cán bộ cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 467 tỷ đồng cho 219 đơn vị kinh doanh để chi lãi ngoài huy động vốn; thiệt hại cho DAB hàng trăm tỷ đồng trong việc kinh doanh ngoại hối với Ngân hàng UOB Singapore; thiệt hại 48 tỷ đồng trong việc kinh doanh ngoại hối với Ngân hàng Banca Adamas Thụy Sỹ...

Kinh doanh vàng sai quy định gây thiệt hại rất nghiêm trọng

Đầu năm 2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/TT-NHNN về việc cấm các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vàng ở nước ngoài, đồng thời yêu cầu đóng và tất toán số dư tài khoản đã mở để kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài trước ngày 30-3-2010. Tuy nhiên, từ ngày 20-9-2010 đến 13-12-2011, DAB vẫn hoạt động kinh doanh xuất khẩu vàng, kinh doanh vàng.

Việc kinh doanh vàng tài khoản, Trần Phương Bình giao cho Nguyễn Thị Kim Loan (nguyên Trưởng Phòng kinh doanh Hội sở DAB) chịu trách nhiệm thực hiện, theo dõi quản lý. Để “lách luật”, các cá nhân có trách nhiệm ở DAB tìm ra kẽ hở: xuất khẩu vàng miếng của DAB đã hết hạn mức cho phép của NHNN, trong khi Nghị định số 174/1999 được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 63/2003 của Chính phủ cho phép tổ chức, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh vàng được xuất khẩu vàng trang sức.

Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Loan đã liên hệ với Công ty TNHH Tân Vạn Hưng rằng DAB sẽ xuất vàng miếng ra khỏi kho chuyển đến doanh nghiệp này để mở tờ khai hải quan xuất khẩu qua cửa khẩu hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho đối tác nước ngoài. Tài khoản thanh toán tiền xuất khẩu vàng được chỉ định là của Công ty Tân Vạn Hưng mở tại DAB.

Trong khoảng thời gian nói trên, DAB đã dùng pháp nhân Công ty Tân Vạn Hưng mở 6 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất xuất khẩu tổng cộng 29.858 lượng vàng SJC dưới dạng trang sức, trị giá 51,6 triệu USD cho đối tác là Công ty INTL (Mỹ). Thế nhưng, tài khoản chỉ định thanh toán tiền nêu trên chỉ được đối tác nhập khẩu vàng là Công ty INTL (Mỹ) thanh toán 22,7 triệu USD, còn 28,9 triệu USD (tương đương 611 tỷ đồng) không được thanh toán.

Làm việc với CQĐT, Trần Phương Bình khai, lý do không được đối tác nước ngoài thanh toán số tiền còn lại là do DAB sử dụng tài khoản Công ty Tân Vạn Hưng mở tại Công ty INTL (Mỹ) để giao dịch, kinh doanh vàng tài khoản. DAB còn sử dụng tiền xuất khẩu vàng đứng tên Công ty Tân Vạn Hưng xuất khẩu để ký quỹ, cắt lỗ kinh doanh vàng tài khoản với đối tác. Đây là lý do các lô hàng đã xuất khẩu không được đối tác thanh toán đầy đủ tiền xuất khẩu.

Trong khi đó, Nguyễn Đức Vinh, Đỗ Thanh Hùng và Lê Kiên Giang - các bị can khác trong vụ án - khai: thực hiện chỉ đạo của Bình, Xuyến và Loan, ngân quỹ DAB phải thực hiện việc xuất vàng miếng ra khỏi kho quỹ không có chứng từ hoặc có chứng từ dưới dạng bán vàng, thu tiền nhưng thực chất chỉ có việc xuất vàng, không có việc thu tiền của Công ty Tân Vạn Hưng.

Khi đối tác nước ngoài thanh toán tiền xuất khẩu vàng vào tài khoản của Công ty Tân Vạn Hưng mở tại DAB, Phòng Kinh doanh lập các chứng từ mua lại số USD này, trả tiền VND cho Tân Vạn Hưng nhưng thực chất không phải trả vì vàng xuất khẩu là của DAB mượn tên doanh nghiệp trên để xuất khẩu. Các lô vàng nêu trên chứng từ xuất vàng là thật nhưng chứng từ thu tiền là khống.

Công ty Tân Vạn Hưng đã ngừng hoạt động từ khi ông Huỳnh Bá Thành (Giám đốc Công ty) qua đời. Người liên quan đến việc này là Dương Thị Hạnh (nguyên kế toán Công ty Tân Vạn Hưng và doanh nghiệp Kim Hiền) khai: biết toàn bộ số vàng đứng tên Công ty Tân Vạn Hưng và doanh nghiệp Kim Hiền mở tờ khai hải quan để xuất khẩu vàng cho các đối tác nước ngoài thực chất là vàng của DAB xuất khẩu.

Qua theo dõi tài khoản thanh toán, bà Hạnh phát hiện được 3 lô hàng đã được xuất khẩu nhưng không được đối tác nước ngoài thanh toán tiền vào năm 2011, trị giá hơn 20 triệu USD. Ngoài ra, trong năm 2010, còn nhiều lô hàng khác nữa cũng không được thanh toán. Lý do là DAB đã sử dụng tiền xuất khẩu vàng để kinh doanh vàng tài khoản và bị thua lỗ, phải bù trừ.

A.Huy
.
.
.