Vụ "chị chồng sát hại em dâu": Tội lỗi được rộng lòng tha thứ

Thứ Ba, 16/12/2014, 14:35
Trong suốt quá trình điều tra đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, cơ quan pháp luật không tìm thấy bất cứ một mối tư thù nào giữa bị cáo và người bị hại. Vậy mà, người phụ nữ mang dáng vẻ chất phác đứng trước vành móng ngựa trong phiên tòa gây sự chú ý của dư luận tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cuối tuần qua đã cả gan hai lần tưới hết dầu rồi đến xăng để đốt nhà chồng, quyết sát hại em dâu đến cùng. Chỉ có một lời biện hộ duy nhất của bị cáo cho động cơ giết người là "muốn em dâu chết cùng mình để xuống âm phủ cho vui" (?!)

Thoát chết là nhờ may mắn hay nói như lời luận tội của vị đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa: "bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo", vậy mà người em dâu - chị  Lê Thị Thúy Mai - trước Tòa vẫn một mực xin cho bị cáo được xét xử với mức án thấp nhất và không yêu cầu bất kỳ một khoản bồi thường nào cả về vật chất và tinh thần.

Một phiên tòa ngỡ sẽ căng thẳng nhưng trái lại, chỉ có nước mắt sám hối và sự rộng lòng tha thứ…

1. Nguyễn Thị Mai Trang và chị Lê Thị Thúy Mai cùng tuổi Dần, sinh năm 1974 và cùng làm dâu trong một nhà. Chồng Trang và chồng chị Mai là một cặp sinh đôi. Trang lấy người anh còn chị Mai lấy người em. Trang đã có hai con trai, cháu lớn học cấp 3 và cháu nhỏ học cấp 2. Hai cặp vợ chồng ở chung trong căn nhà nhỏ tại ngõ 23 Thụy Khuê, Hà Nội. Nhà chật, người đông, không tránh khỏi những va chạm nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày. Nhưng bấy nhiêu năm sống chung, hai gia đình không có tư thù gì. Các tài liệu điều tra và trước tòa Trang cũng thừa nhận điều ấy. Chị Mai cũng vậy. Trả lời câu hỏi của bà thẩm phán, rằng, hai chị em, hai gia đình có mâu thuẫn gì không, Trang nói không và thêm: "Chị Mai khá nhẹ nhàng, không bao giờ quát mắng hoặc có đối xử hung bạo gì với các con trong nhà".

Nguyễn Thị Mai Trang trước vành móng ngựa.

Ấy vậy mà ngày 3/5/2014, một sự việc bất ngờ xảy ra, kinh hoàng ngoài sức tưởng tượng của tất cả những người trong cuộc. Hôm ấy, cả nhà đi vắng, chỉ còn hai chị em. Đang ở dưới tầng 1 thì chị Mai thấy Trang gọi điện thoại bảo lên tầng 2 gấp vì Trang bị đau bụng. Tin là thật, chị Mai tất tả chạy lên. Nhưng khi chị vừa đặt tay vào đỡ Trang dậy thì lập tức bị Trang xịt xối xả gôm (một loại dung dịch hóa chất dùng để tạo kiểu tóc) vào mắt, vào mặt. Hốt hoảng không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cho dù mắt bị cay xè, chị Mai vẫn gắng sức dò dẫm chạy xuống tầng 1 để thoát thân. Nhưng lúc này cửa đã khóa. chị Mai kêu cứu và lần mò ra cổng đưa chùm chìa khóa cho một người hàng xóm để được giúp đỡ rồi chạy vội vào nhà vệ sinh rửa mắt.

Lúc này, Trang cầm búa đi theo phía sau. Thấy anh hàng xóm loay hoay mở cổng, Trang lập tức giằng lấy chùm chìa khóa.

Tiếp đến, Trang áp sát phía sau và dùng búa nện vào đầu cô em dâu nhiều nhát.

Thấy chị Mai phản kháng quyết liệt, Trang quay ra lấy can dầu nhớt đổ lên người chị Mai châm lửa đốt. Đang loay hoay bật lửa, Trang bị chị Mai hất văng ra ngoài rồi nhanh chóng chốt chặt cửa nhà vệ sinh lại.

Không làm gì được chị Mai, Trang lấy chai xăng nửa lít có ở trong nhà ra đổ vào phòng của vợ chồng chị Mai rồi châm lửa đốt. Sau đó, Trang lên phòng ngủ của mình rồi uống sạch số thuốc đã mua gồm 9 vỉ thuốc hạ huyết áp và 30 viên thuốc gây ngủ chống co giật để tự sát.

Biết Trang đã lên tầng 2, chị Mai chạy ra mở cổng để hàng xóm xông vào ứng cứu. Chị Mai và Trang đều được đưa tới bệnh viện cấp cứu kịp thời nên giữ được tính mạng.

2. Ra tòa, Trang vẫn béo tốt đẫy đà như khi bị bắt. Gương mặt vẫn chất phác đến rụt rè như thế. Trang khai nhận tội trơn tru, không quanh co, cũng không viện cớ này cớ nọ để chối tội như kịch bản thường thấy ở nhiều phiên tòa kiểu này. Động cơ gây án, trước sau Trang chỉ khai vì đã trót đánh bạc hết 10 cây vàng nên Trang suy sụp. Số vàng ấy là mồ hôi nước mắt của hai vợ chồng Trang dành dụm suốt nhiều năm trời mới có được nên Trang lo, nếu chồng cô biết chuyện sẽ đuổi cô ra khỏi nhà. Bởi vậy mà cô muốn chết. Trước ngày gây án, cô đã đi nhiều hiệu thuốc mua gom 9 vỉ thuốc hạ huyết áp và ra phố Hàng Chiếu mua 30 viên thuốc chống co giật về để tự tử. Nhưng, theo lời khai của Trang thì nếu chết một mình sẽ rất buồn. Bởi vậy, cô muốn sát hại luôn cả em dâu để xuống âm phủ có chị có em cho đỡ cô quạnh (!). Trước sau, Trang chỉ khai có vậy và không lẽ, tước đoạt một mạng người lại chỉ vì động cơ lãng xẹt vậy thôi sao?

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, mẹ ruột của Trang khẳng định từ nhỏ đến lớn, Trang chưa từng bao giờ phải vào viện điều trị về sức khỏe tâm thần. Trang hoàn toàn bình thường như tất cả những đứa con khác của bà. Anh trai của Trang cũng cho biết, Trang không có biểu hiện gì về tâm thần. Chỉ có một lần, do buồn chán, Trang đã định lao xuống hồ Trúc Bạch để tự tử nhưng đã được cứu thoát. Em dâu Trang - chị Mai - cũng cho biết trong nhiều năm sống cùng một nhà, chị thấy Trang không phải người nóng nảy. Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành ghi lời khai của nhiều người trong gia đình Trang, hàng xóm nơi Trang sinh sống, cơ quan y tế phường Thụy Khuê - tất cả đều cho thấy Trang hoàn toàn không có biểu hiện gì bất thường về sức khỏe tâm thần. Trong thời gian Trang bị tạm giam, các bị can cùng buồng giam với Trang cũng có báo cáo gửi Cơ quan điều tra khẳng định cô không có biểu hiện tâm thần.

Tại phiên tòa, trả lời câu hỏi của vị đại diện Viện Kiểm sát, rằng vì sao ở lần đốt thứ hai (đốt nhà), Trang không dùng bật lửa mà lại đi tìm diêm, Trang nói vì lúc đổ dầu lên người em dâu để đốt (lần đốt thứ nhất - PV) bật lửa không cháy. Viện Kiểm sát hỏi, khi đốt nhà, có biết chị Mai vẫn đang ở trong phòng vệ sinh không, Trang trả lời có biết. Viện Kiểm sát hỏi, vì sao thấy người hàng xóm đang loay hoay mở cửa nhà thì Trang lại giật lại chùm chìa khóa, Trang trả lời, nhằm để không ai vào cứu. Những câu trả lời của Trang, theo vị đại diện Viện Kiểm sát, cho thấy, Trang hoàn toàn tỉnh táo khi hành động và chị Mai không chết là ngoài ý muốn của cô.

Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng cho thấy, hai loại thuốc Trang uống để tự tử là Amlodipin và Phenolbarbita. Hiện tại Viện chưa tìm thấy tài liệu tra cứu các loại thuốc gây ảo giác có liên quan đến hai loại thuốc này.

Như vậy, hoàn toàn không có căn cứ để xác định Trang có biểu hiện bệnh tâm thần.

Trang, trước sau chỉ nhận, "sát hại em dâu để cùng chết cho vui" và "tôi cũng không hiểu sao tôi lại hành động như vậy".

3. Chị Mai không chết là ngoài ý muốn của Trang. Lỗi của Trang là lỗi cố ý trực tiếp, nếu xét trên bình diện pháp luật. Ngay cả vị luật sư, người bào chữa cho Trang ở phiên tòa sơ thẩm cũng thừa nhận điều ấy.

Chị Mai đến tòa, ngồi hàng ghế đầu tiên, gần Trang lắm. Cái ngày kinh hoàng khi bỗng dưng vô cớ bị người chị dâu tấn công bằng búa và thiêu cháy bằng dầu, bằng xăng, với chị, vẫn mãi mãi là nỗi ám ảnh. Nhưng chị không hận thù Trang. Trong suốt cả phiên xử, chị và gia đình không hề có bất cứ một biểu hiện gì bày tỏ sự căm phẫn với người đã từng quyết sát hại mình, cho dù chị hoàn toàn có quyền làm như vậy. Khi Trang được Hội đồng xét xử cho phép quay xuống phía dưới nói xin lỗi người bị hại thì tôi nhìn thấy cái nhìn bao dung nơi chị.

Trong quá trình điều tra và trong cả phiên tòa, khi được hỏi về yêu cầu bồi thường, chị lắc đầu nói không. Dù bị thương tích nhưng chị không yêu cầu bị cáo phải bồi thường bất cứ xu nào. Dù nhà bị Trang đốt cháy, tài sản bị thiêu rụi nhưng chị cũng không yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đây cũng chính là lý do giúp cho Trang thoát, không bị truy tố thêm tội "Cố ý hủy hoại tài sản" cùng với tội "Giết người". Trước sau, chị Mai chỉ xin Hội đồng xét xử cho Trang được hưởng mức án nhẹ nhất để "chị ấy sớm được trở về với gia đình, nuôi dạy các con". Ngay khi nghe chị Mai nói vậy, Trang òa khóc. Cô chắp hai bàn tay bị còng trước ngực, ngoái xuống nhìn người em dâu, hàm ơn. Nước mắt chảy tràn qua kẽ tay, dường như Trang định nói điều gì đó nhưng nghẹn ngào không thốt được nên lời. Tôi nhìn đôi bàn tay rất đẹp đang bị còng kia của cô và tiếc. Nghe nói, cô đã từng là một thợ may khéo tay và chăm chỉ. Hai đứa con trai cô, như cô từng trải lòng với báo chí khi bị bắt là học giỏi và rất ngoan. Bi kịch chỉ đến khi cô trót vướng vào lô đề. Trước tòa, chồng cô buồn rầu kể, năm 2005 Trang đã từng thua bạc 60 triệu đồng. Sau đó hai vợ chồng tích cóp mãi mới có được 10 cây vàng gửi bà ngoại giữ hộ nhưng rồi Trang cũng lấy cờ bạc hết. Mẹ Trang cũng nói, khi Trang lấy vàng, bà không biết là Trang vướng vào cờ bạc nên đã đưa.

Và, gia đình tan nát khi mà hai đứa con sẽ còn nhiều năm nữa phải chịu cảnh không có bàn tay chăm sóc của mẹ. 12 năm tù giam là bản án dành cho cô. Đó là mức án khởi điểm, mức án thấp nhất đối với tội giết người. Trong ân huệ mà người đàn bà tội lỗi như cô được hưởng, có một phần công lớn là nhờ sự bao dung của người bị hại, người em dâu mà cô từng vô cớ sát hại.

Phiên tòa kết thúc. Cô nhìn phía em dâu, chắp tay thêm một lần nữa, như tạ tội, như để hàm ơn. Cô gục đầu vào vai chồng, nức nở. Và, tôi tin, đó là sự sám hối chân thành khi mà tội lỗi đã được rộng lượng thứ tha.

Đặng Huyền
.
.
.