Tìm hướng giải quyết người nghiện ngoài cộng đồng

Thứ Bảy, 14/11/2020, 13:08
"Mọi chính sách pháp luật phải xuất phát từ lợi ích của số đông, lấy sự an nguy của cộng đồng xã hội làm tiêu chí. Với cách tiếp cận coi người nghiện ma túy là bệnh nhân, thay vì tội nhân, chúng ta dường như đã "vỡ trận" trong bài toán quản lý họ. Danh sách tội ác người nghiện gây ra với cộng đồng sẽ còn tiếp tục kéo dài, nếu không kịp thời siết chặt lại kỷ cương" - Trung tá Dương Văn Duẩn (Công an phường Phúc Lợi, quận Long Biên) đã nói như thế, khi chúng tôi tìm hiểu về những bất cập khó khăn ở cơ sở trong việc quản lý người nghiện trên địa bàn.

Đó cũng là sự trông đợi của dư luận trong Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi).

Hiểm họa cộng đồng

Hôm đó hai anh em tôi ngồi ở quán nước trước cổng Trung tâm y tế quận Long Biên chờ khách. Khoảng 8 giờ sáng, nhiều người mặt bủng, da chì, dáng vẻ dặt dẹo đi vào trụ sở. Thấy tôi chăm chú nhìn họ, Trung tá Duẩn ghé tai bảo nhỏ: "Người nghiện đến giờ uống thuốc". 

Được biết, ở quận Long Biên, việc tổ chức việc cai nghiện ma tuý tại cộng đồng khá hiệu quả với sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành chức năng cùng chính quyền cơ sở. Phương pháp sử dụng thuốc thay thế Methadone đã thu hút được nhiều người nghiện tham gia.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều địa phương khác, số người tự giác đi cai, hoặc chủ động thực hiện các biện pháp cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chiếm một tỷ lệ khiêm tốn so với số người nghiện trên thực tế. Theo thống kê của ngành chức năng, nếu như vào năm 2009, cả nước có hơn 146 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý, thì đến tháng 12/2019, toàn quốc đã có trên 235 nghìn người nghiện được thống kê. 

Trong số đó chỉ có khoảng 35 nghìn người đã hoặc đang được cai nghiện tại 95 trung tâm cai nghiện bắt buộc và 16 cơ sở cai nghiện tự nguyện, còn lại đang ở trong cộng đồng.  Và đây cũng là nỗi ám ảnh của người dân về tai họa có thể ập xuống bất ngờ trong đời sống.

Đại tá Nguyễn Hải Phong (Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết, tội phạm do số người nghiện đang sống tự do trong cộng đồng thường gây ra tựu chung ở 3 nhóm hành vi. Trước hết, sự tồn tại của người nghiện ngoài xã hội tác động trực tiếp đến thị trường ma tuý. Lĩnh vực này cũng tuân theo quy luật "cung - cầu", có "cầu" ắt có "cung". Người nghiện với nhu cầu sử dụng ma tuý hàng ngày của mình, sẽ kích thích, thúc đẩy hoạt động cung cấp ma tuý ra thị trường, nghĩa là sẽ làm gia tăng hoạt động sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý. 

Hung thủ sát hại nữ sinh Học viện Ngân hàng bị bắt giữ là đối tượng nghiện ma túy.

Nếu chỉ tập trung "đánh mạnh" vào nguồn cung, mà không có biện pháp triệt để làm giảm cầu, tức giảm số người nghiện ngoài xã hội, thì rất khó đạt được mục tiêu kiểm soát, bài trừ ma tuý ra khỏi đời sống xã hội. 

Vì nói theo cách của Karl Marx, nếu tỷ suất lợi nhuận lên tới 300% thì tự treo cổ mình lên, những kẻ hám lợi cũng sẵn sàng làm. Ngoài ra, để có tiền mua ma tuý sử dụng thì không cách nào "dễ" hơn với người nghiện là "mỡ nó rán nó", tức là tự biến mình thành "mắt xích" trong "chuỗi" các hoạt động từ khâu sản xuất, vận chuyển, mua bán tiêu thụ ma tuý ra thị trường. Kết quả triệt phá các băng nhóm, đường dây tội phạm ma tuý thời gian qua cho thấy đa số thủ phạm là những kẻ nghiện ngập.

Nhóm nguy cơ thứ 2 đến từ số người nghiện đang tự do ngoài cộng đồng, đó là những tội ác mà họ gây ra với xã hội. Hiện nay, xu hướng sử dụng các loại ma túy tổng hợp, ma túy đá, thuốc lắc (ecstasy), thay thế cho các loại ma túy truyền thống có nguồn gốc tự nhiên như thuốc phiện, heroin, cocain, cần sa… đang "lên ngôi", với khoảng 60 -70% số người sử dụng. 

Loại ma tuý này đặc biệt nguy hiểm, tác động trực tiếp lên não bộ con người, gây ra hội chứng "ảo giác", "ảo thị", "ảo thanh", "ám ảnh bị hại, bị giết", hoặc "nhìn thấy quái vật". Y học gọi đó là chứng "hoang tưởng loạn thần" với đặc tính là sự kích động về tâm lý, dẫn đến hàng loạt hành vi bất thường. 

Nhẹ thì khóc lóc vật vã, lảm nhảm, leo lên mái nhà, cột điện. Nặng thì vơ lấy những vật nguy hiểm để tấn công người khác hay tự sát. Bởi vậy mà đã xảy ra nhiều vụ con nghiện giết hại cha mẹ, anh em, người thân của mình hay hàng xóm láng giềng, người không quen biết… trong cơn "ngáo đá".

Sự khủng khiếp gây bất an trong cộng đồng còn đến từ việc người nghiện gây ra những vụ án cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản… kinh hoàng ở khắp các địa phương. Theo thống kê, có tới 75% người nghiện cả nước không có công ăn, việc làm. Để có tiền đáp ứng nhu cầu vật chất hàng ngày, nhất là tiền mua ma tuý sử dụng, thứ mà nhóm xã hội này hướng đến, đó là tài sản của người khác.

Điều Đại tá Phong phân tích đúng như những gì đã và đang xảy ra. Vụ án giết nữ sinh trường Học viện Ngân hàng xảy ra hôm 23/10 tại huyện Thường Tín để cướp tài sản, hay trước đó là vụ 5 kẻ nghiện ngập sát hại nữ sinh giao gà tại tỉnh Điện Biên từng gây rúng động... là những minh chứng cụ thể, rõ ràng nhất về sự nguy hiểm khi người nghiện "sống lẫn" với dân lành.

Phân tích về cơ chế hành vi phạm tội trong các vụ án này, Thượng tá Nguyễn Minh Hiển - (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện CSND) cho rằng các đối tượng gây án là người nghiện ma tuý, nên về nhân cách, đặc điểm tâm lý cá nhân đã chứa đựng sẵn những yếu tố lệch lạc, lệch chuẩn, tiêu cực, biểu hiện qua thái độ ích kỷ, độc ác, thói quen coi thường pháp luật, suy nghĩ và hành động một cách bản năng, hướng đến việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất thô thiển, luôn khát khao thèm muốn vật chất, luôn suy nghĩ bằng mọi cách phải có tiền để mua ma tuý sử dụng… Khi gặp phải tình huống thuận lợi (nạn nhân có tài sản, dễ tấn công, khống chế vì có một mình, trong điều kiện trời tối, vắng vẻ..), đã tác động trực tiếp đến họ, hình thành nên ý định phạm tội.

Bất cập trong chính sách

Chia sẻ với tôi về những vướng mắc ở cơ sở trong việc quản lý người nghiện, Trung tá Duẩn cho biết cái khó nhất hiện nay là các văn bản pháp luật quy định về vấn đề này đang "đá" nhau. Chẳng hạn, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định trong hồ sơ đưa người đi cai nghiện bắt buộc, phải có kết luận y tế về tình trạng nghiện của người đó. 

Tuy nhiên, để có kết quả này phải mất từ 3-5 ngày theo dõi (tuỳ theo loại ma tuý mà họ sử dụng), trong khi chính luật này không quy định về thẩm quyền, cách thức, địa điểm, kinh phí phục vụ tạm giữ người để theo dõi, làm xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện. Tiếp đến, luật này quy định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. 

Trên thực tế thì việc xác định nơi cư trú ổn định vô cùng khó khăn, tình trạng các địa phương áp dụng khác nhau rất phổ biến. Có nơi đến nhà kiểm tra 3 lần thấy vắng mặt thì kết luận là không nơi cư trú. Có nơi xác định việc người nghiện sang địa bàn xã, phường khác sử dụng ma túy thì coi là không có nơi cư trú.... 

Ma túy - tệ nạn nhức nhối của mọi cộng đồng.

Điều 131 luật này quy định giao cho tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định là không khả thi, bởi hiện nay không có tổ chức xã hội nào có đủ cơ sở vật chất, nhân sự để quản lý người nghiện. Rồi thì việc giao cho UBND cấp xã tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng cũng rất bất cập, dẫn đến việc triển khai mang tính hình thức, không hiệu quả, thậm chí nhiều nơi không thực hiện. Bởi vì ở cấp xã đâu có đủ điều kiện cơ sở vật chất, con người, trình độ… để triển khai.

Hiện nay đang tồn tại khoảng trống trong cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Khoản 1 Điều 96 luật này quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, nhưng không quy định về áp dụng biện pháp này đối với nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong khi đó tại Khoản 1, Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định: "Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ".

Tiếng nói từ cơ sở

Ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về "Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy" trong đó xác định "sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy…". Đó là chủ trương đúng đắn trong tình hình hiện nay. Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được trình Quốc hội thảo luận lần này gồm 8 chương, 69 điều, tăng 13 điều so với luật hiện hành.

Góp ý vào Dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi), Trung tá Dương Văn Duẩn cho rằng điều đầu tiên cần thay đổi đó là cách tiếp cận vấn đề người nghiện ma túy hiện nay. 

Theo ông việc coi người nghiện là bệnh nhân để áp dụng các biện pháp quản lý như thời gian qua tuy nhân văn, nhưng không thoả đáng, thiếu công bằng, đồng thời dẫn đến hệ quả là cộng đồng xã hội đã và đang phải gánh chịu những tai họa khủng khiếp do họ gây ra. Bởi lẽ họ không giống những bệnh nhân thông thường, mắc bệnh tật không mong muốn. Ở đây họ có lỗi trong việc tự đẩy mình vào tình trạng lệ thuộc vào chất gây nghiện, tự mình huỷ hoại tương lai của chính mình, reo rắc tai ương cho cộng đồng… 

Do đó, cần phải có cách tiếp cận khác. Với người mới nghiện ma túy thì có biện pháp giúp đỡ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Nhưng nếu tái nghiện lần đầu thì phải cưỡng chế cai nghiện bắt buộc tại trung tâm. Tái nghiện lần thứ hai thì cần phải coi là tội phạm, cần thiết phải cách ly ra khỏi xã hội, chứ không thể cứ chờ đến khi họ gây án mới coi là tội phạm.

"Tôi đề nghị cần phải "tái tội phạm hoá" hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, như đã từng quy định trước đây tại Điều 199 - Bộ luật hình sự năm 1999. Những chế tài hình sự nghiêm khắc có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất tốt đối với người nghiện, giúp họ vì sợ đi tù mà xa lánh thứ độc dược này. Đồng thời, đó là biện pháp đánh mạnh vào thị trường ma tuý, giảm cầu tất yếu dẫn đến giảm cung. Nhờ vậy mà mục tiêu kiểm soát, bài trừ ma tuý mới có thể thực hiện được. 

Bên cạnh đó, cần xem xét quy định chế tài xử lý đối với người nghiện, gia đình người nghiện không khai báo về tình trạng nghiện ma túy. Trong khi chưa sửa được luật hình sự, thì cần rà soát, loạt bỏ những chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản luật, dưới luật về công tác quản lý người nghiện, sao cho thủ tục đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được đơn giản hoá, dễ thực hiện. Việc cương quyết cưỡng chế cai nghiện bắt buộc như đã từng làm trước đây, thực chất là việc làm nhân đạo, giúp người nghiện có thể từ bỏ được ma tuý, làm lại cuộc đời. Đồng thời triệt tiêu đi những nguy cơ, mầm mống gây mất an ninh, trật tự tại các cộng đồng dân cư" - Trung tá Duẩn đề xuất.

Đào Trung Hiếu
.
.
.