Pháp mở lại hồ sơ vụ hormone tăng trưởng

Thứ Sáu, 22/10/2010, 10:25
Ngày 4/10 vừa qua, Tòa phúc thẩm Paris đã mở lại hồ sơ về hormone tăng trưởng đã gây ra cái chết thương tâm cho 10 thiếu niên mắc bệnh Creutzfeldt-Jacob (MCJ) - Chứng bệnh rối loạn não dẫn đến chết người.

Dù chỉ còn 2 bị cáo có thể phải chịu chế tài hình sự nhưng gia đình các nạn nhân mong đợi rất nhiều ở phiên tòa này. Trong phiên tòa sơ thẩm, tất cả các bị cáo đều được tha bổng.

Từ tháng 1 đến tháng 5/2008, tại tòa sơ thẩm Paris có 7 bác sĩ và điều dưỡng đã được  tuyên vô tội và tha bổng. Nhưng trong phiên tòa phúc thẩm lần này chỉ còn 2 bị cáo là Fernand Dray, 88 tuổi, cựu giám đốc một phòng thí nghiệm của Viện Pasteur; Elisabeth Mugnier, 61 tuổi, bác sĩ nhi khoa đã nghỉ hưu. Ba bị cáo khác chỉ bị xử lại về mặt dân sự.

Ngày 14/1/2009, sau 7 tháng nghiền ngẫm, tòa sơ thẩm đã tuyên xử 6 bị cáo vô tội. Phía công tố đã kháng án đối với Fernand Dray, Elisabeth Mugnier và Marc Mollet, Giám đốc Cơ quan Quản lý thuốc các bệnh viện (PCH). Nhưng sau đó ông này đã qua đời.

Cáo trạng đối với Fernand Dray và Elisabeth Mugnier vẫn như cũ: ngộ sát do "bất cẩn và cẩu thả" trong khi điều trị cho 1.698 trẻ em bằng hormone điều chế từ tuyến yên lấy trên người chết.

Do một số hormone đã bị hư hỏng nên nhiều trẻ em đã qua đời vì bệnh MCJ sau khi được điều trị. Hiện có 120 em bị thiệt mạng trong khi ở phiên tòa sơ thẩm chỉ thấy báo cáo là 115 em. Do sự ủ bệnh tới hơn 30 năm nên con số này có thể còn tăng thêm.

Theo bên nguyên, sự cẩu thả trải dài suốt quá trình sản xuất hormone. Phòng thí nghiệm France Hypophyse chỉ chú trọng đến hiệu suất và thu hoạch tuyến yên cả trên những thi thể đáng ngờ. Sau đó, Viện Pasteur trích lấy hormone mà không thực hiện các biện pháp thanh trùng cần thiết. Còn PCH không hề kiểm tra.

Cuộc tranh cãi trước phiên tòa sơ thẩm năm 2008 đã đưa ra một bức tranh chi tiết hơn, đặc biệt là kiến thức khoa học vào thời kỳ đó. Theo các quan tòa, qua tổng hợp các lời khai không thể chứng minh rằng: "từ năm 1980 các bác sĩ, nhà sinh học và dược sĩ tham gia vào quá trình sản xuất và phân phối hormone đã ý thức được rằng, các bệnh nhân được điều trị bằng hormone đó có nguy cơ nhiễm bệnh MCJ". Phán quyết này được đúc kết sau 16 năm điều tra đã khiến gia đình các nạn nhân sững sờ. Nhưng giờ đây họ lại tụ tập trên hàng ghế nguyên cáo để bảo vệ cho người thân và cho rằng "người ta không biết" là không thể chấp nhận được.

Phiên tòa này lại đưa người ta bước vào hậu trường mờ ám của công việc thu thập tuyến yên. Tuyến này nằm ở gốc não và từ đó người ta có thể trích ra một loại hormone để chữa chứng lùn. Vào năm 1988, sự tổng hợp thành công hormone này đã chấm dứt việc thu thập tuyến yên trong nhà xác. 

Năm 1992, François Lalande làm việc tại Sở Thanh tra xã hội đưa ra một báo cáo gây sửng sốt. Từ năm 1973 đến 1988, đã có khoảng 200.000 tuyến yên được thu thập, trong đó 135.000 là tại Pháp. Công việc này thường được thực hiện bởi các sinh viên mà không được kiểm tra và nhất là không cần biết đến nguyên nhân tử vong của người chết. Tuy nhiên một khuyến cáo của Giáo sư Montagnier từ năm 1980 đã nhấn mạnh rằng không nên dùng các thi thể có những bệnh lý rõ rệt để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh MCJ. Phòng thí nghiệm France Hypophyse đã ghi nhận khuyến cáo này. Thế nhưng, trên thực tế việc thu thập tuyến yên vẫn được thực hiện một cách cẩu thả tại các cơ sở mà bệnh tâm thần và thần kinh là rất nhiều.

Một ca phẫu thuật lấy tuyến yên.

Để dễ dàng đến được tuyến yên, người ta áp dụng "phương pháp Balouet", không cần khoan xương nhưng có nhược điểm chính là thu cả các mô não bị nhiễm prion truyền bệnh MCJ. Những mô tả đó cho thấy thi thể người chết được xem như những chiếc xe hơi cũ mà trong đó người ta có thể thu thập các bộ phận đang cần.

Nhưng có một câu hỏi được đặt ra: vào thập niên 80 thế kỷ trước, giới y học đã biết gì về bệnh MCJ? Có rất nhiều câu trả lời để quan tòa chọn lựa.

Bà Brugère-Picoux nhận định rằng, các bác sĩ nhi ở France Hypophyse không thể không biết đến nguy cơ tiềm ẩn của hormone trích từ tuyến yên. Nhưng Giáo sư Yves Agid ở Bệnh viện La Salpêtrìère phản bác: "Tôi thật ngạc nhiên, thậm chí bị sốc, vì nhận định của bà Brugère-Picoux. Bệnh MCJ là một bệnh rất hiếm. Đa số các bác sĩ thần kinh học còn chưa bao giờ nhìn thấy, huống hồ các bác sĩ nhi khoa. Có thể họ còn chưa biết đến cái tên bệnh nữa. Làm sao người ta có thể tưởng tượng được tuyến yên vốn không thuộc hệ thần kinh lại có thể truyền bệnh MCJ qua đường tiêm tĩnh mạch?".

Đối với khuyến cáo của Giáo sư Luc Montagnier vào năm 1980, Giáo sư Agid nói tiếp: "Giáo sư Montagnier đã viết rất ý thức nhưng chúng tôi không thể nghĩ đến điều đó. Hơn nữa giáo sư còn nhắc đến nhiều bệnh lý khác, chẳng hạn như xơ vữa mảng hay Parkinson. Trước năm 1985, chưa bao giờ tôi có ý nghĩ rằng hormone tăng trưởng có thể truyền bệnh cho trẻ em".

Về vai trò truyền bệnh của prion (được phát hiện vào năm 1982), Giáo sư Agid cho biết: "Năm 1982, Stanley Prusiner chỉ gợi ý về sự hiện hữu của prion. Hiện nay người ta vẫn chưa biết rõ về cơ chế của bệnh MCJ, cho dù rất nghi ngờ về vai trò của prion". Ông nhấn mạnh: Viện Pasteur và PCH là những cơ quan nhà nước nên không thể bị nghi ngờ.

Dù sao thì trong một phiên tòa, các nạn nhân vẫn tiếp tục bị chỉ trích. Phiên tòa phúc thẩm dự tính sẽ kết thúc vào ngày 24/11 tới đây

Minh Luân (theo Figaro Magazine)
.
.
.