Những vụ án đau lòng từ bẫy điện

Thứ Tư, 16/06/2021, 09:33
Thời gian gần đây trên địa bàn TP Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã xảy ra nhiều bi kịch với người nông dân khi những chiếc bẫy chuột đã trở thành bẫy người. Mới đây, vụ một người đàn ông U70 trú tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) bẫy điện tình địch song suýt chút nữa làm người tình tử vong.


Giăng điện bẫy người, bẫy chuột

Cuối tháng 5-2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quốc Oai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Đức Thịnh (SN 1956, trú tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai) về hành vi giết người.

Trước đó rạng sáng ngày 23-5-2021, chị Nguyễn Thị P. (SN 1983, trú tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) vừa mở cổng sắt trước nhà để đi chợ thì bị điện giật khiến chị hết sức bất ngờ. Bình tĩnh lại, chị P. đi vòng ra phía sau để kiểm tra cánh cổng thì phát hiện có một chiếc dây được dẫn từ đường điện dân sinh đấu vào dây xích cổng nhà của chị. Nghi có kẻ làm điều ám muội, chị P. trình báo Cơ quan công an.

Hiện trường vụ bẫy chuột gây chết người tại huyện Thường Tín, Hà Nội.

Công an huyện Quốc Oai đã tổ chức điều tra và phát hiện thủ phạm là ông Thịnh. Ông Thịnh khai trước đây ông ta và chị P. có quan hệ tình cảm, song gần đây chị P. có ý “giãn” ra. Đoán chị P. có người khác, Thịnh lên cơn ghen và đã tìm cách ngăn cản tình địch. Đối tượng đã cắt một sợi dây cáp viễn thông ở cổng nhà chị P. rồi một đầu đấu vào cổng, đầu kia buộc vào chiếc đinh đóng xuyên vào đường dây điện dân sinh, với tính toán nếu có ai quan hệ tình cảm với chị P. khi ra về sẽ bị điện giật.

Nhưng, đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc người dân dùng bẫy điện. Cuối tháng 4-2020, anh Nguyễn Văn Phượng (SN 1979, trú tại Đỗ Xá, Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) đang đi ở khu vực cánh đồng Chiều Đê trong thôn thì vướng vào hàng rào điện trần ngã lăn ra. Hàng rào điện trần này là do các anh Nguyễn Văn Sáng (SN 1976) và anh Hoàng Văn Khiêm (SN 1979, trú cùng thôn chăng tại khu vực ruộng lúa của mình để bảo vệ lúa. May mắn anh Phượng được người thân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 108 (Hà Nội) nên giữ được tính mạng.

Đau đớn nhất là trường hợp ông L.V.A (SN 1961, trú tại xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) bị tử vong khi dính bẫy điện của người hàng xóm. Chiều tối ngày 13-4-2021, ông A. ra ruộng lúa của gia đình tại cánh đồng Đông Xung Chéo, thôn Hà Vỹ, xã Lê Lợi để cắm lại mốc giới. Khi đi qua ruộng lúa của anh Lê Văn Hòe (SN 1970, cùng trú tại xã Lê Lợi) ông vướng vào dây thép và bị điện giật tử vong tại chỗ.

Được biết, trước đó do chuột liên tục cắn phá lúa, anh Hòe đã chăng dây thép trần quanh khoanh ruộng của mình, một đầu được nối với nguồn điện sinh hoạt.

Nỗi đau từ ruộng lúa

Thời gian qua, tại nhiều địa bàn nông thôn của các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ như Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên..., việc người dân dùng điện để diệt chuột diễn ra khá phổ biến. Mặc dù đã có rất nhiều vụ án thương tâm xảy ra, song không vì thế mà việc làm nguy hiểm này chấm dứt.

Thống kê từ cơ quan chức năng, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Hải Dương từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra 3 vụ sử dụng điện bẫy, diệt chuột khiến 3 người thiệt mạng.

Đối tượng Trần Văn Mạnh.

Điển hình, ngày 26-2, bà Nguyễn Thị L. (SN 1957, trú tại thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang) ra khu ruộng của gia đình tại cánh đồng Mũa (thuộc thôn 3, xã Vạn Phúc) để thăm lúa. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, một số người dân đi làm đồng phát hiện bà L. đã tử vong tại mép bờ ruộng nhà ông Trần Văn Mạnh (SN 1965, trú cùng thôn). Kết quả điều tra xác định nguyên nhân bà L. chết là do vướng bẫy điện diệt chuột tại ruộng lúa nhà ông Trần Văn Mạnh. Ông Mạnh khai sử dụng dòng điện 3 pha nối vào dây thép trần giăng quanh ruộng lúa để bẫy chuột. Sáng  26-2, ông Mạnh vẫn cắm điện vào dây thép này, đến khi phát hiện bà L. chết mới ngắt nguồn điện.

Chưa đầy 2 tháng sau, ông Nguyễn Duy Hạnh (SN 1970, trú tại thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang) sử dụng bình ắc-quy kích điện để bẫy, diệt chuột tại ruộng lúa nhà mình ở cánh đồng thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng. Chẳng ngờ "gậy ông đập lưng ông", ông Hạnh tử vong trong tình trạng nằm đè lên dây điện.

Cũng dùng điện bẫy chuột, Nguyễn Văn Nam đã gây ra cái chết cho bà Phờ, người cùng thôn.

Chiều tối 21-4, Nguyễn Văn Nam (SN 1962, trú tại thôn Bằng Lai, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành) sử dụng bình ắc-quy và kích điện ra đấu nối vào hệ thống điện để diệt chuột tại ruộng lúa nhà mình và những hộ dân bên cạnh rồi đi về nhà. Đến 20 giờ cùng ngày, Nam nhận được thông tin bà Nguyễn Thị Phờ (SN 1959, người cùng thôn) đi phun thuốc sâu ở ruộng lúa tiếp giáp với ruộng nhà Nam chưa về. Thấy vậy, Nam ra khu ruộng bẫy chuột ngắt điện, mang bình ắc-quy về cất giấu rồi hô hào người dân ra tìm bà Phờ thì phát hiện bà nằm bất tỉnh tại khu vực ruộng lúa nhà bà. Bà Phờ được đưa đi cấp cứu tại Trạm y tế xã Ngũ Phúc thì được xác định đã tử vong trước đó.

Theo một điều tra viên thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương, thời gian qua một số người dân tại các xã trong tỉnh do bức xúc vì nạn chuột phá hoại lúa, hoa màu nên sử dụng biện pháp bẫy chuột bằng điện. Cách làm này được cho là đơn giản, ít tốn kém và hiệu quả hơn các loại thuốc chuột trên thị trường. Theo lời khai của một số đối tượng, họ cũng không lường được hậu quả những chiếc bẫy điện bằng ắc-quy lại có thể gây chết người.

Còn tại một số xã thuần nông trên địa bàn tỉnh Thái Bình, nạn bẫy chuột biến thành bẫy người cũng xảy ra. Tối 4-5-2021, anh Phạm Ngọc Quảng (SN 1992, trú tại, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) cùng bạn gái đi ra cánh đồng Đợi ở xã Quỳnh Trang để bắt cua. Trong lúc soi cua, anh Quảng giẫm phải dây điện do người dân giăng ra để bẫy chuột nên bị điện giật và tử vong tại chỗ. Khi anh Quảng bị điện giật, bạn gái đi cùng đứng ở xa nên không hay biết. Gọi nhiều lần không thấy anh này trả lời, người bạn gái đi tìm thì bất ngờ phát hiện bạn trai bất tỉnh dưới ruộng nên hô hoán mọi người đến giúp song đã quá muộn.

Tại Hưng Yên, ngày 24-3-2021, anh Lương Văn Đồng (SN 1974, trú thôn Cảnh Lâm, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ) cũng tử vong trong tình trạng mu bàn chân phải đang đè lên dây kim loại cạnh khu ruộng của Đào Văn Khá (SN 1965, trú thôn Hoan Ái, xã Tân Việt). Trước đó, ngày 23-3, do chuột phá lúa nên Khá đã căng dây điện, sau đó mang gậy tre có một đầu buộc móc bằng kim loại để câu trộm đường dây điện trần của thôn và nối với dây điện mắc xung quanh ruộng lúa của gia đình. Dù căng dây điện nhưng Khá không làm biển, đèn cảnh báo nguy hiểm, không thông báo cho người dân và chính quyền địa phương, cũng không trông coi. Chính sự bất cẩn này đã gây ra cái chết cho người dân.

Đừng để đi tù vì thiếu hiểu biết

Tháng 12-2020, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã đưa ra xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Chiêm (SN 1983, trú tại thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) về tội “Giết người”.

Nguyễn Văn Chiêm phải trả giá 6 năm tù cho tội Giết người bằng bẫy chuột.

Trước đó, vào tối 10-8-2020 Chiêm đã đấu nối nguồn điện từ ắc-quy qua bộ kích điện với dây thép truyền điện để diệt chuột ở thửa ruộng đang canh tác tại cánh đồng Lưỡi Gươm thuộc tổ 7 (thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Anh Tạ Văn Nhơn (SN 1983, trú cùng tổ 7) đi câu cá ở sông trồng sen giáp bờ ruộng đã vướng dây điện, tử vong. Tại phiên tòa, bị cáo và đại điện gia đình người bị hại, những người làm chứng có mặt, Nguyễn Văn Chiêm đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Lời khai của bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và bị cáo gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại. Với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo, hội đồng xét xử đã xử phạt Nguyễn Văn Chiêm 6 năm tù.

Theo luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng luật sư Long Tâm, (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) hiện pháp luật đã có những chế tài nghiêm khắc khi xử lý hành vi bẫy chuột bằng điện nhưng gây chết người. Tại mục 12, Phần I, Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10-6-2002 của Tòa án nhân dân Tối cao về việc “Giải đáp, hướng dẫn các vấn đề về nghiệp vụ”, để xét xử đúng tội cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể.

Theo đó, đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người.

Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:

Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.

Trường hợp người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra... nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.

Như vậy, với các quy định trên, nếu chủ tài sản sử dụng điện trái phép để bảo vệ tài sản (trong đó có việc sử dụng điện để chống trộm, bẫy chuột) bất luận thuộc trường hợp nào mà làm chết người thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, hành vi phạm tội sử dụng điện là nguồn nguy hiểm cao độ để phòng, chống trộm cắp tài sản, bẫy chuột phá hoại mùa màng mà không có cảnh báo an toàn là hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng người khác, dù đối tượng không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra nên lỗi của đối tượng trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại khoản 2, Điều 10, Bộ luật Hình sự.

M. Khang - Y. Chi
.
.
.