Những nghi vấn xung quanh vụ bắt cóc tỉ phú người Bỉ Édouard Empain

Thứ Hai, 15/10/2007, 16:45
10h ngày 23/1/1987, khi vừa rời khỏi căn hộ sang trọng của mình tại đại lộ Foch, quận 16, thủ đô Paris của Pháp, chiếc xe Peugeot 604 trên có chở Nam tước Édouard Empain, bỗng bị chặn lại bởi một chiếc xe thùng nhỏ tại một đường nhánh nối liền Quảng trường Charles de Gaulle và Quảng trường Ngôi sao Chiến thắng...

Lập tức từ trong xe thùng ào ra nhiều kẻ lạ mặt, tay lăm lăm súng, mặt bịt kín, vây quanh chiếc Peugeot rồi lôi cả Nam tước Empain và người lái xe tên Jean Denis ra ngoài, bịt mặt và miệng cả hai trước khi đẩy họ lên xe thùng.

Vụ bắt cóc diễn ra nhanh chóng đã khiến nhiều người đi đường không kịp phản ứng.

Vào năm đó, Nam tước Édouard Empain, 50 tuổi, người thừa kế của dòng họ Empain giàu có nhất nước Bỉ, đang làm Chủ tịch Tập đoàn Empain-Schneider sở hữu đến 350 công ty lớn nhỏ tại châu Âu với 150.000 nhân viên và đạt doanh số kinh doanh đến 22 tỉ frăng mỗi năm.

Chỉ đến chiều, thông tin về vụ bắt cóc người đứng đầu Tập đoàn Empain-Schneider đã lan truyền khắp nước Pháp và Bỉ. Tổng thống Pháp François Mitterrand quyết định thành lập một ủy ban đặc nhiệm cấp quốc gia để tổ chức phá vụ bắt cóc do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Christian Bonnet và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Alain Peyrefitte chỉ huy.

Tại Tập đoàn Empain-Schneider cũng thành lập một tổ đặc nhiệm chuyên trách nhằm hỗ trợ chính phủ trong việc giải cứu Nam tước Empain.

Đến sáng 24/1/1987, bọn bắt cóc trả tự do cho người lái xe tên Jean Denis. Khai báo với thanh tra Pierre Ottavioli, chỉ huy Biệt đội Điều tra trọng án của Bộ Nội vụ Pháp, Denis cho biết do bị bịt mặt ngay nên anh ta không thể nào nhận dạng được khuôn mặt của bọn bắt cóc nhưng có để ý đến một tên trong bọn nói tiếng Đức. Chi tiết này khiến thanh tra Ottavioli nghiêng về giả thuyết vụ bắt cóc mang yếu tố chính trị và có thể do nhóm Nhánh quân đội đỏ (FAR), một tổ chức vũ trang cực tả hoạt động tại Tây Đức và Pháp gây ra.

Giả thuyết này càng được khẳng định khi vào ngày 25/1/1987, Đài Phát thanh RTL của Pháp nhận được điện thoại của một người tự xưng là đại diện của FAR xác nhận chính FAR đã gây ra vụ bắt cóc để buộc Chính phủ Pháp phải trả tự do cho 6 thành viên FAR đang bị giam giữ.

Thế nhưng chỉ 24 tiếng đồng hồ sau, FAR lên tiếng phủ nhận đã thực hiện vụ việc và tố cáo một băng nhóm tội phạm nào đó đã mạo danh FAR để gây ra vụ bắt cóc vì mục đích khác.

Chiều 26/1/1987, trụ sở Tập đoàn Empain-Schneider ở Quảng trường nhà ga Lyon nhận được một bưu phẩm lạ trong đó có để chứng minh thư của Nam tước Empain, một bức thư do bọn bắt cóc viết (bằng ký tự La Mã để không bị giải mã bởi các chuyên gia nhận dạng chữ viết), một bức thư ngắn của nạn nhân gửi cho gia đình (để chứng minh là vẫn còn sống) cùng một bao giấy nhỏ trong có chứa một đốt ngón tay út của bàn tay phải của Nam tước Empain.

Trong bức thư của mình, bọn bắt cóc đòi gia đình nạn nhân phải nộp số tiền chuộc lên đến 80 triệu frăng nếu không muốn phải nhận tiếp những bộ phận thân thể của Nam tước Empain. Tuy nhiên, sau đó bọn bắt cóc bỗng ngừng liên lạc với gia đình và cả trụ sở làm việc của Tập đoàn Empain-Schneider.

Song song với việc triển khai tìm ra manh mối của bọn bắt cóc, cảnh sát cũng bí mật điều tra về các quan hệ của Nam tước Empain để cố phát hiện ra một manh mối nào đó có liên quan đến vụ bắt cóc hay không.

Và thật bất ngờ khi các nhân viên điều tra phát hiện ra rằng, nạn nhân là một tay cờ bạc có hạng và là khách hạng sang quen thuộc của nhiều sòng bài ở thủ đô Paris, thành phố Nice và Công quốc Monaco.

Theo khai báo của chủ nhiều sòng bài, Nam tước Empain thua nhiều hơn thắng mà vụ thua cờ bạc mới nhất diễn ra vào 15/1/1987 với số tiền lên đến 18 triệu frăng tại một sòng bài ở Monaco. Nhằm giữ kín các vụ bài bạc bị thua đậm, Nam tước Empain đã phải vay mượn tiền của nhiều người mà không dám sử dụng ngân quỹ của tập đoàn hay của gia đình. Chính vì yếu tố này mà các nhân viên điều tra nghi vấn có thể nam tước Empain đã tự tổ chức vụ bắt cóc đòi tiền chuộc với số lượng lớn để trang trải nợ nần phát sinh từ thua cờ bạc.

Mãi đến ngày 24/3/1987, bọn bắt cóc mới nối lại liên lạc và đưa yêu cầu phải giao nộp đủ số tiền chuộc, giảm xuống còn 40 triệu frăng, để đổi lại mạng sống và sự tự do cho nạn nhân.

Bọn chúng gọi cho Pierre Salik, doanh nhân và là bạn thân của nam tước Empain, ra tối hậu thư cho gia đình nạn nhân phải giao nộp đủ 40 triệu frăng tiền chuộc vào ngày 28/3/1987 tại một đường tránh nạn trên xa lộ B-16 ở phía nam thủ đô Paris. Lập tức thông tin này liền được gửi tới cho thanh tra Ottavioli và một cái bẫy lớn liền được Cảnh sát Pháp giăng ra trong bán kính 10km quanh địa điểm giao nhận tiền chuộc.--PageBreak--

13h15’ ngày 28/3/1987, khi thanh tra Mazzieri, trong vai người thân của gia đình Nam tước Empain đem tiền đến địa điểm thỏa thuận để giao nộp cho bọn bắt cóc, đang đổ xe ngay tại con đường tránh nạn trên xa lộ B-16 đoạn gần thị trấn Hay-Les-Rones, bỗng xuất hiện một xe chuyên dụng cứu nạn các phương tiện giao thông trên xa lộ đỗ xịch phía sau và bấm còi ầm ĩ.

Bực tức, thanh tra Mazzieri xuống xe để cố giải thích cho người lái xe cứu nạn là xe mình không gặp sự cố hỏng hóc. Lợi dụng thời cơ, bỗng xuất hiện hai kẻ lạ mặt xông lên xe của thanh tra Mazzieri rồi nổ máy phóng đi.

Tuy nhiên, bọn chúng không biết là cảnh sát đã phong tỏa cả khu vực rộng lớn quanh hiện trường. Chỉ vài phút sau khi phóng chạy, chiếc xe đã bị bắn thủng vỏ và đâm sầm vào một bức tường ngăn tiếng ồn trên xa lộ.

Georges Bertoncini, kẻ cầm đầu vụ bắt cóc.

Vụ tai nạn đã khiến gã lái xe tên Daniel Duchâteau chết ngay tại chỗ, gã còn lại tên Alain Caillol chỉ bị thương nhẹ và liền bị bắt giữ để thẩm vấn. Caillol thú nhận là thành viên của nhóm bắt cóc và khai kẻ cầm đầu tên Georges Bertoncini, một tên tội phạm có tiếng ở thành phố Marseille.

Sau khi được cảnh sát hứa sẽ giảm nhẹ hình phạt nếu cộng tác đắc lực để giải cứu Nam tước Empain, Caillol liền liên lạc với nhóm bắt cóc và thuyết phục đồng bọn trả tự do cho nạn nhân để được hưởng khoan hồng khi đầu thú.

Và thật bất ngờ khi Bertoncini quyết định trả tự do cho Nam tước Empain ngay trong ngày. Chỉ 3 ngày sau đó, Bertoncini dẫn các tên đàn em gồm Franz Caillol, Mare Le Gayan và Patrick Guillon ra đầu thú với cảnh sát.

Vụ bắt cóc lớn nhất trong lịch sử nước Pháp kết thúc. Một chi tiết quan trọng chỉ được tiết lộ nhiều năm sau là khi lục soát nơi ở của bọn bắt cóc, cảnh sát đã thu được một cuốn sổ tay của Nam tước Empain trong đó có ghi nhiều món nợ lên đến 48 triệu frăng mà ông còn nợ của nhiều cá nhân, nhất là chủ các sòng bài.

Nhiều người cho rằng Nam tước Empain còn sử dụng chiêu khổ nhục kế khi tự cắt một đốt ngón tay út của mình gửi về nhà nhằm đốc thúc người thân giao nộp ngay và đủ số tiền chuộc cho bọn bắt cóc.

Bị gia đình và các cộng sự nghi kị vì đã tự tổ chức vụ bắt cóc mình, Nam tước Empain ly dị vợ, bán hết các cổ phần trong Tập đoàn Empain-Schneider rồi bỏ đến sinh sống tại thành phố Los Angeles của Mỹ.

Năm 1991, khi diễn ra phiên tòa xét xử tội trạng của bọn bắt cóc, Nam tước Empain, lại gửi thư đề nghị tòa án giảm nhẹ hình phạt và có thể khoan hồng cho các tên này. Có điều lạ là tất cả các tên tham gia vụ bắt cóc sau khi mãn hạn tù đều chuyển đến sinh sống tại thành phố Los Angeles, nơi nạn nhân của chúng là Nam tước Empain đã đến định cư trước đó vào năm 1989

Hoàng Phú (theo Affaires Criminelles)
.
.
.