"Mỏ vàng Busang" - vụ lừa đảo lịch sử

Chủ Nhật, 31/01/2021, 12:48
Ngày 23-3-1997, thi thể biến dạng của nhà địa chất học Michael de Guzman được tìm thấy trong một khu rừng rậm ở Indonesia. Đây chính là người đã từng gây ra một vụ lừa đảo vàng lớn nhất trong lịch sử, làm thiệt hại hàng tỷ đô la cho các đối tác, kéo theo sự khủng hoảng thị trường chứng khoán.


Tới Busang

Michael de Guzman sinh năm 1956 tại Philippines, là đứa con thứ năm trong một gia đình nghèo có đến 12 người con. Khi lớn lên, cậu quyết định theo bước cha trở thành một nhà địa chất. Nỗ lực để có một cuộc sống tốt hơn, với sự siêng năng đáng kinh ngạc đã mang lại cho anh ta một tấm bằng đại học.

Guzman phát hiện ra rằng các tập đoàn phương Tây điều hành mọi thứ trong ngành khai thác mỏ. Song sẽ không có cơ hội lập nghiệp nào đối với một công dân Philippines. Guzman là một người đầy tham vọng và quyết tâm sẽ đạt được danh vọng và sự giàu có theo một cách khác.

Mỏ quặng của công ty Bre-X ở đầu nguồn sông Busang

Vào đầu những năm 90, nhà địa chất trẻ đến thủ đô Manila rồi tới Indonesia để tìm vàng ở Borneo. Việc lựa chọn địa điểm này không phải là ngẫu nhiên, bởi Guzman biết rằng vào thế kỷ 16, các nhà truyền giáo người Hà Lan đã nói về một mỏ vàng chưa từng có ở đầu nguồn sông Busang chảy qua trung tâm hòn đảo. Vàng được canh giữ bởi các bộ lạc thiện chiến của Dayaks ngoại giáo, những kẻ có tiếng tàn bạo. Trong quá khứ, thổ dân đã để lại nỗi kinh hoàng cho những người đào vàng đến nỗi không ai dám tới đó. Nhưng sau gần 500 năm  người ta đã quên đi khu vực này và ở đó có thể đã thay đổi nhiều. Guzman tin rằng anh ta có thể tìm thấy vàng ở Busang.

Cùng với một vài người bạn, Guzman trang bị cho một chuyến đi thám hiểm khiêm tốn. "Chúng tôi không có tiền, chỉ có hy vọng thành công. Khu mỏ nằm giữa khu rừng rậm Indoniesia không có người qua lại. Năm giờ đi ô tô dọc theo một con đường hẻo lánh, sau đó là năm giờ đi thuyền dọc theo một con sông hung hãn mới đến nơi", Guzman nhớ lại.

Guzman trở về sau chuyến đi với những hạt vàng và bắt đầu tìm kiếm tiền để tiếp tục khám phá. Nhưng không một công ty lớn nào lại giao tiền của mình cho một người Phillippines, vì vậy anh ta cần tìm một đồng minh là một chuyên gia phương Tây uy tín có thể huy động vốn. Guzman chú ý tới nhà địa chất người Anh John Felderhof từng nổi tiếng với việc phát hiện ra một mỏ vàng lớn ở Papua New Guinea. Nhà khoa học này đã giới thiệu Guzman với doanh nhân người Canada David Walsh cũng quan tâm đến việc khai thác vàng.

Công ty Bre-X

Từ năm 1989, David Walsh đã tận dụng sự bùng nổ của thị trường vàng và thành lập công ty Bre-X Minerals. Vì không hiểu gì về việc khai thác vàng nên đến tháng 6-1992, Walsh đã nợ các ngân hàng 200.000 USD. Khi Felderhof đưa De Guzman đến và nói với anh ta về một khu mỏ ở Borneo thì Walsh đã vui mừng và không muốn bỏ lỡ cơ may này.

Michael de Guzman (thứ hai từ phải sang), kẻ lừa đảo có hạng

Guzman và Felderhof (người ngay lập tức trở thành Phó chủ tịch Bre-X) đã hứa với Walsh về những núi vàng-theo nghĩa đen. Lời nói của họ đã được củng cố với kết quả khoan vào năm 1994 cho thấy hàm lượng kim loại quý trong quặng rất lớn. Theo ước tính sơ bộ, khu mỏ có thể thu được tới 56 tấn kim loại quý, sau đó ước tính tăng lên 850 tấn và tiếp theo sẽ là 1.900 tấn. Điều này khiến Busang trở thành mỏ vàng lớn nhất thế giới.

Với số tiền cuối cùng của mình, Walsh quyết định bay đến Indonesia để đích thân chỉ đạo tìm kiếm khu mỏ nhằm cứu vãn công ty và bản thân mình. Sau cuộc gặp đầu tiên với các đối tác tương lai, ông ta thế chấp căn nhà của cha mẹ để mua một khu đất ở đầu nguồn sông Busang. Hầu hết các công ty nhỏ hoạt động trong ngành này chỉ giới hạn trong lĩnh vực thăm dò địa chất: họ tìm kiếm các mỏ và cố gắng bán chúng cho các tập đoàn khai thác lớn. Walsh tin rằng việc để lại những kho báu như vậy cho người khác là điều ngu ngốc. Vì vậy, vào năm 1996, Công ty Bre-X đã lên sàn chứng khoán quốc tế tại Toronto (Canada). Giá mỗi cổ phiếu của công ty ngay lập tức tăng vọt từ 1 USD lên 200 USD và số vốn hóa đã vượt qua ngưỡng 4 tỷ USD.

Trò lừa đảo của Michael de Guzman

Thời điểm đó, ít ai biết rằng thành công phi thường của Bre-X là dựa trên sự lừa dối. "Vàng Busang" hiện được coi là vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành khai thác mỏ. Guzman đã tìm thấy những địa điểm mà các nhà truyền giáo Hà Lan nhắc đến, nhưng ở đó chẳng hề có vàng. Anh ta không muốn bỏ cuộc và quyết định làm giả các kết quả phân tích. Đầu tiên Guzman đã rắc xuống khu vực nhỏ những miếng vụn vàng cắt ra từ… chiếc nhẫn cưới của chính mình, sau đó mua vàng từ người dân địa phương, mài ra và bỏ lẫn vào các mẫu quặng đá lấy từ giếng khoan rồi gửi đến phòng thí nghiệm.

David Walsh, Chủ tịch công ty Bre-X

Vụ lừa đảo chút nữa thì bị phát giác khi các kiểm toán viên ngờ vực các cạnh phẳng của những hạt vàng được tìm thấy tại Busang. Đó có thể là chứng cớ về sự giả mạo, nhưng Guzman đã lấp liếm với lý thuyết "lòng chảo núi lửa" để giải thích hình dạng không đặc trưng là do thực tế quặng đá đã bị dung nham nung chảy. Sự việc này đã diễn ra trong hai năm rưỡi. Ban đầu, Guzman tỏ ra thận trọng, nhưng khi hàng tỷ USD đầu tư đang lấp ló phía chân trời thì anh ta đã bị lòng tham đánh gục. Ở thời điểm đó, một cơn sốt vàng mới đã quét qua thị trường và Bre-X đã trở thành công ty khai khoáng có giá nhất thế giới.

Ngay sau khi Bre-X lên sàn chứng khoán thành công rực rỡ, các đại diện của Barick Gold David đã liên hệ với Walsh. Đó là một trong những tập đoàn khai thác vàng lớn nhất thế giới, họ đề nghị đầu tư 1 tỷ USD cho Bre-X và nơi khai khoáng, nhưng Walsh đã từ chối. Vì vậy, tập đoàn khổng lồ trên đã tranh thủ sự hỗ trợ của vị tướng cai trị Indonesia Suharto. Họ hứa với ông về một nửa số vàng sẽ được khai thác ở Busang. Sau đó, Suharto đã nói bóng gió với Walsh rằng những điều kiện của Tập đoàn Barrick Gold sẽ được chấp nhận...

Những nguy cơ đó khiến Walsh không có sự che chở. Sau các cuộc đàm phán kéo dài, Công ty Bre-X của Walsh đã đạt được các điều khoản có lợi hơn. Công ty giữ lại 45% cổ phần trong liên doanh và được thuê mỏ trong 30 năm. Quyền phát triển và quản lý vận hành, cũng như 15% cổ phần đã được chuyển cho công  ty lớn của Mỹ Freeport-McMoRan Copper & Gold. 40% còn lại do chính quyền Indonesia kiểm soát.

Khi các bên đạt được thỏa thuận, giá cổ phiếu của Công ty Bre-X đạt mức cao nhất trong lịch sử. Trong thời gian đó, các chuyên gia của Freeport-McMoRan bắt đầu kiểm tra thực địa. Và đây là khởi đầu cho sự chấm hết.

Bị phát giác

Một tuần sau khi cuộc kiểm tra bắt đầu. Michael de Guzman bất ngờ bị rơi khỏi máy bay trực thăng đang bay ở độ cao 300m. Thi thể biến dạng của anh ta được tìm thấy trong rừng bốn ngày sau đó. Tay và chân bị mất, trong túi có một bức thư tuyệt mệnh, trong đó Guzman viết rằng anh ta tự tử vì một căn bệnh hiểm nghèo.

Nhà địa chất được chính thức cho rằng đã tự sát, nhưng điều này thật khó tin. Bác sĩ riêng của Guzman phủ nhận bệnh tình của anh ta, nha sĩ thì nghi ngờ kết quả nhận dạng thi thể bằng răng, còn vợ anh ta nói rằng trước khi chết anh ta vẫn có tâm trạng rất tốt và đã tặng cho cô một căn nhà trị giá 120.000 USD.

Sau khi được nhận dạng, thi thể không được giao cho người thân mà nhanh chóng bị hỏa táng, điều này làm dấy lên tin đồn về một cái chết giả. Nhiều người tin rằng nhà địa chất đã bị giết. Thực tế có nhiều người không ưa Guzman và bối cảnh cái chết của anh ta cũng rất đáng ngờ.

Một tuần sau cái chết của Guzman, Freeport-McMoRan thông báo rằng hàm lượng vàng trong quặng từ mỏ Busang là không đáng kể. Một cuộc kiểm tra sau đó, với kết quả không thể đảo ngược nhưng vẫn gây sốc: "Mỏ Busang không có giá trị kinh tế". Ngay sau đó đã có bằng chứng rõ ràng về những mưu kế của Guzman. Các nhà địa chất từ Công ty Strathcona Mineral Services của Canada đã tìm thấy trong mẫu quặng là bụi vàng được lấy ra từ các đồ trang sức khác nhau.

Ngay sau khi bị phát giác, Bre-X đã tuyên bố phá sản. Ngày hôm sau, mỗi cổ phiếu của Bre-X giảm 3,5 nghìn lần: từ 280 USD còn 8 cent. Các hoạt động chứng khoán vì thế phải tạm thời bị đóng băng. Sau vụ "lừa đảo vàng thế kỷ", trong vài năm các nhà đầu tư đã không muốn đầu tư số tiền lớn vào việc khai thác vàng. Khoản lỗ lớn nhất thuộc về các quỹ hưu trí của Canada, vốn tin vào lời hứa của Walsh đã đầu tư vào Bre-X.

Sau sự cố

Không có gì lạ là Felderhof và Walsh đã cố gắng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Cả hai đều khẳng định rằng họ không biết gì về vụ lừa dối. Thực tế không có bằng chứng nào về việc những người sáng lập Bre-X dính líu đến vụ lừa đảo, đặc biệt là sau vụ cháy các tài liệu lưu trữ báo cáo của các nhà địa chất. Rút cục thì tất cả tội lỗi đều đổ lên đầu Guzman quá cố.

Cả Felderhof và Walsh đều đã bán được hầu hết cổ phiếu của mình ngay trước khi công ty sụp đổ và làm giàu thêm hàng chục triệu USD. Đó là lý do có cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán tỉnh Ontario của Canada. Tuy nhiên, việc này cũng không đem đến kết quả gì.

Trong khi các nhà đầu tư tính toán khoản lỗ nhiều tỷ USD thì Walsh đã mua một biệt thự sang trọng ở Bahamas. Hai tuần sau, ông ta đã liên lạc với cảnh sát địa phương về một cuộc tấn công của những kẻ đeo mặt nạ. Walsh khai rằng có hai kẻ gian đột nhập vào nhà ông ta ban đêm và yêu cầu trả lại số tiền đã ăn cướp.

Một tháng sau khi chuyển đến Bahamas, David Waslh được phát hiện đã chết. Nguyên nhân chính thức của cái chết được coi là vỡ phình động mạch não, nhưng kết luận y khoa đề cập đến chấn thương sọ não nghiêm trọng, hậu quả của việc bị đánh bằng một cây gậy bóng chày hoặc vật cùn khác.

Năm 1999, cơ quan pháp luật Canada thông báo hoàn tất cuộc điều tra về Bre-X. John Felderhof, người duy nhất còn sống có liên quan đến vụ án đã được loại bỏ khỏi mọi cáo buộc. Ông này đã có một cuộc sống hạnh phúc lâu dài và mới qua đời vào tháng 10-2019 tại Philippines khi đã 79 tuổi.

Hải Yến (Tổng hợp)
.
.
.