Lật tẩy tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo: Bẫy tình "trai Tây"

Thứ Ba, 11/06/2019, 18:50
Thời gian vừa qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, mạng viễn thông vẫn diễn ra phức tạp. Thống kê sơ bộ từ đầu năm 2018 đến nay, Công an Thành phố Hà Nội đã tiếp nhận, giải quyết 18 đơn thư của các bị hại tố giác bị lừa đảo với tổng số tiền lên đến gần 33 tỷ đồng.

Đặc biệt, nạn "trai Tây" làm quen, đặt vấn đề yêu đương rồi gửi quà để lừa tiền tỷ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Và, nạn nhân của bọn chúng thời gian gần đây lại rơi vào những chị em có kiến thức, thậm chí nhiều người có hiểu biết pháp luật nhưng mất cảnh giác...

Những giấc mơ tan vỡ

Khoảng 2 tháng trở lại đây, đêm nào chị Hồng Thu (SN 1977, hiện đang công tác tại Hà Nội cũng thao thức với những niềm vui, lo lắng, băn khoăn. Chị chờ đợi một "giấc mơ" sắp trở thành hiện thực. Song chị càng hy vọng, phấp phỏng thì giấc mơ ấy lại càng xa vời.

Và rồi những nghi ngờ đã nảy sinh, lại càng khiến cho chị bồn chồn. Chị đã vận dụng những kiến thức mà chị thu nhận được sau 20 năm công tác tại cơ quan để tự kiểm tra. Kết quả càng khiến chị đau đớn vì nhận ra mình sắp trở thành bị hại của một vụ siêu lừa…

Và, cho tới một buổi sáng cuối tháng 5-2019, chị Thu không thể nào chịu nổi cảm giác lo lắng nghi ngờ nữa. Chị quyết định đến cơ quan công an, làm đơn tố cáo "hôn phu" tương lai cùng đồng bọn rắp tâm chiếm đoạt hàng tỷ đồng tiền mồ hôi nước mắt của chị, tiền chị vay mượn gia đình, họ hàng…

Có mặt ghi lời khai cùng các chiến sỹ thuộc phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội buổi chiều hôm ấy, tôi đã phải ít nhiều ngỡ ngàng trước sự yêu kiều, quý phái của chị Thu. Vừa kể lại câu chuyện, chị vừa thổn thức khóc vì cuộc tình không thành, và rất nhiều tiền của chị đã "ra đi"…

Vài tháng trước, qua mạng xã hội facebook chị Thu quen với anh Geoger Butler (55 tuổi, quốc tịch Mỹ). Anh ta giới thiệu là sỹ quan cao cấp của quân đội Mỹ đang chiến đấu tại chiến trường Trung Đông. Sau một thời gian nói chuyện Butler bày tỏ mong muốn được trò chuyện với chị Thu nhiều hơn. Hai người đã cài nhiều ứng dụng như Zalo, Line… để tiếp tục tâm sự.

Hình ảnh bưu kiện đang được công ty chuyển phát làm thủ tục chuyển đi mà đối tượng gửi cho bị hại để tạo lòng tin.

Khoảng một tháng trở lại đây, Butler cho chị Thu biết rằng ông ta sắp mãn hạn quân dịch, và có một khoản tiền lớn (gần 2 triệu USD) muốn đầu tư về Việt Nam. Gã cũng khéo léo bật mí rằng vợ đã chết, có một con gái đã học xong đại học và đi làm, nên không còn phải lo lắng gì cho gia đình. Cũng trong quá trình trò chuyện, Butler thường xuyên khen chị Thu xinh đẹp, thông minh, duyên dáng… Butler đã phải lòng chị và muốn "tiến xa hơn" với chị. Butler cũng gửi cho chị những hình ảnh quân phục với súng ống đầy mình.

Chúng tôi cũng được xem những bức hình ấy. Quả là một người đàn ông đẹp trai, phong độ. Chị Thu cũng đã có gia đình riêng, song đã ly thân. Chị hiện sống cùng cô con gái đang học THCS. Hàng đêm, khi cháu ngủ say cũng là thời điểm chị Thu bật máy để trò chuyện với "người tình" ở cách xa hàng vạn cây số. Tình cảm đôi bên cứ lớn dần. Butler hứa với chị hết hạn phục vụ trong quân đội sẽ bay thẳng về Việt Nam làm đám cưới. Và để thể hiện tấm lòng, gã bảo sẽ gửi quà, tiền cho chị Thu.

Butler gửi cho chị hình ảnh về một thùng hàng đã được gói ghém cẩn thận, ở trên có đề tên và địa chỉ, số điện thoại của chị Thu tại Hà Nội. Khoảng gần một tuần sau thì chị Thu nhận được điện thoại từ một phụ nữ nói giọng miền Nam, cho biết chị ta là nhân viên công ty chuyển phát nhanh có nhận được một bưu phẩm chuyển cho chị Thu. Để nhận được bưu phẩm này chị Thu phải nộp thuế thông quan là 65 triệu đồng. Không chút nghi ngờ, chị Thu đã nhanh chóng chuyển vào tài khoản mà người phụ nữ kia cung cấp.

Hai ngày sau, có một người đàn ông xưng là hải quan TP Hồ Chí Minh nói với chị Thu rằng qua kiểm tra phát hiện thấy trong đó có đến 300 ngàn USD tiền mặt nên chị Thu phải đóng thêm khoản phí gần 300 triệu đồng nữa. Sau khi gửi cho bọn chúng hết lần này đến lần khác mà không nhận được hàng, chị Thu mới nảy sinh mối ngờ. Chị gọi điện đòi nói chuyện trực tiếp với Butler, thậm chí còn gọi video call cho anh ta. Butler nói với chị rằng hãy cố gắng giúp anh ta, bởi anh ta đang lênh đênh trên chuyến tàu về TP Hồ Chí Minh nên không thể làm gì được.

Và với đủ mọi lý do khác nhau, nhóm đối tượng đã moi của chị Thu gần 1 tỷ đồng. Nhưng cuối cùng chị Thu chỉ nhận được là những lời hứa hẹn. Trong suốt cuộc trò chuyện tại cơ quan công an, chị Thu nhiều lần rơi nước mắt vì biết rằng mình đã dính phải quả lừa. Giờ đây giấc mơ đã tan vỡ, lại ngập trong cảnh nợ nần.

Tương tự như chị Thu, chị N.T.H (sinh năm 1980, trú tại thị trấn Đông Anh, TP Hà Nội - hiện đang giữ chức vụ quản lý trong một Sở) cũng quen quan mạng xã hội nam giới tên Tommy (quốc tịch Mỹ, hiện đang công tác tại Liên Hợp Quốc). 

Nhóm đối tượng chuyên giả trai Tây để lừa tiền của phụ nữ Việt.

Sau một thời gian trò chuyện tâm tình, Tommy bật mí rằng đã tích cóp được một khối tài sản lớn và muốn sang Việt Nam đầu tư. Ông ta bày tỏ sự cảm thông vì nhiều thập kỷ trước nước Mỹ đã gây chiến tranh, gây nhiều đau thương cho Việt Nam nên ông ta muốn bù đắp bằng hành động đầu tư nhiều triệu đô.

Sau đó Tommy nói có một thùng hành lý muốn gửi cho chị H. nhận hộ, ông ta sẽ qua sau vì một số trục trặc về pháp lý. Tiếp theo, màn "ali moi moi" được bắt đầu. Chị H. đã tin tưởng và chuyển vào nhiều tài khoản của các đối tượng tổng số tiền gần 3 tỷ đồng để "giúp đỡ" Tommy. Cuối cùng, đối tượng còn bảo chị H. gửi cho gã chục cái điện thoại Iphone thì chị này mới giật mình nghi ngờ bị lừa, và đến cơ quan công an trình báo.

Danh sách các chị em bị "trai Tây" lừa vẫn còn khá dài. Và những người này đều có trình độ học vấn cao, có người đang công tác tại những cơ quan bảo vệ pháp luật… song vẫn không tránh được cái bẫy.

Miếng pho mát trong bẫy chuột

Theo Thượng tá Ngô Văn Đáp, Đội trưởng Đội Hướng dẫn và điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài, Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, nhóm tội phạm giả danh "trai tây" để lừa chị em phụ nữ có những thủ đoạn rất cao tay. Bọn chúng luôn diễn một màn kịch "hoàn hảo", phối hợp với nhau rất ăn ý. Ngoài ra, bọn chúng cũng là những bậc thầy về tâm lý. Chính vì thế, những chị em nào đã lỡ trò chuyện, nhận lời yêu đương với bọn chúng thì gần như sẽ bị sập bẫy.

Vận đơn đối tượng gửi cho bị hại.

Đầu tiên chúng thường "đánh" vào những phụ nữ độc thân, cô đơn, hoặc "có vấn đề" về gia đình, đang thiếu thốn tình cảm. Từ đó, chúng tương kế tựu kế nói rằng cũng đang cô đơn, vợ đã mất để tìm sự đồng cảm. Dần dà đối tượng "tổng tấn công", liên tục nói lời yêu thương, bày tỏ tình cảm. Chúng tạo ra một viễn cảnh sẽ đến Việt Nam để cưới phụ nữ đó cùng món hồi môn khổng lồ.

Khi đã tạm thời lấy được lòng tin của bị hại, các đối tượng cũng rất "quái thai" khi ban đầu chỉ nhắn là chuẩn bị về Việt Nam và nhờ bạn gái "giữ hộ" một ít hành lý. Bị hại khi nhận được yêu cầu này thì gần như đều mất cảnh giác, đơn giản nghĩ rằng "giữ hộ" thì có vấn đề gì! 

Nhưng ngay sau đó đối tượng sẽ tạo những tình huống bất khả kháng như ốm nặng, hoặc phải lênh đênh trên tàu thủy… để nhờ bạn gái đóng hộ một khoản phí nhỏ (vài triệu đến vài chục triệu đồng) để nhận hàng.

Tiếp tục màn kịch, chúng sẽ chế ra bưu kiện là một thùng hàng lớn, bên trong đựng nhiều hàng công nghệ đắt tiền như laptop macbook, điện thoại iphone, nhẫn kim cương… và thậm chí nhiều cọc tiền mệnh giá 100 USD để gửi cho bị hại. Phía ngoài bưu kiện ghi đầy đủ tên tuổi địa chỉ, số điện thoại của bị hại. Chúng cũng dùng kỹ thuật photoshop ghép ảnh bưu kiện này vào băng chuyền của một công ty chuyển phát nhanh, khiến bị hại tin rằng hàng đã được chuyển đến công ty chuyển phát. 

Đặc biệt, chúng cũng lập ra những website giả, rồi gửi link và mã vận đơn để cho bị hại tự "check" vận đơn. Và dĩ nhiên kết quả check là hàng đang thẳng tiến về Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (nếu bị hại đang sống tại miền Bắc) hoặc Cảng hàng không Nội Bài (nếu bị hại sống tại miền Nam)!

Sau khi bị hại đã đóng khoản phí đầu tiên nho nhỏ, bọn chúng sẽ bịa ra đủ mọi lý do để tăng số tiền cần nộp. Hết thuế cho công ty vận chuyển là đến phí hải quan. Rồi chúng đòi phải có giấy chứng nhận kết hôn, giấy ủy quyền… Chúng cứ dền dứ khiến cho chị em có cảm giác rằng hàng đã ở ngay trước mặt rồi, chỉ cần với tay một cái là sẽ có trong tay hàng triệu đô la. Song với tất cả các bị hại - chỉ khi đã bị chúng moi đến khánh kiệt tài sản - thì mới vỡ lẽ những thùng quà, những cọc tiền kia chỉ là hư ảo.

Nếu như trước đây các đối tượng thường dễ dàng lừa gạt những chị em ở vùng nông thôn, miền núi, hoặc làm những nghề ít va chạm xã hội thì thời gian gần đây, nhiều chị em học cao, hiểu biết nhiều vẫn tiếp tục dính chiêu của bọn chúng. Tiếp xúc với những chị em này, chúng tôi nhận thấy một số cũng đã nghi ngờ về những cái bẫy phía sau miếng "pho mát" ngon lành. Song, các đối tượng gần như chuẩn bị rất kỹ để đối phó với các tình huống.

Đơn cử, từ khi lập facebook các đối tượng đã chuẩn bị sẵn đầy đủ hình ảnh, clip… của vị trai tây "bóng sáng". Gặp trường hợp một số chị em muốn chat voice, hoặc gọi video call thì lập tức đối tượng sẽ bật clip lên, hướng camera vào khiến người kia có cảm tưởng như đang nói chuyện trực tiếp thật. Tất cả các bị hại đều không ngờ rằng, từ trai tây cho đến nhân viên chuyển phát nhanh, nhân viên hải quan… đều đang "tụ" lại ở một chỗ để cùng nhau "tung hứng" nhằm moi được tiền nhiều nhất từ con mồi.

Cũng theo Thượng tá Đáp, năm 2017 tổ công tác của Đội Hướng dẫn và điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài đã có mặt tại TP Cần Thơ để tham gia lấy lời khai của một ổ nhóm chuyên lừa phụ nữ bằng thủ đoạn này đã bị công an TP Cần Thơ bắt giữ. Bọn chúng gồm một đối tượng nam tên Micheal Ikechukwu Leonard (quốc tịch Nigieria) và ba đối tượng nữ người Việt. Hai trong số ba đối tượng nữ từng cặp bồ với đối tượng Micheal.

Nhóm đối tượng khai, chúng lên các mạng xã hội như Facebook, Twoo… tạo lập một loạt user với thông tin là các doanh nhân, sỹ quan nước ngoài cùng các hình ảnh hoành tráng. Từ đó chúng kết bạn với hàng trăm, hàng ngàn phụ nữ Việt Nam. Khi có người đồng ý kết bạn, chúng dò dẫm trong profile của người đó, nếu thấy chỉ đăng ảnh một mình, hoặc ghi thông tin chưa có chồng (hoặc đã ly dị) thì lập tức sẽ được chúng đưa vào dạng "đặc biệt chú ý".

Các đối tượng sẽ nhắn tin làm quen, kết bạn, tâm sự… và nếu bị hại đồng ý kết bạn thì tiếp theo sẽ là màn tung hứng để moi tiền. Vì "con mồi" là hàng chục, hàng trăm phụ nữ cùng một lúc nên các đối tượng phải đánh số thứ tự từng người, đánh dấu ai đã đến bước nào để kịp thời chuyển cho nhau thông tin, nhằm "chăn" con mồi hiệu quả nhất.

Để không trở thành nạn nhân, cơ quan Công an khuyến cáo người dân (nhất là chị em phụ nữ) cần hết sức cảnh giác với những người lạ trên mạng xã hội. Đặc biệt là những người mới quen nhờ nhận hàng, hoặc hứa hẹn tặng những món quà đắt tiền. Khi cảm thấy nghi ngờ cần hỏi người thân, bạn bè hoặc lên mạng tìm kiếm thông tin.
Yên Chi
.
.
.