Khám phá vụ trộm ấn vàng tại bảo tàng lịch sử năm 1962
Cách đây gần nửa thế kỷ vào sáng thứ ba, ngày 4/7/1961, khi kiểm tra các hiện vật trưng bày tại Phòng nhà Nguyễn thuộc Viện Bảo tàng lịch sử các nhân viên quản lý Bảo tàng phát hiện mất một ấn vàng có đôi rồng chạm nổi ở tay cầm và hàng chữ "Hoàng hậu Chi Bửu", là ấn của Nam Phương Hoàng hậu, nặng 4,9kg và một âu đựng trầu thuốc bằng vàng nặng 0,5kg.
Vụ mất báu vật quốc gia nói trên làm xôn xao dư luận.
Một số người ở Viện Bảo tàng lịch sử, trong đó có ông Vũ Lai (còn có tên là Nguyễn Tiến Lợi), 59 tuổi, Trưởng phòng Bảo quản, sưu tầm và phục chế, đều cho rằng đây là vụ trộm nội bộ (vụ trộm do người trong Viện Bảo tàng gây ra). Vì vậy lãnh đạo Viện đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, kêu gọi ai đã trót lấy thì phải trả lại ngay, vì đây là báu vật có một không hai của đất nước.
Cuộc họp kết thúc, nhưng không có ai nhận là đã lấy. Họ chỉ biết là mất, nhưng mất vào lúc nào thì không ai biết.
Khám nghiệm hiện trường, cán bộ KTHS chỉ thu được hai mẩu đồng nhỏ trong ổ khóa của tủ trưng bày hiện vật, không tìm ra giấu vết cạy, bẩy để đột nhập của thủ phạm.
Ngày 13/7/1961, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng của Bộ Công an và Giám đốc Sở Công an Hà Nội phải phối hợp chặt chẽ, sử dụng mọi biện pháp, mọi phương tiện để điều tra, nhanh chóng làm rõ vụ án, thu hồi tang vật, di sản lịch sử văn hóa vô cùng quý báu của đất nước.
Nghiên cứu lại nội, ngoại thất của Viện Bảo tàng, Ban chuyên án thấy tất cả các cửa ra vào đều chắc chắn, kiên cố, không tìm ra dấu vết của kẻ gian. Điều này liệu có phù hợp với nhận định của chính các nhân viên bảo tàng là trộm nội bộ hay không?
Công tác điều tra được tiến hành ráo riết trên diện rộng. Các đối tượng có tiền án, tiền sự, các đối tượng cờ bạc, buôn lậu vàng bạc trên toàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận đều được lên danh sách để rà soát, sàng lọc.
Tất cả cán bộ nhân viên đã từng làm việc ở bảo tàng, nay nghỉ việc hoặc chuyển ngành và các cán bộ đang làm việc cũng được xem xét, nhưng vẫn không phát hiện được đối tượng nghi vấn. Nhưng rồi có lần bị gọi hỏi, ông Vũ Lai - Trưởng phòng Bảo quản sưu tầm và phục chế của Viện đã khai nhận là tự mình gây ra vụ trộm ấn vàng và âu vàng của Triều đình nhà Nguyễn.
Xin dẫn nguyên văn lời khai của ông Vũ Lai: “Vì tôi đã có tuổi, biết rằng chẳng làm việc được bao nhiêu lâu nữa sẽ phải nghỉ, chỉ biết nghề họa thì rồi mắt sẽ kém không vẽ được nữa nên rất lo lắng khi trở về tuổi già không làm được gì để sinh sống.
Nhân dịp Bảo tàng có bày một số đồ vàng trên Phòng nhà Nguyễn nên có ý định sẽ lấy một vài thứ để dành cho sau này. Ý định này có từ đầu năm, nhưng còn đắn đo chưa dám làm, mãi đến trung tuần tháng 4 tôi mới lấy (tôi không nhớ rõ ngày).
Ngày hôm đó lớt phớt mưa phùn nên tôi mặc áo đi mưa bộ đội, tới cơ quan làm việc. Đến khoảng 16 giờ, tôi xuống bảo anh Kiếm đưa cho tôi chìa khóa rồi lên gác, đến Phòng nhà Nguyễn và không gặp ai, có lẽ anh em làm việc ở phòng khác...
Tôi mở 2 tủ, lấy ở 1 tủ một cái ấn vàng, ở tủ khác lấy một hộp đựng trầu thuốc bằng vàng, lấy áo mưa bọc lại, cắp vào cạnh sườn đem xuống chỗ làm việc của tôi rồi đi trả chìa khóa cho anh Kiếm.
Đến 17 giờ, hết giờ làm việc chờ anh em về hết, tôi lấy dây cột áo mưa bọc báu vật sau xe đạp, không về nhà mà đi ăn cháo lòng rồi ra bờ sông lấy que gỗ đào lỗ chôn xuống rồi đánh giấu.
Độ nửa tháng, nghĩa là sang tháng 5, sợ ngập nước, ra đào thì đã bị mất, chắc chắn là có kẻ đã trông thấy tôi chôn và lấy đi mất rồi”. Sau đó, để có chứng cứ, ông Vũ Lai còn bảo vợ là bà Nguyễn Thị Tỵ đem nộp cho cơ quan một áo bạt mưa kiểu bộ đội mà ông khai là đã dùng để gói vàng mang ra bờ sông...
Lính ngự lâm của triều Nguyễn rước ấn kiếm. |
Sau khi tiếp nhận lời khai của ông Vũ Lai, Cơ quan điều tra xác minh khá công phu, nhưng vẫn thấy không có cơ sở để tin cậy.
Thì ra vì quá lo lắng về vụ trộm, lại bị gọi hỏi nhiều, ông Vũ Lai sợ nên đã khai liều...
Có ý kiến cho rằng các báu vật của nước ta có thể bị đưa ra nước ngoài. Nhưng điều tra theo hướng này, ta cũng không thu được kết quả gì.
Vụ án sau nửa năm điều tra, tốn nhiều công sức vẫn bế tắc.
Đúng lúc đó thì Sở Công an Hà Nội nhận được tin báo: Hồi 3 giờ ngày 5/11/1962, kẻ gian đã lọt vào Viện Bảo tàng lịch sử, lấy đi một số hiện vật quý cũng thuộc di vật của triều đình nhà Nguyễn, gồm một ấn bạc mạ vàng khắc hàng chữ “Cao Đức Thái Hoàng Thái hậu” và hai quyển kim sách cũng bằng bạc mạ vàng, một quyển khắc chữ “Bảo Long” và một quyển khắc chữ “Khải Định thập niên”.
Ngay sau khi nhận được tin trên, các chiến sĩ Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội và lực lượng điều tra của Bộ Công an đã cấp tốc triển khai lực lượng để bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường.
Trong một căn phòng tối của Viện Bảo tàng lịch sử, ngay phía sau mô hình tháp Bình Sơn, cán bộ khám nghiệm thấy có một bãi phân, bốn mảnh giấy dính phân và một số hạt ô mai. Trên tấm kính của tủ trưng bày hiện vật, cán bộ kỹ thuật thu được 3 dấu vân tay thuộc bàn tay trái, nghi của thủ phạm để lại.
Khi ghép 4 mảnh giấy dính phân lại, trinh sát thấy đó là một bức thư của một người có tên là Đỗ Mộng Dần, gửi cho một người có tên là Sửu. Trong thư có hỏi thăm các cháu Trung, Thanh, Phong và nhắc đến một số người có tên là Ất, Giáp, Mão. Vậy những người có tên trong bức thư này có liên quan gì đến vụ án không, bây giờ họ ở đâu?
Lúc này, để đẩy nhanh tiến trình điều tra, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã quyết định bổ sung một số thành viên cho Ban chuyên án và cử đồng chí Lê Hữu Qua, Cục trưởng Cục CSND làm Trưởng ban.
Trong buổi họp ngay sau đó, các thành viên của Ban lãnh đạo chuyên án đã phân tích rất kỹ về 4 mảnh giấy thu được ở hiện trường. Nó có phải do thủ phạm của vụ trộm bỏ lại hay do một người khách tham quan nào đó, lúc bí, đã lẻn vào đây phóng uế, vứt lại?
Nhưng căn cứ diễn biến hoạt động của Bảo tàng thì có nhiều khả năng là 4 mảnh giấy này do thủ phạm để lại. Nguồn gốc của nó có thể là từ các bà buôn đồng nát, cũng có thể là từ đống giấy lộn trong nhà của người có tên là Sửu...
Ban chuyên án đã quyết định cho mở rộng vụ án đến nhiều địa phương và đơn vị cơ quan, hàng chục công trường xây dựng để truy tìm những người có tên là Đỗ Mộng Dần, có anh hay con là Ất, Mão, Giáp.
Tại tỉnh Hà Nam, các trinh sát của Ban chuyên án, sau nhiều tháng trời cùng Công an địa phương rà soát đến ngày 5/5/1962 thì phát hiện: Ở huyện Kim Bảng có một người tên là Đỗ Mộng Dần có các em là Ất, Giáp.
Lấy mẫu chữ giám định, thấy đúng Đỗ Mộng Dần đã viết ra bức thư bị xé làm 4 mảnh mà cán bộ khám nghiệm đã thu được ở hiện trường. Kết quả mới có thế mà các trinh sát đã như mở cờ trong bụng, mừng vui khôn xiết.
Đi sâu tìm hiểu, trinh sát thấy nhà Đỗ Mộng Dần nghèo, cách đây chừng 2 năm, thỉnh thoảng xuất hiện một người khách tên là Nguyễn Văn Thợi khoảng hơn 30 tuổi, người hơi lùn, ăn tiêu cực kỳ hoang phí. Còn lúc ở Hà Nội, anh ta thường ăn uống ở khách sạn Phú Gia ven bờ hồ Hoàn Kiếm. Nghe nói, Thợi buôn lậu vàng bạc tận vùng biên giới nên rất giàu có.
Mũi trinh sát tại Hà Nội cũng đã tìm ra được một người có tên là Đỗ Văn Sửu, có các con là Trung, Thanh, Phong, nhà ở khu Bến Nứa, Hà Nội. Thì ra Sửu là anh của Đỗ Mộng Dần.
Qua điều tra, Cơ quan Công an nắm được người có tên là Nguyễn Văn Thợi cũng có mối quan hệ rất chặt chẽ với gia đình Sửu, trước đây thường ăn ở tại nhà Sửu và cũng hoang phí vô cùng, thường đi đánh chén ở Phú Gia, ăn thịt chó ở phố Mã Mây cũng trả bằng vàng...
Trọng tâm công tác điều tra mà Ban chuyên án vạch ra lúc này là đi tìm Nguyễn Văn Thợi, kẻ buôn lậu vàng bạc, đối tượng nghi vấn số một của vụ trộm ấn vàng.
Một hôm đồng chí Nguyễn Ngọc Lân, trinh sát hình sự được tin: Có một xe ôtô màu trắng, chở người từ ngoại thành vào Hà Nội, trên xe có một người hơi lùn, có nhân dạng giống như Nguyễn Văn Thợi.
Xe ôtô màu trắng! Đúng là xe Công an rồi! Đồng chí Lân rất mừng, vội phóng ngay về Phòng Hình sự Sở Công an Hà Nội và được biết: Nguyễn Văn Thợi là đối tượng tập trung cải tạo, đã được đưa về Trại giam Hỏa Lò. Ngay sau đó, anh đã lấy được dấu vân tay của Nguyễn Văn Thợi. Từ đó Cơ quan điều tra đi đến kết luận là: Dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ trộm báu vật ở Viện Bảo tàng lịch sử ngày 5/1/1962 do Nguyễn Văn Thợi để lại.
Qua xét hỏi tên Nguyễn Văn Thợi (tức Chưng, tức Khiêm) 33 tuổi, đã có 17 tiền án tiền sự về tội trộm cắp và buôn lậu, bị tập trung cải tạo, trinh sát được biết: chính Nguyễn Văn Thợi đã gây ra 2 vụ trộm báu vật ở Viện Bảo tàng lịch sử.
Thợi khai rõ: Năm 1957, khi bị giam ở trại cải tạo Thái Nguyên, y có quen và chơi thân với một tên là Nguyễn Sơn Trưng (tức Bạt). Sau khi mãn hạn tù, hai người vẫn quan hệ thân thiết với nhau.
Dạo tháng 4/1961, Thợi và Trưng rủ nhau vào “tham quan” Viện Bảo tàng lịch sử, thấy nhiều đồ vàng bạc được trưng bày, liền bàn cách lấy trộm. Lợi dụng sơ hở của cán bộ bảo vệ, Thợi đã lấy được mẫu chìa khóa tủ trưng bày hiện vật rồi thuê thợ làm chìa khóa.
Ngày 1/6/1961, lừa lúc vắng khách tham quan và sơ hở của nhân viên bảo vệ, Thợi đã dùng chìa khóa mở tủ trưng bày , lấy một ấn vàng giấu vào bụng, lấy một âu vàng đưa cho tên Trưng (cũng giấu vào bụng), rồi 2 tên cùng lẳng lặng quay ra.
Khi ra đến cửa Viện Bảo tàng, Trưng dừng lại nói chuyện với nhân viên bảo vệ để lợi dụng thời điểm đó cho Thợi ra trước, còn Trưng thì khéo léo ra sau. Số vàng lấy được, hai tên mang sang Yên Viên chặt phá thành từng thỏi nhỏ rồi đưa đi tiêu thụ ở Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội...
Vụ thứ nhất trót lọt, công của Thợi lớn, nhưng vì số vàng phải chia nhỏ cho cả bọn ăn theo nên Thợi chẳng được bao nhiêu. Vì thế nên trong vụ trộm thứ 2 Thợi quyết định hành động một mình.
Giả khách tham quan, hồi 14 giờ 30 phút ngày 4/1/1962, Thợi lẻn vào một phòng tối, nấp sau mô hình tháp Bình Sơn ở gác 2, ăn hết gói ô mai và phóng uế tại chỗ. Bức thư lấy ở nhà Sửu dùng gói ô mai, Thợi đã xé ra làm giấy vệ sinh.
Đến khoảng 2 giờ ngày 5/1/1962, thấy xung quanh im ắng. Thợi rời nơi ẩn nấp, dùng chìa khóa (đã được y đánh trộm trước đó) để mở tủ trưng bày, lấy được chiếc ấn và 2 quyển kim sách. Nhưng vận may đến với Thợi quá ít, lần này y lấy phải toàn những thứ bằng bạc mạ vàng.
Khám nơi chứa chấp của gian tại nhà tên Đỗ Huệ ở Yên Viên, Cơ quan điều tra đã thu được một ấn bạc mạ vàng ghi “Cao Đức Thái hoàng Thái Hậu” còn nguyên vẹn, nặng 74 lạng, 2,5kg bạc và 33 lạng vàng ta (kể cả số vàng mà các đối tượng thuê một hiệu vàng ở phố Hàng Giấy kéo thành nhẫn và số vàng thu tại nhà tên Nguyễn Sơn Trưng ở Bắc Giang).
Vụ án sau một thời gian dài điều tra với bao nỗi gian truân, vất vả, có lúc tưởng hoàn toàn bế tắc, đã được làm sáng tỏ là chiến công xuất sắc của Công an Hà Nội với sự hỗ trợ đắc lực của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an một số địa phương.
Tất cả các đối tượng trộm cắp, chứa chấp và tiêu thụ của gian đều đã bị bắt. Ngày 3 và ngày 4/2/1964, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Nguyễn Văn Thợi tù chung thân. 19 tên đồng bọn bị xử từ 2 năm án treo đến 11 năm tù giam về các tội phá hoại di tích lịch sử, trộm cắp tài sản quốc gia và tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có.
Riêng tên Nguyễn Sơn Trưng (tức Bạt), trốn về quê ở Bắc Giang tiếp tục trộm cắp nên bị dân quân truy đuổi, bắn trọng thương rồi chết