Cái chết bí ẩn của Enrico Mattei, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Italia

Thứ Năm, 13/10/2005, 09:28
12h15’, chiếc chuyên cơ Cessna 6 chỗ ngồi, trên có Enrico Mattei, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Italia, viên thư ký riêng Sebastiano Gardetti, rời sân bay Palermo. Nhưng chỉ 2 giờ 10 phút sau, khi bay đến không phận của tỉnh Lombardie, chiếc Cessna bỗng đâm sầm xuống ngôi làng nhỏ Bencopé. Tai nạn đã khiến cho Enrico Mattei, viên thư ký riêng và 3 nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Điều tra sơ bộ cho biết nguyên nhân vụ tai nạn có thể do chiếc Cessna gặp trục trặc kỹ thuật ở phần tiếp nhiên liệu và cũng có thể do gặp một cơn gió mạnh, vốn hay xuất hiện ở vùng Lombardie vào tháng 10 hàng năm. Thế nhưng có nhiều nghi vấn cho rằng, đó không phải là một tai nạn bình thường mà là một âm mưu nhằm giết hại Enrico Mattei, vốn có những hành động đi ngược lại quyền lợi của một số quốc gia phương Tây, chủ yếu là Mỹ.

Một cuộc điều tra của Cơ quan Tình báo quân đội Italia (SISMI) đã phát hiện bồn chứa nhiên liệu nằm ở cánh phải chiếc Cessna gặp nạn có những vết toác từ bên ngoài vào bên trong mà nguyên nhân chỉ có thể gây ra bởi một loại chất nổ gắn ở bên ngoài. Vậy đâu là sự thật?

Enrico Mattei sinh năm 1906 tại thị trấn nhỏ Pesario ở miền Trung Italia. Năm 1924, Mattei rời Pesario đến thành phố Milan học Đại học Luật và Thương mại. Tốt nghiệp, Mattei được nhận vào làm việc tại một công ty hàng hải và sau đó là một công ty kinh doanh khí đốt.

Là người có tư tưởng dân tộc và dân chủ, Mattei kiên quyết chống lại chế độ phát xít của Benito Mussolini. Vì lý do này mà Mattei đã hai lần bị chính quyền phát xít bỏ tù. Năm 1939, khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 xảy ra, Mussolini quyết định tham chiến bên cạnh Đức Quốc xã với tư cách là đồng minh, thì Mattei bí mật tham gia tổ chức kháng chiến chống phát xít có tên gọi Resistenza. Đến năm 1944, Mattei đã là một trong những chỉ huy của Resistenza ở miền Trung Italia.

Tháng 5/1945, khi chiến tranh kết thúc và Italia trở thành một quốc gia bại trận, Mattei được Ủy ban giải phóng quốc gia bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Dầu khí quốc gia (AGIP), vốn được thành lập từ năm 1932 dưới thời chính quyền phát xít.

Nhờ tài lãnh đạo của Enrico Mattei mà đến năm 1949, AGIP không những đã hoàn toàn khôi phục các cơ sở vật chất bị hư hại trong chiến tranh mà còn tiến hành thăm dò dầu khí ở miền Bắc Italia. Theo tuyên bố của Mattei, thì những mỏ dầu và khí đốt được phát hiện ở vùng đồng bằng sông Po và vùng Cortemaggiore, một khi được khai thác có thể tự cung cấp phần lớn nhu cầu của Italia, vốn lâu nay vẫn bị lệ thuộc bởi nước ngoài, nhất là Mỹ. Nhờ phát hiện này, mà uy tín của AGIP tăng cao trên thị trường dầu khí quốc tế khiến cho giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng tăng vùn vụt. Năm 1953, Quốc hội Italia biểu quyết thành lập Tập đoàn Dầu khí quốc gia (ENI) và bổ nhiệm Enrico Mattei làm chủ tịch.

Từ đây, Enrico Mattei chuyển hướng mạnh sang kinh doanh trên thị trường dầu khí quốc tế. Để phá thế độc quyền kinh doanh dầu khí, vốn nằm trong tay các tập đoàn dầu khí hùng mạnh của Anh và Mỹ, Enrico Mattei quyết định liên kết khai thác dầu khí với các quốc gia nhỏ và nghèo ở Trung Đông và châu Phi và một số quốc gia XHCN khác. Ông còn bí mật thương thảo với Ai Cập và Iran về việc ENI sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn việc thăm dò dầu khí và sẵn sàng chia chác đồng đều phần dầu khí khai thác được mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì.

Năm 1960, trong cao trào của Chiến tranh lạnh, mặc cho các chỉ trích từ phía Mỹ, Enrico Mattei quyết định liên kết khai thác dầu khí với Liên Xô và Trung Quốc. Tháng 10/1960, Mattei tuyên bố sẽ phá vỡ thế độc quyền khai thác và cung cấp dầu khí của Mỹ trên thế giới. Nhiều quốc gia có nguồn tài nguyên dầu khí đã quay sang thương lượng với Italia để tổ chức thăm dò và khai thác dầu khí trước sự bực tức của Chính phủ Mỹ. Và thế là Mỹ quyết định ra tay với Enrico Mattei.

Vào tháng 3/1962, chiếc máy bay chuyên dụng Cessna dành riêng cho việc di chuyển của Mattei, đã bị phá hỏng bộ phận lái cánh. May thay, trước khi máy bay cất cánh để đưa Mattei đến Maroc, viên phi công đã kịp thời phát hiện nếu không thì tai nạn chết người đã xảy ra. Dư luận Italia cho rằng, chính tình báo Mỹ đã tổ chức vụ phá hoại này.

Và nếu như trong âm mưu phá hoại lần thứ nhất, Enrico Mattei đã may mắn thoát chết nhờ sự cẩn thận của viên phi công, thì ông không thể nào vượt qua được số phận khi bị tử nạn trong âm mưu phá hoại lần thứ hai vào ngày 27/10/1962. Lần này dư luận Italia cũng khẳng định rằng, chắc chắn có bàn tay phá hoại của tình báo Mỹ. Chính tình báo Mỹ đã thuê mướn tổ chức tội phạm Cosa Nostra trên đảo Sicile của Italia để thực hiện vụ phá hoại này, dựa trên một số chứng cứ thuyết phục sau đây:

- Năm 1970, thẩm phán De Mauro quyết định tổ chức một cuộc điều tra về cái chết của Enrico Mattei dựa trên nhiều chứng cứ thuyết phục mà ông thu thập được suốt nhiều năm liền liên quan đến một tổ chức tình báo nước ngoài đã thuê mướn băng nhóm mafia Cosa Nostra thực hiện vụ phá hoại chiếc chuyên cơ Cessna vào ngày 27-10-1962. Thế nhưng đến tháng 11/1971, thẩm phán De Mauro đã bị một nhóm kẻ lạ mặt bắt cóc khiến cuộc điều tra của ông phải đình hoãn vô thời hạn.

- Nhiều cuộc điều tra của Tòa án và cảnh sát Italia về vụ bắt cóc thẩm phán De Mauro đã gặp nhiều cản trở khó hiểu. Nhiều chỉ huy của lực lượng điều tra lần lượt bị mafia sát hại, trong đó đáng kể nhất là vụ sát hại tướng cảnh sát Carlo Alberto Dalla Chiesa vào tháng 10-1982 tại Palermo.

- Tommaso Buscetta, một "bố già" hối cải của băng nhóm mafia Cosa Nostra, đã khai báo với thẩm phán Giovanni Falcone rằng, Cosa Nostra đã tổ chức bắt cóc thẩm phán De Mauro, khi ông này tổ chức điều tra về tai nạn máy bay làm chết Enrico Mattei, theo sự thuê mướn của tình báo Mỹ.

- Đô đốc Fulvio Martini, cựu Giám đốc SISMI, trong cuốn hồi ký của mình được phát hành vào năm 2001, đã khẳng định chính tình báo Mỹ đã tổ chức phá hoại chiếc chuyên cơ Cessna vào ngày 27/10/1962 với mục đích giết hại bằng được Enrico Mattei. Đây là kết quả của một cuộc điều tra bí mật được thực hiện bởi SISMI trong hai năm 1965-1967 theo lệnh của Đô đốc Martini

Hoàng Phú (Theo Historia)
.
.
.