Các đối tượng đã lừa đảo 148 tỷ đồng của người nghèo như thế nào?

Thứ Hai, 04/03/2019, 10:45
1.093 bị hại trên 16 tỉnh, thành của cả nước đã nộp cho cái gọi là "Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới" qua hai chương trình "Trái tim Việt Nam" và "Liên kết ba bên" số tiền khủng lên đến 148 tỷ đồng, trong đó, các đối tượng đã chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, số tiền các đối tượng chiếm đoạt đều là của những người nghèo, có hoàn cảnh đặc  biệt khó khăn, họ tham gia vào chương trình với mong muốn sẽ được hỗ trợ để phần nào bớt đi lo âu về kinh tế. Nhưng không ngờ, đây chỉ là cái bẫy các đối tượng giăng ra để bòn rút, lừa đảo từng đồng tiền lẻ mà họ chắt chiu dành dụm. Ngày 25-2, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 6 đối tượng liên quan đến vụ án này.

Hỗ trợ người nghèo lừa người nghèo

Các đối tượng vừa bị truy tố gồm: Trần Đức Trung, sinh năm 1961, trú ở phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; Lê Thị Hằng, sinh năm 1963, trú ở Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm;  Bùi Thị Oanh, sinh năm 1956, trú ở tổ 22, phường Tiền Phong, TP Thái Bình; Phạm Văn Lực, sinh năm 1978, trú ở đường Điện Biên Phủ, TP Hải Dương; Nhâm Sỹ Phúc, sinh năm 1967, trú ở tổ 15, phường Phú Khánh, TP Thái Bình và Phan Thị Thoa, sinh năm 1989, trú ở xã Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cơ quan An ninh điều tra thi hành lệnh bắt đối với Trần Đức Trung.

Các đối tượng trên đã "càn quét" tại 16 tỉnh, thành phố qua 26 điểm tư vấn, lôi kéo hơn 1.000 người dân tham gia. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số người được Cơ quan an ninh điều tra làm rõ, trên thực tế, số người tham gia lớn hơn rất nhiều vì nhiều người không tố cáo. Các nạn nhân đều là những người nông dân chân lấm tay bùn, thiếu hiểu biết, thấy các đối tượng tuyên truyền rầm rộ là sẽ hỗ trợ, giúp đỡ nên rủ nhau tham gia. Họ không ngờ, khi tiền nộp vào, muốn rút ra thì không được nữa.

Phóng viên báo ANTG đã có một quá trình theo dõi vụ án này, từ khi người dân tố cáo hành vi lừa đảo của các đối tượng cho đến khi lực lượng An ninh điều tra, bắt giữ. Năm 2015, tại Thanh Hoá có 3 điểm "hỗ trợ người nghèo", thu hút hàng trăm người tham gia. Thời điểm đó, chương trình "Trái tim Việt Nam" đang ở thời kỳ "ăn nên làm ra".

Phát hiện có nhiều dấu hiệu bất thường, Công an tỉnh Thanh Hoá đã nắm tình hình, thu thập tài liệu, chứng cứ. Tuy nhiên, các đối tượng hoạt động khá tinh vi, có quan hệ rộng, lại có vỏ bọc chắc chắn đó là quyết định thành lập Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam (Hiệp hội doanh nghiệp) nên chưa thể xử lý. Thậm chí, khi báo đăng bài tố cáo hành vi lừa đảo, Chủ tịch HĐQT Trần Đức Trung khi đó là Phó tổng biên tập 2 tờ báo đã đe dọa sẽ kiện vì "làm ảnh hưởng đến uy tín của Trung tâm".

Bà Nguyễn Thị Lĩnh sống trong ngôi nhà trống hơ trống hoác ở xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá. Bà Lĩnh là hộ độc thân, không có chồng, con, lại bị tật nguyền nên sống chủ yếu bằng trợ cấp của Nhà nước và hỗ trợ của bà con, xóm giềng cùng sào ruộng, chắt chiu từng đồng lẻ để "phòng khi ốm đau". Ngày nông nhàn, bà Lĩnh đi bộ hàng chục cây số, dọc các xã lân cận để nhặt rác, vỏ chai bán lấy tiền. Khó khăn là thế, thậm chí ốm đau cũng không dám mua thuốc uống vì sợ phải tiêu tiền.

Nhưng khi các đối tượng của trung tâm kia tuyên truyền: "Mỗi người tham gia một định suất trị giá 1,2 triệu đồng sẽ được cấp một mã số, phía trung tâm sẽ tặng ngay một phần quà trị giá 200.000 đồng bao gồm một lít phân vi sinh hoặc một lọ thực phẩm chức năng, lọ giải độc gan... và hỗ trợ lại 5,2 triệu đồng chia theo các giai đoạn. Giai đoạn I nhận 100.000 đồng, giai đoạn II nhận 200.000 đồng, giai đoạn III nhận 800.000 đồng, từ giai đoạn IV trở đi nhận 300.000 đồng cho đến khi đến hết 5,2 triệu đồng", bà Lĩnh như mê mẩn vì món lợi lớn quá. Đặc biệt, người đứng ra tuyên truyền, thu tiền không phải ai xa lạ mà là ông Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã. Vì thế, bà Lĩnh và hàng chục, thậm chí hàng trăm người ở xã Thiệu Long đã tin tưởng nộp tiền.

1,9 triệu đồng là khoản tiền chắt bóp hàng chục năm của bà Lĩnh chỉ đổi lại được tờ phiếu thu và đơn tự nguyện tham gia chương trình. Cầm mớ giấy tờ trên về, bà Lĩnh chưa phát hiện ra sự bất thường.

Chỉ đến khi những người hàng xóm cùng tụ tập bàn tán vì "tìm mỏi mắt" trong số giấy tờ trên cũng không thấy dòng nào nói là sẽ hỗ trợ lãi suất và tờ đơn tự nguyện đóng góp cho chương trình khi ký vào có nghĩa là tự nguyện ủng hộ toàn bộ số tiền mình đã đóng. Thế là mọi người kéo đến nhà ông Phó Chủ tịch hội nông dân để đòi lại tiền nhưng lúc này họ mới biết, tiền đã nộp vào Trung tâm, chưa thể đòi được. Nhìn đôi tay bị tật của bà Lĩnh bất lực cứ di đi di lại tờ giấy thu tiền, thực sự, chúng tôi không thể cầm được nước mắt.

Ông Hách Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Thành, Thiệu Hóa, Thanh Hoá cho biết, lúc đầu một số người giới thiệu là nhân viên Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong xây dựng nông thôn mới đến công sở xã đề nghị được hỗ trợ người dân nghèo của địa phương. Phía Trung tâm hứa tặng nhân dân xã Thiệu Thành 300 lít phân vi sinh, một nhà tình nghĩa (trị giá 52 triệu đồng), 10 sổ tiết kiệm (trị giá 5,2 triệu đồng mỗi sổ). Do họ có giấy tờ đầy đủ nên xã đã đồng ý.

Tuy nhiên, tại buổi lễ trao quà từ thiện, Trung tâm chỉ trao cho xã 300 lít phân bón còn món quà nhà tình nghĩa và 10 sổ tiết kiệm chỉ là "những mảnh giấy tượng trưng". "Sổ tiết kiệm chỉ là một bìa giấy ghi trị giá 5,2 triệu đồng có chữ ký người đại diện và đóng dấu của Trung tâm, không có bảo lãnh tiền gửi tại ngân hàng nào cả. Đến nay, ngoài bìa sổ này, người dân không hề nhận được bất kỳ khoản tiền nào khác", ông Thắng nói.

Không chỉ thế, tại buổi lễ trao quà từ thiện, người của Trung tâm lại kêu gọi người dân địa phương tham gia chương trình có tên "Trái tim Việt Nam", ủng hộ người nghèo để được hưởng khoản hoa hồng chênh lệch rất cao so với giá trị ban đầu. Mức hưởng chênh lệch cũng giống như trên. Thành viên giới thiệu người tham gia chương trình sẽ được trung tâm hỗ trợ ngay 500.000 đồng. Người thứ hai giới thiệu được người thứ ba cũng nhận được 500.000 đồng.

Sau khi báo CAND và một số báo đăng tải thông tin, Trần Đức Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị  đã "nhảy dựng" lên, họ sẽ tố cáo vì bị "vu khống". Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng đã đưa ra nhiều tài liệu, giấy tờ để chứng minh hoạt động của trung tâm là vì mục đích nhân đạo, vì người nghèo chứ không phải "kinh doanh theo mô hình đa cấp" như báo chí phản ánh. Cho đến ngày 12-4-2017 khi Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an bắt giữ Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì các đối tượng này mới hết "già mồm".

"Ăn" của người nghèo gần 50 tỷ đồng

Quá trình điều tra, Cơ quan an ninh điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng trong đường dây đã lừa đảo của 1.093 người với số tiền là 148 tỷ đồng. Trong đó, các đối tượng chiếm đoạt, sử dụng cá nhân 49,168 tỷ đồng. Số tiền khoảng 100 tỷ đồng còn lại, chúng sử dụng để trả tiền hoa hồng cho những người làm đại lý…

Một điểm tư vấn tại Thanh Hóa.

Trung tâm do Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng đứng ra thành lập vào ngày 8-10-2013 là đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản ngân hàng... Hằng và Trung đã nghĩ cách thu hút, lôi kéo được nhiều người tham gia vào Trung tâm hơn để chiếm đoạt tiền của họ nên vào tháng 3-3015, đã "kết nạp" Phạm Văn Lực vào làm việc tại trung tâm. Thời điểm này, Phạm Văn Lực cùng với Bùi Thị Oanh và Nhâm Sỹ Phúc đang điều hành "Câu lạc bộ triệu phú tích lũy làm giàu" (gọi tắt là Câu lạc bộ triệu phú) với mục đích hoạt động kinh doanh đa cấp nhưng chưa được cấp phép.

Một bên có giấy phép hoạt động nhưng chưa có cách làm hiệu quả, một bên hiểu biết về đa cấp, có nhiều thủ đoạn tinh vi nhưng không được cấp giấy phép đã "hợp" với nhau thành lập "liên minh ma quỷ" dưới vỏ bọc Câu lạc bộ triệu phú. Theo đó, Hằng ký bổ nhiệm Phạm Văn Lực làm Chủ tịch Câu lạc bộ; Bùi Thị Oanh làm Phó Chủ tịch Câu lạc bộ, Nhâm Sỹ Phúc làm Chuyên viên phát triển thị trường.

Trung cùng Hằng, Oanh, Lực thống nhất đưa ra chính sách nhằm thu hút người tham gia câu lạc bộ và giao cho Phạm Văn Lực ký "Bản quy định cho hội viên tham gia Câu lạc bộ tích lũy làm giàu" với vai trò là Chủ tịch Câu lạc bộ. Theo đó, mỗi hội viên mua 1 hộp thực phẩm chức năng với giá 1,2 triệu đồng để ủng hộ trung tâm và mua đủ 12 tháng thì hàng tháng sẽ nhận được tiền hỗ trợ của trung tâm nhưng không quy định số tiền cụ thể...

Thời gian sau đó, thấy chính sách hỗ trợ người tham gia Câu lạc bộ triệu phú chưa hấp dẫn, mức độ lan tỏa còn ít, Trung hủy bỏ toàn bộ các quyết định thành lập Câu lạc bộ triệu phú đồng thời tổ chức triển khai Chương trình "Trái tim Việt Nam" với một loạt thay đổi về cách thức tuyên truyền, quảng bá, lôi kéo người tham gia.

Để tuyên truyền, quảng bá và quản lý số người tham gia Chương trình "Trái tim Việt Nam", xây dựng trang web "hotronguoingheo.vn" và phần mềm quản lý hội viên, đồng thời "đẻ" ra chương trình "Trái tim Việt Nam" để lôi kéo người tham gia. Theo đó, các thành viên tham gia Chương trình "Trái tim Việt Nam" sau khi đăng ký tham gia thông qua các điểm tư vấn sẽ được kích hoạt tài khoản cá nhân (ID) trên trang web "hotronguoingheo.vn" và được nhận 1 sản phẩm hỗ trợ là thực phẩm chức năng, phân vi sinh hoặc sách báo, trị giá 150 nghìn đồng, người giới thiệu được nhận 500 nghìn đồng.

Ngoài các hình thức nêu trên, các đối tượng trong vụ án còn thường xuyên tuyên truyền tại buổi lễ ra mắt các điểm tư vấn, các buổi hội thảo. Quá trình tuyên truyền, các đối tượng đã đưa các thông tin sai sự thật, để gây hiểu lầm trung tâm là cơ quan Nhà nước, tuyên truyền về Chương trình "Trái tim Việt Nam" được sự ủng hộ của nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người có uy tín trong xã hội; nguồn vốn của trung tâm để chi trả cho người tham gia chương trình là rất lớn, ngoài tiền do người dân tham gia chương trình đóng góp thì còn có nguồn vốn do tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước, tổ chức từ thiện quốc tế tài trợ…

Nhằm phát triển, mở rộng mạng lưới, Trung ký thành lập điểm tư vấn và thưởng điểm tư vấn. Đối tượng tham gia  từ 500 suất sẽ được xét duyệt thành lập điểm tư vấn và được bổ nhiệm trưởng điểm tư vấn; được trung tâm trả lương hằng tháng và hỗ trợ 50 nghìn đồng đối với mỗi suất tham gia. Với các thủ đoạn như nêu trên, Trần Đức Trung, Lê Thị Hằng, Bùi Thị Oanh và đồng phạm đã lôi kéo được số lượng rất lớn người tham gia Chương trình "Trái tim Việt Nam", thành lập 26 điểm tư vấn và nhiều nhóm thu tiền tại 16 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngày 4-12-2015, Hiệp hội doanh nghiệp đã có văn bản yêu cầu trung tâm tạm dừng các hoạt động liên quan đến Chương trình "Trái tim Việt Nam" kể từ ngày 7-12-2015. Ngày 30-12-2015, Hiệp hội tiếp tục ra Quyết định giải thể trung tâm và yêu cầu Trung dừng mọi hoạt động của Chương trình "Trái tim Việt Nam". Tuy nhiên, Trung và Hằng vẫn liên hệ với Nguyễn Tuấn Lân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc tế Newstar tổ chức Chương trình "Liên kết ba bên" để tiếp tục thu tiền của người tham gia... Chương trình "Liên kết ba bên" đã chiếm đoạt của người dân gần 2,8 tỷ đồng, "góp" vào tổng số tiền thu được của người dân là khoảng 148 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố các đối tượng trên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, số tiền chiếm đoạt (hơn 49 tỷ đồng), kể cả số tiền các đối tượng thu được (khoảng 148 tỷ đồng) hầu như đã bị sử dụng hết, trong đó khoản tiền 100 tỷ không phải chịu trách nhiệm hình sự vì đã trả hoa hồng, chi phí... cũng đều là của những người nghèo vô tội.

Cũng giống như hàng loạt các vụ lừa đảo kiểu đa cấp như MB 24, Liên kết Việt, Tâm mặt trời... dù phương thức có khác nhau nhưng chung quy lại, các đối tượng vẫn đánh vào lòng tham của nạn nhân, đó là nộp vào số tiền ít nhưng lại được hưởng lãi suất cao. Đây cũng chính là "điểm yếu" để các đối tượng lợi dụng.

Hoàng Sơn
.
.
.