10 nhà truyền giáo Mỹ bị buộc tội bắt cóc trẻ em Haiti

Thứ Ba, 16/02/2010, 10:15
Lợi dụng lúc tình hình Haiti đang hỗn loạn sau vụ động đất kinh hoàng hôm 12/1, 10 nhà truyền giáo người Mỹ núp dưới danh nghĩa vào Haiti cứu trợ nhân đạo đã tìm cách mang 33 trẻ em Haiti qua biên giới Cộng hòa Dominica. Họ đều đã bị bắt vì không có đủ giấy tờ hợp lệ, và đang chờ quyết định liệu có bị truy tố tội hình sự về tội bắt cóc và mua bán trẻ em hay không.

Ngay khi Haiti gánh chịu thảm họa thiên nhiên, cộng động quốc tế đã cảnh báo tình trạng bắt cóc trẻ em và buôn bán tạng người tại quốc gia này, nhưng trong tình thế hỗn loạn như thế chính quyền Haiti thật khó có thể kiểm soát hết được.

5 người đàn ông và 5 phụ nữ làm việc cho một tổ chức từ thiện tên là New Life Children's Refuge thuộc một nhà thờ thánh Baptist có trụ sở ở bang Idaho, Mỹ, đã bị bắt giữ vào tối 29/1 khi họ đang tìm cách đưa 33 trẻ em Haiti, từ 2 tháng đến 12 tuổi, với tên được dán trên áo của các em, sang Cộng hòa Dominica. Các em này sau đó đã được đưa trở lại một trại trẻ mồ côi ở thủ đô Port-au-Prince do một nhóm cứu trợ quốc tế quản lý.

Một người phát ngôn của trại này cho biết các em được đưa đến nơi trong tình trạng mất nước nặng. Các nhân viên tại trại mồ côi này cho hay, một số trong nhóm các em nhỏ này quả quyết rằng, các em không phải là trẻ mồ côi. Họ nói với Hãng Thông tấn Pháp AFP rằng, một số em lớn tuổi hơn còn cung cấp được cả số điện thoại và địa chỉ liên lạc.

Một bé gái 9 tuổi vừa khóc vừa nói: "Cháu không phải là một trẻ mồ côi. Cháu còn có cha mẹ". Và cô bé nghĩ rằng cô đang trên đường tới một trại hè, một trường nội trú hoặc đại loại như vậy. Tuy vậy, một số phụ huynh ở Haiti lại công khai nói rằng, họ sẵn sàng xa con miễn là con họ tìm thấy được một cuộc sống sung sướng. Haiti là nước nghèo nhất ở Tây bán cầu, và trong khi quốc gia này đang cần được sự giúp đỡ thì nhiều công dân xứ này có cảm giác lẫn lộn đối với các nhóm thuộc giáo hội Cơ Đốc giáo, cùng những hoạt động của họ ở Haiti.

Sau khi bị bắt, các thành viên của nhóm New Life Children's Refuge nói rằng họ bị vu oan. Thật ra, chỉ tìm cách giải cứu trẻ mồ côi do hậu quả của trận động đất, họ dự kiến tập hợp khoảng 100 trẻ em và đưa chúng qua biên giới bằng xe buýt tới một khách sạn thuê ở một thành phố nghỉ mát của Dominica, nơi họ sẽ thành lập một trại trẻ mồ côi.

Một phát ngôn viên của New Life Children's Refuge nói rằng, tổ chức này có các hồ sơ, giấy tờ từ Cộng hòa Dominica, nhưng đã không xin giấy phép của giới chức Haiti. Hãng tin AP dẫn lời bà Laura Silsby - trưởng nhóm 10 người bị bắt - nói rằng họ không buôn bán trẻ em, không trả tiền để có được bọn trẻ, mà thực ra một cha cố khá nổi tiếng người Haiti có tên Jean Sanbil đã thu thập bọn trẻ và gửi chúng cho nhóm. Tuy nhiên, giới chức ở Haiti quy tội cho những người Mỹ này là bắt cóc và lo sợ rằng, những người chuyên bắt cóc trẻ em và các cơ quan nhận con nuôi lợi dụng tình thế xáo trộn ở Haiti để thừa nước đục thả câu.

Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Haiti, Yves Christallin, khẳng định rằng, trẻ em cần phải có phép của bộ để ra khỏi nước. Đến ngày 1/2, Thủ tướng Haiti, Max Bellerive đã khẳng định rõ rằng 10 nhà truyền giáo Baptist, Mỹ đã cố đưa 33 trẻ em ra khỏi đất nước bị động đất tàn phá mà không có phép, và họ biết những gì họ làm là sai trái.

9 trong số 10 người Mỹ bị tình nghi bắt cóc trẻ em Haiti.

Thủ tướng Max Bellerive cho biết phải có một hệ thống pháp lý nào đó xác định liệu những người Mỹ có hành động với thiện ý hay không - như họ rêu rao - hoặc là những kẻ buôn bán trẻ em trong một nước đã chật vật để chống lại nạn khai thác trẻ em đầy rẫy trong nước. Nếu họ hành động với thiện ý, có thể các tòa án sẽ khoan hồng đối với họ. Các nhà điều tra hiện đang cố xác định xem làm thế nào những người Mỹ này đã nhận được các trẻ em, và liệu có bất cứ kẻ buôn bán trẻ em nào dính líu hay không.

Nhiều trẻ em tại các trại mồ côi ở Haiti không thực sự là trẻ mồ côi, mà bị gia đình từ bỏ vì không nuôi nổi chúng. UNICEF và các tổ chức phi chính phủ khác đã đăng ký những đứa trẻ có thể đã mất cha mẹ hoặc bị lạc, con số này lên tới hàng nghìn sau động đất. Để ngăn chặn trẻ em bị buôn bán, Chính phủ Haiti hiện giờ yêu cầu phải có sự cho phép của chính Thủ tướng Max Bellerive thì mới được đưa bất kỳ đứa trẻ nào qua biên giới. Chính phủ Haiti cũng đã tạm ngưng mọi hoạt động cho nhận con nuôi trừ khi chúng đang được xúc tiến trước vụ động đất, với mối lo sợ rằng trẻ em không có cha mẹ hoặc những đứa trẻ bị lạc dễ bị lạm dụng hơn bao giờ hết trong việc bị bắt cóc và đem bán.

Mỹ là quốc gia có nhiều hoạt động cứu trợ cả về sức người và sức của nhất đối với Haiti. Hiện có 15.000 người Mỹ đang làm các hoạt động cứu trợ và bảo đảm an ninh cho Haiti sau động đất. Ngoài ra, chính quyền Washington cũng đã hứa trợ giúp Haiti 167 triệu USD. Hiện chưa có tin tức gì về phản ứng từ phía Mỹ. Tuy nhiên, vụ bắt cóc trên đang làm xấu đi hình ảnh của Mỹ trong công tác cứu trợ, nhất là khi sự xuất hiện quá nhiều của quân đội Mỹ tại Haiti đã khiến nhiều nước tỏ ra nghi ngờ về động cơ thực sự

Lê Phương (tổng hợp)
.
.
.