Những mẫu taxi bay đình đám trên thế giới

Thứ Sáu, 14/06/2019, 12:38
Hạ tầng giao thông quá tải, nạn kẹt xe,… khiến cho việc di chuyển trên bộ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Và máy bay cá nhân sẽ là lời giải cho bài toán giao thông đông đúc tại các thành phố trên thế giới trong tương lai…

1. Alpha Two (Airbus)

Taxi bay Alpha Two được trang bị 8 động cơ cánh quạt, các phần mềm cũng như phần cứng cho phép nó phát hiện và tránh chướng ngại vật trong không khí. Hệ thống được phát triển dựa trên công nghệ Wayfinder của Airbus.

Airbus tuyên bố đã hoàn thành 50 chuyến bay thử nghiệm với Alpha One, tiền thân của nguyên mẫu Alpha Two với các hình ảnh vừa được tiết lộ.

Không giống như người tiền nhiệm của nó, Alpha Two có nội thất được thiết kế hoàn chỉnh, bao gồm khoang nội thất hoàn thiện hơn hẳn với chỗ ngồi dành cho một hành khách đặt bên trong mái vòm kính và một màn hình trung tâm cỡ nhỏ.

Airbus dự kiến sẽ ra mắt xe bay hoàn chỉnh vào năm 2020.

2. Lilium

Mẫu taxi bay của công ty khởi nghiệp Lilium được trang bị 36 động cơ phản lực điện, có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL), tốc độ tối đa là 300 km/h và tầm bay gần 300 km. Lilium cho biết, taxi bay của hãng có thể bay quãng đường từ London tới Manchester trong chưa đến 1 giờ.

Lilium có 5 chỗ ngồi dành cho 1 phi công và 4 hành khách. Nó cũng có thể hoạt động ở chế độ không người lái, và khi đó số ghế ngồi của hành khách sẽ là 5. Động cơ của Lilium khá tiết kiệm năng lượng, khi ở trong không trung, nó chỉ cần năng lượng tương đương xe điện để bay hành trình.

Dự kiến, taxi bay Lilium sẽ hoàn thành các thử nghiệm và thủ tục bay để đi vào hoạt động chính thức từ năm 2025.

3. Transcend Air

Xe bay của Transcend Air có thể cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng, sử dụng công nghệ VTOL, đạt tốc độ bay nhanh như máy bay phản lực.

Theo Transcend Air, hành khách có thể đi quãng đường từ New York đến Boston chỉ trong 36 phút, Los Angeles đến San Francisco trong 55 phút và Toronto đến Montreal trong 1 giờ mà thôi. Trong khi đó, hiện tại quãng đường từ New York đến Boston sẽ mất khoảng gần 4 giờ đi ô tô với quãng đường gần 400km hoặc hơn 1 giờ đi máy bay.

Dự án phát triển xe bay của Transcend Air đã trải qua 6 năm và họ đang có 15 nguyên mẫu xe bay. Mẫu xe bay thiết kế với 6 chỗ ngồi, có thể hạ cánh tại các bãi đáp được xây dựng trên sà lan, cầu tàu,...

Mẫu xe bay Transcend Air được dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2024.

4. Uber Elevate

Uber đã hợp tác với NASA trong chương trình taxi bay của mình mang tên Uber Elevate, một trong số các dự án xe bay đang dần trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ này hiện đang bị phủ mờ bởi những lo ngại về an toàn giao thông hàng không gia tăng tại các thành phố, sau hai vụ tai nạn ở thành phố New York mới đây.

5. Bell Nexus

Bell Nexus là ý tưởng về taxi bay trong tương lai được nhà sản xuất trực thăng nổi tiếng Bell Helicopter mang đến trưng bày tại Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2019 diễn ra ở Mỹ hồi đầu năm.

Bell Nexus được trang bị 6 cánh quạt lớn, phương tiện trông như một chiếc drone khổng lồ có thể cất và hạ cánh thẳng đứng từ bất kỳ đâu. Khi đã đến một độ cao nhất định, các càng của máy bay sẽ đổi hướng nhằm tạo lực đẩy về phía trước.

Chiếc máy bay này sở hữu động cơ lai điện thay vì dùng điện hoàn toàn nhằm gia tăng phạm vi hoạt động, ít nhất là trong khoảng thời gian đầu triển khai, khi mà công nghệ lưu trữ điện năng chưa cho phép phạm vi hoạt động của nó đủ đáp ứng nhu cầu. Cụ thể, động cơ đốt trong được trang bị trên máy bay sẽ dòng vai trò như máy phát điện để truyền năng lượng đến cho 6 động cơ điện.

Theo công bố của nhà sản xuất, cứ mỗi lần nạp đầy nhiên liệu, máy bay có thể bay được 241 km, tốc độ tối đa đạt được cũng rơi vào khoảng 241 km/h.

6. Autonomous Air Taxi (Dubai)

Chiếc taxi bay này có tổng chiều cao khoảng 2 m, đường kính cánh quạt 7 m. Nó có 2 chỗ ngồi và hoàn toàn tự động. Thời gian bay là 30 phút với tốc độ ổn định 50 km/h. Tốc độ nhanh nhất là 100 km/h.

Phương tiện này sẽ được sử dụng cho dịch vụ taxi trong thành phố. Điểm đặc biệt là nó hoàn toàn tự động, không có bất cứ người lái hay sự can thiệp thủ công vào quá trình vận hành. Điều này làm dấy lên nhiều mối quan ngại về độ an toàn trong quá trình bay.

Tuy nhiên, những chiếc taxi bay này luôn được theo dõi bởi thiết bị quan trắc không khí mới do DCAA thực hiện, đảm bảo an toàn cho chuyến bay tại mọi thời điểm trên không phận thành phố.

Máy bay không người lái này cũng được trang bị rất nhiều tính năng như hệ thống bảo mật chuyên sâu cùng các tiêu chuẩn an toàn. Những bộ phận quan trọng đều được lắp đặt dư để dự phòng. Nó còn được trang bị thêm dù khẩn cấp, 9 hệ thống pin hoạt động độc lập, bộ sạc nhanh và hệ thống hỗ trợ.

V.Cường (tổng hợp)
.
.
.