Đảng Cộng sản Việt Nam - từ đại hội đến đại hội

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, năm 1976

Thứ Hai, 11/01/2016, 08:13
Sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước ta bắt đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hoà bình thống nhất độc lập và cả nước đi lên CNXH. Quá trình thống nhất đất nước diễn ra hết sức khẩn trương, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội.


Về mặt nhà nước, nhân dân cả nước đã tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Trước hoàn cảnh lịch sử mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 14 đến 20-12-1976. 1.008 đại biểu thay mặt hơn 1.550.000 đảng viên trong cả nước dự đại hội, trong đó có 214 đại biểu vào Đảng trước Cách mạng tháng Tám 1945, có 200 đại biểu đã từng bị đế quốc giam cầm, 39 đại biểu là Anh hùng các lực lượng vũ trang và anh hùng lao động, 142 đại biểu là nữ, 98 đại biểu đại diện các dân tộc thiểu số… Đến dự đại hội còn có 29 đoàn đại biểu các Đảng Cộng sản, Đảng Công nhân, phong trào giải phóng dân tộc và các tổ chức quốc tế.

Đại hội nghe diễn văn khai mạc của đồng chí Tôn Đức Thắng; Báo cáo chính trị của BCH Trung ương do đồng chí Lê Duẩn trình bày… Phân tích tình hình mọi mặt, Báo cáo chính trị tại đại hội đã nêu lên ba đặc điểm lớn của đất nước khi bước vào sự nghiệp xây dựng CNXH. 

Một là, sau 20 năm xây dựng CNXH ở miền Bắc, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu: Xoá bỏ giai cấp bóc lột, xác lập quan hệ sản xuất XHCN, xây dựng được cơ sở bước đầu của nền sản xuất lớn XHCN, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên sản xuất nhỏ vẫn là đặc điểm chủ yếu của nền kinh tế miền Bắc. Miền Nam vừa thoát ra từ một xã hội thuộc địa kiểu mới, kinh tế về cơ bản vẫn còn là sản xuất nhỏ. 

Vì vậy, nước ta vẫn đang ở trong quá trình từ một xã hội mà nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN. 

Hai là, cả nước hoà bình độc lập, thống nhất đang tiến lên CNXH với nhiều thuận lợi cơ bản song cũng gặp nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh và các tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới gây ra. 

Ba là, hoàn cảnh quốc tế có nhiều thuận lợi, song cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa cách mạng và phản cách mạng còn diễn ra rất gay go phức tạp. Các thế lực phản cách mạng quốc tế có nhiều âm mưu, hành động tinh vi thâm độc chống phá phong trào cộng sản quốc tế.

Đại hội xác định, muốn đưa sự nghiệp cách mạng XHCN đến toàn thắng, điều kiện quyết định trước tiên là phải thiết lập và không ngừng tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Trong đó, nắm vững chuyên chính vô sản là nắm vững đường lối của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, thực hiện và phát huy quyền làm chủ của tập thể nhân dân lao động, xây dựng nhà nước vững mạnh để tiến hành ba cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, khoa học kỹ thuật và tư tưởng văn hoá, xóa bỏ chế độ bóc lột, đập tan sự phản kháng của kẻ thù. Xây dựng chế độ làm chủ tập thể là xây dựng một xã hội trong đó người làm chủ là nhân dân lao động, có tổ chức mà nòng cốt là liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Đại hội quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Điều lệ mới của Đảng gồm có 11 chương và 59 điều. Điều lệ đã rút gọn 10 nhiệm vụ của đảng viên thành 5 nhiệm vụ, đặt lại chức vụ Tổng Bí thư thay chức Bí thư thứ nhất, quy định nhiệm kỳ của BCH Trung ương là 5 năm.

Đại hội đã bầu ra BCH Trung ương gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm có 14 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. (còn nữa)

CAND
.
.
.