Việt Nam với 40 năm gia nhập Liên hợp quốc

Thứ Tư, 20/09/2017, 08:06
Chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 20-9-1977, đến nay, sau 40 năm, quan hệ của Việt Nam với LHQ phát triển vượt bậc trên tất cả các phương diện và nhiều cấp độ khác nhau. Việt Nam đã không ngừng nâng cao vị thế của mình, góp phần quan trọng trong việc duy trì nền hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực và trên thế giới.


Từ người bạn đồng hành

Có thể khẳng định rằng, trong suốt 40 năm qua, LHQ đã luôn đồng hành cùng Việt Nam trên các chặng đường phát triển. Việt Nam chính thức gia nhập LHQ năm 1977, song một số tổ chức quốc tế đã viện trợ cho Việt Nam từ năm 1975. Trong giai đoạn 1977-1986, khi Việt Nam vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu và từng bước khôi phục sản xuất, Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) đã thông qua Nghị quyết kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam.

Các tổ chức gồm Chương trình phát triển LHQ (UNDP), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hỗ trợ tới hơn 500 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam đầu tư các hạng mục phát triển xã hội, tập trung trong các lĩnh vực giao dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Như đánh giá của Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, hợp tác với LHQ đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ về khoa học-kỹ thuật ở Việt Nam, phục hồi và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển.

Đồng thời, trong bối cảnh bao vây cấm vận, hợp tác với LHQ giúp Việt Nam tiếp cận được nguồn viện trợ của nhiều nước. Cho đến cuối những năm 1980, LHQ vẫn chiếm tới gần 60% (hơn 630 triệu USD) tổng số viện trợ cho Việt Nam ngoài nguồn từ các nước xã hội chủ nghĩa. Khi Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiến hành đổi mới chính sách kinh tế, chính sách xã hội, LHQ vẫn duy trì tới 30% viện trợ kỹ thuật từ bên ngoài và mở rộng hoạt động viện trợ trực tiếp của Chương trình kiểm soát ma túy LHQ (UNDCP), Chương trình môi trường LHQ (UNEP), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…

Lễ ký kết chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.

Chưa hết, một mặt dành 3 ưu tiên trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, cải cách và quản lý phát triển bền vững, mặt khác, theo đề nghị của chính phủ Việt Nam, LHQ còn nhanh chóng chuyển mạnh hướng hỗ trợ kỹ thuật sang hỗ trợ các biện pháp cải cách về chính sách và thể chế kinh tế, doanh nghiệp nhà nước hành chính công, luật pháp... Sự hợp tác giữa Việt Nam và LHQ đã được coi là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên LHQ cũng như về vai trò của LHQ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.

Đến đối tác bình đẳng

Một vài thập kỷ sau Đổi mới, với việc Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, quan hệ giữa Việt Nam và LHQ đã trưởng thành và đến giai đoạn là đối tác bình đẳng hơn. Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), đồng thời là một trong 8 nước thực hiện thành công Sáng kiến “Thống nhất hành động” (DaO); xây dựng Ngôi nhà Xanh chung LHQ tại Hà Nội…

Việt Nam luôn ủng hộ các mục tiêu hàng đầu của LHQ như duy trì hòa bình và an ninh, chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc. Việt Nam cũng là nước tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế do LHQ tổ chức. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng bảo an (tháng 7-2009), Việt Nam còn lần đầu tiên đưa ra sáng kiến tham vấn các thành viên LHQ về báo cáo công tác năm của Hội đồng bảo an LHQ và được nhiều nước đánh giá cao.

Cũng trong năm 2009, Việt Nam đã được bầu làm Chủ tịch luân phiên Hội nghị giải trừ quân bị và bắt đầu cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ từ tháng 6-2014. Hiện Việt Nam cũng đang tích cực hoàn tất công tác chuẩn bị để có thể sớm triển khai đóng góp thêm một bệnh viện dã chiến cấp II.

Tại các diễn đàn LHQ khác, Việt Nam tích cực tham gia thảo luận để giải quyết các vấn đề quan tâm chung về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm nhân quyền, đồng thời đóng góp vào việc cải tổ các cơ quan LHQ theo hướng mở rộng minh bạch, dân chủ và hiệu quả.

Đặc biệt trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc gia, thể hiện qua việc bảo vệ thành công hai Báo cáo kiểm điểm định kỳ (UPR). Được tín nhiệm bầu vào Hội đồng nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đã đề xuất và được thông qua Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, đưa ra và tham gia nhiều sáng kiến như bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái. Hiện nay, Việt Nam cũng đang triển khai vận động ứng cử của Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021…

Ghi nhận những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam tại các cơ chế LHQ cũng như việc tiếp tục tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 5, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh rằng, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của LHQ và rằng LHQ sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam thông qua việc triển khai Kế hoạch chiến lược chung giai đoạn 2017-2021.

Còn theo chia sẻ của Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra, Việt Nam hiện đang ở vị thế đã có những hoạt động đáp lại sự hỗ trợ của LHQ từ trước đến nay. Ông Kamal Malhotra nói: “Một vài thập kỷ sau Đổi mới, đa phần là LHQ hỗ trợ cho Việt Nam, nhưng quan hệ hiện nay giữa LHQ và Việt Nam đã trưởng thành và đến giai đoạn đối tác bình đẳng hơn. Việt Nam có thể hỗ trợ LHQ thông qua rất nhiều cách khác nhau, minh chứng cụ thể chính là Ngôi nhà Xanh LHQ tại Việt Nam. Ở cấp quốc gia, Việt Nam là nước tiên phong trong nỗ lực cải tổ LHQ, đồng thời cơ quan LHQ ở Việt Nam cũng là nơi đi tiên phong về cải tổ LHQ trên toàn cầu”.

Huyền Chi
.
.
.