Vỉa hè Hà Nội và vấn đề “truy trách nhiệm”
Nóng là bởi, trong khi Chính phủ chỉ đạo và đã thực hiện quyết liệt việc siết chặt chi tiêu công thì vỉa hè nhiều tuyến phố Hà Nội dù còn tốt vẫn bị bật tung lên để thay mới bằng “đá lát tự nhiên”.
Giả sử mỗi mét vuông vỉa hè mới, tính cả nguyên vật liệu và nhân công có giá 500.000 đồng thì một số tiền khổng lồ đã bị lãng phí.
Trước sự phản ánh của người dân và báo chí, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo dừng việc lát đá vỉa hè và yêu cầu thanh tra vào cuộc, báo cáo kết quả trong tháng 12-2017. Trước đó, một lãnh đạo ngành chức năng của Hà Nội đã lên tiếng rằng, việc ồ ạt thay mới đá tự nhiên cho vỉa hè là do “có sự hiểu lầm chỉ đạo của thành phố”! Sự biện minh này thật nực cười và nó đều có mẫu số chung của việc dễ “tranh công” nhưng rất khó quy trách nhiệm cho một tập thể, cá nhân cụ thể khi xảy ra những sai sót, vi phạm.
Để được thay mới đá lát vỉa hè, chắc chắn phải qua rất nhiều khâu, nhiều cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội thẩm định, kiểm tra, giám sát thì mới có thể được giải ngân. Thật khó tin khi một số người có trách nhiệm đã cùng nhau “hiểu sai” chỉ đạo của cấp trên?
Đây là sự thật nhức nhối diễn ra trong nhiều năm qua và chỉ tính riêng trong nửa cuối năm 2017 đã liên tiếp có những ví dụ bi hài khi trách nhiệm cuối cùng đều được quy về “lỗi đánh máy”. Như chuyện Cục Hàng không Việt Nam thông tin các giấy tờ cá nhân gồm giấy phép lái xe, thẻ nhà báo, thẻ đảng viên… sẽ không được làm thủ tục lên máy bay, khiến dư luận bất ngờ.
Khi bị chất vấn, cơ quan này đã quay ngoắt 180 độ rằng do “lỗi đánh máy” khiến người dân hiểu lầm, chứ việc lên được máy bay không quá khắt khe đến mức mấy loại giấy tờ trên bỗng nhiên không thể thay thế được thẻ căn cước công dân.
Rồi chuyện ngành Xây dựng từng đổ lỗi cho in ấn chứ không có chuyện cấm xây nhà theo kiến trúc Pháp. Mới đây nhất, một văn bản quy phạm pháp luật của ngành Tài nguyên - Môi trường cũng khiến dư luận toát mồ hôi vì “sổ đỏ” sẽ phải ghi tên tất cả thành viên trong gia đình… Cuối cùng thì “tội đồ” vẫn là cái “thằng đánh máy” thấp cổ bé họng nhất trong chuỗi dây chuyền xây dựng, ban hành văn bản.
Trở lại chuyện vỉa hè Hà Nội. Hẳn nhiều người còn nhớ trước thềm kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010), cả Thủ đô như một đại công trường: đường sá được xây dựng mới hoặc trám lại; vỉa hè được làm mới, thay bằng gạch hình lục lăng màu sắc vàng xanh khá bắt mắt; nhiều tòa nhà, khu tập thể được sơn mới… Cơ man là tiền của đã được chi ra để Thủ đô có bộ mặt rực rỡ, xứng danh “Thành phố ngàn năm tuổi”, “Thành phố vì hòa bình”…
Nhưng rồi sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong quản lí khiến chỉ sau một hai năm, nhiều tuyến phố lại bị cày xới theo kiểu mạnh ai nấy làm. Hết ngành viễn thông, ngành cấp nước, thoát nước lại đến ngành điện đua nhau thực hiện các dự án của mình.
Người này lấp, người kia lại đào… cứ thế luẩn quẩn như kiếp luân hồi vậy. Hậu quả là đường phố xuống cấp, mất trật tự và mỹ quan đô thị và lãng phí những nguồn lực khổng lồ để đầu tư cho phát triển và an sinh xã hội.
Từ người dân đến lãnh đạo các cấp đều có thể nhận thấy thực trạng nhức nhối đó nhưng chưa từng có một giải pháp nào hữu hiệu để khắc phục triệt để; và càng không có ai cụ thể phải chịu trách nhiệm cho những sai sót, hậu quả đã xảy ra.
Cho đến lần thay mới đá lát vỉa hè vừa rồi thì những bất cập nêu trên càng bộc lộ rõ khi mà rất nhiều tuyến phố ngành cấp nước vừa thi công xong giữa năm 2017, lại đến hạ ngầm cáp điện các loại (nửa cuối năm 2017)… Mặt bằng nhiều tuyến phố vừa được hoàn công thì vỉa hè lại bung bét vì bị bật tung lên thay mới ngay trước dịp tết dương lịch 2018.
Dù sao thì lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã lắng nghe ý kiến của người dân và “tuýt còi” để có những điều chỉnh cần thiết trong lĩnh vực này. Như Chủ tịch UBND TP Hà Nội cảnh báo trong cuộc họp HĐND thành phố vừa diễn ra: “Cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thực sự trách nhiệm của các chủ tịch, bí thư các quận, huyện và lãnh đạo ban quản lý các dự án các quận, huyện thì mới có thể chuyển động được lĩnh vực này. Nếu không thì tiếp tục để lại dư luận xấu. Lúc đó, TP sẽ kiên quyết xử lý… Nếu các quận, huyện không làm được thì TP phải thu gọn lại để thống nhất một đầu mối liên quan đến quản lý vỉa hè, lát lại vỉa hè khu vực nội đô”.
Như vậy là, người đứng đầu UBND TP Hà Nội đã “điểm mặt, chỉ tên” những “cái ghế” liên quan đến vụ việc này. Vấn đề còn lại là có quy được trách nhiệm những ai đã “hiểu lầm” và chỉ đạo ồ ạt thay đá lát vỉa hè? Liệu sẽ có ai bị mất chức, phải đền bù thiệt hại đã gây ra hay cũng chỉ là kiểu “phê bình, rút kinh nghiệm”?
Dư luận mong mỏi Hà Nội sẽ xử lí nghiêm những sai sót trong việc thay mới đá lát vỉa hè, góp phần vào việc cải cách hành chính và minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền. Sâu xa hơn nữa, cần có một đầu mối thống nhất quản lí hiệu quả đường sá nói chung và vỉa hè nói riêng, chứ đừng để mạnh ai người ấy đào – lấp triền miên như bấy lâu nay.