Tuyên ngôn Độc lập - giá trị dân tộc và thời đại

Thứ Tư, 02/09/2020, 08:24
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” - Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Là một dân tộc anh hùng, bất khuất, dân tộc Việt Nam đã nhiều lần đứng lên tiến hành các cuộc khởi nghĩa giành lại độc lập dân tộc. Sau thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa, các triều đại mới ra đời, cùng Quốc hiệu là những Tuyên ngôn, tuyên bố mang giá trị lịch sử trọng đại. Chúng ta có thể kể đến: Thơ thần (Nam quốc sơn hà) của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sỹ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi... 

Về bối cảnh lịch sử và nội dung các tuyên ngôn trên tuy có sự khác nhau nhưng đều có những điểm chung, đó là sự khẳng định chủ quyền quốc gia, tính chính nghĩa gắn với chủ nghĩa anh hùng, bất khuất của dân tộc.
Quảng trường Ba Đình trở thành nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, dân tộc Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lập luận, tuyên bố về nền độc lập của dân tộc, Thơ thần của Lý Thường Kiệt (thế kỷ XI) gói gọn trong 4 câu thơ: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Cùng một tư tưởng lớn về chủ quyền dân tộc, với ngòi bút thiên tài của người anh hùng dân tộc, Nguyễn Trãi đã đi sâu về tính chính nghĩa, tinh thần nhân văn, truyền thống văn hiến của dân tộc ta: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo/ Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu… Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương/ Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có...”. 

Trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy văn kiện này đã kế thừa và phát triển sáng tạo Thơ thần và Bình Ngô đại cáo... Tuy nhiên, Tuyên ngôn Độc lập đã khác xa hai văn kiện trên về bối cảnh lịch sử. 

Thơ thần (thế kỷ XI) và Bình Ngô đại cáo (thế kỷ XV), trước và sau khi ra đời, nhân loại đang trong thời đại phong kiến, dân tộc ta và kẻ thù xâm lược phương Bắc cùng tồn tại trong hình thái kinh tế - xã hội này. Trong khi đó, bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta (chế độ thuộc địa nửa phong kiến), đấu tranh với chủ nghĩa thực dân, đế quốc là những chế độ xã hội trong hình thái tư bản chủ nghĩa. 

Nói cách khác, kẻ thù của dân tộc ta trong thời kỳ này có một trình độ phát triển cao hơn dân tộc ta một hình thái kinh tế xã hội. Tuyên ngôn Độc lập xác lập nền Dân chủ Cộng hoà, chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến kéo dài ở nước ta, mở ra thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng đất nước theo con đường CNXH.

Tuyến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) có tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng, dài gần 60km.

Với Tuyên ngôn Độc lập, chúng ta thấy tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn độc lập không chỉ khẳng định quyền độc lập dân tộc mà còn gắn độc lập dân tộc với quyền con người - đây không chỉ là mục tiêu mà còn là cơ sở chính trị - pháp lý của dân tộc ta. 

Ngay trong những dòng đầu của Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng trích dẫn những tư tưởng về quyền con người trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776. Người viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. 

Tiếp đó, Người đề cập tới quyền công dân khi trích dẫn bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp” năm 1791. Người viết: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi… Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Như vậy, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc trong thời đại ngày nay phải gắn liền với quyền công dân và quyền con người, đây là một chân lý mới của thời đại. 

Là một người từng bôn ba qua rất nhiều quốc gia, từ những nước lạc hậu đến những nước tư bản phát triển, Người hiểu bảo vệ và bảo đảm quyền con người phải dựa trên cơ sở pháp lý. Ngay sau khi giành được độc lập, với trách nhiệm trước lịch sử, trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định Tổng tuyển cử trong cả nước, bảo đảm quyền công dân và quyền con người. 

Còn nhớ, vào dịp bầu cử Quốc hội khóa I, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và người dân đã đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải ứng cử mà là đại biểu đương nhiên của Quốc hội, nhưng Người không đồng ý. Người nói: “Bầu cử và ứng cử là quyền bình đẳng của tất cả mọi người. Tôi là một công dân Việt Nam, tôi cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân như mọi người”. 

Vùng chè chất lượng cao được tỉnh Lâm Đồng quy hoạch tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh. Ảnh: TTXVN

Với Người, ý nghĩa quan trọng nhất của độc lập dân tộc là quyền của người dân phải được tôn trọng và bảo đảm trong thực tế. Trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng (ngày 17-10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: … “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì… Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.  

Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: TTXVN

Trước lúc đi xa, tư tưởng về độc lập dân tộc gắn với chế độ dân chủ và hạnh phúc của nhân dân được nhấn mạnh trong Di chúc. Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

75 năm qua, kể từ khi bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời, từ một nước Việt Nam thoát khỏi chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, dân tộc ta đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử gắn với những biến động dữ dội của tình hình chính trị khu vực và thế giới. 

Đi theo chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã thực hiện sứ mệnh của dân tộc và nhân loại, đứng lên đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước từ mô hình xã hội XHCN kiểu cũ (tập trung bao cấp) chuyển sang xây dựng đất nước theo con đường đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động luôn phát huy truyền thống Anh hùng vẻ vang, bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh vũ trang chiến đấu, xứng đáng là “lá chắn thép” bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Ảnh: TTXVN

Tuyên ngôn Độc lập không chỉ giữ nguyên giá trị lịch sử mà còn mang tính thời đại sâu sắc. Độc lập dân tộc là một giá trị cốt lõi, vừa có giá trị “cứng” và giá trị “mềm”. Giá trị “cứng” của độc lập dân tộc ngày nay phải gắn với chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cả trên không, trên bộ, trên biển. Nói đến chủ quyền quốc gia, chúng ta không thể xem nhẹ, sao nhãng công tác quản lý xuất nhập cảnh, cả ở những khu vực có đường mòn, lối mở trên bộ và lãnh hải ở Biển Đông. Đồng thời, nói đến chủ quyền quốc gia ngày nay còn là khái niệm “mềm”, là biên giới mềm, không thể không nói đến quản lý bảo vệ an ninh, chủ quyền trên không gian điện tử, internet cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống. 

Hiện nay, Nhà nước ta đã cho phép nhiều hãng công nghệ hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft…(được xem là nền tảng công nghệ thông tin) được phép kinh doanh ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng đang đặt ra Việt Nam phải ứng phó với tình trạng tin giả, tin lừa đảo, các hành vi phạm pháp, ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền. Để bảo đảm quyền, lợi ích của quốc gia, xã hội, tập thể và cá nhân trên không gian điện tử, Nhà nước ta đã ban hành nhiều luật, trong đó có Luật Báo chí 2016, Luật An ninh mạng 2018… Điều 6, Luật An ninh mạng quy định về bảo vệ không gian mạng quốc gia: “Nhà nước áp dụng các biện pháp để bảo vệ không gian mạng quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng”. 

Đồng thời nghiêm cấm các hành vi: Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc… 

Trong quan hệ quốc tế, chúng ta phải thực hiện đổi mới tư duy chính trị theo quan điểm về đối tác và đối tượng: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác”, bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta” (Nghị quyết số 28-NQ/TW Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 25/10/2013). 

Đi theo con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng và phát triển sáng tạo những tư tưởng về CNXH trong điều kiện toàn cầu hóa hội nhập quốc tế, Việt Nam ngày nay đã là đối tác bình đẳng với 189 nước, trong đó có tất cả các nước trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Không phải ngẫu nhiên Việt Nam được bầu là ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 -2021 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193).

Ngày nay, đọc lại Tuyên ngôn Độc lập, chúng ta thấy rõ nét đặc sắc của văn kiện này là ở sự tích hợp hai giá trị: Một, độc lập dân tộc là quyền cộng đồng và hai, quyền con người là quyền và khát vọng của cá nhân. Đây là những giá trị cao cả của thời đại. 

TS. Cao Đức Thái
.
.
.