Tây Nguyên đang khóc ròng sau "phong trào" ồ ạt xây thủy điện
- Xử phạt 2 công ty thủy điện Đăk Mi và Buôn Đôn 876 triệu đồng
- Xây dựng thuỷ điện trong vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn: Trái luật và sẽ trả giá!
- Hạn hán ở Tây Nguyên: Lãnh đủ bởi những "công trình sai lầm thế kỷ"
Thuỷ điện An Khê – Kanak khởi công xây dựng tháng 11-2005 với tổng công suất 173 MW. Công trình thuỷ điện lớn nhất Gia Lai đã từng được kì vọng sẽ là điểm sáng kinh tế cho khu vực Tây Nguyên. Thế nhưng, ngay sau khi các tổ máy đi vào hoạt động, người dân các tỉnh Phú Yên, Gia Lai lại liên tục đi khiếu kiện do đời sống sinh hoạt, sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề.
Nguyên do bởi An Khê – Kanak là công trình chuyển nước, lấy nước sông Ba nhưng lại trả nước về cho sông Kôn (Bình Định). Mỗi năm, hơn 300 tỷ m³ nước sông Ba đã bị chuyển về Bình Định, khiến hàng triệu hộ dân sống ở lưu vực sông Ba thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.
Về mùa khô, do không được trả dòng nên lưu vực sông Ba thường xuyên khô hạn. Trong khi đó, về mùa lũ, khi thuỷ điện xả lũ, người dân vùng hạ lưu lại phải hứng chịu.
Phát triển ồ ạt các công trình thủy điện đang khiến Tây Nguyên phải trả giá bằng hạn hán lịch sử. Ảnh: CTV |
Dòng sông Serepok – biểu tượng hùng vĩ của Tây Nguyên cũng đã bị băm nát để làm thuỷ điện. Phần lưu vực chảy qua Việt Nam chỉ dài trên 120km nhưng đã có tới 7 công trình thuỷ điện lớn nhỏ được xây dựng.
Nhà máy thuỷ điện Serepok 4A đã chặn dòng tại huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), chuyển nước sang khu vực khác để phát điện. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái Vườn quốc gia Yok Đôn và Khu du lịch sinh thái Bản Đôn. Cả đoạn sông Serepok dài hàng chục kilomet đã cạn khô, trở thành dòng sông chết.
Trước đây, khi dòng Serepok còn đầy ắp nước, du khách thích thú đến với Bản Đôn để cưỡi voi qua sông. Suốt một thời gian dài, Bản Đôn trở thành khu du lịch mang đậm sắc màu Tây Nguyên.
Nay, Bản Đôn dần trở nên quạnh hiu, tẻ nhạt và không chút dấu ấn. Không còn ai mua vé cưỡi voi qua sông bởi lẽ dòng sông đã cạn trơ đáy, lởm chởm những tảng đá nhọn hoắt. Cùng với bàn tay can thiệp thô bạo của con người, Serepok đang dần trở thành dòng sông chết, còn Khu du lịch sinh thái Bản Đôn đang dần bị lãng quên.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng có 2 công trình chuyển nước là thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh. Thủy điện Đa Nhim chuyển một phần lưu vực sông Đa Nhim thuộc hệ thống sông Đồng Nai sang sông Cái (tỉnh Ninh Thuận) để tận dụng lợi thế chênh cao tự nhiên giữa hai lưu vực.
Còn thủy điện Đại Ninh thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai được Thủ tướng phê duyệt. Dự án này chuyển một phần lưu vực của sông Đồng Nai sang sông Lũy, tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, tại Kon Tum, thủy điện Thượng Kon Tum cũng đang được xây dựng.
Theo thiết kế, đây cũng là công trình chuyển nước từ sông Đăk Snghé (tỉnh Kon Tum) sang sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi).
TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, về nguyên tắc không được phép xây dựng các công trình chuyển nước trên các con sông bởi lẽ điều này sẽ làm thay đổi quy luật tự nhiên của các dòng sông, đồng thời làm gia tăng cuộc chiến tranh chấp nguồn nước giữa các địa phương.
Trong khi đó, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam thì cho rằng, Việt Nam đã phải trả giá cho việc xây dựng những công trình chuyển dòng như thuỷ điện Đắk Mi 4, An Khê – Kanak…
Một số khu vực ở Tây Nguyên bị hạn hán nghiêm trọng do thuỷ điện đã chuyển nước sang lưu vực khác. “Con sông là nguồn sống của hàng triệu người, không thể lấy nước của lưu vực này chuyển cho lưu vực khác.
Trên thế giới, không nước nào cho phép xây dựng các công trình chuyển dòng, trừ một số trường hợp đặc biệt cần cứu hạn khẩn cấp cho khu vực nào đó. Ngay cả trong trường hợp ấy, Nhà nước phải đứng ra can thiệp để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các lưu vực”, GS Hồng phân tích.
Phát triển thuỷ điện luôn là bài toán đánh đổi giữa phát triển kinh tế và lợi ích môi trường, sinh thái. Sự can thiệp thô bạo của con người đang khiến cho những dòng sông ở Tây Nguyên hoặc hung dữ hơn, hoặc trở thành những con sông chết.
Thuỷ điện vẫn cứ mọc lên ở Tây Nguyên trong khi hàng triệu người dân phải oằn mình chống chịu đại hạn lịch sử mà không biết kêu ai.