Tăng cường giải pháp bảo đảm quyền con người và quyền công dân

Thứ Hai, 21/09/2015, 09:15
Quyền con người (QCN) và quyền công dân (QCD) là một trong những chủ đề được nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân ta quan tâm. Vì vậy những giá trị này cần được làm rõ trong dịp toàn dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”. Trong xã hội đó… Con người được xem là trung tâm, là chủ thể của chiến lược phát triển. “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”.

Quán triệt Cương lĩnh trên, Dự thảo văn kiện đã đề cập tới và đi sâu các QCN  và QCD cơ bản nhất. Chẳng hạn: “Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội”.

Tiếp đến, Dự thảo văn kiện đề cập tới quyền dân sự chính trị, xác định: Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải được nhân dân tham gia ý kiến ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định. Đồng thời cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước cần bảo đảm để nhân dân tham gia vào quá trình ra quyết định, “từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”.

Đồng thời còn yêu cầu các cấp ủy Đảng, cơ quan, tổ chức Nhà nước thực hiện tốt “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”... Có thể nói, đây là một bước đột phá nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Trên lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Dự thảo văn kiện đã đề cập tới nhiều nội dung quan trọng, như: “Trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu – nghèo”. Nhiều vấn đề liên quan đến quyền về sức khỏe của bà mẹ, trẻ em cũng được đề cập tới trong văn kiện này.

Trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, Dự thảo văn kiện tái khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đồng thời nhấn mạnh: “Chuyển quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Về văn hóa Dự thảo văn kiện khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”...

Cách đặt vấn đề về các quyền nói trên là phù hợp, nhưng tôi xin góp ý về cấu trúc và phương pháp đề cập tới các quyền đó. Theo quan điểm của tôi, dự thảo văn kiện nên tập trung đề cập các quyền dân sự chính trị, quyền kinh tế, văn hóa-xã hội vào một chương chế độ xã hội để thuận lợi cho việc nghiên cứu, thảo luận, góp ý và thực thi sau khi đã ban hành thành nghị quyết. 

Trong chương này nên nói rõ các nguyên tắc quyền con người mà Hiến pháp 2013 đã thể hiện; đồng thời, Dự thảo văn kiện nên đề cập tới một số nhiệm vụ liên quan đến thực thi Hiến pháp 2013, đẩy nhanh tốc độ làm luật. Qua đó, chúng ta có đủ hành lang pháp lý để quản lý xã hội bằng luật pháp, hạn chế phát sinh những hành vi trái phép vi phạm an ninh trật tự và làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Được biết, hiện nay Quốc hội đã đưa ra chương trình xây dựng luật (khóa XIII) nhằm bảo đảm các quyền nói trên.

Có thể nói so với Cương lĩnh và Hiến pháp 2013, QCN, QCD đã được đề cập trong Dự thảo văn kiện khá đầy đủ và có nhiều điểm đi sâu hơn, nhất là xem việc tôn trọng và bảo đảm QCN không chỉ là mục tiêu mà còn là một phương tiện, một thiết chế để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước làm cho nó thật sự trở thành người đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân. 

Trên cơ sở đã có hành lang pháp lý, sự đồng thuận của xã hội, người dân mong muốn Đảng và Nhà nước sớm có biện pháp giải quyết hữu hiệu những vấn đề “ nóng” về QCN. Nổi lên là ngăn chặn tình trạng bạo lực nói chung, đặc biệt là bạo lực gia đình và nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái trong xã hội, dù thời gian qua chúng ta đã quyết liệt đấu tranh ngăn chặn, nhưng còn diễn biến khá phức tạp.

Tiến sĩ Cao Đức Thái
.
.
.