Nhìn lại một năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị:

Quyết tâm chính trị của Đảng ta trong Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

Thứ Hai, 15/05/2017, 09:01
Đảng ta luôn cầu thị, dũng cảm thừa nhận và quyết tâm khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; để không ngừng tiến bộ, xứng đáng với sứ mệnh lãnh đạo đất nước dân tộc.

Tròn một năm trước, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05/CT-TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ thị này là sự tiếp nối Chỉ thị 03/CT-TW ngày 15-5-2011 về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Hai chỉ thị nêu trên là những minh chứng khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng; đạo đức, tác phong của Người mãi mãi là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Nhà nước noi theo.

Trong đó, cần - kiệm - liêm - chính và chí công vô tư vừa là quy chuẩn, vừa là yêu cầu để những “công bộc” hoàn thành tốt nhiệm vụ, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn trong một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Trong Chỉ thị 05, một yêu cầu được nhấn mạnh là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên…

Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Cũng trong năm 2016, ngày 30-10, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Sau khi phân tích những biểu hiện tiêu cực và các nguy cơ, Nghị quyết nêu ra rất cụ thể, chi tiết các nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, tập trung vào công tác chính trị, tư tưởng, phê bình và tự phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát kỷ luật của Đảng; về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội…

Mỗi nhóm giải pháp đều có những nội dung cụ thể, phù hợp. Đặc biệt ở nhóm giải pháp cơ chế, chính sách, nhấn mạnh: “Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Trước mắt, rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Thực hiện Chỉ thị 05 và Nghị quyết Trung ương 4, đã có nhiều chỉ đạo sát sao, cụ thể từ các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền với những vấn đề, lĩnh vực cụ thể. Có thể khẳng định, chúng ta có sự nhất quán và quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân trong việc thực hiện Chỉ thị 05 và Nghị quyết Trung ương 4.

Nổi bật là nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đích thân chỉ đạo, đôn đốc giải quyết những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, của đất nước. Đích thân đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo xác minh, xử lí sai phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Huy Hoàng; cùng những dự án ngàn tỉ sai phạm của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng có những chỉ đạo cụ thể với những vụ việc như “Quán cà phê Xin Chào”, những sai phạm trong thực hiện dự án Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung…

Từ sự chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng và nhiều đồng chí lãnh đạo, đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc phát hiện và xử lí những vụ việc nhức nhối có nguy cơ “chìm xuồng” vì muôn vàn lí do. Lần lượt những vụ việc trong đầu tư công, những công trình ngàn tỉ đắp chiếu, những trường hợp bổ nhiệm cán bộ “đúng quy trình” để rồi cả nhà, cả họ làm quan… bị các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ và đề xuất hình thức xử lí, kỉ luật. Điều đặc biệt, có những hình thức kỉ luật chưa có tiền lệ nhưng thể hiện rõ tác dụng răn đe, giáo dục với những người đang giữ cương vị trong bộ máy Đảng, Nhà nước.

Ông Vũ Huy Hoàng không còn là nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Võ Kim Cự và nhiều vị khác ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) cũng không còn được biết đến như là những “nguyên” lãnh đạo…

Lâu nay, nhiều trường hợp cán bộ dù gây ra những hậu quả lớn nhưng khi đã nghỉ hưu thì hầu hết đều được coi là “hạ cánh an toàn”, rất hiếm khi bị “sờ gáy”. Nay thì nhiều vị dù đã “hạ cánh an toàn”, thậm chí có vị lên chức cao hơn nhưng vẫn bị kỉ luật Đảng, kỉ luật hành chính, thậm chí bị pháp luật “hỏi thăm”.

Là người giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”.

Nhìn nhận những kết quả bước đầu nêu trên, phải khẳng định Đảng ta luôn thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân". Nhận thức rõ những nguy cơ đó, Đảng ta luôn cầu thị, dũng cảm thừa nhận và quyết tâm khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; để không ngừng tiến bộ, xứng đáng với sứ mệnh lãnh đạo đất nước dân tộc.

Trần Duy Hiển
.
.
.