Tự do Internet và chiêu trò “lộng giả thành chân”:

Quản lý không có nghĩa “trói, cột”

Thứ Năm, 01/12/2016, 06:55
Luật pháp quốc tế và các quốc gia trên thế giới đều có quy định cụ thể về quản lý Internet. Việc viện dẫn các đối tượng phạm tội hình sự, các trường hợp vi phạm luật pháp bị xử lý hành chính, bị kỷ luật rồi lấy cớ đó tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, xếp hạng Việt Nam áp chót trong danh sách thống kê về tự do Internet, không có tự do Internet là sai lệch hoàn toàn với thực tế.


Không có tự do Internet tuyệt đối

Tự do Internet không có nghĩa tuyệt đối. Không phải ai thích viết gì, nói gì, muốn xâm phạm cá nhân, tổ chức nào trên Internet cũng được. Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới”. 

Đồng thời, tại Điều 29, Tuyên ngôn chỉ rõ: “Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”. 

Để đảm bảo quyền tự do đó, Tuyên ngôn quy định: “Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ, trước những xâm phạm và xúc phạm như vậy” (Điều 12).

Internet đã phổ biến đến hơn 50% dân số. Việc quản lý Internet là yêu cầu khách quan.

Như vậy, quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận, internet được Nhà nước đảm bảo nhưng nó phải “bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”. Pháp luật các quốc gia có quy định cụ thể để đảm bảo quyền đó được thực thi và tránh việc lạm dụng, xúc phạm cá nhân, tổ chức hay phạm vi rộng là quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ngày nay, với sự bùng nổ Internet, các quốc gia căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể để có các quy định quản lý phù hợp. Điểm mấu chốt là dù quản lý theo phương thức nào thì cũng nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cá nhân, tổ chức, tránh các hành vi lạm dụng phạm pháp. 

Chẳng hạn, kể từ năm 2008 đến nay, Iran đã chặn hơn 5 triệu website mà họ cho là không phù hợp với thuần phong mĩ tục của đất nước, bao gồm cả facebook và you tube. Trước khi cho phép bất cứ nhà mạng nào hoạt động, chính phủ Iran yêu cầu họ phải cam kết bằng văn bản, hứa hẹn họ sẽ không truy cập các trang web “phi hồi giáo”. 

Vào năm 2006, Ấn Độ tiến hành giám sát toàn bộ lưu lượng Internet truy cập trong và ngoài đất nước. Còn tại những nước phát triển như Hàn Quốc, người dùng phải cung cấp tên thật trên tất cả các nội dung bình luận, entry trên mạng. Đây là quy định chặt chẽ hơn so với nhiều nước khi phần lớn không bắt buộc phải nêu rõ tên thật khi chat, bình luận. 

Tại Singapore, nhằm thắt chặt an ninh, tất cả các máy tính được sử dụng bởi công chức Singapore sẽ bị cắt mạng Internet từ tháng 5-2017. Đây là quyết định chưa từng có tiền lệ trên thế giới. “Chính phủ thường xuyên xem xét các biện pháp công nghệ thông tin của chúng tôi để giúp mạng của chúng tôi an toàn hơn” - một phát ngôn viên của Cơ quan Phát triển truyền thông thông tin (IDA) chia sẻ.

Trong Ðiều 110 của Hiến pháp tiểu bang Bavaria (CHLB Đức), khoản 2 ghi rõ: “Chống lại các loại văn chương bẩn thỉu và độc hại là nhiệm vụ của Nhà nước và các cơ quan địa phương”. Còn tại Anh, tháng 8-2011, Thủ tướng Anh Cameron đã tuyên bố trước phiên họp của Quốc hội: “Chính phủ sẽ trừng trị nghiêm khắc những phần tử sử dụng các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông xã hội để âm mưu gây bạo loạn và bất ổn xã hội”.

Còn tại Mỹ, nơi được cho là “thiên đường tự do”, suốt thời gian dài, Chính phủ Mỹ vẫn nắm quyền kiểm soát internet. Gần đây, Mỹ tuyên bố không còn nắm quyền kiểm soát tổ chức quản lý tên miền Internet (ICANN) nhưng vẫn có “hành lang” để xử lý những trường hợp vi phạm. 

Điều 2385, Chương 115, Bộ luật Hình sự Mỹ ghi: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá và mọi hình thức vận động, xúi giục lật đổ, tiêu diệt chính quyền bất kỳ cấp nào”. 

Và thực tế, chính ở Mỹ mới là nơi có nhiều trường hợp bị xử lý vì người sử dụng mạng Internet có hành vi xúc phạm, lăng mạ người khác. Đầu tháng 9 vừa qua, báo chí tại Mỹ thông tin, tờ The Huffington Post đã đuổi việc một phóng viên vì người này đã viết bài nói về tình hình sức khỏe của ứng viên nữ Tổng thống Mỹ - bà Hillary Clinton. 

Vấn đề sức khỏe của bà Clinton bắt đầu nổi lên sau khi tại một cuộc họp báo, bà đột nhiên có những cử chỉ khác thường, có thông tin nói bà lên cơn động kinh. Phóng viên David Seaman lập tức đưa lên tờ The Huffington Post và mạng Internet hai bài đề cập sự việc trên và đặt câu hỏi về tình hình sức khỏe của nữ ứng viên Tổng thống. 

Việc một nhà báo tại Mỹ viết bài rồi bị gỡ, bị xử lý đuổi việc có phải là chuyện lạ? Hãy nghe ý kiến nhà chính trị học Gevorg Mirzoyan, người chuyên viết cho tạp chí Ekxpert. Ông nói, ở Mỹ đó là chuyện quá đỗi bình thường. Không có phương tiện truyền thông nào là độc lập, tất cả đều phụ thuộc ở mức độ khác nhau vào các nhà tài trợ và chính sách biên tập.

Quản lý để phát triển và bảo đảm quyền tự do

Rõ ràng, với hành động lợi dụng Internet để xúc phạm người khác, nguy hại hơn là xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá đất nước thì không có quốc gia nào dung túng. Luật pháp quốc tế và luật pháp các nước, từ phát triển đến đang phát triển, từ Âu đến Á, Mỹ, Phi đều có hành lang quản lý Internet phù hợp đặc thù mỗi nước. Vậy nên, Việt Nam đưa ra các quy định pháp luật để quản lý mạng Internet là phù hợp luật pháp quốc tế và thực tiễn chung của các quốc gia trên thế giới. 

Việc các tổ chức như Freedom House, HRW, RSF... nói Việt Nam đưa ra luật pháp quản lý Internet là “trói” các nhà hoạt động dân chủ, “cột” người dân không được tự do ngôn luận, tự do Internet rõ ràng là hành vi vu cáo. 

Các quy định trong luật, nghị định là cụ thể hoá quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin đã được Hiến định, phù hợp với thực tiễn. Nghị định 174 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện ban hành ngày 13-11-2013 quy định rõ: Đối với cá nhân cung cấp các thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm cá nhân trên Internet, mạng xã hội bị phạt tiền 20-30 triệu đồng. Cũng hành vi trên nhưng là tổ chức vi phạm bị xử phạt tiền 30-50 triệu đồng. 

Điều 25, Bộ luật Dân sự 2005 quy định khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền tự mình cải chính, yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, hành vi vu khống còn là một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự.

“Lộng giả thành chân”, kẻ xấu luôn tìm cách ra rả tuyên truyền điều sai, lẽ trái khiến người nghe, người đọc lâu dần tưởng thật, từ đó hướng lái dư luận, chèo chống theo tư duy, quan điểm, ý đồ của chúng. 

Mạng Internet ngày nay là biển cả thông tin. Chỉ chiếc điện thoại có chức năng 3G, có nghĩa mỗi người dân đang ôm bên mình cả khối thông tin khổng lồ mà chỉ cần cái vuốt hình, chạm cảm ứng là tất cả hiển hiện ngay trước mắt. Ai cũng có quyền tiếp cận thông tin, nhưng mỗi người hãy tự biết cách bảo vệ mình trước những thông tin sai trái, độc hại. 

Quyền tự do tiếp cận thông tin nhưng quyền ấy là có ranh giới, cần tỉnh táo nhận diện để không bị rơi vào sự hỗn độn thông tin, không bị kẻ xấu hướng lái, lôi kéo, biến mình thành nhà “dân chủ mạng”, biến thành con rối của kẻ địch, sử dụng mạng Internet thành công cụ xâm hại cá nhân, tổ chức, xâm hại quốc gia, dân tộc mà mình là chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt 52% dân số. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đều đánh giá thực tiễn phát triển Internet và tự do Internet ở Việt Nam. 

“Việt Nam là nước có thị trường Internet năng động nhất thế giới, thị trường duy nhất có số người dùng Internet nhiều hơn số người không dùng, chiếm 52% tổng dân số” - Rajan Anandan, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Google tại Đông Nam Á và Ấn Độ đã khẳng định như vậy tại buổi nói chuyện trong khuôn khổ Ngày Công nghệ FPT 2016.

Đ.Trường
.
.
.