Phải làm rõ nguồn gốc khối tài sản “khủng” của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa

Thứ Sáu, 17/02/2017, 19:12
"Chúng ta nên xem lại thời điểm đấy các công ty nhà nước thực hiện cổ phần hoá như thế nào? Trách nhiệm có liên quan, đơn vị chủ trì việc cổ phần này ra sao… Đơn vị nào kết hợp để định giá công ty, và việc định giá có minh bạch, rõ ràng hay không? Tôi đề nghị nên làm sớm, quyết liệt, rõ ràng" - ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu.

Ngày 16-2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ý kiến chỉ đạo làm rõ nội dung báo chí nêu liên quan đến khối tài sản lớn của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. 

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ quan điểm đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư, đặc biệt trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang ra sức học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII).

Chiều nay, 17-2, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Trương Minh Hoàng, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau xung quanh vấn đề này.

ĐBQH Trương Minh Hoàng trao đổi với phóng viên, chiều 17-2 tại Hà Nội

PV: Đại biểu cảm nhận như thế nào về ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

ĐBQH Trương Minh Hoàng: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, một số báo chí đưa tin, tôi được biết về vụ việc, về khối tài sản lớn của bà Thoa và gia đình; trong đó có hai người con gái, em trai và mẹ. Dù sự việc đang được các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xem xét nhưng bản thân mình khi tiếp nhận thông tin cũng thấy có gì đó băn khoăn. 

Tôi đánh giá cao sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, đặc biệt từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII vì nhìn lại những vụ việc thời gian qua, có những vụ cán bộ đương chức hay về hưu có gì chưa rõ ràng, chưa minh bạch, còn khuất tất thì cách làm của Tổng Bí thư là quyết liệt. Không riêng gì ĐBQH như chúng tôi mà kể cả các cán bộ công chức, các bậc thành cách mạng cống hiến qua các thời kỳ hoặc người dân, công chúng cũng hoanh nghênh rất lớn, đánh giá cao và tin tưởng vào sự chỉ đạo này.

PV: Là một Thứ trưởng đang đương chức mà sở hữu khối tài sản hàng trăm tỷ đồng, theo ông sự việc này cần phải được nhìn nhận như thế nào?

ĐBQH Trương Minh Hoàng: Bộ Công thương cũng đã có ý kiến đề nghị Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa giải trình và các cơ quan chuyên môn sẽ xem xét lại quá trình hình thành khối tài sản đó. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ làm hết trách nhiệm của mình, sớm có báo cáo. 

Qua thông tin đấy tôi thấy bản thân bà Thoa cũng từng làm ở Công ty Điện Quang, từng là Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị… Khi kết thúc, với trách nhiệm đó và sau khi được mua cổ phần bà có khối tài sản khá lớn, chúng ta nên xem lại thời điểm đấy các công ty nhà nước thực hiện cổ phần hoá như thế nào? Trách nhiệm có liên quan, đơn vị chủ trì việc cổ phần này ra sao… 

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa

Trong chỉ đạo của Bộ Công thương, đơn vị nào kết hợp để định giá công ty, và việc định giá có minh bạch, rõ ràng hay không? Tôi đề nghị nên làm sớm, quyết liệt, rõ ràng. Nếu nguồn gốc khối tài sản được minh bạch thì bà Thoa được minh oan, còn nếu khuất tất phải xử lý đến nơi đến chốn. Không nên kéo dài, cán bộ sai sót đến đâu xử lý đến đó.

PV: Nghĩa là phải xem xét lại vấn đề kê khai tài sản cán bộ, thưa đại biểu?

ĐBQH Trương Minh Hoàng: Theo thông tin từ Chánh Văn phòng Bộ Công thương cung cấp, bà Thoa khi làm hồ sơ bổ nhiệm Thứ trưởng thì có kê khai tài sản, hàng năm tiếp tục có kê khai… 

Khi đã kê khai, khối tài sản từ 1 triệu lên 1,1-1,2 triệu thì bình thường, nhưng ban đầu đâu ra khối tài sản đó mới quan trọng. Khi anh quản lý cán bộ mà thấy cán bộ kê khai một khối tài sản lớn như vậy thì phải yêu cầu giải trình từ đầu là vì đâu có tài sản lớn thế. Nguồn gốc tài sản cần phải rõ ràng ngay từ đầu, chứ không phải để sau bao nhiêu năm, khi báo chí vào cuộc mới quay lại rà soát... 

Tôi cũng rất nhiều lần chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về việc kê khai tài sản của cán bộ công chức. Việc mỗi năm kê khai 1 lần, hoặc khi chuẩn bị lên chức, chuẩn bị quy hoạch thì phải kê khai, có phiếu đánh giá… Thực ra việc kê khai không hề nhỏ, tốn kém thời gian và tiền của rất lớn nhưng hiệu quả sử dụng chưa đầy đủ, thuyết phục, kể cả đối với người kê khai, đối với việc quản lý tài sản và công khai tài sản của cán bộ.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc kê khai tài sản chỉ mang tính hình thức…

ĐBQH Trương Minh Hoàng: Trước hết, phải nhìn nhận, việc kê khai và minh bạch nguồn gốc khối tài sản theo quy định ngay từ ban đầu rất hiệu quả. Thứ nhất, nếu cán bộ kê khai đầy đủ, chính xác và chứng minh nguồn gốc tài sản rõ ràng thì người đó có thể tự bảo vệ được mình. 

Thứ hai, khi báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc thì tổ chức, người lãnh đạo, quản lý có thể giải thích được ngay và bảo vệ quyền lợi cho cán bộ. Thứ ba, việc kê khai chính xác cũng sẽ giúp ngăn chặn ngay từ đầu các thông tin không có lợi, tránh việc bình luận nhiều chiều, này kia…

Công ty Điện Quang nơi Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và người thân sở hữu số tài sản "khủng"

Việc kê khai tài sản của cán bộ đảng viên đã có hướng dẫn, phân cấp quản lý cụ thể, vấn đề là hình thức sử dụng tài liệu đó như thế nào. Tôi cũng từng làm Bí thư Huyện uỷ, anh em kê khai nhưng không hướng dẫn kê khai tài sản như thế nào, ai đọc việc kê khai này và nếu có vấn đề thì có phải giải trình hay không… 

Để tránh việc kê khai chỉ là hình thức thì cần làm cho minh bạch. Chứ lúc nào mình cũng nghĩ, kê khai xong rồi gấp hồ sơ đó thì tốn kém công quản lý và công sức cán bộ đảng viên bỏ ra. Thông tin kê khai sau khi thu thập về phải xử lý. Như tôi hiện nay hàng năm kê khai và nộp nhưng chưa nghe ai phản hồi lại là mình kê khai đã hợp lý hay chưa, có phải điều chỉnh gì không…

Đối với thông tin tài sản bà Thoa, tôi chưa rõ thực hư nhưng nếu đúng như dư luận nêu thì rõ ràng không bình thường.

PV: Đại biểu có đề xuất gì về hướng xử lý sai phạm nếu có, đối với đồng chí Thứ trưởng đang đương chức?

ĐBQH Trương Minh Hoàng: Qua những vụ việc như thế này, tôi cho rằng cách quản lý, kê khai tài sản của cán bộ đảng viên, cán bộ có chức, có quyền nên có hướng xử lý rõ ràng. Phải bằng những giải pháp mạnh mẽ mới giúp phát huy tốt việc quản lý cán bộ cũng như làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp… 

"Xử lý tuỳ mức độ nặng nhẹ nếu việc giải trình nguồn gốc tài sản không rõ ràng"

Cụ thể vụ việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, việc giải trình nguồn gốc khối tài sản nếu không rõ ràng, không minh bạch thì tuỳ mức độ nặng, nhẹ mà xử lý. Nếu tài sản hình thành không rõ ràng thì phải giao nộp, nếu không giao nộp thì phải có biện pháp thu hồi. Đề nghị phải giải trình càng sớm càng tốt!

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

Có lần tôi đề xuất phương án kê khai tài sản, kể cả bây giờ áp dụng cũng chưa muộn. Theo quy định, cán bộ phải tự giác kê khai tài sản. Trong trường hợp cán bộ có tài sản lớn mà tự giác kê khai nhưng không giải thích được nguồn gốc (do biếu tặng, nguồn thu nhập không rõ ràng…) thì tự nộp vào Ngân sách nhà nước, đầu tư cho công trình phúc lợi… và sẽ không bị kiểm điểm. 

Trường hợp cán bộ kê khai, cơ quan đề nghị giải trình mà không giải trình được thì sẽ bị Nhà nước ra quyết định kiểm điểm, phê bình. Nếu cán bộ kê khai không rõ ràng, thậm chí giấu giếm, không kê khai hay tài sản không minh bạch thì Nhà nước có quyền ra quyết định thu hồi. 

Nếu có dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm hay những dấu hiệu khác (như rửa tiền…) thì phải cách chức, cho thôi việc, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự...

Quỳnh Vinh
.
.
.