Niềm tin chính trị trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- CAND đoàn kết thực hiện Di chúc của Bác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự cầu truyền hình 50 năm thực hiện Di chúc của Bác
Nhận thức khoa học càng sâu sắc thì niềm tin chính trị càng vững chắc, khi đó, niềm tin chính trị sẽ là nhân tố cốt lõi để đảm bảo sự ổn định về tư tưởng chính trị, giúp cho con người giữ được sự kiên định, không hoang mang, dao động trước những khó khăn, thử thách ngay cả khi đời sống chính trị thuận lợi hay có nhiều biến động.
Trước lúc đi xa, với niềm tin chính trị sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Di chúc những diễn biến, kết quả mà nhân dân ta sẽ giành được trong tương lai: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn... Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà...”.
Di chúc được Người viết trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đang trong giai đoạn ác liệt ở cả hai miền Nam, Bắc, Mỹ ồ ạt đổ quân viễn chinh cùng các phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng lực lượng không quân và hải quân; đồng bào, chiến sĩ cả nước đang chịu nhiều tổn thất, hi sinh. Vậy, dựa trên cơ sở nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Di chúc niềm tin tất thắng?
Có thể thấy, niềm tin của Người dựa trên những cơ sở sau:
- Thứ nhất, niềm tin Hồ Chí Minh bắt nguồn từ niềm tin vào sức mạnh to lớn, vô địch của nhân dân và truyền thống yêu nước của dân tộc. Người khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Đó là truyền thống của dân tộc, cội nguồn tạo nên niềm tin Hồ Chí Minh. Với nền tảng vững chắc của niềm tin chính trị như vậy nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù thử thách cam go đến đâu, Bác vẫn tin rằng nhân dân là người chiến thắng, cách mạng cuối cùng sẽ thắng lợi vì có sức mạnh vô địch của nhân dân, truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc.
- Thứ hai, Người tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của Nhân dân Việt Nam.
Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra Cương lĩnh, đường lối đúng đắn, xác định: Cách mạng Việt Nam phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc rồi tiến lên CNXH. Với đường lối đúng đắn, Đảng đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, làm nên những thành tựu vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) đã xóa bỏ chế độ thực dân nửa phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Tiếp đó, Đảng lãnh đạo nhân dân chiến đấu và chiến thắng đế quốc Pháp xâm lược, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Cho đến thời điểm Người để lại Di chúc, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trải qua 15 năm, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta chiến đấu anh dũng, lần lượt đánh bại các âm mưu, chiến lược của đế quốc Mỹ, tạo thế và lực ngày càng vững mạnh. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Đồng thời, chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng được tôi luyện, trưởng thành và đã xây dựng nên những truyền thống quý báu, thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng. Đó là: Bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng; nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin; trung thành với lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc, gắn bó mật thiết với nhân dân; kiên định nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng; giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế… Những truyền thống quý báu của Đảng là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của giai cấp công nhân Việt Nam và giai cấp công nhân quốc tế, là sức mạnh bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Những truyền thống đó có ý nghĩa dân tộc và quốc tế sâu sắc, thể hiện tinh thần cách mạng triệt để, trình độ trí tuệ ngày càng được nâng cao của Đảng ta.
- Thứ ba, tin vào tính tất yếu của thắng lợi chính nghĩa và sự thất bại không thể tránh khỏi của của chiến tranh xâm lược phi nghĩa, trái đạo lý, phản nhân văn mà đế quốc Mỹ gây ra. Trong cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam bảo vệ nền độc lập dân tộc, Người nêu chân lý nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân là mục tiêu hàng đầu của cách mạng Việt Nam và cũng là lẽ sống thiêng liêng nhất của Người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Hồ Chí Minh là khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, đã thực sự trở thành lời hiệu triệu, thành mệnh lệnh của trái tim mỗi người dân; là nguồn sức mạnh, động lực của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền, đánh bại kẻ thù xâm lược.
- Thứ tư, nhãn quan chính trị nhạy bén, sắc sảo và tầm nhìn xa trông rộng của Hồ Chí Minh là cơ sở quan trọng để Người tin tưởng vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập của dân tộc. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn chưa kết thúc, Người đã nhận định: “Sớm hay muộn, Mỹ sẽ trực tiếp tham dự vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương… Mỹ đang tìm cách thay thế Pháp xâm lược Việt Nam”. Sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ (7-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ”.
Nhãn quan chính trị sâu sắc, vốn tri thức sâu rộng và những trải nghiệm thực tiễn phong phú đã giúp Hồ Chí Minh có cơ sở khoa học để khẳng định niềm tin tất thắng của nhân dân Việt Nam. Đã từng hoạt động trên đất Mỹ, am tường văn hóa Mỹ, Hồ Chí Minh biết rất rõ sức mạnh cũng như những chỗ yếu của Mỹ. Những hiểu biết về Mỹ ở tầng sâu thẳm nhất chính là cứ liệu thực tế để Người đi đến khẳng định: Việt Nam biết đánh và nhất định thắng Mỹ! Thực tế cũng đã chứng minh, tại thời điểm Người viết bản Di chúc, quân dân hai miền Nam Bắc luôn kề vai sát cánh bên nhau đánh thắng hết chiến lược chiến tranh này đến chiến lược chiến tranh khác: Từ chiến tranh đơn phương (1954-1960) đến chiến tranh đặc biệt (1961-1965), chiến tranh cục bộ (1966-1968) và sau này là Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1972). Kết quả thắng lợi từng phần của cách mạng là căn cứ thực tiễn sinh động để Hồ Chí Minh tin vào chiến thắng của cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Nói về thiên tài của Hồ Chí Minh, cố Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng đã viết: Hồ Chí Minh “Là bậc yêu nước đại chí sĩ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia. Chân đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm; nhận rõ thời cuộc, lặng dò thời cơ”. Và “Về bằng cấp thì ông Hồ không tiến sĩ, phó bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta, không ai bì kịp. Sự thấu hiểu của ông Hồ rất xa, rất rộng, chẳng những việc trong nước và cả việc thế giới nữa kia. Nước này tương lai sẽ về đâu? Nước kia rồi đây sẽ thay đổi như thế nào? Ông nói rất rành rọt, mạch lạc, nghe không chán!”.
Có thể thấy, niềm tin Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở vững chắc của lý luận khoa học Mác- Lênin, sự am hiểu văn hóa dân tộc, vốn kiến thức uyên thâm về lịch sử cũng những trải nghiệm phong phú trong trong quá trình hoạt động cách mạng và lòng yêu nước cháy bỏng đã giúp Người nắm bắt được quy luật vận động của lịch sử và xu thế phát triển của thời đại, vạch ra các bước đi của cách mạng, nhờ đó đưa đất nước vượt qua những thách thức. Niềm tin ấy là kết quả của quá trình tích lũy thông tin, phân tích sự kiện trong nước và thế giới, tổng kết lịch sử và thực tiễn, khái quát quy luật vận động của hiện thực, rồi vận dụng để phán đoán diễn biến, xu hướng phát triển.
Trong bối cảnh cuộc kháng chiến còn nhiều gian khổ, hy sinh, chính niềm tin chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong bản Di chúc có ý nghĩa hết sức to lớn. Đó là trụ cột tinh thần, là nguồn cổ vũ, động viên vững chắc cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết một lòng quyết đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc, đi đến thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thắng lợi trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc hiện nay.