Nên “nới” quy định về sử dụng thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình
- Không cấm nhà báo, người dân dùng thiết bị thông thường để quay phim, chụp ảnh
- Triển khai ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật TTHS1
Hiện nay, Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị. Nội dung của dự thảo dư luận đặc biệt quan tâm nhất là quy định tại khoản 3 Điều 4 Dự thảo Nghị định: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Ngoài việc công khai ghi hình, phóng viên còn phải bí mật thu thập thông tin trong hoạt động điều tra chống tiêu cực. |
Theo Luật sư-Thạc sỹ Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội, dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị có một số điểm chưa phù hợp với thực tế đặc biệt là việc giới hạn các đối tượng được phép sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị quy định tại khoản 3 Điều 4 của dự thảo.
Luật sư-Thạc sỹ Phạm Thanh Bình cho rằng, đề xuất này nhằm loại bỏ và ngăn chặn các đối tượng lạm dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm các bí mật cá nhân, bí mật quốc gia gây ra sự hiểu lầm về bản chất sự việc nhằm mục đích chống phá. Tuy nhiên, việc phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng là nhiệm vụ của toàn dân. Người dân cũng có quyền sử dụng thiết bị, phần mềm ghi âm, ghi hình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước cũng như của công dân, đây là việc làm hợp pháp và chính đáng.
Giả sử quy định này được thông qua và đi vào thực hiện thực tế thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác ngoài các mục đích như ý định ban hành Nghị định.
Như chúng ta đã biết, cơ quan báo chí có chức năng giám sát phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ thuần phong mỹ tục…Và báo chí muốn làm tròn vai trò, thực hiện tốt vai trò thì buộc nhà báo cần phải có phương pháp, nghiệp vụ để khai thác thông tin. Nếu như một nhà báo muốn viết bài, làm phóng sự điều tra đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thì phải “nhập vai” trong từng hoàn cảnh.
Trong trường hợp phản ánh về lâm tặc, cát tặc, thực phẩm bẩn... thì không đơn thuần như đi dự hội thảo, hội nghị mà phải có sự thâm nhập thực tế. Khi đó phóng viên phải dùng các biện pháp nghiệp vụ và trong đó, không thể thiếu việc sử dụng các phương tiện để ghi âm, ghi hình bí mật.
Thứ hai, trên thực tế, nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý thời gian gần đây là do người dân hoặc các phóng viên phát hiện và tố cáo. Nếu không được quyền sử dụng các thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị thì sẽ rất khó để phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Bởi lẽ, những việc xấu thì không ai công khai thực hiện cả mà phải bí mật theo dõi để có thể phát hiện ra.
Cuối cùng, luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng, dự thảo có phạm vi điều chỉnh về điều kiện kinh doanh nhưng lại quy định cả về những đối tượng được phép sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng là điều cần xem xét.
Còn ông Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, dự thảo Nghị định đang được Bộ Công an đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi, chính vì vậy sẽ có những ý kiến khác nhau liên quan đến nội dung dự thảo. Khoản 3 Điều 4 Dự thảo Nghị định quy định: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Nếu hiểu các cá nhân, tổ chức khác ngoài các cơ quan trên không được sử dụng các thiết bị này thì cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải xem xét và tạo điều kiện cho báo chí hoạt động. Việc nhà báo sử dụng các thiết bị công nghệ thậm chí là các thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang để phản ánh các vấn đề thời sự, điều tra các vụ việc tiêu cực… là một điều hết sức cần thiết. Chính vì vậy, dự thảo Nghị định cần phải cụ thể để người dân hiểu đúng bản chất. Ví dụ, cấm ai, cấm cái gì, việc gì thì cấm, việc gì thì không cấm…
Theo ông Phan Hữu Minh, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn nữa nội dung của dự thảo Nghị định để tránh việc hiểu không đúng bản chất cũng như để nghị định khi ban hành phù hợp với các luật có liên quan và đi vào cuộc sống.
Như vậy, trước tình trạng các thiết bị ghi âm, ghi hình “ẩn” dưới vỏ bọc các thiết bị khác đang bị mua bán tràn lan, dẫn đến không ít các đối tượng sử dụng các thiết bị này với mục đích xấu thì việc xây dựng, ban hành nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị là cần thiết. Tuy nhiên, người dân mong muốn những nội dung của nghị định phải phù hợp với thực tế cuộc sống cũng như phù hợp với các luật đã ban hành.