Luật An ninh mạng - “bảo bối” chống tội phạm của nhiều quốc gia
- Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc về Luật An ninh mạng
- Không thể lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xuyên tạc, cản trở việc thực thi Luật An ninh mạng
Chỉ vài giờ sau khi thông tin về việc được Quốc hội thông qua, một phần nội dung Luật An ninh mạng của Australia đã tràn ngập các trang báo. Nhiều tờ báo thậm chí còn nêu rõ rằng, đây là đạo luật cứng rắn nhất nhằm buộc Facebook và “những người khổng lồ công nghệ” khác phải phối hợp, hỗ trợ và giúp chính quyền Canberra giải mã các thông điệp được những kẻ khủng bố và tội phạm có tổ chức sử dụng.
Tờ Bloomberg bình luận: “Dưới quyền hạn mới được trao cho cơ quan cảnh sát và tình báo, các công ty có thể được yêu cầu giúp giải mã thông tin liên lạc trên các nền tảng như WhatsApp, Telegram và Signal và thậm chí cả chèn mã để giúp nắm bắt dữ liệu. Luật mới thúc đẩy Australia trở thành trung tâm của cuộc chiến toàn cầu về quyền riêng tư và bảo vệ an ninh quốc gia giữa các công ty công nghệ với chính phủ”.
Trang tin Phys.org thông tin, trước khi đạo luật được thông qua, đã có cuộc tranh luận rộng rãi về tính hợp pháp và phạm vi cũng như đối tượng điều chỉnh trong Luật An ninh mạng của Australia.
Thậm chí, một số đảng phái đối lập như Đảng Lao động còn phản đối kịch liệt và yêu cầu sửa đổi việc thực hiện hoặc kéo dài thời gian xem xét. Nhóm Công nghiệp kỹ thuật số - một hiệp hội mà các thành viên bao gồm cả Facebook và Google thì liên minh với tổ chức Ân xá quốc tế và Trung tâm Luật Nhân quyền có trụ sở tại Melbourne để chống lại đạo luật với lý do, Luật An ninh mạng của Australia có thể làm suy yếu an ninh trên Internet, gây nguy hiểm cho các hoạt động như: bỏ phiếu trực tuyến, giao dịch thị trường và lưu trữ dữ liệu…
Hội đồng Luật Australia, cơ quan quản lý các luật sư ở Australia cũng cho biết họ có "mối quan tâm nghiêm túc" về những thay đổi mà Luật An ninh mạng đưa ra, đặc biệt về việc truy cập thông tin liên lạc được mã hoá.
Nhưng cuối cùng, bất chấp sự phản đối và cả những ý kiến trái chiều, vì lợi ích quốc gia, các đảng phái trong Quốc hội Australia vẫn đạt được thống nhất trong việc sớm đưa đạo luật này có hiệu lực để ngăn chặn hoạt động gia tăng và ngày càng tinh vi của tội phạm có tổ chức và các thế lực khủng bố. Đây là một bước tiến lớn của chính phủ Australia trong việc đối phó với tội phạm thời hiện đại.
Như cố vấn an ninh mạng của Australia Alastair MacGibbon chia sẻ: “Nếu không thực thi Luật An ninh mạng thì cảnh sát Australia sẽ “bị mù hoặc bị điếc” vì những mã hoá được sử dụng bởi tội phạm và khủng bố. Luật An ninh mạng thực sự là cẩm nang của lực lượng thực thi và bảo vệ pháp luật của không chỉ Australia mà cả ở các quốc gia khác trên toàn thế giới”.
Trở lại với câu chuyện ở Việt Nam, sau khi Luật An ninh mạng (ANM) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (ngày 12-6-2018), nhất là khi Chính phủ công bố lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thi hành Luật An ninh mạng, nhiều trang mạng trong và ngoài nước đã đưa tin, bình luận, xuyên tạc hòng cản trở việc thực thi luật này (có hiệu lực từ 1-1-2019). Các tổ chức phản động và những đối tượng quấy phá về chính trị trong nước còn phát tán các tài liệu với giọng điệu xuyên tạc rằng Luật An ninh mạng “đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư”, “vi phạm quyền riêng tư”, “vi phạm tự do ngôn luận, báo chí, Internet”…
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear cho rằng Luật An ninh mạng cản trở đà tăng trưởng của Việt Nam, trong khi 17 nghị sĩ Hoa Kỳ cực đoan viết thư kêu gọi Google và Facebook rời bỏ Việt Nam… Nhưng trên thực tế, cựu Đại sứ Mỹ và các nghị sĩ cực đoan kia đâu biết (hoặc cố tình không biết) rằng, khi xây dựng Luật An ninh mạng, Việt Nam đã tham khảo nhiều từ chính Luật An ninh mạng của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các quốc gia phát triển khác.
Cho đến khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn trao đổi vấn đề này với lãnh đạo Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USSC) và đại diện nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Google, MasterCarrd, Boeing… nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ hồi cuối tháng 6, nhiều thế lực phản động vẫn tiếp tục cố tình rêu rao những luận điểm không đúng để kích động người dân chống Luật An ninh mạng. Hành động này thực chất là chiêu trò nhằm chia rẽ dân tộc, gây mất trật tự an toàn xã hội, làm suy yếu tính hợp pháp và kỷ cương trong hành động của các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật ở Việt Nam.
Nếu nhìn một cách tổng quan và cẩn trọng, người dân có thể thấy, Luật An ninh mạng đang trở thành xương sống trong việc thực thi pháp luật ở các nước. Tuy tên gọi đạo luật này có thể khác nhau, song mục đích là đều muốn cải thiện tình hình an ninh thông tin của chính phủ, cơ quan công quyền, các doanh nghiệp cũng như bảo vệ tốt hơn cho người dân trong thế giới phẳng, nơi mà mạng Internet đang “thống trị” toàn cầu.
Trong 3 năm qua, một làn sóng về xây dựng pháp luật cũng như thành lập các cơ quan điều chỉnh hoặc giám sát an ninh mạng đã và đang được triển khai tại nhiều quốc gia, châu lục. Như ở Hoa Kỳ, dù được mệnh danh là quốc gia có hệ thống bảo mật an toàn và lâu đời nhất thế giới, song nước này vẫn luôn trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng. Nỗi lo về an ninh mạng khiến Thượng viện Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2015 phải thông qua Luật chia sẻ thông tin an ninh mạng (CISA) nhằm tạo hệ thống phòng thủ vững chắc không gian mạng.
Luật này đã được thực thi bất chấp sự phản đối của các đại gia công nghệ và những nhà hoạt động bảo mật. Năm 2016, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ còn đụng độ với Apple khi hãng này từ chối mở khóa một chiếc iPhone kết nối với một vụ bắn súng hàng loạt ở San Bernardino, bang California.
Tại Vương quốc Anh, các cơ quan chức năng được tăng quyền hạn để tấn công, ngăn chặn và giữ lại thông tin liên lạc của tất cả công dân Anh khi Luật An ninh mạng ra đời năm 2016. Một năm sau đó, Chính phủ Anh đã yêu cầu WhatsApp hợp tác để giải mã thông tin của một kẻ khủng bố ngay trước khi tên này giết chết năm người tại thủ đô London vào tháng 3 năm 2017…
Quốc hội Đức thông qua Luật An ninh mạng vào tháng 7 năm 2015 còn Liên minh châu Âu (EU) cũng “lo sốt vó” khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công mạng nghiêm trọng. Kết quả là từ tháng 5 năm 2018, EU buộc tất cả các tổ chức, nếu không muốn bị phạt nặng, phải tuân theo các điều khoản về Luật An ninh mạng đầu tiên của cả khối…
Và việc Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng không hề nằm ngoài dòng chảy chính về bảo vệ an ninh, bảo đảm an toàn quốc gia của các nước trên thế giới mà ngược lại, đây là động thái góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với những loại tội phạm mới nổi thời đại công nghiệp cách mạng 4.0.