Sự kiện suy ngẫm:

Không để tồn tại kiểu phát ngôn “văng mạng” trên mạng xã hội

Thứ Ba, 15/06/2021, 17:13
“Thánh chửi”, “thánh chém”… không còn là hiện tượng mới lạ trên mạng xã hội. Không chỉ đăng status trên trang cá nhân, mà nhiều người đã ứng dụng công nghệ livestream “truyền hình trực tiếp” để “chém gió phần phật” trước quý vị khán giả.


Càng nhiều người thả tim, like, theo dõi, “các thánh” càng phấn khích và không ít người đã có những lời lẽ gây sốc, lệch chuẩn, xúc phạm cá nhân, tổ chức,… bất chấp mọi quy tắc xã hội, pháp luật. Là một quốc gia có tỷ lệ người dùng mạng Internet, tài khoản mạng xã hội cao, chúng ta càng không thể để tồn tại kiểu phát ngôn “văng mạng” trên mạng xã hội.

Thực tế, có rất nhiều người dùng mạng xã hội đã phát huy tốt tiện ích mà mạng xã hội mang lại. Đó không chỉ là hiệu quả trong xây dựng hình ảnh, thương hiệu, kinh doanh, mà còn lan tỏa những điều tốt đẹp, bày tỏ chính kiến, ... Ví như gần đây, nghệ sỹ Quyền Linh, Hồng Vân đã lên trang cá nhân xin lỗi công chúng vì đã tham gia quảng cáo sai sự thật.

Cũng trên mạng xã hội, ngày 8/6 đã truyền tải thông tin về việc anh lái xe Vương Văn Pháp (quê ở Tuyên Quang), vì tránh đâm trực diện vào hai người đi xe máy tạt đầu xe đã gây ra thiệt hại tài sản cho cửa hàng điện máy khoảng 1 tỷ đồng. Hành động “cứu mạng người phúc đẳng hà sa” của anh lái xe nghèo được lan tỏa trên cộng đồng mạng. Đáp lại tinh thần hiệp nghĩa của anh, người dân và cộng đồng mạng đã ủng hộ tiền để anh đền bù tài sản. Ngày 10/6, anh Pháp lên mạng xã hội thông báo đã nhận được hơn 800 triệu đồng, cảm ơn người giúp đỡ và xin không nhận thêm tiền ủng hộ.

Mỗi ngày, có rất, rất nhiều những lời nói đẹp, những câu chuyện hay, những thông điệp nhân văn được các cá nhân dùng mạng xã hội chia sẻ, truyền tải. Nó khiến sự kết nối giữa người với người nhanh hơn, gần gũi hơn. Thế nhưng, cũng trên mạng xã hội, lại có những người dùng trang cá nhân của mình để viết ra những lời lẽ khiến dư luận bất bình.

Việc trang Facebook có “tick xanh” của nghệ sỹ Đức Hải - nguyên Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Sài Gòn, đăng tải status với những từ ngữ dung tục đã nhận phản ứng dữ dội trong cộng đồng mạng và khán giả. Mặc dù, Đức Hải cho rằng, những lời lẽ này do… cháu nuôi của anh viết nhưng Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Sài Gòn đã ra quyết định đình chỉ chức vụ đối với nghệ sỹ này.

Đặc biệt gần đây, dư luận cả ngoài xã hội lẫn cộng đồng mạng cùng dậy sóng về hiện tượng CEO Đại Nam Nguyễn Phương Hằng. Bà Hằng livestream tố bị “thần y” Võ Hoàng Yên lừa 200 tỷ và tuyên bố sẽ vạch trần hành vi gian dối giả “thần y” của ông Yên khiến rất nhiều người bệnh nghèo rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. 

Và trong một buổi livestream, ngoài việc đề cập đến ông Yên, bà Phương Hằng còn nhắc đến “bọn nghệ sỹ”. Các buổi về sau, bà còn nêu đích danh một số nghệ sỹ nổi tiếng và “bóc phốt” họ với những lời lẽ xúc phạm.

Thực hư của việc “bóc phốt” một số người trong giới showbiz của bà Hằng cứ hư hư, thực thực nhưng lại thu hút sự chú ý của rất đông người. Đỉnh điểm là trong buổi livestream ngày 25/5 của bà, đã có hơn 500 ngàn người xem trực tiếp. Ngoài việc có số lượng người xem kỷ lục, những phát ngôn của bà Phương Hằng khiến dư luận bất ngờ, nhất là khi đụng chạm đến danh dự của một số tổ chức, cá nhân. Sở Thông tin - Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã xử phạt bà Phương Hằng 7,5 triệu đồng về hành vi thông tin sai sự thật về việc UBND tỉnh Bình Thuận bao che cho ông Võ Hoàng Yên và yêu cầu không được tiếp tục livestream.

Buổi livestream dự kiến vào tối 29/5 của bà Phương Hằng được hủy, tuy nhiên sau đó bà tiếp tục tổ chức livestream tại Bình Dương. Mặc dù trong các buổi livestream sau này, bà Phương Hằng có “hạ tông” nhưng vẫn có những lời lẽ nặng nề.

Việc bà Phương Hằng không thực hiện đúng cam kết với Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh khi tiếp tục livestream, chuyển địa điểm tổ chức livestream về Bình Dương để lách luật, tiếp tục có lời lẽ xúc phạm cá nhân khiến dư luận bức xúc.

Ngày 12/6, Báo điện tử VOV có hai bài viết phản, lấy ý kiến nhà báo, luật sư về “hiện tượng” bà Phương Hằng cũng như chỉ ra những dấu hiệu vi phạm và đề nghị xử lý nghiêm. Ngày 13/6, fanpage của Báo bị tấn công; nhân vật trả lời phỏng vấn và phóng viên nhận được những lời lẽ hăm dọa, xúc phạm; Báo bị tấn công DDOS (từ chối dịch vụ).

Trước tình trạng này, Báo điện tử VOV đã trình báo cơ quan Công an và hiện nay, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao đã vào cuộc. Kết quả điều tra sẽ làm rõ, kẻ đã gây ra hành vi tấn công mạng này.

Điều 8, Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị cấm, trong đó nêu rõ: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vị, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Và cũng chính Luật An ninh mạng đã quy định, công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm trên không gian mạng. Bộ Luật Hình sự 2015 cũng quy định rất rõ mức xử phạt đối với tội vu khống, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, cá nhân, tổ chức.

Quyền tự do ngôn luận được pháp luật bảo hộ, kể cả trên không gian mạng. Thế nhưng, việc thể hiện quyền này như thế nào cho đúng trên mạng xã hội đòi hỏi mỗi người dùng phải biết và có trách nhiệm tuân thủ. Không ai có quyền xúc phạm người khác trên mạng xã hội và càng không được phép phát ngôn “bạt mạng” trên mạng xã hội.

Cao Hồng
.
.
.