Không bỏ quy định về tội hoạt động phỉ trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Thứ Tư, 04/11/2015, 20:03
Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tội hoạt động phỉ không được quy định với lý do “các hành vi khách quan, như: giết người, cướp tài sản nhằm chống chính quyền nhân dân đã được xử lý trong các tội danh khác trong Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia”.


Chúng tôi không đồng tình với việc bỏ tội hoạt động phỉ vì các căn cứ sau đây:

Thứ nhất, tội hoạt động phỉ có dấu hiệu đặc trưng là hoạt động vũ trang xảy ra ở những địa bàn hiểm yếu, đặc biệt quan trọng về an ninh quốc gia, như  vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn, các đối tượng dễ tập trung lôi kéo đồng bào tham gia. Từ năm 1990 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố, điều tra 9 vụ với 79 đối tượng về tội hoạt động phỉ. So với các loại tội phạm khác, số vụ án về tội hoạt động phỉ không nhiều, nhưng tính chất rất phức tạp, xâm hại nghiêm trọng an ninh quốc gia.

Thứ hai, xuất phát từ đặc thù địa lý, địa hình nước ta có nhiều vùng rừng núi hiểm trở, hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở trên địa bàn còn nhiều khó khăn, hạn chế, tiềm ẩn nguyên nhân, điều kiện để tội phạm hoạt động phỉ tồn tại.

Thứ ba, qua tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội hoạt động phỉ cho thấy việc áp dụng điều luật này không có vướng mắc, bất cập gì đến mức phải sửa đổi, bổ sung; càng không đến mức phải bỏ loại tội phạm này. Quá trình điều tra các vụ án về tội phạm hoạt động phỉ đã đáp ứng tốt các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, được nhân dân đánh giá cao, đồng tình, ủng hộ. Vụ án hoạt động phỉ xảy ra tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vào năm 2011 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân, làm 01 người chết, 04 người bị thương, gây mất ổn định về an ninh, trật tự trên địa bàn. Trong vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án, đề nghị truy tố 29 bị can; Tòa án đã tuyên phạt 01 bị cáo mức án tù chung thân; 05  bị cáo mức án 20 năm tù; 01 bị cáo 18 năm tù; 22 bị cáo bị kết án từ 15 năm tù trở xuống.

Với những căn cứ trên, chúng tôi đề nghị giữ nguyên quy định về tội phạm hoạt động phỉ tại Điều 83 Bộ luật Hình sự năm 1999: “Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp tài sản, thì bị phạt như sau:

1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;

2. Người đồng phạm khác thì phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.

Nguyễn Thanh
.
.
.