“Hi sinh” chệch chuẩn không thể “củng cố” được cả người dưng lẫn người nhà

Thứ Ba, 19/12/2017, 10:17
Mấy ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm, đồng tình cao với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và quyết định kỉ luật của Ban Bí thư đối với một số tổ chức Đảng và đảng viên. 

Trong đó, Ban Bí thư đã họp, xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (phiên họp thứ 20 trung tuần tháng 12-2017) về việc đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Ngô Văn Tuấn, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá.

Ông Tuấn đã có những sai phạm nghiêm trọng như: Từ tháng 10-2010 đến 11-2015, với cương vị Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Xây dựng, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ. 

Điển hình là việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên lao động hợp đồng vào làm công chức chuyên môn; trong thời gian rất ngắn sau đó đã bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng, Trưởng phòng; đề nghị quy hoạch chức danh Phó giám đốc Sở và kết nạp Đảng, tham gia Đảng uỷ Sở Xây dựng… Qua đó, thể hiện sự ưu ái, nâng đỡ trái quy định trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh.

Những vi phạm nêu trên được đánh giá là rất nghiêm trọng và Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Ngô Văn Tuấn!

Việc ông Ngô Văn Tuấn, vì lí do nào đó từng có sự “nâng đỡ, ưu ái” quá mức với “người dưng” Trần Vũ Quỳnh Anh, rốt cuộc đã phải chuốc lấy quả đắng ê chề. 

Song, bẽ bàng không kém là trường hợp ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 và con trai đều bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương “sờ gáy” vì những vi phạm nghiêm trọng.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định tiến hành quy trình xử lý kỷ luật ông Lê Phước Thanh (và một số cán bộ liên quan có vi phạm).

Còn ông Lê Phước Hoài Bảo, con trai ông Thanh thì bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông này. Ông Lê Phước Hoài Bảo hiện đang giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam và là Tỉnh ủy viên.

Trường hợp cha con ông Thanh – Bảo, dù là sự ưu ái, vun vén với “người nhà” nhưng do đã bất chấp các nguy tắc, quy định và kỉ luật của Đảng nên kết cục cũng ê chề không kém trường hợp ông Ngô Văn Tuấn ưu ái, nâng đỡ “người dưng”. Thật trớ trêu khi sự “hi sinh” của ông Thanh không những không “củng cố” được đời con, mà cả hai cha con đều thân bại danh liệt…

Đáng chú ý, trong số những vi phạm của ông Lê Phước Hoài Bảo, có việc bỏ sinh hoạt Đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định trong thời gian đi học thạc sỹ tại nước ngoài. Cha mẹ nào cũng thương con, ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận về vi phạm của ông Bảo, ông Thanh đã bày tỏ ý kiến trên tờ Người Lao Động.

Ông “thanh minh” rằng, cậu Bảo thời kì đang sinh hoạt Đảng tại chi bộ địa phương, do mới vào Đảng không hiểu biết nhiều về nguyên tắc sinh hoạt Đảng nên đã làm đơn xin phép chi bộ đi học ở nước ngoài. Chi bộ ở nông thôn cũng không biết rõ về nguyên tắc chuyển sinh hoạt nên đồng ý cho ông Bảo tạm nghỉ sinh hoạt theo chương trình học.

"Bảo bị đề nghị xóa tên đảng viên do không tham gia sinh hoạt Đảng trong thời gian đi học ở nước ngoài thực sự là do bản thân Bảo và Chi bộ nông thôn chưa hiểu hết về nguyên tắc sinh hoạt Đảng chứ không phải Bảo có ý thức tổ chức kỷ luật kém, cố tình bỏ sinh hoạt, bởi vì Bảo đi học theo học bổng của tỉnh thì tất nhiên sẽ về làm việc cho tỉnh nên không thể cố tình vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng để bị kỷ luật được. Tôi nghĩ vấn đề này cần phải làm rõ để người đảng viên bị kỷ luật thấy được sự sai trái, không oan ức và thỏa mãn với hình thức kỷ luật", ông Thanh đề nghị.

Sự thanh minh của ông Thanh thật nực cười. Một quần chúng trước khi được kết nạp Đảng đều phải nghiên cứu kĩ điều lệ Đảng, trong đó quy có định rõ về sinh hoạt Đảng; nếu vi phạm sẽ bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên. Nếu ông Lê Phước Hoài Bảo “sơ suất” khâu này thì thật đáng bị nhận kỉ luật.

Còn nếu ông Bảo “chưa hiểu hết nguyên tắc về nguyên tắc sinh hoạt Đảng” thì ông Thanh – với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy và là bố đẻ, phải nghiêm khắc chấn chỉnh con trai. Nhưng ông vẫn lờ đi. Hay ông Thanh định để con trai “tự rèn luyện, tự thân vận động” phấn đấu, nên đã không quan tâm nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời? Nếu thế thì sự thăng tiến thần tốc của ông Bảo liệu có phải do “tự phấn đấu, trui rèn”?

Không những thế, ông Thanh còn đổ vạ “thiếu hiểu biết” cho cả “chi bộ nông thôn” – nơi con trai ông sinh hoạt Đảng. Phải chăng ông định “đánh bùn sang ao”, trút sai sót và vi phạm của con ông sang những người đồng chí? Chẳng lẽ “chi bộ nông thôn” thì kém cỏi, thiếu hiểu biết hơn “chi bộ thành thị”. Độ tuổi ông Thanh chắc chắn đã trải qua thời kì kháng chiến, đã hiểu rõ sự kiên định, bản lĩnh của đồng chí, đồng đội ở những “chi bộ nông thôn”. 

Rất có thể, chính ông Thanh cũng từng chiến đấu, trưởng thành từ một “chi bộ nông thôn” nào đó. Và ông Lê Phước Hoài Bảo, nếu là con của một đồng chí ở “chi bộ nông thôn” thì đường quan lộ liệu có hanh thông khi ở tuổi 30 đã là Giám đốc sở trẻ nhất nước và là Tỉnh ủy viên?

Có thể khẳng định, qua một số vụ việc kỉ luật cán bộ gần đây, nhân dân cả nước thêm phấn khởi, tin tưởng vào quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Trường hợp ông Ngô Văn Tuấn và ông Lê Phước Thanh sẽ là bài học cảnh tỉnh với những ai đã, định “hi sinh” một cách chệch chuẩn – bất chấp các quy tắc và chuẩn mực để nâng đỡ, “củng cố” người nhà hoặc người dưng.

Trần Duy Hiển
.
.
.