Trò chuyện Chủ nhật

Giải pháp nào làm giảm ô nhiễm không khí?

Thứ Bảy, 05/10/2019, 22:58
Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là giải pháp nào để giải quyết hay ô nhiễm không khí chấp nhận “sống chung với lũ”? PV đã có cuộc trò chuyện cùng TS Hoàng Dương Tùng, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam.


Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề “nóng” những ngày qua tại các đô thị lớn như: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chỉ số ô nhiễm cao khiến người dân lo lắng vì bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Câu chuyện ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn và nhiều địa phương trên cả nước được các cơ quan chức năng, cũng như các chuyên gia môi trường thừa nhận. Chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao là đáng lo ngại.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là giải pháp nào để giải quyết hay chấp nhận “sống chung với lũ”?

Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trò chuyện cùng TS Hoàng Dương Tùng, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

PV: Thưa ông, câu chuyện về ô nhiễm không khí là vấn đề được người dân rất quan tâm những ngày qua, đặc biệt ở Hà Nội. Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?

TS Hoàng Dương Tùng

TS Hoàng Dương Tùng: Một vấn đề được người dân Hà Nội hết sức quan tâm trong những ngày qua là các chỉ số ô nhiễm không khí luôn ở mức cao. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội do nồng độ khói bụi dày đặc gây ô nhiễm. Trong số đó, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) đáng được bận tâm nhất, vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, ảnh hưởng đến cả hệ hô hấp và hệ thống mạch máu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí của Hà Nội và các tỉnh là do các nguồn giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh. Trong điều kiện khí tượng không thuận lợi, các nguồn phát thải không phát tán được. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ dẫn đến những đợt ô nhiễm nghiêm trọng như hiện tại.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, khi đánh giá nguồn gốc phát sinh bụi, ở đây là bụi tổng thì có khoảng 50% nguồn phát thải bụi là từ hoạt động giao thông, 30% là do hoạt động dân sinh, 20% còn lại từ hoạt động công nghiệp. Không lo lắng sao được khi với tốc độ gia tăng các loại phương tiện cơ giới nhanh chóng, sản xuất công nghiệp ngày càng nhiều, Hà Nội và nhiều đô thị khác trong cả nước đang đối diện với nạn ô nhiễm không khí mỗi ngày một nghiêm trọng hơn.

Hà Nội hiện có 7 triệu xe máy, 800 nghìn ôtô cá nhân, đây chính là một trong những nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, Hà Nội những năm qua đang trong quá trình phát triển “nóng” dẫn đến việc cả thành phố đang như một đại công trường xây dựng, chính vì thế đây cũng là nguồn gốc phát sinh bụi rất lớn.

PV: Các khuyến cáo đã được nhắc đến rất nhiều những ngày qua. Người dân hiện nay đang rất lo lắng trước tình trạng này. Ông có cho rằng người dân đang phản ứng thái quá?

TS Hoàng Dương Tùng: Người dân lo lắng là điều dễ hiểu. Ai cũng sẽ lo lắng cho sức khỏe của mình khi rất nhiều thông tin đưa ra về việc chỉ số ô nhiễm của Hà Nội cao nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, khi người dân nhìn vào các chỉ số đánh giá khác thì cũng cần phải nhìn lại các chỉ số do các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đưa ra để tránh tâm lý hoang mang.

Người dân đang bị "xoay" với quá nhiều luồng thông tin từ nhiều trang quan trắc khác nhau. Các website công bố chất lượng không khí rất nhiều, số liệu phong phú, đầy đủ, là điều tốt, người dân có nhiều nguồn để tham khảo.

Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh có chất lượng không khí kém là điều hiển nhiên. Tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân hàng ngày và đặt nhiều thách thức cho chính quyền. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của nó cần được đánh giá nghiêm túc, khách quan và khoa học.

Người dân cũng cần theo dõi các thông tin quan trắc từ cơ quan chính thống của các Chi cục Bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)…

PV: Từ sự việc vừa qua, có thể thấy chính quyền và người dân vẫn chưa sẵn sàng ứng phó với những nguy cơ từ "sát thủ vô hình" khi người dân thì hoang mang trước nhiều luồng thông tin, còn chính quyền thì chậm đưa ra cảnh báo. Ông có cho là như thế?

TS Hoàng Dương Tùng: Việt Nam đang thiếu thông tin và các số liệu có cơ sở khoa học để khuyến cáo người dân về vấn đề ô nhiễm không khí. Trong khi đó, người dân cần được truyền thông một cách cụ thể, minh bạch về việc này. Tôi cho rằng, 3 sự kiện gần đây khiến người dân bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến chất lượng không khí. Trong đó, vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông là sự kiện có tác động lớn đến nhận thức của người dân về loại ô nhiễm này.

Tiếp đó, sự kiện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tục nằm trong danh sách những thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới khiến người dân trở nên hoang mang. Ô nhiễm rác thải và nguồn nước là những loại hình ô nhiễm có thể nhìn thấy được nên người dân có phần quan tâm hơn. Trong khi đó, ô nhiễm không khí khó nhìn thấy, người dân chỉ quan tâm và cảm nhận được khi nó diễn ra ở mức độ nghiêm trọng.

Các thành phố lớn đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh nhưng lại chưa thể đảm bảo yếu tố môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thành phố thông minh phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là làm cho cuộc sống người dân tốt hơn, bền vững hơn.

Do đó, việc đưa ra các thông tin cụ thể về chất lượng không khí các khu vực và những khuyến cáo cần thiết cho người dân là việc làm quan trọng. Tuy nhiên, một số cơ quan chuyên môn chưa làm được điều này. Nhiều cơ quan tỏ ra lúng túng trước việc xử lý dữ liệu, đưa ra khuyến cáo cho người dân về chất lượng môi trường. Trong thời đại thông tin bùng nổ, người dân rất cần được trang bị kiến thức về ô nhiễm không khí để tự bảo đảm an toàn cho mình.

PV: Có ý kiến cho rằng, không khí ở Hà Nội đã bị ô nhiễm từ lâu, đến nay do có nhiều thông tin quan trắc được đưa ra nên người dân mới thấy được mức độ nghiêm trọng của nó. Có phải như vậy không, thưa ông?

TS Hoàng Dương Tùng: Phải nói thế này, nói rằng chúng ta chưa quan tâm đến là không đúng mà đã có sự quan tâm từ lâu. Chúng ta đã có các luật, các nghị định, đưa ra các quy chuẩn xả thải, các biện pháp bảo vệ môi trường với các công trình xây dựng, kiểm soát xả thải ra không khí như đưa xăng sinh học E5 vào sử dụng.

Hà Nội cũng phát triển các hệ thống giao thông công cộng, trồng cây xanh… Tuy nhiên, những biện pháp này chưa tới, chưa cương quyết trong những việc như đầu tư, dành nguồn lực.

Tôi nói ví dụ như những trạm quan trắc tự động, mình đang rất thiếu. Hà Nội hiện mới có 3 trạm và 1 trạm của Tổng cục Môi trường. Mặc dù trong quy hoạch thì Hà Nội có đến tận gần 20 trạm, thế nhưng không bố trí được kinh phí. Kinh phí đầu tư từ nguồn nào?

Từ nguồn Nhà nước, nhưng vì nhiều lý do nên đầu tư cho kiểm soát khí thải ít hơn so với đầu tư kiểm soát ô nhiễm từ nước, rác thải. Thêm nữa, trong mấy năm qua, chúng ta cũng chưa thực sự để ý đến ô nhiễm không khí.

PV: Dù sao thì việc ô nhiễm không khí hiện đã thành vấn đề nóng, cần phải có sự cải thiện để đảm bảo cuộc sống của tất cả mọi người. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là giải pháp nào, công nghệ nào, phải dành nguồn lực ra sao để cải thiện để đảm bảo chất lượng cuộc sống, thưa ông?

TS Hoàng Dương Tùng: Tôi nghĩ rằng, từ các nguyên nhân như thế thì chúng ta phải hạn chế nguồn ô nhiễm. Một lượng lớn từ khí thải của phương tiện giao thông cá nhân là ôtô, xe máy. Phải làm thế nào để hạn chế? Ví dụ hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đặc biệt là xe máy bằng việc tăng cường giao thông công cộng, tăng cường giải pháp xăng sinh học.

Tuy nhiên, làm thế nào để kiểm soát được khí thải của 7 triệu xe máy ở Hà Nội thì không phải dễ. Đây là vấn đề khó nhưng cũng phải làm bởi số lượng xe máy đang ngày càng nhiều hơn, nếu không kiểm soát thì môi trường không khí sẽ ngày càng tệ hơn.

PV: Hà Nội mới đây đã đề cập đến cấm xe máy, nhưng gặp phải phản ứng rất mạnh của dư luận xã hội. Giải pháp hạn chế xe máy ông đưa ra e rằng khó được xã hội chấp nhận?

TS Hoàng Dương Tùng: Đúng rồi, việc cấm xe máy các cơ quan nhà nước cũng cần phải có lộ trình, có tham khảo kinh nghiệm của các nước. Không thể nào đùng một cái là cấm được. Thế nhưng, việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là bắt buộc, có như thế mới cải thiện được môi trường không khí. Hạn chế bằng cách nào? Một mặt là tuyên truyền vận động.

Thứ hai nữa là phải mở rộng hệ thống phương tiện giao thông công cộng để cho người ta có phương tiện đi lại, người ta mới từ bỏ xe máy.

Một số tuyến đường mình hạn chế xe máy thì phải bố trí phương tiện giao thông công cộng thế nào. Ví dụ như thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) từng là điểm nóng về ô nhiễm không khí, nhưng người ta làm rất chặt chẽ trong việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì mới cải thiện được.

PV: Bên cạnh những giải pháp như hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, có quy định cho các đơn vị xây dựng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo các quy chuẩn về khí thải, khói, bụi… Về mặt khoa học thì chúng ta có thể áp dụng công nghệ để giải quyết bài toán các chỉ số ô nhiễm không khí đang rất cao trước mắt không thưa ông?

TS Hoàng Dương Tùng: Các công nghệ mà người ta đặt ra ở một số nước như mưa nhân tạo, cột nước… thì có lẽ với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn này chưa khả thi. Bên cạnh nguồn kinh phí thì còn phải nghiên cứu, thực hiện không dễ.

Để thực hiện những giải pháp này cần nguồn lực rất lớn và phải có sự chuẩn bị, chứ không phải áp dụng được ngay. Ngay ở các nước người ta áp dụng cũng còn phải xem tác dụng của nó đến đâu.

PV: Công nghệ thì chưa có điều kiện áp dụng, còn các giải pháp kia là những giải pháp mang tính lâu dài. Có nghĩa là chúng ta chưa có giải pháp để giải quyết vấn đề này ngay lập tức và người dân vẫn phải “sống chung với lũ” sao thưa ông?

TS Hoàng Dương Tùng: Tôi phải nói rõ thế này, giải quyết ô nhiễm không khí không thể là câu chuyện một sớm, một chiều. Đây là công việc có tính lâu dài. Trung Quốc có nguồn lực rất lớn nhưng Bắc Kinh cũng cần 20-30 năm mới xử lý được.

Đừng có nghĩ là năm nay ô nhiễm, năm sau có thể giảm ngay được. Nhưng cũng vẫn phải làm bởi có đi thì mới có đến. Nếu chúng ta không có động thái thực sự thì sẽ rất gay. Các cơ quan nhà nước cần phải đưa ra các biện pháp ngắn hạn, dài hạn. Phải tích hợp nhiều giải pháp khác nhau, mỗi giải pháp sẽ giảm thiểu một chút.

Giai đoạn này tôi nghĩ rằng, chúng ta buộc phải “sống chung với lũ”, nhưng các cấp chính quyền cần quyết tâm hơn. Thủ tướng Chính phủ đã nói rồi, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải giải quyết sớm vấn đề ô nhiễm không khí. Do đó tôi nghĩ, chính quyền các thành phố sẽ sớm có những biện pháp thực hiện để giảm thiểu, phòng tránh.

Ví dụ như chúng ta có giảm ngay lập tức bụi từ các công trình xây dựng được không? Tôi nghĩ qua các hệ thống camera là có thể giám sát được thì sẽ đỡ đi một phần. Làm thế nào để bà con nông dân không đốt rơm rạ nữa, đỡ đi được phần nào nữa.

Sắp tới hệ thống giao thông công cộng của các thành phố lớn hoàn thiện, đưa vào sử dụng, người dân sẽ ít đi xe máy hơn. Giải pháp để giải quyết ô nhiễm không khí phải làm từng bước một, và phải có quy trình. Không thể có chuyện hôm nay ô nhiễm, mai là lại sạch ngay được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.