Dũng cảm và trách nhiệm

Thứ Tư, 24/05/2017, 09:10
Gần đây, dư luận nóng hổi về chuyện quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Khởi đầu sự việc chính là hàng loạt cọc móng bê tông của nhiều biệt thự ngang nhiên mọc lên ở Rừng cấm quốc gia Sơn Trà.


Những cánh rừng bị cày xới nham nhở, lở loét vì mục đích thương mại khiến dư luận lo lắng cho vị thế “Mắt thần miền Trung” bảo vệ biển đảo. Sau khi báo chí phát hiện, thông tin đầu tháng 3-2017, dự án tạm thời bị đình chỉ.

Theo phê duyệt của Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà thành Khu du lịch quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030, bán đảo Sơn Trà trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của cả nước; là điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch đường bộ và đường biển quốc gia với chỉ tiêu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách và đến năm 2030 đón trên 4,6 triệu lượt khách du lịch.

Quy hoạch là vậy, nhưng sự phản biện xã hội có tầm và có tâm đã được những người có trách nhiệm nghiêm túc xem xét, điều chỉnh kịp thời. Đây chính là sự dũng cảm và trách nhiệm trước đất nước và nhân dân.

Trao đổi với báo chí bên lề phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Sẽ chấp thuận điều chỉnh quy hoạch Sơn Trà”.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngay khi báo chí đưa tin, ông đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo dõi xử lý. Khi Văn phòng Chính phủ nhận được bản kiến nghị, ông đã có ý kiến và Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Văn hóa chủ trì cùng UBND TP Đà Nẵng xem xét.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi được phản ánh về cuộc làm việc "không tìm được tiếng nói chung" giữa Tổng cục Du lịch và Hiệp hội tại Đà Nẵng, ông đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và TP Đà Nẵng khẩn trương xem xét các kiến nghị của Hiệp hội. Tinh thần là phải cầu thị thật sự đồng thời cũng phải rất khoa học cả về cách làm và nội dung…

Dù việc phê duyệt quy hoạch là đúng quy trình, đúng thẩm quyền, không trái luật nhưng khi có ý kiến phản biện, đóng góp thì vẫn phải xem xét. Thực tế từng có nhiều ý kiến rất xác đáng và được tiếp thu. Không ít các văn bản, kể cả Nghị định của Chính phủ đã được điều chỉnh, bổ sung nhờ có các ý kiến như vậy.

Trước sự kiện bán đảo Sơn Trà không lâu, dự án thép Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) cũng được dư luận đặc biệt quan tâm bởi lo ngại ô nhiễm môi trường, hơn nữa thị trường thép Việt Nam và thế giới đã ở mức bão hòa.

Dù nhà đầu tư đã vẽ ra một viễn cảnh “công nghiệp thép sạch” với vốn đầu tư hơn 10 tỉ USD, sản xuất 16 triệu tấn thép/năm; tạo nhiều việc làm, đóng góp nhiều vào kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách… nhưng những người “cầm cân nảy mực” của Chính phủ đã đưa ra quyết định sáng suốt và kịp thời.

Theo đó, đầu tháng 4-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tạm dừng dự án để làm rõ một số vấn đề như: Thứ nhất là phải tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường để xác định quy mô, công suất và thời điểm hợp lý mới phát triển dự án.

Thứ hai là phải đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ và thiết bị của dự án, đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đảm bảo dự án an toàn không xảy ra sự cố như Formosa.

Thứ ba là phải xác định tổng mức vốn đầu tư tổng thể, trong đó có tính đến cả cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ. Đồng thời, cần phải xác định rõ nguồn nguyên liệu cho dự án.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý rằng, đây là dự án luyện thép được đề xuất sau sự cố Formosa nên rất nhạy cảm. Chỉ khi nghiên cứu kỹ, làm rõ các vấn đề trên, tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các bước chuẩn bị, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định…

Nhiều người còn chưa quên vào giữa năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cương quyết bác siêu dự án “Xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng”.

Đề án này, theo những thông tin ban đầu – dễ khiến người dân lo lắng khi nó “vẽ” ra một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía Bắc, xuôi xuống một số vùng biển; nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp đảm bảo cho tàu 400 tấn và sà lan 600 tấn lưu thông quanh năm…

Theo nhận định của nhiều nhà khoa học, đây là một siêu dự án sẽ tác động tiêu cực đến hàng chục triệu người dân Bắc bộ, dù đó là nông dân, công nhân hay bất cứ tầng lớp nào…

Rõ ràng, liên tiếp thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỉ cương; Chính phủ nghiêm túc thực hiện phương châm kiến tạo, liêm chính và phục vụ.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chung sức, đồng lòng và nghiêm túc lắng nghe ý kiến nhân dân, phản ánh của dư luận để đưa ra những quyết sách kịp thời, đúng đắn và hợp lòng dân.

Thật may mắn bởi trong số nhiều dự án bị bác, bị tạm dừng, chắc chắn sẽ có những công trình lại sẽ bị đắp chiếu, trong khi nguồn vốn (đa phần là đi vay) đổ vào sẽ lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ.

Đó là chưa tính đến những sự cố ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên đất, nguồn nước. Và rồi trong số các siêu dự án triệu đô, tỷ đô đó, sẽ có những “ông trạng” dọa chết để “chúa” cũng sợ băng hà.

Đó là những minh chứng sinh động trong việc cương quyết loại bỏ lợi ích nhóm và nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ.

Trần Duy Hiển
.
.
.