Đại biểu do dân bầu, sao khó khăn một lời xin lỗi?

Thứ Ba, 06/11/2018, 08:59
Có đại biểu Quốc hội nói rằng “Có lẽ do ông ấy vội vàng nên cộng trừ sai”! Vâng, thì vì nhiều lý do khác nhau mà có thể cộng trừ sai, nhân chia sai. Nhưng sai thì phải nhận là sai để có hành vi, ứng xử phù hợp, nhất là trên cương vị đại biểu do dân bầu. Vậy mà ông Lưu Bình Nhưỡng thấy khó khăn với điều vốn hiển nhiên như vậy.


Như Báo CAND đã thông tin, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã đưa ra con số, tỉ lệ về sai phạm trong CQĐT khiến dư luận “dậy sóng”. Ngày 5-11-2018, Bộ Công an đã có quan điểm chính thức và nêu ra các số liệu cho thấy ông Nhưỡng đã sai lệch hoàn toàn. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đã chỉ ra cách tính của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dẫn tới số liệu sai lệch hẳn về bản chất. Cụ thể, trong hơn 120.000 đơn mà cơ quan tố tụng đã thụ lý thì có 87 đơn chưa thụ lý; trong 87 đơn đó có 82 đơn Công an chưa thụ lý. 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã lấy 82 chia cho 87 bằng 94%. Tiếp theo, số xử lý tin quá hạn 3.368 thì lực lượng Công an có 3.360 tin quá hạn, lẽ ra phải lấy 3.360 chia cho tổng số tin báo, tố giác được tiếp nhận là 117.138 thì đại biểu lại lấy 3.360 chia cho 3.368, ra kết quả 99,7%.

“Tính toán như thế này là sai rồi, tôi thấy rất đáng tiếc” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phân tích. Ông đề nghị đại biểu Quốc hội và cử tri phải hiểu lại vấn đề này, nếu không cử tri cả nước lại hiểu nhầm là Công an sai phạm nhiều quá.

Việc đại biểu tính toán sai rồi đưa ra thông tin, đánh giá sai lệch gây bức xúc trong dư luận đã là một vấn đề, nhưng điều đáng nói là trước sự việc đó, cho đến nay đại biểu Lưu Bình Nhưỡng vẫn không thừa nhận sai và chưa có bất kỳ hành động, lời nói xin lỗi, cải chính nào. Trái lại, khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (sáng 2-11-2018), ông vẫn giữ quan điểm mình đúng và nói rằng: “Tôi có thể nói thái độ rắn chắc, ngôn ngữ mạnh mẽ nhưng tôi khẳng định không nói gì sai trái và tôi có bằng chứng về vấn đề đó”.

Ngày 4-11-2018, trên trang facebook cá nhân, ông lý giải, với tư cách là đại biểu hoạt động chuyên trách, vì sự cẩn trọng và tôn trọng nguyên tắc pháp luật, sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội nên ông “chỉ nêu tỷ lệ phần trăm vi phạm của CQĐT trong các lĩnh vực đã được thống kê trong báo cáo gửi cho ĐBQH nghiên cứu, thảo luận”. 

Ông Nhưỡng vẫn khẳng định: “Tôi không nói sai, không hề bịa đặt, không sử dụng bất kỳ thông tin, tài liệu “ngoài luồng" và đặc biệt không áp đặt quan điểm cá nhân với dụng ý xấu xa. Cái mà tôi nói có tính chất “cửa miệng” là “khủng khiếp” chẳng qua là một thói quen bình thường trước một tỷ lệ vi phạm cao, khi so sánh với các vi phạm của cơ quan khác trên lĩnh vực đó”.

Xin giải thích điều này rằng: Nội dung tranh luận tại Quốc hội là nói về tỉ lệ vụ việc chậm trễ, sai sót trong tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm. Trong phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trước Quốc hội, không có câu từ nào nói so sánh giữa CQĐT trong Công an và các cơ quan khác và về nguyên tắc cũng không ai so sánh như vậy để tính thành... vi phạm của CQĐT rồi kết luận là “sai phạm khủng khiếp”. Rõ ràng, đây là sự ngụy biện không nên có.  

Trước cái sai, trước hậu quả, tổn thất do cái sai đó mang lại, với mọi người thì sự xin lỗi, cải chính là điều hiển nhiên, vậy mà một đại biểu Quốc hội lại khó khăn vậy sao? Trong khi những khó khăn, vất vả, những hy sinh, đổ máu mà các chiến sĩ CAND đang ngày đêm đối mặt để giữ gìn nền an ninh, trật tự của đất nước mà lại nói như vậy thì khác gì phủ định sạch trơn: xử lý tin sau tố giác quá hạn 99,76%, vi  phạm tống đạt 100%...!

Ðại biểu Quốc hội là người được nhân dân trực tiếp bầu ra, là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Khoản 2, Điều 50, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ghi rõ: “Nội dung chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn”.

Lẽ nào, cái sự sĩ diện hay danh của một đại biểu Quốc hội mà ông đang có khiến ông không nhận sai, càng khiến cử tri, người dân thấy ngao ngán, ái ngại cho lá phiếu mà họ đã từng gửi gắm!     

Bút Bi
.
.
.