Cơ quan báo chí phải quản lý thông tin trên fanpage
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Việc tích hợp nhiều loại hình báo chí hiện nay là rất phù hợp với nhu cầu của người dân, vì vậy nhiều cơ quan báo chí trong nước đã mở fanpage để đăng tải bài viết từ báo điện tử nhằm tăng lượng người truy cập.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, theo dõi và xử lý vi phạm gần đây cho thấy, một số cơ quan báo chí mở fanpage trên facebook nhưng chưa có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ các ý kiến bình luận. Vì thế, một số đối tượng đã lợi dụng việc này để xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ uy tín, danh dự lãnh đạo cấp cao, gây dư luận xấu trên không gian mạng.
Mới đây nhất, một tờ báo chính thống với lượng độc giả rất lớn đã vi phạm vấn đề này và đã bị xử lý. Trước đó, các cá nhân và tổ chức bị xúc phạm đã có khiếu nại, qua kiểm tra thì đúng là có trường hợp như thế, vì vậy Cục Báo chí đã ra công văn khuyến cáo các cơ quan báo chí cần phải quản lý chặt vấn đề này.
Cần chủ động tăng cường rà soát nội dung thông tin trên các trang fanpage để hạn chế tối đa vi phạm. (Ảnh minh họa). |
Theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, về nguyên tắc, một cơ quan báo chí nào đó chấp nhận sử dụng fanpage thì cơ quan đó phải bảo đảm thông tin của mình, có thể phải sử dụng biện pháp kỹ thuật hoặc dùng nhân sự để kiểm soát. Khi mở fanpage, công bố rộng rãi trang thông tin của mình trên mạng xã hội thì phải chịu trách nhiệm về những thông tin trên đó, không thể đổ lỗi đó là ý kiến của người khác, không thể để diễn đàn ngôn luận của mình thành nơi xâm hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.
“Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng nhưng vẫn phải tuân thủ các chuẩn mực chung về đạo đức và pháp luật của mỗi quốc gia.
Facebook là trang cho phép ẩn danh tính, có thể nói nhiều thứ và phủ nhận trách nhiệm, nhưng ở đây các cơ quan báo chí với tư cách là cơ quan Nhà nước, với danh nghĩa chính thức thì cơ quan đó phải chấp hành các quy định của pháp luật vì mỗi thông tin trên đó đều thể hiện quan điểm của cơ quan đó.
Đơn cử như việc một bài báo được đưa lên fanpage sẽ được chia sẻ rất nhiều, thậm chí chỉ trong vòng 30 phút có thể ghi nhận hàng nghìn chia sẻ và bình luận.
Tuy nhiên, với chính danh một cơ quan báo chí đưa bài lên fanpage thì chính những “comment” bên dưới cũng được hiểu như là nội dung liên quan đăng trên tờ báo đó. Do vậy, khi đưa vấn đề gì lên fanpage, các cơ quan báo chí cần lưu ý đến các bình luận, phải chủ động thông tin và kiểm soát chứ không buông lỏng được” - ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cũng khẳng định: Thực tiễn cho thấy, bất kỳ một quốc gia nào cũng có những quy định pháp lý để bảo vệ cá nhân tham gia môi trường mạng. Bảo vệ ở đây là tạo điều kiện cho các cá nhân được thể hiện quyền tự do ngôn luận và ở Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, một cá nhân hoàn toàn có thể bày tỏ quan điểm của mình về nhiều vấn đề, lĩnh vực khác nhau song không được phép xúc phạm cá nhân, tổ chức khác, điều này là vi phạm pháp luật. Nói đúng hơn, việc tự do ngôn luận cũng cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật, nằm trong khuôn khổ của pháp luật chứ không phải cứ thích nói gì thì nói.
Vì vậy, ngoài việc yêu cầu các cơ quan báo chí chủ động rà soát để các trang fanpage đi đúng hướng, hạn chế tối đa các vi phạm đáng tiếc có thể xảy ra, thời gian tới, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.