Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng mười Nga (7-11-1917 - 7-11-2017)

“Chính sách kinh tế mới” của Lênin với phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta

Thứ Năm, 02/11/2017, 08:55
Nghiên cứu “Chính sách kinh tế mới” của lãnh tụ V.I.Lênin có ý nghĩa thiết thực đối với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về “Hoàn thiện thể chế Kinh tế thị trường định hướng XHCN” ở Việt Nam hiện nay.

Từ sau Cách mạng Tháng Mười, phong trào cách mạng ở mỗi nước, trong đó có Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới. Khi đã tìm thấy con đường cách mạng và nhận thức được chân lý của thời đại nhờ giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã dồn tất cả nỗ lực và tinh lực của đời mình để thực hiện đến cùng lý tưởng và mục tiêu cách mạng: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Nghiên cứu “Chính sách kinh tế mới” của lãnh tụ V.I.Lênin có ý nghĩa thiết thực đối với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về “Hoàn thiện thể chế Kinh tế thị trường định hướng XHCN” ở Việt Nam hiện nay.

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Lênin và Đảng Bônsêvích đã thực hiện hai mô hình kinh tế chủ đạo. Một là “Chính sách cộng sản thời chiến” được thực hiện trong điều kiện nước Nga Xô viết bị bao vây của các nước đế quốc và lâm vào tình hình nội chiến; hai là, ngay sau hòa bình lập lại, Người đã lãnh đạo chuyển sang “Chính sách kinh tế mới” (NEP). Bản chất của “Chính sách kinh tế mới” là kinh tế thị trường, tiền đề để Đảng ta kế thừa, phát triển lý luận và thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Một trong những nội dung quan trọng đầu tiên của NEP là hướng về nông dân, thực hiện chế độ thu thuế lương thực, cho phép người nông dân sau khi nộp thuế cho nhà nước được tự do buôn bán, trao đổi sản phẩm. Cơ chế này đã khuyến khích hàng hoá sản xuất nhiều và lưu thông nhanh chóng, quyền lợi của người nông dân tỷ lệ thuận với sự tích luỹ của xã hội.

Theo V.I.Lênin, tự do buôn bán là "khôi phục chủ nghĩa tư bản trên một mức độ lớn", tuy nhiên "Kinh tế nông dân, với tư cách là một nền kinh tế tiểu nông, không thể đứng vững được, nếu không có một sự tự do trao đổi nào đó" (V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t. 43, tr. 376). Trong thời kỳ quá độ lên CNXH vẫn còn tồn tại chủ nghĩa tư bản, vì nó cần cho đông đảo quần chúng nông dân và cho tư bản tư nhân - những người phải buôn bán để thoả mãn nhu cầu của nông dân.

Quan điểm của V.I.Lênin trong NEP còn đề cập đến phát triển kinh tế nhiều thành phần, phát triển quan hệ hàng hoá tiền tệ, phát triển thị trường. Theo V.I.Lênin, giai cấp vô sản sau hai cuộc chiến tranh không có kinh nghiệm quản lý và do vậy, không có khả năng khẳng định sở hữu xã hội đối với tất cả các tư liệu sản xuất của xã hội. Để phát triển lực lượng sản xuất trong điều kiện mới hình thành, cần phải kiên quyết duy trì nền kinh tế nhiều thành phần. Hay nói cách khác, trong thời kỳ ban đầu, ngoài phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa (XHCN) mới được hình thành có vai trò chủ đạo thì cần phải cho phép tồn tại những phương thức sản xuất khác.

Đối với tư bản nước ngoài, phải thu hút, thông qua chính sách tô nhượng nhà nước cho nhà tư bản nước ngoài thuê xí nghiệp, hầm mỏ, khu rừng, đất đai,... thông qua những hợp đồng buôn bán với các nhà tư bản lớn, và những hình thức khác để khôi phục và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhận của họ những sản phẩm công nghiệp, những máy móc.

 Một điều quan trọng theo V.I.Lênin: "Tất cả các đồng chí đều phải làm kinh tế. Bên cạnh các đồng chí sẽ có những nhà tư bản, cũng sẽ có những nhà tư bản nước ngoài... Họ sẽ làm giàu bên cạnh các đồng chí. Cứ để cho họ làm giàu; còn các đồng chí thì sẽ học ở bọn họ cách quản lý kinh tế, chỉ có như thế, các đồng chí mới xây dựng được nước cộng hoà cộng sản chủ nghĩa" (V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t. 44, tr. 209).

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nhĩa ở Việt Nam là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với tính chất Cách mạng Tháng Mười Nga và sự lựa chọn định hướng chiến lược của Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn. Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới, thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “muốn cứu nước, muốn giải phòng dân tộc, không có con đường nào khác là con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga” và khẳng định một điều chỉ có con đường duy nhất để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vững mạnh, đó cũng chính là ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại, trên cơ sở đó Đảng ta đã phát triển, sáng tạo, hoàn thiện Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện ở các mặt sau đây:

Một là, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, quá trình xây dựng CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), Đảng ta khởi xướng và thực hiện đường lối đổi mới, toàn diện, đồng bộ đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Đó vừa là tư tưởng, mục tiêu, vừa là sự lựa chọn cách thức, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng để từng bước hiện thực hóa con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga.

Hai là, trung thành với mục tiêu xây dựng đất nước mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra từ những năm 1930, đó là con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Để xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì mọi đường lối, chính sách, pháp luật phải bám sát với sợi chỉ đỏ xuyên suốt này của cách mạng Việt Nam.

Ba là, phương tiện để thực hiện xây dựng, phát triển thành công chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - mô hình tổng quát của thời kỳ quá độ, đây là tiền đề đầu tiên để thực hiện mục tiêu với bản chất nhân văn của chủ nghĩa xã hội. Trên thực tế, kinh tế thị trường có tác dụng thúc đẩy xã hội hóa lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng; làm dân chủ hóa xã hội và phát triển con người. Tuy nhiên, kinh tế thị trường vẫn tồn tại nhiều khuyết tật.

Do đó, phải định hướng phát triển kinh tế thị trường bền vững, sau cùng là giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện dân chủ và công bằng, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái tốt.

Bốn là, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải làm tốt vấn đề tạo việc làm cho người lao động, phát triển đời sống vật chất tinh thần, dân chủ, công bằng… hay nói cách khác là phát triển kinh tế gắn liền với các vấn đề xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo là cấp thiết, phát triển văn hóa, y tế, giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người mới, vì con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội.

Năm là, để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường thì sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là vấn đề có tính nguyên tắc; sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội là tất yếu.

Sự thành công trong định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức, vận dụng đúng đắn các quy luật của kinh tế thị trường của các chủ thể để phát triển hiệu quả kinh tế gắn với phát triển xã hội của đất nước.

Ngày nay, tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp và chứa đựng những yếu tố khó lường. Song, chủ nghĩa Mác - Lênin và ý nghĩa, giá trị hiện thực của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vẫn luôn tỏa sáng soi đường, dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội  chủ nghĩa vững mạnh, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước trên con đường đúng đắn mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Lê Thế Cương
.
.
.