Chỉ nên cấp chứng chỉ nghề dược một lần

Thứ Tư, 24/02/2016, 09:28
Sáng 23-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Dược (sửa đổi), trong đó “nóng” vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề dược.

Theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày, có ý kiến đề nghị quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm, khi mà cải cách hành chính có tiến bộ. Cũng có ý kiến cho rằng nên cấp chứng chỉ ngành dược thời hạn 5 năm/lần.

“Việc cấp chứng chỉ 5 năm/lần là phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn tuy nhiên lại phát sinh thủ tục hành chính”, bà Trương Thị Mai lý giải.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nghề dược cũng là một nghề như bác sĩ, kỹ sư, chứ không phải một chức vụ có thời hạn. Nếu quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược 5 năm/lần thì sẽ phát sinh thủ tục hành chính, từ đó phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Vì vậy, ông đề nghị cắt bớt thủ tục hành chính để ngăn ngừa tiêu cực, bằng cách chỉ cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần. 

Hành nghề dược phải đảm bảo những quy chế được quy định trong luật.

Do còn hai loại ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 2 phương án: Cấp chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn 5 năm và cấp một lần, Luật sẽ thể hiện theo ý kiến đa số ĐBQH. 

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Bằng của kỹ sư, bác sĩ là suốt đời, vậy sao phải cấp chứng chỉ hành nghề dược nửa chừng? Khi hành nghề phải đảm bảo những tiêu chí gì thì có thể quy định trong luật, nhưng chỉ nên cấp chứng chỉ một lần thôi. Đông y nhiều người chữa bệnh tốt lắm mà vài ba năm lại thu chứng chỉ hành nghề của người ta thì không được”. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề bây giờ khó khăn, phức tạp, dễ nảy sinh tiêu cực nên chúng ta phải giảm tối đa thủ tục hành chính để hạn chế điều này…

Về vấn đề quản lý giá thuốc, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí rằng, dù công đoạn sản xuất có làm tốt đến đâu nhưng nếu không bảo đảm tốt khâu quản lý nhà nước về giá thuốc thì vẫn chưa đem lại lợi ích cho người dân. Trong bối cảnh đất nước hội nhập thì việc quản lý giá thuốc càng phải thận trọng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về quản lý giá thuốc để vừa quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, đảm bảo tính cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật, vừa bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc, tránh tình trạng người tiêu dùng phải dùng thuốc với giá quá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới…

Chiều 23-2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Theo Dự thảo báo cáo, trong 5 năm qua, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới mạnh mẽ, thống nhất ý chí và hành động, nâng cao hiệu quả toàn diện trên các lĩnh vực lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. 

Trong đó điểm nhấn nổi bật nhất là đã thông qua Hiến pháp năm 2013 với nhiều nội dung thể hiện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. 

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đã phản ánh chân thực tình hình thực tế, là nguồn thông tin, đánh giá để giúp cho những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác...

Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn hạn chế, bất cập: Một số kết quả giám sát chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến các vấn đề được giám sát, chưa kiến nghị các biện pháp xử lý thích hợp nên hiệu quả chưa cao. Nội dung một số báo cáo giám sát còn chung chung, chưa đi sâu phân tích nguyên nhân, hạn chế và ít nêu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về chất lượng đại biểu, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, đa số ĐBQH có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, hoạt động của một số ĐBQH còn hạn chế, một số ĐBQH chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến, chất lượng nội dung phát biểu chưa cao… 

Có đại biểu thiếu bản lĩnh, thiếu trung thực, vi phạm pháp luật, gây mất niềm tin, kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước… Thảo luận về nội dung này, các đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ về chất lượng ĐBQH, đặc biệt báo cáo phải nói rõ việc các đại biểu bị bãi nhiệm để rút kinh nghiệm cho các khoá sau.

Quỳnh Vinh
.
.
.