Cần gỡ được 3 nút thắt trong xử lý nợ xấu

Chủ Nhật, 23/04/2017, 07:10
Việc tăng trưởng quý I gây bất ngờ vì thấp hơn dự kiến, cùng với hàng loạt điều hành mới nhất của Thủ tướng: yêu cầu các bộ, ngành báo cáo khách quan về nguồn lực của nền kinh tế; yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các địa phương lớn xây dựng kế hoạch tăng trưởng cho các quý tiếp theo; yêu cầu Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất, có kế hoạch giải quyết có hiệu quả nợ xấu và tổ chức tín dụng yếu kém... đang gây chú ý trong thời gian gần đây. 


Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật của Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Cấn Văn Lực để có những góc nhìn rõ ràng hơn về hàm ý chính sách trong những điều hành này

PV: Thưa Tiến sỹ, diễn biến kinh tế quý I và hàng loạt những điều hành mới nhất của Thủ tướng cho thấy những vấn đề gì đang đặt ra cho mục tiêu tăng trưởng trong năm nay?
TS Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng đó là một loạt những biện pháp để cố gắng đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,7%. Quý I tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,1%, thấp hơn năm ngoái cũng là điểm gây “sốt ruột”, và tôi nghĩ sốt ruột là đúng thôi. 

Tôi thống nhất cách chỉ đạo sát sao, quyết liệt như thế, thể hiện quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa mới dự báo là kinh tế thế giới năm nay khả quan hơn năm ngoái, tăng trưởng ngang với 2015, khoảng 3,4%. 

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới là sự phục hồi của thương mại và tiêu dùng. Năm 2016, tăng trưởng khối lượng thương mại chỉ đạt 1,8%, năm nay dự kiến sẽ đạt 3,6%, nghĩa là gấp đôi. Có được dự báo lạc quan này là vì các chính sách bảo hộ thương mại phải có độ trễ về thời gian, cũng như các chính sách của tân Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump - mới đưa ra bàn thảo. Trong khi đó, cầu của thế giới đã tăng lên, khi một số nước phục hồi kinh tế tốt hơn như EU và những nước mới nổi lớn như Nga, Ấn Độ, Brazil – là đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thế giới. 

Giá hàng hóa theo đó cũng tăng lên. Về giá dầu thì OPEC đã thống nhất cắt giảm sản lượng, dù Mỹ vẫn tiếp tục tăng khai thác, khiến cung trên thế giới có điều tiết giảm, giá dầu bình quân dự kiến tăng 20% so với năm 2016. 
Tuy nhiên, thế giới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn về địa chính trị ở các khu vực khác nhau, các chính sách mới của Mỹ, xu hướng bảo hộ thương mại tăng rõ rệt, cũng như sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ, Anh rồi có thể là Pháp... 

Các nước lớn có xu hướng thu hút việc làm về đất nước họ và tăng cường biện pháp bảo hộ thương mại, chính sách thuế và nhập cư. Đó là rủi ro sẽ tác động đến thương mại và đầu tư của các nước liên quan, trong đó có Việt Nam. 

Quý I nước ta tăng trưởng chậm chủ yếu do 3 nguyên nhân: (i) Công nghiệp (nhất là công nghiệp khai khoáng) tăng trưởng thấp, thậm chí là giảm, tiêu dùng tăng chậm hơn (6,2% sau khi loại trừ yếu tố giá so với mức 7,5% năm ngoái) và giải ngân đầu tư công rất chậm, mới đạt khoảng 12% kế hoạch năm. 

Trong những nguyên nhân đó, có một phần do chúng ta chủ định giảm sản lượng khai thác dầu khi giá cả thế giới không thuận lợi. Nhưng điểm sáng của quý I là ngành nông nghiệp tăng trở lại với mức tăng 2% trong khi năm ngoái giảm  1,3%. Một điểm nữa đáng chú ý là nhập siêu quý I tăng lên rất mạnh, gần 2 tỷ USD - đương nhiên ảnh hưởng đến cán cân thương mại và gây áp lực về ngoại tệ, tỷ giá, nhưng cũng là dấu hiệu chứng minh sản xuất trong nước tiến triển, DN đang chuẩn bị nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh trong năm. 

Đáng chú ý là chỉ số PMI do Nikkei và HIS Markit công tăng mạnh trong tháng 2 và 3, với mức điểm tương ứng là 54,2 và 54,6 54 điểm (trên 50 điểm là tăng cường sản xuất), phù hợp với xu thế nhập siêu trong quý. Tín dụng tăng trưởng 4%, xuất khẩu tăng 12,8% cũng như vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp thành lập mới tăng tốt... Tôi cho rằng tiềm năng để tăng trưởng trong quý II và quý III khá là sáng sủa. 

Ông Cấn Văn Lực.
PV: Ông có nhận định thế nào về chỉ đạo không tăng lãi suất của Thủ tướng? Đây có phải là một động thái giúp DN gia tăng lòng tin để đầu tư vào sản xuất kinh doanh?

TS Cấn Văn Lực: Chính phủ gần đây hướng đến DN rất nhiều, hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp... Đây là việc rất cần thiết. DN dù sao cũng là trụ cột của nền kinh tế, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân. Chính phủ muốn không tăng khó khăn cho DN bằng cách giữ mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay. 

Chúng tôi đã có nghiên cứu, và số liệu cho thấy là lãi suất cho vay thực bằng đồng nội tệ của Việt Nam hiện nay sau khi loại  trừ lạm phát, thì ở mức trung bình của thế giới, khoảng 5%/năm. Tuy nhiên, DN rõ ràng không muốn lãi suất bị tăng lên. Chính vì thế, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo quyết liệt: đảm bảo ổn định lãi suất đầu ra, cho dù trong bối cảnh lãi suất đầu vào đang có xu hướng  tăng nhẹ. 

Điều này tốt cho DN, nhưng có khó khăn nhất định cho hệ thống ngân hàng, vì áp lực tăng lãi suất huy động năm nay khá  lớn, chủ yếu do: áp lực lạm phát (so với cùng kỳ năm trước có thể là 4,5-5%); nhu cầu huy động vốn của nền kinh tế, nhất là vốn trung dài hạn rất lớn làm cơ sở có thể  tăng trưởng tín dụng 18% và đáp ứng quy định của Thông tư 36; việc FED đã và sẽ còn tăng lãi suất, kéo theo lãi suất USD và lãi suất VND chịu áp lực tăng; cuối cùng là nợ xấu, năm ngoái và năm nay xử lý bị chậm đi do khung khổ pháp lý và năng lực VAMC còn hạn chế. Quan điểm của tôi là trước mắt có thể vẫn phải áp dụng 1 số biện pháp hành chính, nhưng về lâu về dài thì không nên vì làm méo mó thị trường. 

PV: Về khung khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém, ban đầu Chính phủ định xây dựng 1 luật, nhưng bây giờ rút xuống là sửa Luật các TCTD 2010 và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, dự kiến thông qua trong kỳ họp này. Theo ông, vì sao lại có thay đổi trên?

TS Cấn Văn Lực: Tôi cũng được mời tham gia nhóm soạn thảo Luật xử lý nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Đương nhiên có luật sẽ tốt hơn, nhưng sẽ không kịp trình trong kỳ họp tháng 5, mà để đến tháng 10 sẽ trễ, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu. Vì vậy, Chính phủ đã đề xuất và Quốc hội đã đồng ý có 1 Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng 2010. 

Tất nhiên là nhiều người mong có luật mới nhằm bao trùm và sửa được vướng mắc của 8 luật liên quan trong xử lý nợ xấu, nhưng xét về thời gian, đành điều chỉnh theo hướng này. Có một Nghị quyết của Quốc hội cũng rất tốt rồi.

PV: Hiện nay nút thắt cơ bản trong xử lý nợ xấu là gì, và theo hướng xây dựng Nghị quyết của Chính phủ thì có thể giải quyết được các nút thắt này không?

TS Cấn Văn Lực: Xử lý nợ xấu hiện nay còn 3 nút thắt chính: Thứ nhất là xử lý tài sản đảm bảo. Thứ 2 là thị trường mua bán nợ. Thứ 3 là năng lực của VAMC, cả về tài chính và pháp lý. 

Vấn đề thứ nhất, xử lý tài sản đảm bảo ở Việt Nam quá phức tạp, liên quan đến nhiều luật khác nhau và đang bị vướng. Về vấn đề thứ hai, thị trường mua bán nợ có 3 nội dung then chốt; đó là định giá nợ xấu và định giá tài sản đảm bảo; cơ chế xử lý phần chênh lệch mua và bán nợ xấu vì không phải mọi trường hợp các khoản nợ xấu VAMC mua về bán lại theo giá thị trường đều có lãi; và sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước trong mua bán nợ xấu, cũng như phải đa dạng hóa các hình thức xử lý nợ xấu (như việc chuyển nợ thành vốn góp, chứng khoán hóa nợ xấu..v.v.). 

Vấn đề thứ ba là về năng lực của VAMC, không phải chuyện Nhà nước sẽ cấp 1 cục tiền cho VAMC mang đi mua nợ xấu, nhưng nguồn vốn để xử lý nợ xấu – tôi  đã kiến nghị nhiều lần, là phải thông qua phát hành trái phiếu nợ xấu (khác với trái phiếu đặc biệt hiện nay). 96% nguồn vốn xử lý nợ xấu của Thái Lan trước đây là từ trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh. 

Mặt khác, khi thị trường mua bán nợ sôi động thì lấy “mỡ nó rán nó” – tức là bán khoản nợ này lấy tiền mua khoản khác, cách đó cũng sẽ làm  tăng tính thanh khoản cho thị trường mua bán nợ. Đồng thời, VAMC cần được tăng quyền năng trong định đoạt, đấu giá, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo. Tôi hi vọng Nghị quyết của Quốc hội sẽ tập trung vào 3 vướng mắc lớn về xử lý nợ xấu như đã nêu trên. 

PV: Theo một văn bản Chính phủ ban hành về hướng chỉ đạo xây dựng Nghị quyết này, có vài điểm đáng chú ý như: Cho phép Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) và DN khác tham gia mua bán nợ; có cơ chế miễn trách nhiệm đối với người tham gia xử lý nợ xấu với điều kiện thất bại là khách quan và người tham gia đã cố gắng hết sức. Ông nhận định thế nào về các chỉ đạo trên? 

TS Cấn Văn Lực: Đấy chính là nhóm vấn đề thứ 2 mà tôi đề cập ở trên về thị trường mua bán nợ. Hiện chúng ta đang bị thu hẹp về đối tượng tham gia. Nghị định về thị trường mua bán nợ cơ bản chỉ có phép VAMC mua bán nợ với các tổ chức tín dụng; chưa có DATC và nhà đầu tư tư nhân. Giờ Chính phủ chỉ đạo mở rộng đối tượng tham gia, tất nhiên mua bán nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 
Về quy định miễn trừ trách nhiệm của người tham gia xử lý nợ xấu, tuy là một quy định khó, nhưng lại khá quan trọng.

 Hiện có 1 số tổ chức tín dụng yếu kém, khi tái cơ cấu, nếu không làm rõ trách nhiệm thì cán bộ tham gia không dám làm. Ví dụ ngân hàng đã lỗ, giả sử trong quá trình tái cơ cấu nó lại lỗ tiếp, thì người tham gia xử lý liệu có bị quy vào trách nhiệm hình sự là do làm ăn cẩu thả hay không, trong khi người ta đã làm hết sức mình về mặt chủ quan. 

Như thế là có thể bị oan, không ai dám làm và làm chậm quá trình tái cơ cấu. Về lâu dài, một mặt chúng ta cần nghiên cứu để giảm hình sự hóa trong quan hệ kinh tế; mặt khác, muốn làm được như vậy, cần thay đổi tư duy trong quan hệ tín dụng theo hướng bình đẳng hơn giữa bên đi vay và cho vay, thay vì có xu hướng thiên vị bên đi vay (dù có làm sai, dù chây ỳ, thiếu hợp tác….) như hiện nay vẫn còn. Đồng thời,  phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm và đương nhiên phải tăng tính minh bạch. 

Quy định này cũng làm tăng động lực để cán bộ tham gia tái cơ cấu làm việc, tất nhiên phải phân định rõ nguyên nhân khách quan - chủ quan và công minh trong xét xử…v.v.

PV: Như ông đã đề cập, việc xử lý nợ xấu từ năm ngoái và năm nay có dấu hiệu chậm lại. Do đâu có tình trạng trên? 

TS Cấn Văn Lực: Trước hết, phải khẳng định việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia tập trung (như VAMC) là theo thông lệ, các nước vẫn làm nếu như nợ xấu vượt quá khả năng giải quyết của hệ thống ngân hàng và mô hình từng ngân hàng có công ty mua bán nợ riêng tỏ ra kém hiệu quả. 

Thế giới đã chứng minh mô hình quản lý nợ xấu tập trung đó hiệu quả hơn so với từng ngân hàng thương mại có công ty mua bán  nợ xấu của riêng mình.  Về xử lý nợ xấu từ khi VAMC thành lập (giữa năm 2013); nếu như nợ xấu tháng 9 năm 2012 Ngân hàng Nhà nước công bố là 17,2%, thì 55% trong số đó đã được các ngân hàng thương mại tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro, thu nợ, xử lý tài sản đảm bảo; còn 45% số đó bán cho VAMC và VAMC đã xử lý được khoảng20% trong số đó, còn 80% phải tiếp tục xử lý. 

Từ năm ngoái đến năm nay VAMC mua nợ xấu ít hơn. Thứ nhất vì cơ bản các ngân hàng thương mại đã đưa được nợ xấu xuống dưới 3%. Thứ hai là do VAMC phải tập trung xử lý nợ xấu đã mua về. Việc này có rất nhiều vướng mắc như đã nêu trên. Có những tài sản đảm bảo mất đến 5 năm, 7 năm mới xử lý được. Tôi cho rằng Nghị quyết sắp tới đây của Quốc hội cũng nên ràng buộc hơn trách nhiệm của các bên liên quan và tạo quyền lực cho TCTD cũng như VAMC trong việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo liên quan. 
PV: Xin cảm ơn ông


Vũ Hân (thực hiện)
.
.
.