Cần cẩn trọng việc "nhận chìm" chất thải

Thứ Năm, 06/07/2017, 09:38
Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển Vĩnh Tân khiến dư luận xã hội và giới khoa học lo ngại về khả năng phát tán chất thải trên biển và đe doạ hệ sinh thái khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Để hiểu rõ hơn câu chuyện này, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Tác An – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kĩ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, nguyên Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Chương trình Hải dương học liên Chính phủ.

PV: Theo ông, luật quốc tế và luật Việt Nam có cho phép việc đổ chất thải xuống biển hay không?

TS Nguyễn Tác An: Về luật thì không sai. Theo Công ước London năm 1972 thì việc “nhận chìm” chất thải ra biển là hoạt động được phép với hàng loạt các quy định kiểm soát cụ thể. Đối với Việt Nam, Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) năm 2005, tại khoản 4 Điều 57 đã quy định “Nghiêm cấm mọi hình thức đổ chất thải trong vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Nhưng Luật BVMT năm 2014 đã quy định cho phép hoạt động nhận chìm trong vùng biển Việt Nam tại Khoản 3, Điều 5:  “Việc nhận chìm, đổ thải ở biển và hải đảo phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất của loại chất thải và phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.

Mới đây, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật TN&MT biển và hải đảo, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 và kèm theo đó là Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TN&MT biển và hải đảo. Tại Mục 3 Chương VI của Luật quy định về nhận chìm ở biển với 7 điều phải thực hiện.

Đặc biệt, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP có Chương VIII gồm 12 điều (từ Điều 49 – 60) quy định về nhận chìm, bao gồm nhiều quy định chi tiết… Như vậy, về mặt pháp lý thì không có gì phải “lăn tăn”.

TS Nguyễn Tác An.

PV: Dù việc cấp phép là đúng luật, nhưng với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực môi trường biển, ông có lo ngại việc nhận chìm gần 1 triệu m3 chất thải xuống vùng biển Vĩnh Tân sẽ đe doạ sinh thái biển khu vực cũng như khu bảo tồn biển Hòn Cau?

TS Nguyễn Tác An: Tôi nghĩ đây là chất thải bùn, cát, vỏ sò, hến... do nạo vét tại bờ biển Vĩnh Tân nên có tính "tương thích", không khác lạ nhiều so với chất đáy ở vùng được phép xả thải nhận chìm. Thông báo của Bộ TN&MT cũng đã khẳng định, đây không phải là chất thải độc hại, không chứa các chất hóa học có độc tính hay phóng xạ.

Ở đây, cần nói lại là không băn khoăn lắm về tác động hóa học của chất thải. Mọi người chỉ lo ngại về cách thức triển khai việc nhận chìm. Việc sử dụng sà lan hình phễu và lưới chắn để ngăn cản sự lan truyền, phát tán bùn cát, "bắt" bùn cát phải chìm thẳng và "yên vị" xuống hố sâu 36m đáy biển liệu có khả thi hay không?

Nên nhớ rằng vùng biển Bình Thuận là vùng biển có đặc trưng động lực rất mạnh, là "vùng nước trồi" có một không hai ở Việt Nam. Do đó, cách triển khai "nhận chìm" như trong giấy phép, bùn cát sẽ bị phân tán, lan truyền rất nhanh và rất xa. Ở đây, vai trò ngăn cản lan truyền của lưới ngăn là không khả thi, vùng biển sẽ bị vẩn đục, hàm lượng vật chất lơ lửng sẽ tăng đột biến, làm giảm độ chiếu sáng xuống đáy biển, gây ra rất nhiều hậu quả xấu về mặt sinh thái cho các loài thủy sinh sống ở đó.

Thêm vào đó, khối lượng bùn cát nhận chìm là tương đối lớn (hơn 900 nghìn m3) và với mặt bằng cho phép thải là 30 ha (có thể đến 300ha), nền đáy sẽ nâng cao lên ít nhất là 3cm. Khi nền đáy bị xáo trộn sẽ làm biến động chế độ động lực đáy biển ven bờ, gây ra "thảm họa sinh thái" cho các nhóm động vật, thực vật đáy, đặc biệt là các động vật đáy cỡ nhỏ.

ây là nhóm động vật đáy có vai trò sinh thái quan trọng nhất cho nghề cá, không chỉ vì chúng có số lượng cao áp đảo, (cao nhất lên đến 10-11 triệu cá thể/m2) mà năng suất sinh học cũng cao gấp 5 lần so với năng suất của các loài động vật đáy cỡ lớn mà con người hay khai thác làm thực phẩm. Không chỉ vậy, chúng có vai trò rất lớn trong chu trình sinh địa hóa, đóng góp khoảng 25-30% các quá trình phân rã hữu cơ ô nhiễm trong nền đáy thủy vực.

PV: Thời điểm nhận chìm kéo dài từ tháng 6 tới tháng 10, là lúc gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh. Điều này có khiến chất thải phát tán xa hơn không?

TS Nguyễn Tác An: Mọi người đều nghi ngờ tính hiệu quả về mặt thời điểm cho triển khai nhận chìm để hạn chế sự phân tán, lan truyền chất thải về phía Hòn Cau. Vùng nước trồi Bình Thuận hoạt động mạnh vào mùa gió Tây Nam, thường là trong khoảng tháng 6 đến tháng 9 hàng năm.

Vào thời điểm này, cường độ "trồi nước" có thể dạt đến 3cm/giây và phạm vi ảnh hưởng của nó có thể lên phía Bắc, ra tận đến vùng biển Khánh Hòa, Phú Yên và vào đến cùng cửa sông Cửu Long về phía Nam.

PV: Bộ TN&MT cho rằng, công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 phải chịu trách nhiệm toàn bộ nếu xảy ra sự cố môi trường, trong khi Bộ TN&MT là đơn vị cấp phép. Theo ông, việc quy trách nhiệm như vậy đã hợp lí chưa?

TS Nguyễn Tác An: Tôi nghĩ là Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố môi trường và phải bồi thường thiệt hại, mất mát do mình gây ra theo kiểu ai gây hại, người đó phải đền bù. Điều 53 Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu đã nêu rõ, việc quản lý bùn nạo vét từ biển là trách nhiệm của Bộ TN&MT. Đến nay vẫn chưa có văn bản nào khác.

PV: Nếu chất thải đạt chuẩn đúng như nhận định của Hội đồng thẩm định, ông đề xuất phương án xử lý như thế nào? 

TS Nguyễn Tác An: Chúng ta nên thương mại hóa, bán bùn, cát nạo vét. Trước mắt nên thay đổi công cụ nạo vét, có tính năng sàng lọc. Trong quá trình nạo vét, thiết bị sẽ tự sàng lọc 20% bùn ra khỏi 80% cát, như vậy sẽ có cát thuần cát. Công cụ này đã được các tàu hút cát trộm thực hiện. Thị trường cát đang cháy hàng. Nếu thực hiện được giải pháp này thì công ty chỉ phải xin phép nhận chìm trên 200 nghìn m3 bùn mà thôi, còn bán được gần 700 nghìn m3 cát.

Ngoài ra, tôi thấy ở các nước như Nhật, Hàn Quốc.. có thể làm đảo nhân tạo ven biển, trong phạm vi cách bờ 1-5km với độ sâu 10-20m. Nhiều công ty đã có kỹ thuật dùng lưới để "bao giữ", "đóng gói" không cho bùn cát lan truyền, phân tán trong nước biển mà phải nằm yên, chôn vùi dưới hố sâu. Việc xây đảo nhân tạo ven bờ rất khả thi. Có thể đây là mối lợi lớn cho du lịch và nghề nuôi hải sản ven bờ.

PV: Nếu việc nhận chìm được thực hiện, ông có cho rằng điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu sau này?

TS Nguyễn Tác An: "Nhận chìm" là hoạt động đi kèm với nạo vét sông, biển, ao, hồ... vì có những lợi ích nhất định. Đó là hoạt động quan trọng của ngành kinh tế vận tải thủy. Vấn đề ở đây không phải là cấp phép để "nhận chìm" hay không, mà phải tìm giải pháp hợp lý về kinh tế, xã hội, môi trường và khả thi về công nghệ để xử lý chất thải theo hướng coi chất thải nạo vét là tài nguyên của đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông.

Khánh Vy (thực hiện)
.
.
.