Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2017)

Cách mạng Tháng Mười và sự phát triển sáng tạo quá độ lên CNXH ở Việt Nam

Thứ Ba, 07/11/2017, 08:56
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi (7-11-1917) đã bắt đầu quá trình hiện thực hóa lý luận của C.Mác, Ph.Ăng ghen và V.I.Lênin, những người cộng sản và nhân dân lao động nước Nga bằng hành động đã khai phá con đường đi lên CNXH.


Ngay sau những ngày Tháng Mười lịch sử, mặc dù phải chống lại sự phá hoại của các thế lực phản động trong nước và chiến tranh can thiệp của chủ nghĩa đế quốc, V.I.Lênin đã xác định rõ nước Nga Xô viết bước vào thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH.

Đối với Việt Nam nhiều quy luật và đặc trưng của thời kỳ quá độ được nhận thức lại cho đúng với bản chất, sự vận động phát triển và ảnh hưởng của nó, nhất là quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật kết hợp kế hoạch với thị trường, về động lực của sự phát triển trong đó có cách thức quản lý và lợi ích kinh tế.v.v... 

Đại hội VI quyết định chính sách phát triển nhiều thành phần kinh tế bao gồm: Kinh tế XHCN (quốc doanh, tập thể); kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa (thợ thủ công, nông dân cá thể, những người buôn bán và kinh doanh dịch vụ cá thể); kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Văn kiện Đại hội X của Đảng nêu rõ: “Giải pháp đó xuất phát từ thực tế của nước ta và là sự vận dụng quan điểm của Lênin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ”.

Quá trình đổi mới, Đảng, Nhà nước đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa, quản lý hành chính, bao cấp, nền kinh tế hiện vật, khép kín sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. 

Đó là sự đổi mới quan trọng tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, đưa Việt Nam không những ra khỏi khủng hoảng mà còn vượt qua ngưỡng một nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình (2008). 

Tổng kết 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng (1-2016) tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã; khuyến khích các loại hình doanh nghiệp với sở hữu hỗn hợp, nhất là các doanh nghiệp cổ phần; phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Năm thành phần kinh tế đó bình đẳng trước pháp luật. Đại hội XII của Đảng đã có sự phát triển rất cơ bản và quan trọng về kinh tế thị trường ở Việt Nam:

Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (5-2017) đã ban hành những nghị quyết quan trọng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; về cơ cấu lại, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước; về phát triển kinh tế tư nhân. 

Cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những quyết sách quan trọng của Trung ương Đảng đã và đang phát triển và làm rõ những vấn đề về mô hình, cơ cấu kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.

Một thành công rất quan trọng của Việt Nam là đã kết hợp ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Từ thành tựu đổi mới kinh tế tiến hành đổi mới chính trị một cách vững chắc, giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Chính trị hàng đầu là giữ vững và tăng cường, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, chống đa nguyên, đa đảng. Xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống chính trị, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Điểm phát triển mới là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền  XHCN  của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đó là Nhà nước đại biểu cho quyền làm chủ của nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. 

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mọi mối quan hệ trong đời sống xã hội được chi phối, điều chỉnh bới Hiến pháp và hệ thống pháp luật. 

Hiến pháp và pháp luật bảo đảm và tôn trọng, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhà nước kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, thực hiện và tôn trọng luật pháp quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 

Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, trang 175)... 

Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước. Hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

Quá độ đi lên CNXH cần phải giải quyết ngày càng tốt hơn các vấn đề xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội vì cuộc sống của nhân dân. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. 

Việt Nam đã hoàn thành hầu hết và cơ bản các mục tiêu Thiên niên kỷ. Đặc biệt là đã thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện nhiều chính sách để ổn định, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Quản lý phát triển xã hộåi, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là vấn đề lớn của đổi mới và quá độ lên CNXH. Đại hội XII nhấn mạnh:

“Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; có các giải pháp quản lý hiệu quả để gải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, những mâu thuẫn có thể dẫn tới xung đột xã hộåi. Trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu-nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, trang 134-135)...

Khắc phục từng bước sự mất cân đối về phát triển đối với từng lĩnh vực, từng vùng, bảo đảm sự hài hòa cả trong phát triển, hưởng thụ; bảo đảm cơ cấu giai tầng xã hội, dân cư, ngành nghề hợp lý. Đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người. Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân để người dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện.

Đổi mới, xây dựng CNXH cũng vì hòa bình bền vững của đất nước và hợp tác với các nước để cùng phát triển. Tư duy mới trong đối ngoại đã hướng Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế và tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 187 nước, quan hệ đối tác chiến lược với 15 nươc, quan hệ đầy đủ với các cường quốc, tham gia có hiệu quả trong các tổ chức của Liên hợp quốc. Thực tế cho thấy tính hiện thực của các quốc gia có chế độ chính trị, xã hội khác nhau cùng hợp tác và phát triển. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh phương hướng đối ngoại:

“Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đói ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, trang 153)...

Quá độ lên CNXH ở Việt Nam nhất thiết phải trải qua một thời kỳ dài “với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”. Việt Nam đã hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra cho chặng đường đầu tiên (1996), đang ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sớm cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của CNXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước CNXH ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. 

Cùng với mô hình 8 đặc trưng của xã hội CNXH, những vấn đề của thời kỳ quá độ đã và đang được thực hiện trong thực tiễn đã cho thấy nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và quá độ lên CNXH.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc
.
.
.