Trò chuyện Chủ nhật

Bước tiến mới trong quản lý cư trú

Chủ Nhật, 31/05/2020, 09:01
Ngày 6/6 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Những chính sách lớn của dự án Luật này là thay đổi phương thức quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ sổ hộ khẩu giấy sang số định danh cá nhân; bãi bỏ quy định nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương và bổ sung thêm 5 trường hợp xoá cư trú.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những vấn đề trên, phóng viên chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Phóng viên: Chính phủ vừa trình Quốc hội dự án Luật Cư trú (sửa đổi), có nhiều quan điểm cho rằng Luật Cư trú hiện hành vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu về quản lý, cải cách hành chính, phục vụ người dân. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Luật Cư trú hiện nay đã và đang đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước về cư trú. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, phải nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội để cho các địa phương phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn cho quốc gia nên việc sửa đổi Luật Cư trú không phải chỉ là bỏ cái này, thay cái kia mà vấn đề là thay đổi cách thức quản lý nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT trong tình hình mới;  thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú

Phóng viên: Theo Tờ trình của Chính phủ thì dự án Luật Cư trú (sửa đổi) có rất nhiều vấn đề mới như bỏ sổ hộ khẩu giấy; bãi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô... Ông đánh giá về việc này như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Theo tôi, Luật Cư trú (sửa đổi) thực sự là bước tiến về cải cách hành chính, trong đó, Bộ Công an – Cơ quan chủ trì soạn thảo đã mạnh dạn bãi bỏ những điều kiện về quản lý cư trú, tạo thuận lợi hết mức cho người dân theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân, qua đó bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Điều này được dư luận ủng hộ và mong đợi.

Về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó Hà Nội thì việc đăng ký thường trú điều chỉnh theo Luật Thủ đô) nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này. Tuy nhiên, trong thực tế, việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú. Th

eo đánh giá, chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả trong việc giảm di dân, tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, Chính phủ thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương vì việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc là hợp lý, cần thiết, tạo điều kiện cho người dân sinh sống, học tập, lao động.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về đề xuất của Bộ Công an về việc bỏ hộ khẩu giấy, quản lý bằng số định danh cá nhân?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Bỏ sổ hộ khẩu giấy không phải là bỏ quản lý về hộ khẩu, bỏ quản lý nơi thường trú, tạm trú, đi khỏi nơi cư trú mà là thay đổi cách làm, cách quản lý. Đây sẽ là đột phá lớn, giúp chuyển từ cuốn hộ khẩu giấy sang quản lý bằng số định danh cá nhân, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khi đó, người dân không phải giữ cẩn thận cuốn sổ hộ khẩu trong nhà hoặc đi giải quyết thủ tục liên quan thì mang theo như lâu nay; cũng không lo chuyện mất sổ phải làm lại rất phiền phức.

Cơ quan chức năng sẽ chịu trách nhiệm quản lý thông tin hộ khẩu. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, việc quản lý minh bạch hơn, cán bộ hành chính không thể lợi dụng quy định để nhũng nhiễu người dân. Trong tương lai, người dân có thể chuyển nhà từ Bắc vào Nam, mà việc khai báo chỉ cần thao tác với hệ thống quản lý trên máy tính hoặc điện thoại di động, không phải ra phường vừa mất thời gian, vừa mất tiền. Về phía cơ quan chức năng sẽ quản lý được chính xác người nào đi đâu, làm gì, phục vụ cho đấu tranh, phòng, chống tội phạm và hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội.

Phóng viên: Theo báo cáo của Chính phủ thì hiện nay Bộ Công an đã cấp được hơn 3 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh tại 60 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và cấp được gần 15 triệu số định danh cho công dân thông qua việc cấp Căn cước công dân. Trong khi đó, muốn chuyển sang quản lý theo định danh cá nhân thì cả 100 triệu dân phải được cấp mã số định danh cá nhân. Dự kiến, Luật Cư trú (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua sẽ được ban hành năm 2021. Theo ông, Bộ Công an có thể hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phù hợp với thời gian Quốc hội ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) hay không?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Việc quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân đã được triển khai nhiều năm nay, dự kiến hoàn thành vào năm 2021, phù hợp với lộ trình sửa đổi Luật Cư trú, từ đó quản lý cư trú của công dân theo hướng mới.

Bộ Công an đang khẩn trương thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Bộ Công an đang thực hiện Đề án đưa Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã. Lực lượng này đã thực hiện có hiệu quả, nhanh chóng, chính xác việc thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Đến nay, 100% các xã đã hoàn thành bố trí Công an chính quy. Lực lượng này được đào tạo bài bản, nắm vững nghiệp vụ, pháp luật nên tôi tin chắc rằng, việc triển khai sẽ đúng tiến độ đề ra.

Phóng viên: Một vấn đề người dân cũng rất quan tâm, đó là dự thảo Luật Cư trú sửa đổi có quy định bổ sung 5 trường hợp sẽ bị xoá đăng ký thường trú. Theo ông, việc này sẽ có lợi hoặc không có lợi cho người dân như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Luật Cư trú hiện hành quy định 5 trường hợp xóa đăng ký thường trú gồm: Người bị chết, bị tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại; đã có quyết định hủy đăng ký thường trú; ra nước ngoài để định cư; đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới.

Trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất bổ sung 5 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú gồm:

Trường hợp 1, là công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú. Quy định này chỉ áp dụng đối với người không khai báo, nếu công dân có khai báo thì sẽ không bị xóa đăng ký thường trú.

Trường hợp 2, người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn từ 12 tháng trở lên, tù chung thân, tử hình. Những người này khi họ được giảm án, ra tù về địa phương sinh sống thì được đăng ký lại nơi thường trú trước đây.

Trường hợp 3, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở là do được thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã hết thời hạn thuê, không được mượn, không được ở nhờ nữa.

Trường hợp 4, người đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, kê biên, tịch thu và người đã bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện khác là chỗ ở dùng để đăng ký thường trú bị xóa đăng ký thường trú sau 12 tháng kể từ ngày bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện đó; trừ trường hợp được chủ sở hữu tài sản mới đồng ý cho tiếp tục đăng ký thường trú.

Trường hợp 5, đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam; bị tước, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Theo tôi, việc bổ sung 5 trường hợp xoá đăng ký thường trú như trên là hợp lý, tránh xảy ra tình trạng cư trú “ảo” (công dân có đăng ký nơi thường trú nhưng thực tế không sinh sống tại đó và cũng không thông báo cho cơ quan quản lý cư trú). Tình trạng này gây khó khăn cho công tác hoạch định chính sách về kinh tế - xã hội của địa phương, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác. Cả 5 trường hợp trên đều có lợi cho người dân, không có gì là không lợi cả. Trường hợp người bị xoá thường trú quay về, họ vẫn được khai báo thường trú như bình thường.

Việc quy định về thường trú hiện nay có nhiều điểm rất bất cập. Ví dụ như người vợ, con dâu sau khi ly hôn muốn chuyển hộ khẩu ra khỏi nhà chồng cũ nhưng chủ hộ (là chồng, bố, mẹ chồng) không đồng ý cũng không chuyển được hoặc rất rắc rối, mất nhiều thời gian. Hoặc ngược lại, sau khi ly hôn, người vợ cũ không muốn chuyển hộ khẩu ra khỏi nhà chồng thì cũng làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của người chồng vì khi lấy vợ, nhập khẩu cho vợ mới thì trong hộ khẩu có 2 người phụ nữ đều là vợ.

Theo dự án luật thì khi người vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú sẽ bị xoá đăng ký thường trú. Đây sẽ là tin mừng đối với hàng nghìn phụ nữ sau khi li hôn nhưng gia đình chồng (chủ hộ) không cho phép cắt hộ khẩu đi, bởi khi Luật có hiệu lực, chủ hộ (bố mẹ chồng hoặc chồng cũ) sẽ không còn cách nào để cản trở họ có quyền tự do của mình; người chồng sau li hôn cũng không còn phải ngại khi “kè kè” vợ cũ bên cạnh.

Bên cạnh đó, nỗi lo về việc cho phép người ở nhờ, ở thuê, mượn nhà nhập khẩu vào nhà mình sẽ phát sinh rắc rối, thậm chí không “đuổi” đi được cũng sẽ được giải toả, vì theo dự luật thì khi đã hết thời hạn thuê, không được mượn, không được ở nhờ nữa cũng sẽ bị xoá đăng ký thường trú. Người đã bán nhà cũng sẽ bị xoá đăng ký thường trú nếu sau 12 tháng không tự cắt hộ khẩu đi (trừ trường hợp được chủ sở hữu tài sản mới đồng ý cho tiếp tục đăng ký thường trú). Điều này sẽ giải toả rất nhiều nỗi lo lắng của người dân liên quan đến hộ khẩu – thứ mà người dân thấy quan trọng hơn sổ gạo thời bao cấp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Phương Thuỷ (thực hiện)
.
.
.