Bỏ tử hình tội vận chuyển trái phép chất ma tuý sẽ cản trở công tác phòng, chống tội phạm

Thứ Bảy, 31/10/2015, 08:33
Phiên làm việc ngày 30/10, các đại biểu nghe Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vấn đề quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, việc bỏ tử hình ở một số tội… thu hút sự quan tâm, thảo luận của các đại biểu.


Kết quả lấy ý kiến nhân dân, nhiều ý kiến các bộ, ngành Trung ương và địa phương tán thành việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật Hình sự. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với ý kiến trên, bởi quy định này là nội dung thay đổi quan trọng trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có những ý kiến đề nghị không bổ sung quy định này vì cho rằng, vướng mắc trong việc xử lý pháp nhân vi phạm chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện, mà không phải do thiếu cơ sở pháp lý.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đề nghị Quốc hội cần thận trọng và chưa nên bổ sung quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này. Bởi, theo pháp luật của Nhà nước ta từ trước đến nay, trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với các cá nhân, tức là theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

Trường hợp pháp nhân vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự với chế tài cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, bồi thường thiệt hại gây ra. Các biện pháp xử lý hành chính dân sự này cơ bản đã bảo đảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của pháp nhân. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân như tước giấy phép vĩnh viễn buộc pháp nhân phải giải thể sẽ ảnh hưởng đến người không liên quan đến việc thực hiện tội phạm, nhiều người lao động sẽ mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, trật tự xã hội, sự phát triển của nền kinh tế…
Đại biểu thảo luận tại hội trường, sáng 30/10. Ảnh: TTXVN

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) lập luận: “Hiện nay, trên thế giới một số nước quy trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhưng cũng có nhiều nước không quy trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Chúng ta cần có thời gian tham khảo nghiêm túc xem xét quy định, trách nhiệm hình sự của pháp nhân ưu điểm gì, nhược điểm gì, nếu áp dụng ở Việt Nam trong thời điểm này có phù hợp hay không, chúng ta chưa có kinh nghiệm do đó phải lường trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng…”.

Theo đại biểu này, thực tế việc xử lý thời gian qua cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Công tác phòng, chống tội phạm pháp nhân trong thời gian qua hiệu quả chưa cao không phải do nguyên nhân quy định của pháp luật, cơ sở trách nhiệm pháp lý của hình sự mà do hoạt động thi hành áp dụng pháp nhân chưa nghiêm. Để khắc phục tình trạng này, vấn đề quan trọng ở chỗ phải tăng cường hiệu quả công tác thi hành án áp dụng biện pháp hình sự.

Theo dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, việc duy trì trách nhiệm hình sự pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân, có nghĩa là pháp nhân và cá nhân phải cùng chịu trách nhiệm hình sự cùng một hành vi, cùng một tội phạm trong một vụ án. “Nếu quy định như thế thì phạm vi, mức độ chịu trách nhiệm hình sự như thế nào, Tòa án phán quyết ra sao? Xử lý bằng biện pháp hình sự trải qua nhiều khâu tố tụng phức tạp kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều vần đề hoạt động của pháp nhân doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế. Trong khi đó thời gian xử lý bằng biện pháp hiện hành, hành chính, nhất là biện pháp hành chính với thủ tục nhanh gọn sẽ không ảnh hưởng đến nhiều hoạt động pháp nhân doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế…” – đại biểu Nguyễn Minh Kha đặt vấn đề.

Về vấn đề bỏ hình phạt tử hình, đa số ý kiến tán thành bỏ đối với 7 tội danh như dự thảo trình Quốc hội và xin ý kiến nhân dân. Trên cơ sở cân nhắc các ý kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chỉnh lý theo hướng, bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh: cướp tài sản; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây hoặc người thực hiện việc vận chuyển ma túy với số lượng lớn.

Khẳng định việc đưa nhiều điểm mới vào trong luật rất tiến bộ tuy nhiên cũng phải đảm bảo các yếu tố, điều kiện để các công tác điều tra, truy tố không bị hạn chế, bó tay, đại biểu Đỗ Kim Tuyến (TP Hà Nội) đề nghị Quốc hội cân nhắc không bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma tuý.

“Trong thực tiễn có khoảng 60% số vụ ma tuý được phát hiện, xử lý với số ma tuý vận chuyển rất lớn. Do nhiều nguyên nhân không thể kiểm tra, kết luận hành vi buôn bán nên phải truy tố với tội danh vận chuyển. Hiện tội phạm vận chuyển ma tuý qua biên giới ngày càng phức tạp, đã hình thành các tổ chức chuyên vận chuyển ma tuý, các nhóm từ 10-20 người, có vũ trang, hoạt động liên tục, vận chuyển khối ma tuý rất lớn vào nội địa” – đại biểu cho biết. Vì vậy ông đề nghị giữ hình phạt tử hình tại tội này, nếu không sẽ gây cản trở rất lớn tới công tác phòng, chống tội phạm ma tuý.

Không đồng tình quan điểm bỏ hình phạt tử hình đối với tội cướp tài sản, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) phân tích: Từ khi có Bộ luật Hình sự năm 1985 đến nay, ở nước ta chưa có vụ cướp nào đặc biệt lớn, hàng chục tỷ đồng trở lên và chưa có đối tượng phạm tội cướp nào bị tuyên án tử hình. Tuy nhiên hiện nay đất nước ta đang hội nhập quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội sẽ ngày càng phát triển. Đại biểu đặt giả thuyết, trong tương lai có vụ cướp xảy ra tại ngân hàng do 1 băng cướp thực hiện, chúng khống chế nhân viên ngân hàng và cướp đi hàng nghìn tỷ đồng, sau đó Công an truy đuổi, băng cướp chống trả quyết liệt, bằng vũ khí nóng… Cuối cùng chúng ta bắt gọn băng cướp và cứ cho là không có người thi hành công vụ bị chết, tài sản hàng nghìn tỷ đồng đã được thu hồi… nhưng hậu quả về mặt chính trị thì quá lớn.

“Trường hợp này, những tên cầm đầu, chủ mưu có đáng tử hình hay không, đề nghị Quốc hội xem xét” – đại biểu Lâm nhấn mạnh. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng không đồng tình bỏ, bởi hành vi cướp hết sức nguy hiểm, bởi thực tế có những vụ cướp tài sản suốt từ Lạng Sơn vào Đà Lạt toàn dùng thuốc mê. Nạn nhân những vụ này nếu không cứu chữa kịp thời sẽ gây hậu quả chết người, nếu chúng ta bỏ tội này thì sẽ không đảm bảo sức răn đe và giáo dục...

Đại biểu Sùng A Hồng (Điện Biên):

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) hướng tới việc hạn chế hình phạt tử hình nhưng không có nghĩa là ta bỏ hàng loạt tội, nhất là các tội đặc biệt nguy hiểm thì cần cân nhắc trong tình hình hiện nay. Đơn cử như tội hoạt động phỉ. Đảng, Nhà nước, Chính phủ xác định các vùng chiến lược là Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Thanh Hoá, Nghệ An, Tây Bắc, vùng biên giới biển và các vùng đặc thù khác... Đây là những địa bàn tiềm tàng loại tội phạm hoạt động phỉ và trong thời gian vừa qua, Điều 83 đã phục vụ tốt công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý tốt loại tội phạm này. Chẳng hạn, cuối tháng 4, đầu tháng 5/2011, xảy ra bạo loạn tại Mường Nhé, sau khi xảy ra chúng ta đã giải quyết đảm bảo yêu cầu pháp luật, an toàn, đáp ứng yêu cầu chính trị đặt ra. Nhưng sau đó, các đối tượng không từ bỏ ý đồ chống chế độ, phản cách mạng, tiếp tục thành lập những nhóm, tốp có vũ trang hoạt động ở biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Trung Quốc và vùng rừng núi hiểm trở ở Điện Biên, Lai Châu...; chống chính quyền nhằm thành lập vương quốc riêng, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng bằng vũ khí.

Năm 2012, 2013 Công an tỉnh Điện Biên và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đã khởi tố 79 đối tượng với các tội danh khác nhau, trong đó có 36 đối tượng bị khởi tố vì tội hoạt động phỉ. Quan điểm của tôi là cái gì mình đã làm tốt thì phải giữ, phát huy; không phải thấy tội này ít xảy ra thì bỏ. Nếu bỏ tội danh này đồng nghĩa phải trả tự do cho nhiều đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia đặc biệt nguy hiểm, cùng trên 1 địa bàn, và ai dám khẳng định số đối tượng này sau khi về sẽ không thực hiện các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia...

Quỳnh Vinh
.
.
.