Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng trong dự án Luật Tín ngưỡng tôn giáo

Thứ Hai, 16/11/2015, 07:49
Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành để thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và cần bổ sung các nội dung cơ bản, phù hợp với thực tiễn. Dự luật ghi nhận và cụ thể hoá chủ thể của quyền tín ngưỡng, tôn giáo là “mọi người” mà không chỉ là “công dân”

Điều 24, Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa và sửa đổi, bổ sung quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như sau: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia,       trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Đây là những sửa đổi, bổ sung rất quan trọng, đặt ra cho việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần phải cụ thể hoá các quy định, nội dung, tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và phù hợp với Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị.

Theo đó, dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành để thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và cần bổ sung các nội dung cơ bản, phù hợp với thực tiễn.

Dự luật ghi nhận và cụ thể hoá chủ thể của quyền tín ngưỡng, tôn giáo là “mọi người” mà không chỉ là “công dân”. Đồng thời khẳng định rõ quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào của cá nhân, không ai được xâm phạm tới quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nghiêm cấm ép buộc theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xâm hại tới Nhà nước, công dân và quyền của tổ chức tôn giáo.

Bổ sung quy định về quyền và giới hạn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quy định cụ thể quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bị giới hạn trong những trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Quy định này là cần thiết để bảo đảm Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân trong một tổng thể chung về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác. Các quy định này cũng đã được Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị của Liên hợp quốc (khoản 3 Điều 18 Công ước).

Dự luật bổ sung quy định về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, theo đó xác định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi cá nhân, người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam cũng được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (bao gồm quyền sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại cơ sở tôn giáo hoặc các địa điểm hợp pháp khác; hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài; việc tổ chức cuộc lễ, giảng đạo của người nước ngoài tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam hoặc các địa điểm hợp pháp khác; người nước ngoài theo học tại các trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức tôn giáo, nhất là đối với các tôn giáo mới cần phải đăng ký hoạt động tôn giáo và trách nhiệm bảo đảm tôn trọng, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo mới hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo. Đồng thời, nghiên cứu để quy định hợp lý về các vấn đề thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo (cấp trung ương hoặc trực thuộc); thành lập trường, giải thể trường, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo; phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, cách chức, bãi nhiệm, thuyên chuyển chức sắc trong tôn giáo…

Quy định cụ thể các chính sách về tôn giáo thể hiện chủ trương Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện bảo đảm cho các hoạt động tôn giáo vì lợi ích công cộng, lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia như bảo hộ tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo; bảo đảm giao quyền sử dụng đất nơi có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động sử dụng ổn định lâu dài. Quy định chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với các hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tổ chức tôn giáo, bao gồm hoạt động quyên góp; hoạt động trong các lĩnh vực giáo giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Đồng thời, dự luật quy định rõ các hành vi nghiêm cấm và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; các vấn đề quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức tôn giáo phải do luật quy định. Đây là một trong những quyền tự do cơ bản nhất của con người, có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới các vấn đề tư tưởng của công dân, các vấn đề về phát huy truyền thống, đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc, chống mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Như vậy, hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được hoàn thiện hơn, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được minh chứng bởi số lượng tín đồ, chức sắc, số lượng các tổ chức tôn giáo và đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng sôi động. Về mặt tổ chức, ngoài các tổ chức tôn giáo đã được công nhận từ trước như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Nhà nước đã lần lượt xem xét và công nhận về tổ chức cho một số tổ chức tôn giáo đủ điều kiện theo quy định pháp luật. 

Trước năm 2006 có 16 tổ chức tôn giáo (thuộc 6 tôn giáo) được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước, đến nay đã có 38 tổ chức tôn giáo được đăng ký hoạt động hoặc công nhận về tổ chức. Điều đó đã làm lành mạnh hoá các quan hệ tôn giáo và hoạt động tôn giáo vì lợi ích chính đáng của tín đồ và tổ chức tôn giáo, vì lợi ích chung của toàn xã hội trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế. So với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây, dự luật lần này thể hiện tinh thần cởi mở, thông thoáng của Nhà nước trong cách ứng xử với các tôn giáo. Đó là minh chứng sống động, thuyết phục, phản bác các quan điểm sai trái vu cáo Nhà nước ta “o ép” hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cho rằng ra luật để “siết” quyền tự do tôn giáo…

TS Lê Trung Kiên
.
.
.