Về quê Trạng thiền với cỏ tương tư

Chủ Nhật, 30/06/2024, 10:39

Lần này tới huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), tôi chợt nhớ những câu tâm đắc của thi sĩ Nguyễn Duy: “Nhà tôi đó không cổng và không cửa/ Ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào/ Cha tôi trổ rất nhiều cửa sổ/ Gió nồm nam thoải mái ra vào”. (Cầu Bố).

Bởi đất Vĩnh Bảo nổi tiếng với đặc sản thuốc lào. Hơn nữa, chúng tôi lại về đất Lý Học, quê của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), cái nôi của xứ sở miền khói thơm này. Hoa thuốc lào bắt đầu nở bung hình loa kèn trắng tím nhạt dịu dàng.

Thú nhàn với gió mây

Trạng Trình dành cả cuộc đời mình cho thú tiêu dao đèn sách. Ông chỉ làm quan chừng tám năm sau khi đỗ Trạng Nguyên (năm 1535) cho nhà Mạc rồi về quê ở ẩn. Tài năng xuất chúng của ông càng ngày càng bộc lộ siêu phàm cùng với nhiều giai thoại gắn bó với lịch sử của các triều đại sau đó. Nhưng cuối cùng, Trạng Trình giã từ mọi vinh hoa phú quý trở về vùng quê Trung Am (xã Lý Học -Vĩnh Bảo - Hải Phòng).

Ông sống như một thiền sư bên con sông Tuyết trong am động Bạch Vân với bà con nông dân một nắng hai sương. Hồn thơ ông dào dạt yêu thương cuộc đời và thiền định trong Phật pháp: “Thôi thôi mặc lũ thằng hề/ Gió mây ta lại tìm về gió mây”. (Sấm ký). Cảnh sống bình an luôn vỗ về cuộc đời ông trong niềm vui vĩnh cửu: “Cỏ hoa sớm nở tối tàn/ Cây tùng, cây bách muôn ngàn sức xuân”. ("Thiện ác" - bài 6).

Về quê Trạng thiền với cỏ tương tư -0
Lễ hội đền Trạng Trình (Lý Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng).

Vùng đất Vĩnh Bảo lạ lắm, với bao thăng trầm của đất nước xảy ra nhưng người dân ai cũng giữ tâm thế yên vui, an lạc. Nơi đây được ba con sông bao bọc đắp bồi phù sa. Người dân chăm chỉ học hành chịu khó lao động và xuất hiện nhiều tài năng thiên bẩm. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những hàng trăm người dân Vĩnh Bảo thành đạt qua nhiều triều đại cho tới ngày nay. Thôn Trung Am xã Lý Học ở bên sông Thái Bình như một cánh đồng hoa là nơi Trạng Trình về dựng am dạy học và làm thơ. Những lời ông viết luôn đồng vọng qua ánh xạ “Nho-Lão-Phật”. Vì thế, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có cái kỳ ảo của Lão Trang và độ trầm tĩnh thoát tục của Phật giáo.

Đầu tiên phải nói đến thú nhàn là sự tận hưởng căn bản nhất trong tâm hồn thi ca của ông. Thú nhàn đầu tiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm là thiền với con chữ: “Án sách hãy còn án sách cũ/ Nước non bạn với nước non nhà/ Cuộc cờ đua chí dù cao thấp/ Ta muốn thanh nhàn thú vị ta”. Từ đó, nhà thơ ngao du với cuộc đời hồn hậu yêu thương: “Một mai, một cuốc, một cần câu/ Thơ thẩn dầu ai vui thú nào/ Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao”. Và, cuộc đời còn có hạnh phúc nào hơn khi hòa nhập với thiên nhiên từ hơi thở đến miếng ăn. Ông viết: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao/ Rượu đến bóng cây ta hãy uống/ Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao” - (Cảnh nhàn).

Qua những tập thơ chữ Hán và Nôm của Trạng Trình như “Bạch Vân am thi tập” hay “Bạch Vân quốc ngữ thi tập”, ánh sáng thi ca Thiền trong ông ngày càng sâu sắc. Hướng nội “Thú nhàn” hay “Cảnh nhàn” tràn đầy trong cảm xúc qua những thi tứ đậm dấu ấn “Kệ” Phật. Đặc biệt với mùa xuân bao giờ cũng tươi sắc hân hoan nhưng hồn thơ ông lại trầm mặc: “Chòm tự nhiên, lều một căn/ Quét không thay thảy bụi hồng trần/ Thấy nguyệt tròn thời kể tháng/ Nhìn hoa nở mới hay xuân”. (Thú tiêu dao).

Với hoa đào luôn là điểm tựa thi hứng của nhà thơ. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thiền trong tâm cảm: “Người khách thuyền chài bên suối tuyết/ Đi về thường kéo cánh hoa rơi/ Ao biếc đằng đông, phía trước am/ Đào hoa thắm đỏ mọc ken chân/ Tiệc tàn, cây vẫn còn nguyên nơi ấy/ Muôn thuở say cười đón gió xuân”. ("Đào hoa phàm nhị thủ" - Đỗ Quang Liên dịch). Độ thấm sâu của thiền định trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn lộ diện trong từng câu chữ. Những năm tháng cuối đời ông vẫn lạc quan với chánh niệm: “Chín mươi thì kể xuân đã muộn/ Xuân ấy qua ngày xuân khác còn”. Nỗi xuân luôn sống động khỏa lấp bóng đêm để giành lấy sự sống: “Vời vợi xuân xanh nữa tiên/ Già càng khỏe, khó càng bền”. (bài 7, thơ chữ Nôm).

Hương thơm khói tỏa bóng người

Đoàn chúng tôi về Lý Học lần này còn có nhà thơ Tô Ngọc Thạch người quê ở Vĩnh Bảo. Anh rành chuyện cây thuốc lào ở đây lắm. Tôi háo hức nghe anh kể chuyện tình yêu “Cỏ tương tư” nói về sự hình thành của cây thuốc lào nơi đây. Công việc vất vả công phu của những người nông dân trồng và chế biến thuốc lào anh đã từng viết thành sách. Thú vị nhất về chuyện có một nền “Văn hóa thuốc lào” ở đất nước ta. Trên mọi vùng quê thuốc lào vẫn là món nghiện của cánh mày râu. Thậm chí có những vùng núi cao phụ nữ cũng hút thuốc lào điếu chẳng thua kém nam nhi.

Nhưng có điều nay tôi mới biết Vĩnh Bảo chính là nơi có nhiều câu thơ hài hước về thuốc lào được truyền trong dân gian cho tới nay. Điển hình như: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Hoặc xuất phát từ câu: “Thuốc lào chồng hút vợ say/ Thằng bé châm đóm lăn quay ra nhà”, nhiều nơi đã phóng tác tiếp theo nhiều câu đặc sắc. Một “Nền văn hóa thuốc lào” đang tồn tại trong đời sống và tinh thần cộng đồng xã hội.

Về quê Trạng thiền với cỏ tương tư -1
Vườn tượng người dân Lý Học đón Trạng trở về quê hương.

Xưa, thuốc lào là thú chơi mang tính bình dân nhất trong các thi sĩ bên cạnh những cút rượu gạo. Tản Đà thi nhân đã vịn vào thuốc lào để trấn an tâm lý nghèo túng: “Hôm qua chửa có tiền nhà/ Suốt đêm thơ chẳng nghĩ ra câu nào!/ Đi ra rồi lại đi vào/ Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ”. Còn thi sĩ Nguyễn Bính cũng nghiện thuốc lào nặng và luôn thiền với khói thơm: “Từ này lại tắm ao đào/ Rượu đâu mà cất, thuốc lào nào phơi/ Giang hồ sót lại mình tôi/ Quê người đắng khói, quê người say men”. (Anh về quê cũ).

Đúng là các văn sĩ đã dồn tâm trí mình vào khói thuốc mỗi khi ứ trệ tâm trạng hay buồn phiền khổ não. Tuy nhiên không phải ai cũng vậy, nhiều người gửi gắm hồn mình vào khói thuốc tạo nên hình ảnh thì vị. Phong vị dân gian hiện lên trong thơ Hồ Zếnh lại dâng trào khoái cảm thi ảnh: “Bên đình mấy giải khăn tay/ Đi tươi qua ánh ban ngày lẫn trăng/ Ổ rơm, bác xã thôi nằm/ Chân đi guốc thấp, xỏ nhầm guốc cao/ Mắt còn líu ríu chiêm bao/ Với cho tao điếu thuốc lào, cu con!” - (Sáng quê).

Thời kỳ kháng chiến, nhà thơ Tố Hữu cũng đã đưa hình ảnh thuốc lào vào trong một bài thơ khá thân thương: “Trưa nay trên đèo cao/ Ta say sưa vài phút/ Chia nhau điếu thuốc lào/ Nào anh hút tôi hút”. (Cá nước). Nhưng có lẽ tôi vẫn thích sự khoáng đạt với hồn thơ Nguyễn Duy. Anh viết: “Sớm mai đánh bệt trước thềm/ Đứ đừ phun khói thuốc lên tận trời”. Hoặc có lúc anh bay bổng với giọng sảng khoái: “Ngẩng đầu đưa khói vào mây/ Nghênh ngang hiền triết điếu cầy thăng thiên”.

Có lần nhà thơ Đặng Vương Hưng về Vĩnh Bảo cũng đã say khói thuốc theo kiểu của mình: “Lại về Vĩnh Bảo sáng nay/ Thuốc lào chưa hút đã cay mắt rồi/ Say như điếu đổ, ngã ngồi/ Một em cùng với một tôi muộn màng”. (Lại về Vĩnh Bảo). Nhưng phải nói nhà thơ giang hồ Nguyễn Bính lại có câu thơ hay nhất và để đời về thuốc lào: “Thuốc lào hút mãi người ra khói/ Thơ đọc suông tình hết cả hay” - (Giời mưa ở Huế). Vậy đó các văn sĩ luôn thiền với khói thuốc như hơi thở được tập trung trong Phật pháp phiêu diêu.

Những bản đồng dao quê hương

Người dân Lý Học nói Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một ông giáo làng chính hiệu. Học trò của ông ở khắp nơi tìm đến thư quán Am Bạch Vân ghi danh luyện bút. Họ tôn sùng thầy và đặt biệt danh cho ông là “Tuyết Giang phu tử”. Sau này trong số học trò của ông có những người nổi danh và đỗ đạt cao như Nguyễn Dữ; Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan; Quốc công Nguyễn Quyện; Thượng Thư Trạng nguyên Giáp Hải…

Hiện vườn tượng trong khu đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn sáng ngời với danh hiệu “Mạc triều Trạng Nguyên Tể tướng từ”. Cụm tượng đài những người dân Lý Học đón Trạng trở về như bản đồng dao thân thương. Họ tôn vinh người thầy của quê hương Vĩnh Bảo hơn 400 năm qua với những ngọn nguồn sấm ký diệu kỳ. Nhà thơ, Giáo sư Vũ Khiêu hòa đồng với người dân Lý Học khi thảo những câu đối treo tại đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ngậm ngùi hai mái tuyết sương/ Lận đận một đời gió bụi/ Ngoài vòng danh lợi - Đôi làn mây trắng bay cao/ Trong cuộc bể dâu - Một tấm lòng son chẳng đổi”.

Vương Tâm
.
.
.