Tuổi thơ khốn khó của Andersen

Thứ Hai, 18/07/2022, 14:31

Những nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi thường có một điểm chung: Họ biết nhìn thế giới qua con mắt trẻ thơ. Chẳng thế mà các nhà sử học có thể tìm thấy dấu ấn từ tuổi thơ các nhà văn này trong các tác phẩm của họ. Có cách nào tốt hơn để hiểu trẻ em hơn là “đào sâu” vào chính đứa trẻ trong mình.

Vậy thì tuổi thơ của đại văn hào Hans Christian Andersen đã ảnh hưởng đến tác phẩm của ông như thế nào? Chắc hẳn người giúp định hình nền văn học cổ tích châu Âu phải có một tuổi thơ kỳ diệu lắm? Sự thật không hẳn vậy.

Tuổi thơ nghèo khó

Hans Christian Andersen sinh ngày 2/4/1805 tại Odense, thành phố lớn thứ ba quốc gia Đan Mạch. Ông cất tiếng khóc chào đời trong căn nhà một phòng ngủ trên phố Hans Jensensstraede. Căn nhà đó nay là viện bảo tàng H.C. Andersen. Vì không trả đủ tiền nhà nên cả gia đình Andersen phải chuyển đi nơi khác năm ông hai tuổi. Họ chuyển đến sống trên con phố nghèo Munkemøllestraede. Ngôi nhà bốn gian hai tầng là nơi ở của ba gia đình 12 người.

Nhiều nhà phân tích văn học coi 12 năm Andersen sống tại căn nhà nhỏ có vai trò quan trọng trong sự hình thành năng khiếu văn học của ông. Nhà phê bình lừng danh người Anh John Ruskin từng viết: “Trong một ngôi nhà không có sự riêng tư, “chỗ trú ẩn” duy nhất của cậu bé Andersen có chỉ là trí tưởng tượng. Những đứa trẻ như thế sống với những câu chuyện mà chúng tự xây dựng trong đầu!”.

chân dung hans christian andersen.jpg -0
Chân dung Hans Christian Andersen (1805-1875).

Theo tự truyện của Andersen, khi còn nhỏ ông đánh bạn với một người chuyên phát tờ rơi quảng cáo cho nhà hát. Andersen thường xin luôn những tấm tờ rơi đó để đem về nhà rồi ngồi một góc tưởng tượng ra toàn bộ vở kịch. Ngày nay tại bảo tàng Andersen vẫn còn lưu lại một số tờ rơi, tấm áp phích của những vở kịch được công diễn thời đó.

Nói vậy không có nghĩa tuổi thơ của Andersen chỉ toàn một màu xám. Ông ít nói về thời trẻ con của mình. Nhưng mỗi lần làm vậy vị đại văn hào bao giờ cũng nhắc đến tình yêu của cha dành cho ông: “Tôi không hề biết thế nào là thiếu thốn. Cha tôi làm lụng chỉ đủ sống qua ngày, như người ta thường nói, song những gì có được đã quá đủ đối với tôi!”.

Cha nhà văn cũng tên là Hans Andersen. Không có nhiều thông tin về ông Hans. Bản thân văn hào cũng chỉ viết rằng, ông Hans có gốc quý tộc nhưng sinh ra đã là người lao động. Ông chỉ học hết tiểu học rồi phải đi làm nuôi gia đình. Tuy vậy, ông Hans vẫn giữ được thú vui đọc sách. Những cuốn sách đầu tiên mà Andersen nhớ mình cầm trên tay là tập kịch bản kịch nói và quyển “Nghìn lẻ một đêm”. Tình cảm hai cha con ngày càng trở nên khăng khít nhờ vào lòng yêu sách họ chia sẻ với nhau.

Những cuộc viễn chinh của hoàng đế Napoleon Bonaparte đem đến sức sống mới cho ông Hans Andersen. Đan Mạch khi đó đang liên minh với Pháp. Bản thân ông Hans cũng coi hoàng đế Pháp như thần tượng của mình, một người đi từ chỗ chỉ là anh đại úy pháo binh trở thành nhân vật quyền lực nhất châu Âu lúc đó. Ông Hans nuôi mộng đổi đời mà hoan hỉ nhập ngũ. Buổi sáng ngày ông Hans tòng quân, con trai ông bị bệnh sởi phải nằm liệt giường. Ký ức cuối cùng của nhà văn về cha mình là nụ hôn nồng cháy và những giọt nước mắt nhỏ trên má ông.

Đế chế Pháp sụp đổ, Napoleon phải chịu đi đày lần thứ hai sau khi thất trận Waterloo năm 1815. Một năm sau đó thì ông Hans Andersen cũng lên cơn bạo bệnh mà mất trong quân ngũ. Gia đình Andersen hoàn toàn suy sụp. Chỉ nhờ vào sự kiên cường của bà mẹ nhà văn - một cô thợ giặt - mà Andersen cùng em gái mới được tiếp tục ăn học. Hoàn cảnh gia đình có khá hơn sau khi người góa phụ tái giá năm 1818. Nhà có điều kiện hơn, bà cũng gửi cậu con trai đi học trường nội trú.

Lăn lộn trên đường đời

Hans Christian Andersen không phải là một cậu học sinh mẫu mực. Ông thường xuyên trốn học để đi dạo trên những cánh đồng hay trốn vào nhà hát xem kịch. Chắc hẳn những giây phút như vậy đã kích thích tài năng văn học của ông. Chẳng thế mà giáo viên chủ nhiệm cũ của ông từng nhận xét: “Andersen có một trí nhớ kỳ tài. Bất kỳ câu chuyện nào lọt vào tai cậu bé, cậu cũng sẽ nhớ kỹ để rồi thêm thắt chi tiết vào. Tôi từng chứng kiến em kể truyện cho các bạn vào giờ ra chơi. Cậu bé vừa thuật lại vở kịch, vừa cố gắng giả làm những diễn viên múa trên sân khấu”.

Người duy nhất không có hứng thú với khả năng sáng tạo của cậu bé là mẹ cậu. Năm Andersen 11 tuổi, ông bị mẹ bắt bỏ học để làm thợ dệt. Andersen làm đâu hỏng đấy nên bị thợ cả đuổi. Ông lại bị mẹ bắt đi làm ở xưởng cuốn thuốc lá rồi đến nhà may. Nhưng khi này Andersen đã đủ lớn để biết niềm đam mê thực sự của mình ở đâu. Ông viết một lá thư gửi mẹ rồi cuốn gói lên Thủ đô Copenhagen để theo đuổi nghiệp nghệ thuật.

các chuyên gia kiểm tra bản thảo truyện đầu tay của andersen.jpg -0
Các chuyên gia kiểm tra bản thảo truyện đầu tay của Andersen.

Tất nhiên là Andersen không có cơ hội để được đắm chìm trong những cái phù hoa chốn đô hội. Ông kể lại: “Ba năm đầu ở Copenhagen là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời của tôi. Lúc đầu tôi đi hát trong dàn đồng ca ở nhà thờ, cũng kiếm được một ít. Vậy nhưng giọng tôi cũng đến lúc “vỡ” ra, không thể hát đồng ca được. Tôi thử tham gia vào cuộc tuyển chọn diễn viên múa ballet. Các vị giám khảo nhìn thấy tôi cao quá, tay chân lại xiên xẹo với nhau bèn cho trượt thẳng. Lần duy nhất tôi được vào nhà hát là khi được thuê làm phu khuân vác đạo cụ”.

Khó khăn là vậy nhưng Andersen vẫn quyết không trở về nhà với hai bàn tay trắng. Người ta thuê gì Andersen cũng nhận làm, rồi đến tối thì chong đèn viết truyện ngắn để gửi các báo. Viện bảo tàng Andersen hiện còn lưu giữ tác phẩm hoàn thiện đầu tiên của ông, một truyện cổ tích mang tên “Ngọn nến mỡ”. Truyện kể về một ngọn nến buồn bã vì không biết mình được sinh ra để làm gì. Thế rồi ngọn nến gặp được một bao diêm và được thắp lên, từ đó hiểu ra mục đích của đời mình là đem lại ánh sáng cho người khác. Câu chuyện được Andersen gửi cho một nhà hảo tâm từng bảo trợ cho ông thời đi học. Bản thảo truyện được con cháu nhà hảo tâm đó phát hiện hơn hai thế kỷ sau khi họ đang kiểm tra giấy tờ của ông cha.

Lòng kiên trì của Andersen cuối cùng cũng được đền đáp. Một trong những fan hâm mộ truyện ngắn của ông là Jonas Collin, Giám đốc Nhà hát hoàng gia Đan Mạch. Jonas Collin đã thuyết phục được đức vua Đan Mạch Frederik VI trở thành người đỡ đầu cho Andersen. Tương truyền rằng Jonas đã đem cả danh tiếng của mình ra đảm bảo với nhà vua vì ông tin là: “Andersen sẽ trở thành người đặt văn học Đan Mạch lên bản đồ châu Âu”.

Được nhà vua tài trợ, Andersen nhập học trường ngữ văn ở thị trấn Slagelse trên đảo Zealand. Nhà văn sau này mô tả những năm tháng ở trường suýt chút nữa khiến ông tự lấy đi mạng sống của mình. Từ thầy cô giáo đến bạn bè đều tỏ ra nghi ngờ về khả năng của Andersen. Họ dèm pha, dè bỉu giấc mơ trở thành nhà văn của ông. Có một thời gian Andersen phải sống tại nhà ông hiệu trưởng. Ông bị mắng chửi, bị bắt làm việc như một thằng hầu. Chẳng lâu sau đó Andersen lại bị chẩn đoán mắc tật khó nói. Những khổ đau cứ chồng chất lên nhau khiến chàng trai trẻ chỉ muốn bỏ cuộc.

Khi nghe được chuyện này, Jonas Collin ngay lập tức đưa Andersen lên Copenhagen sống ở nhà mình, rồi còn sắp xếp cho ông gia sư riêng. Chẳng phụ lòng mong mỏi của Jonas, Andersen đã thi vào được Trường Đại học Copenhagen danh giá. Ông vừa học vừa tiếp tục sáng tác. Công chúng bắt đầu chú ý đến những truyện cổ tích, truyện cười và thơ vần của chàng sinh viên. Đấy chính là bước khởi đầu cho sự nghiệp lừng lẫy của Andersen.

Vậy tuổi thơ của Andersen đã để lại cho ông những gì? Tài năng và trí tưởng tượng là hai điều chắc chắn. Tâm hồn nhạy cảm của Andersen cần hai điều đó mới có thể sinh tồn giữa cuộc sống xám xịt. Andersen viết để giải tỏa cho mình, nhưng bản thân các tác phẩm của ông cũng là phản ánh những trải nghiệm đời thực của nhà văn. Trước nhà đại văn hào, truyện cổ tích châu Âu vẫn còn mang nặng tính tôn giáo và tư tưởng giáo điều.

 Chính Andersen cũng dựa trên những truyền thuyết dân gian Bắc Âu mà sáng tác, nhưng truyện cổ tích của ông bao giờ cũng mang tính NGƯỜI. Andersen đã vẽ nên một bộ mặt rất thật, rất gần gũi để mà đặt lên cuộc chiến thiện - ác. Tuổi thơ của Andersen chắc chắn không phải câu truyện cổ tích. Nhưng ông vẫn tìm được những điểm sáng - tình yêu với cha mẹ, thiên nhiên, tiếng cười - để đi thắp lửa trong lòng bạn đọc nhí khắp thế giới.

Lê Vũ
.
.
.