Thị trấn ngã ba sông Cẩm

Thứ Bảy, 13/07/2024, 11:36

Tôi nhớ những ngày phiên chợ và yêu thị trấn xinh xắn này trên ngã ba sông Thứa và sông Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương). Những con phố gắn bó với tôi qua hình ảnh nhà văn Phan Đình Minh đã ví von "Cái thị trấn bé nhỏ vốn buồn như khúc xẩm đêm".

Không ít lần anh rủ chúng tôi về quê chơi. Có lần tôi còn đọc được những câu thơ của nhóm Hương Hoàng Lan (tại thị trấn) rằng: "Đoàn tàu chở khách đi xa/ Gió đầu mùa thổi từ ga Cẩm Giàng". Thế đấy! Thị trấn thật đáng yêu sao!

Thăng trầm những cái tên

Gần đây gặp tôi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quang Thông (3A - Khu 1- thị trấn Cẩm Giang) cho biết thị trấn đã lấy lại tên cổ là Cẩm Giang từ năm 2019. Ông giải thích, cách đây chừng 400 năm, huyện lỵ xưa đã có tên Cẩm Giang (Sông Gấm) đóng ở thôn Trữ La (tổng Kim Quan - Hải Dương). Đúng vào thời đoạn xuất hiện chúa Trịnh Giang (1711-1762) nên phải gọi chệch đi là Cẩm Giàng (tránh tên húy của vua chúa theo tục lệ).

1-ngã tu ph%3f c%3fm giàng.jpg -0
Ngã tư phố Cẩm Giàng.

Từ năm 1838, trụ sở huyện lỵ chuyển từ thôn Trữ La về vị trí hiện nay (thôn Kim Quan) cùng xã Kim Giang vẫn mang tên Cẩm Giàng. Cho tới năm 1955, trụ sở huyện lỵ Cẩm Giàng chuyển về Lai Cách, thị trấn Cẩm Giàng cũ trở thành một phố chợ thuần túy. Vậy mà nay, thị trấn đã mất đi cái tên Cẩm Giàng gắn bó mấy trăm năm qua. Phố huyện ngày nào ngỡ như côi cút với còi tàu nghiêng đêm. Nghệ sĩ Quang Thông bỗng nhớ tới thi sĩ Thanh Tùng từng viết về phố huyện khi đó: "Ngã ba gánh gồng mưa gió/ Còi tàu hú vọng sao đêm/ Người đi bần thần trên phố/ Cồng kềnh gà lợn chợ phiên". Bởi lẽ, đất Cẩm Giàng còn gắn với cái tên Tự lực văn đoàn và còn được tôn vinh là "Thị trấn văn chương". 

Quả thực cho tới nay ít người quen cái tên mới của thị trấn Cẩm Giang (huyện Cẩm Giàng). Tuy nhiên, cây cầu, con sông, biển chợ và ga tàu vẫn giữ cái tên Cẩm Giàng. Vùng đất này không những nằm trên ngã ba sông mà còn hội tụ đầu mối giao thông quốc lộ và liên huyện đi qua. Phố chợ Cẩm Giàng luôn nhộn nhịp tàu xe. Cây cầu sắt Cẩm Giàng bắc qua sông dẫn đường tàu hỏa đi về Hải Dương, Hải Phòng tạo nên hình ảnh tiêu biểu cho vùng sông nước này. Rồi bất ngờ, phố huyện bỗng phổng phao lớn mạnh khi được kết hợp với xã Kim Giang lập thành thị trấn Cẩm Giàng (1958).

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quang Thông bồi hồi nhớ lại khi đó hiệu ảnh Tự Dung của gia đình ông lúc nào cũng đông khách tới chụp ảnh. Cha ông là người mở hiệu ảnh đầu tiên trên phố huyện và cũng là một địa chỉ hoạt động kháng chiến vào đầu thập niên 50 thế kỷ XX. Nghệ sĩ kể sau khi đi tham gia chiến trường phục viên trở về (1972), ông tiếp tục theo cha làm nghề chụp ảnh. Cửa hiệu Tự Dung vẫn còn đó. Những đoàn tàu xuôi ngược vẫn luôn luôn gợi nhớ bao ký ức phố huyện đổi thay.

Nghệ sĩ Trần Quang Thông ngoài tham gia làm việc tại Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hải Dương (Trưởng ban Nhiếp ảnh 5 khóa liền), ông còn làm công tác chính quyền (Bí thư Đảng ủy) tại thị trấn Cẩm Giàng. Nhân nói về việc thay tên thị trấn, ông chợt nhớ ra chuyện mình cũng đã từng đóng góp cho việc đặt tên đường phố ở đây. Những tên phố chính như Độc Lập, Chiến Thắng, Vinh Quang… đã được công nhận và trưng biển như một niềm tự hào của thị trấn. Nhưng có lẽ tên phố Thạch Lam mới đem lại nhiều cảm xúc sâu lắng cho mọi người.

Nghệ sĩ bồi hồi nhớ lại, cái tên Thạch Lam ban đầu không ít lời biện luận trái chiều khi đặt tên phố. Nhưng rồi câu chuyện của dòng họ Nguyễn Tường cũng được giải mã khi cái tên Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) đầy sức thuyết phục vì tài năng văn học. Đồng thời sự nghiệp sáng tác của nhà văn Thạch Lam đậm sâu đời sống của người dân lao động Cẩm Giàng một thuở. Tác phẩm của nhà văn đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông của nhà nước. Tên phố Thạch Lam chính thức treo biển trên con đường dẫn vào khu cô trạch "Tự lực văn đoàn" xưa kế bên ga Cẩm Giàng. 

Những đóa hải đường ven lối sỏi

Có lần tôi theo đoàn nhà văn tới trang trại thăm khuôn viên "Tự lực văn đoàn". Nhà văn Phan Đình Minh cùng cô giáo Nguyễn Thu Hằng (hội viên Hội VHNT Hải Dương) giới thiệu khu vườn thơ mộng cho dù còn hoang phế. Con đường Thạch Lam dẫn chúng tôi đi dọc bên dãy nhà và ngôi trường học hai bên hàng cây. Đây là con phố mang dáng dấp e ấp đúng như hồn vía của nhà văn Thạch Lam vậy.

Nhà văn Phan Đình Minh kể trong số bảy anh chị em, thì gia đình nhà văn Thạch Lam nghèo khổ nhất. Tuổi thơ ông gắn bó với đời sống lam lũ bần hàn của người dân quanh vùng ga Cẩm Giàng. Vừa đi học ở trường huyện, cậu bé Vinh (tên khai sinh của Thạch Lam) ngày ấy đã cùng chị gái phụ việc buôn bán giúp mẹ kiếm sống. Vì bị đi học muộn, Thạch Lam đã đổi tên sửa tuổi mấy lần để học vượt cấp theo các anh chị. Nhà văn thi đỗ Tú tài vào tuổi 16 (với cái tên Nguyễn Tường Lân) rồi theo các anh đi làm báo trên Hà Nội (từ 1932). Nhà văn Thạch Lam lấy vợ rồi thuê trọ ở làng Yên Phụ để tiện ra tòa soạn Báo Phong hóa và Ngày nay ở số 80 phố Quán Thánh.

Cô giáo Nguyễn Thu Hằng bồi hồi ngắm bức ảnh chân dung nhà văn Thạch Lam treo trên tường với  bao nỗi niềm chia sẻ. Ký ức sâu thẳm của những đêm tối trên sân ga, con sông u buồn và phiên chợ ngày nào luôn ám ảnh bạn đọc. Đó là những tác phẩm "Gió đầu mùa", "Hai đứa trẻ", "Nhà mẹ Lê", "Cô hàng xén", "Dưới bóng hoàng lan"… đều có dấu ấn của đời sống người lao động nơi phố nghèo Cẩm Giàng. Không gian của kẻ chợ ngã ba sông lúc nào cũng cô quạnh, ngơ ngác với bao vất vả mưu sinh.

Hơn mười năm theo đuổi nghề báo và viết văn, Thạch Lam kiệt sức vì nghèo đói và bệnh tật. Những câu chuyện ông luôn phảng phất nỗi buồn cuộc đời nhưng thấm đẫm tình yêu con người và những ký ức quê hương. Trong khu vườn có ngôi nhà ánh sáng do người mẹ tần tảo nuôi dưỡng các con luôn là nơi nương tựa cho tâm hồn văn chương Thạch Lam.

2-c%3fu s%3ft b%3fc qua sông c%3fm.jpg -1
Cầu sắt bắc qua sông Cẩm.

Con đường Thạch Lam từng in dấu chân của những văn nhân tài tử một thuở từ những năm 1934 tới 1944. Họ tới đây cùng với ba anh em nhà Nguyễn Tường. Đó là các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Một thời sôi nổi. Một thuở hào quang rực rỡ. Trên con đường dẫn vào ngôi nhà lộng gió khi nào cũng thắm đỏ những bông hoa hải đường. Còn trong khu vườn, những cây hoàng lan đung đưa trăm ngàn cánh hoa vàng ngát hương mỗi khi khách văn chương tới. Đó là nơi Thạch Lam sống và lớn lên, dành cả cuộc đời mình viết về cuộc sống cực nhọc nơi đây.

Khi nhà văn sớm mất (1942) ở tuổi 32, nhà thơ Đinh Hùng đã chia sẻ: "Đêm nào tôi mộng, buồn riêng gối/ Anh đã nằm yên dưới mộ hoa". (Gửi hương hồn Thạch Lam). Và chân dung nhà văn Thạch Lam cũng được Đinh Hùng mô tả: "Chiêm bao phảng phất, tôi thường gặp/ Cặp mắt anh nhìn, như trẻ thơ". Và con sông Cẩm Giàng chảy miên man trong những con gió lùa lạnh lẽo với nỗi buồn chia xa: "Trăng lên soi tím hoa bèo/ Mây trôi, sông Cẩm như thêu ánh vàng".

Giấc mơ hoàng lan

Nhà văn Phan Đình Minh cư dân Thạch Lỗi - huyện Cẩm Giàng (cách ga chừng 300 mét) có nhiều trang viết đầy cảm xúc về trấn Cẩm Giàng xưa. Những truyện ngắn của anh như "Bánh cuốn Tám Rì", "Ơi đò", "Cha tôi kép Cúc"… luôn có hình ảnh quê hương anh. Riêng truyện ngắn "Bánh cuốn Tám Rì" mô tả cuộc sống của người Hoa bên ga Cẩm Giàng một thuở bộn bề lập nghiệp. Quán bánh cuốn đó vẫn tồn tại và giữ nhiều thực khách cho tới ngày nay. Nhà văn Phan Đình Minh đã cất công đưa chúng tôi tới đây để thưởng thức vị ngon thơm bánh cuốn có một không hai này. Có thể nói anh là người tiếp nối Thạch Lam viết những câu chuyện gắn bó với đời sống và văn hóa của vùng đất quê hương anh.

Đặc biệt, chúng tôi rất thú vị với dự án do nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quang Thông đề xuất, trồng hàng cây Hoàng Lan trên đường Thạch Lam. Đó là hình ảnh thân thương bên khu vườn văn học "Tự lực văn đoàn". Câu chuyện "Dưới bóng cây Hoàng Lan" của Thạch Lam tựa bài thơ tình buồn của xứ sở Cẩm Giàng xưa. Những bông hoa vàng thơm hương ấy sẽ lan tỏa khắp vùng quê sông Cẩm và gợi nhớ: "Chừng buổi tàu về ga cũ đồng quê/ Làm thức dậy cái ngôi hàng xén nhỏ/ Có hai chị em hiền như khoai lúa/ Nhìn tàu đi, lại đóng cửa đợi chờ". (Lữ Giang).

Vương Tâm
.
.
.