Tâm nguyện của người sở hữu 4 bảo vật quốc gia
Vậy là sau 12 năm kể từ đợt công nhận 30 bảo vật quốc gia đầu tiên, đến nay Nhà nước ta đã công nhận tổng cộng 294 hiện vật thuộc các thời kỳ lịch sử là bảo vật quốc gia. Điều đáng ngạc nhiên là, trong số đó có 4 bảo vật quốc gia thuộc sở hữu của doanh nhân Nguyễn Văn Kính (Hà Nội) với 2 trống đồng và 2 thạp đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn.
Ngày 18/1 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận 29 bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023). Vậy là sau 12 năm kể từ đợt công nhận 30 bảo vật quốc gia đầu tiên, đến nay Nhà nước ta đã công nhận tổng cộng 294 hiện vật thuộc các thời kỳ lịch sử là bảo vật quốc gia. Điều đáng ngạc nhiên là, trong số đó có 4 bảo vật quốc gia thuộc sở hữu của doanh nhân Nguyễn Văn Kính (Hà Nội) với 2 trống đồng và 2 thạp đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn.
Có lẽ, đến nay, nhiều người đã biết đến ông Nguyễn Văn Kính qua việc ông là chủ sở hữu của những hiện vật đại diện cho nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ được công nhận là bảo vật quốc gia trong mấy năm qua. Điều đáng ngạc nhiên là, ông Nguyễn Văn Kính vốn không phải là “một tay chơi đồ cổ” mà nổi tiếng trong lĩnh vực buôn bán hoa tươi với một cơ ngơi đồ sộ ngay giữa chợ hoa Nghi Tàm.
Chính vì thế, trả lời câu hỏi của phóng viên rằng vì sao lại có cái tên trống đồng, thạp đồng là “Kính Hoa”, ông vui vẻ cho biết: “Theo trình tự, để đăng ký một hiện vật nào đó là cổ vật thì nó phải có tên gọi. Cái tên Kính Hoa được đặt theo gợi ý của GS. Trịnh Sinh. Trong lúc bối rối không biết đặt tên cho các hiện vật này như thế nào thì GS. Trịnh Sinh bảo tôi: “Ông tên là Kính, làm nghề bán hoa, hay đặt là Kính Hoa đi!”. Thế là cái tên trống đồng Kính Hoa, thạp đồng Kính Hoa ra đời. Đơn giản vậy thôi!”.
Vậy là, trong hệ thống những cổ vật thời kỳ Đông Sơn đã được công nhận là bảo vật quốc gia đến nay, bên cạnh những cái tên đã trở nên nổi tiếng như trống đồng Ngọc Lũ, Đền Hùng, Cổ Loa, Hoàng Hạ, Sông Đà, Pha Long, Vàng Sao... lại có thêm trống đồng, thạp đồng Kính Hoa. Việc 2 trống đồng và 2 thạp đồng Kính Hoa được ghi danh bảo vật đã làm phong phú thêm kho tàng hiện vật quý hiếm có một không hai của thời kỳ văn hóa Đông Sơn để lại cho hậu thế. Đây cũng là niềm tự hào của Việt Nam với nhân loại khi trong những năm gần đây các nhà khoa học về khảo cổ đã chứng minh được Việt Nam chính là quê hương sản sinh ra trống đồng Đông Sơn chứ không phải từ nơi khác đưa đến như một số giả thiết.
Đầu năm 2024 này, ông Nguyễn Văn Kính đón nhận thêm niềm vui nữa khi cổ vật thứ tư mà ông sở hữu được công nhận bảo vật quốc gia. Đó là chiếc “Thạp đồng Kính Hoa II”, có niên đại khoảng thế kỷ III-II trước Công nguyên.
Trước đó, 3 cổ vật mà ông Kính sở hữu được công nhận bảo vật quốc gia là “Trống đồng Kính Hoa I” (niên đại khoảng thế kỷ IV-III trước Công nguyên), “Trống đồng Kính Hoa II” (niên đại khoảng thế kỷ II-I trước Công nguyên) và “Thạp đồng Kính Hoa I” (niên đại khoảng thế kỷ II-III). Trong đó, với việc “Thạp đồng Kính Hoa I” có tên trong danh sách 24 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt công nhận thứ 9 (năm 2020), ông Kính trở thành cá nhân đầu tiên trên cả nước sở hữu bảo vật quốc gia.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Kính bộc bạch: “Thực sự thì tôi vốn không phải là dân chơi đồ cổ và cũng không sưu tầm đồ cổ, mà đây là do một cơ duyên đến với tôi hết sức tình cờ. Tôi “trộm nghĩ” và có chút “tâm linh” rằng, dường như là “vật tìm người” hoặc giả mình được trao truyền cho sứ mệnh gìn giữ những di sản mà tổ tiên ta để lại. Những món đồ quý đó lại đến đúng vào lúc kinh tế tôi cũng dư dả một chút và rồi sự may mắn lại đưa đẩy đến cho tôi những món tiếp theo. Tôi thực lòng mong muốn những bảo vật đó vĩnh viễn không bị ra khỏi biên giới nước ta, để bảo vật ở lại với chính nơi đã sản sinh ra nó, để con cháu muôn đời sau được hãnh diện với thế giới, tự hào về tổ tiên, cội nguồn của mình.
Tôi cũng có may mắn biết được các giáo sư chuyên ngành như GS. Trịnh Sinh, GS. Tống Trung Tín, TS. Lê Quốc Quân... nên đã được cố vấn rất nhiều về mặt chuyên môn và hiểu được giá trị đặc biệt của những bảo vật đó. Càng hiểu sâu, tôi lại càng có niềm tin và trách nhiệm về những vật phẩm quý như thế này cần được bảo vệ, không thể để người ta đem khỏi Việt Nam, "chảy máu" ra nước ngoài! Mà, muốn làm được như vậy thì nó phải trở thành bảo vật quốc gia và được pháp luật bảo vệ...”.
Ông Nguyễn Văn Kính cũng chia sẻ thêm, do chưa có tiền lệ về việc một cổ vật thuộc sở hữu tư nhân trở thành bảo vật quốc gia, nên có lẽ chưa có bảo vật quốc gia nào ở nước ta lại được xem xét khắt khe với nhiều tiêu chí đánh giá như đối với chiếc “Trống đồng Kính Hoa I”. Trước đó, với 8 đợt xét, đã có gần 200 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và những hiện vật đó đều thuộc các bảo tàng của Nhà nước. Vì thế, khi “Trống đồng Kính Hoa I” được công nhận là bảo vật quốc gia, ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào vì đã làm được một việc nhiều ý nghĩa.
Theo Luật Di sản, khi một hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, thì dù có là sở hữu của Nhà nước hay tư nhân thì vẫn bị chi phối, ràng buộc bởi các quy định, các thủ tục pháp lý chặt chẽ. Nhưng, tâm nguyện của ông Nguyễn Văn Kính trước nhất là muốn các trống đồng, thạp đồng mà ông đang sở hữu không chỉ được bảo vệ, gìn giữ, mà sẽ được đông đảo công chúng biết đến và có cơ hội thưởng lãm trong không gian trưng bày phù hợp. Vì thế, ông và các cộng sự đã tìm mọi cách vượt qua khó khăn, trở ngại và các thủ tục hành chính để chúng được “ghi danh”. Ông cũng có tâm nguyện rằng, nếu sau này con cháu ông vì một lý do gì đó mà không thể tiếp tục giữ gìn, thì phải trao lại cho Nhà nước chứ không được phép mua bán, trao đổi.
Cuối năm 2023, triển lãm chuyên đề “Âm vang Đông Sơn” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức với nhiều hiện vật mới được phát hiện, trưng bày đã được công chúng hết sức quan tâm. Một lần nữa, công chúng lại đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tận mắt chứng kiến những hiện vật đầy tính thẩm mĩ và kỹ thuật cao ra đời cách đây trên 2.000 năm của cư dân Đông Sơn, đặc biệt là chiếc trống Vàng Sao có kích thước lớn nhất từ trước đến nay hiện thuộc quản lý của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Điều thú vị là, chiếc “Trống đồng Kính Hoa II” mà ông Nguyễn Văn Kính đang sở hữu chính là chiếc trống đồng Đông Sơn lớn thứ hai, chỉ sau trống Vàng Sao được tìm thấy ở thị trấn Vàng Sao (Thanh Hóa). Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong đó có GS. Trịnh Sinh - người đã dành trọn cuộc đời để nghiên cứu về trống đồng và văn hóa Đông Sơn, thì “Trống đồng Kính Hoa I, II” là hiện vật gốc, độc bản, có giá trị đặc biệt về mỹ thuật - kỹ thuật đúc trống của cư dân thời kỳ Đông Sơn nước ta còn khá nguyên vẹn với hoa văn đẹp không kém gì trống Ngọc Lũ, được các nhà khoa học xếp loại nằm trong nhóm trống quý và cổ xưa nhất. Ngoài ra, các thạp đồng mà ông Kính sở hữu đều là các thạp có nắp, với hoa văn cầu kỳ, tinh xảo, lạ mắt và bảo toàn được tính nguyên vẹn, độc đáo của hiện vật gốc.
Nói về bộ sưu tập lạ lùng của ông Nguyễn Văn Kính, GS. Trịnh Sinh cho rằng: “Việc có được chiếc trống Kính Hoa I, II không chỉ là “duyên may” của một đời người mà còn là báu vật hiếm có tiền nhân để lại cho lớp con cháu chúng ta!”.
Những nghiên cứu của GS. Trịnh Sinh về trống đồng Kính Hoa I trong cuốn sách đã xuất bản là cuốn “Trống đồng Kính Hoa - Bảo vật quốc gia Việt Nam” do NXB Thế giới ấn hành năm 2022 cho thấy sự độc đáo, khác biệt của nó so với những chiếc trống khác và khẳng định: “Những hoa văn Đông Sơn trên "Trống Kính Hoa" đẹp một cách lạ lùng và độc đáo, nhiều mô típ chưa thấy trên các trống Đông Sơn khác như hình tượng 10 con sam trên mặt "Trống Kính Hoa I"...”.
Có lẽ, chính những yếu tố đó đã thuyết phục Hội đồng Di sản quốc gia để “Trống đồng Kính Hoa I” trở thành một hiện vật đầu tiên lại thuộc sở hữu tư nhân của thời kỳ văn hóa Đông Sơn trở thành bảo vật quốc gia, mở ra một hướng đi mới trong việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy những giá trị của cổ vật, trong đó có những sản phẩm tiêu biểu của thời kỳ văn hóa Đông Sơn rực rỡ.