Ở nơi hội tụ của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất

Thứ Sáu, 02/08/2024, 06:13

Tập sách nghiên cứu “Đôi bờ giới tuyến (1954-1967)” của PGS.TS Hoàng Chí Hiếu vừa ấn hành trong những ngày cuối tháng 7, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Genève (21/7/1954 - 21/7/2024) và 70 năm giải phóng Vĩnh Linh (25/8/1954 - 25/8/2024). Quyển sách tái hiện các diễn biến nổi bật tại đôi bờ Hiền Lương - Vĩ tuyến 17 từ lúc hai miền đất nước rơi vào cảnh chia cắt tạm thời (từ tháng 7 năm 1954).

Thời gian và lịch sử gợi mở câu chuyện nơi vĩ tuyến

PGS.TS Sử học Hoàng Chí Hiếu hiện là Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư Phạm Huế. Ông đã đóng góp bước đầu và làm sáng tỏ một vấn đề lịch sử nổi bật diễn ra tại khu vực đôi bờ giới tuyến được xem là “hình ảnh thu nhỏ” của nước Việt Nam trong thời kỳ 1954 - 1975. Bao cán bộ, đồng chí, đồng bào, tập kết ra Bắc với lời hẹn hai năm sau sẽ trở về… Bao gia đình lâm vào cảnh “chồng Bắc vợ Nam”, “cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ”. Để vượt qua dòng sông rộng chưa đầy 100 m, cả dân tộc phải trải qua cuộc trường chinh 21 năm ròng rã, với bao mất mát hy sinh để cho Nam Bắc sum họp một nhà.

Ở nơi hội tụ của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất -1
PGS.TS Hoàng Chí Hiếu.

Trong 21 năm đầy đau thương mà anh dũng ấy, ở đôi bờ Hiền Lương đã diễn ra cuộc đọ sức “không tiếng súng” nhưng không kém phần căng thẳng, quyết liệt trên nhiều lĩnh vực thậm chí đặc thù và “có một không hai” như đấu loa, đấu cờ, sơn cầu, công tác địch vận… Vượt lên tất cả sự chống phá quyết liệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam của những người làm công tác bảo vệ giới tuyến cùng sự hậu thuẫn to lớn của nhân dân Vĩnh Linh nói riêng, cả nước nói chung và bè bạn quốc tế đã giành ưu thế trước chế độ thuộc địa kiểu mới của Mỹ ở bờ Nam.

Biến đau thương thành hành động, mỗi làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, Vĩnh Linh đã thành “Lũy thép anh hùng”, “Đất kim cương”. Đôi bờ giới tuyến do đó là nơi hội tụ của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc cũng như vươn đến đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ 1954 - 1975. Không còn sự lựa chọn nào khác, nhân dân Việt Nam phải đấu tranh để thực hiện thống nhất đất nước mà Vĩ tuyến 17 là ranh giới đầu tiên phải vượt qua.

Từ chỗ được lịch sử lựa chọn, Vĩ tuyến 17 trở thành nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước trong thời gian dài. Đây cũng chính là nơi để thực hiện một sứ mệnh đầy ý nghĩa là nối tin tức, tình cảm của nhân dân hai miền Nam - Bắc. Qua cầu Hiền Lương, hàng triệu tấm bưu thiếp mang tình cảm thương nhớ của nhân dân hai miền đã đến được với nhau, dù qua bao năm đấu tranh vì điều này. Xuyên qua sự hạn chế của số dòng định sẵn và những quy định ngặt nghèo về nội dung thông tin, nguyện vọng đoàn tụ gia đình và thống nhất đất nước của nhân dân được thực hiện. Đó là minh chứng sống động của chân lý: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

“Đôi bờ giới tuyến” dày 328 trang gồm 2 phần chính. Phần 1: Sự thiết lập giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự tại Vĩ tuyến 17 sau Hiệp định Genève 1954; Phần 2: Đấu tranh Cách mạng ở khu phi Quân sự - Vĩ tuyến 17 (1954-1967).

Đây là tâm huyết nghiên cứu của tác giả trong nhiều năm về khu phi quân sự ở đôi bờ giới tuyến. Cuốn sách cho độc giả cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh toàn cảnh của đôi bờ giới tuyến từ sau năm 1954. Lần lượt đi qua những cứ liệu lịch sử như Hội nghị Genève và việc thiết lập giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam, cho đến truy tìm nguồn gốc thật sự cho cái tên của con sông lịch sử này, và nối mạch cảm xúc độc giả đến với khu phi quân sự - Vĩ tuyến 17, người đọc như sống lại một thời lửa đạn ở một nơi cực kỳ đặc biệt của đất nước.

Càng đọc càng thấy cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc là hành trình kiên trì và ngoan cường bất khuất. Giữa lằn ranh “chiến định” đó, lòng người hai phía vẫn nung nấu một ngày đất mẹ nối liền dáng hình chữ S. Biết bao chuyện diễn ra âm thầm mà chỉ có thời gian và lịch sử mới gợi mở ra trầm tích ẩn sau trong mỗi một thân phận con người trong chiến cuộc.

Ở nơi hội tụ của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất -0
Bìa cuốn sách “Đôi bờ giới tuyến” của PGS.TS Hoàng Chí Hiếu.

Đeo đuổi theo đề tài này, PGS.TS Hoàng Chí Hiếu đã lần giở và lắp ghép lại những mảnh vụn trong hồ sơ lưu trữ và ký ức của người thân, hiện lên trước mắt là hành trình của ông bà, bố mẹ tác giả, cũng như bao người cùng thế hệ sinh ra và lớn lên trong khói lửa của cuộc chiến tranh cách mạng và cũng chính họ góp phần ít nhiều tạo nên những mảng màu của bức tranh lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX, mà ở đó, nỗi đau chia cắt chung của dân tộc thấm sâu vào nỗi đau riêng của từng gia đình. Vận mệnh của mỗi con người gắn liền với vận mệnh của đất nước, sức mạnh thiêng liêng đó không kẻ thù nào đánh đổ được. Cuốn sách còn cho thấy một Việt Nam không cam chịu số phận đã được “sắp đặt sẵn” và ước vọng chung từ bao đời nay của toàn dân tộc Việt Nam là non sông nối liền một dải.

Mảnh đất anh hùng và lực lượng Công an nơi vĩ tuyến

Được xem như phần cuốn hút nhất của cuốn khảo cứu chính là những câu chuyện đấu tranh trên Vĩ tuyến 17 mà đặc biệt là ở Vĩnh Linh và lực lượng Công an nơi vĩ tuyến. Tháng 2 năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Vĩnh Linh trở thành điểm đánh phá ác liệt nhất của đối phương, hứng chịu những trận pháo kích dữ dội từ bờ Nam. Tổng cộng trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại (1965-1973), trung bình mỗi người dân Vĩnh Linh phải gánh chịu 7 tấn bom và 10 quả đạn pháo. Một mức độ bom đạn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Trong cơn nguy nan đó, người Vĩnh Linh đã sáng tạo và cải tiến hầm tròn tránh bom thành hầm bằng có nắp, rồi thành hầm chữ A. Hầm ban đầu chỉ là nơi trú ẩn dần được cải tạo như một căn nhà ở với hệ thống hào nối liền nhau sâu tận 3-4 m trong lòng đất. Các chiến hào thời ấy thay thế đường đi bộ. Từ các chiến sĩ cho đến người dân lẫn trâu bò đều có thể thông hào này sang hào kia. “Pháo đài trong lòng đất Vĩnh Linh” thực sự chính là một dấu son của người Vĩnh Linh trong cuộc chiến ngoan cường 8 năm với 114 địa đạo, 91.840 hầm các loại, 2.098km giao thông hào, tổng khối lượng đất đá lên tới 3.759.000 mét khối.

Cũng trong ấn phẩm này PGS.TS Hoàng Chí Hiếu cung cấp thêm nhiều câu chuyện về sự ra đời của lực lượng Công an làm nhiệm vụ ở khu vực đặc biệt nhạy cảm này. Giữa tháng 8/1954, Đại đội Công an bảo vệ giới tuyến và khu phi quân sự được thành lập theo quyết định 817 của Bộ Tư lệnh Liên khu IV. Đại đội gồm 100 người, chia làm 2 trung đội, mỗi trung đội 45 người, và 1 đại đội bộ 10 người. Các chiến sĩ của đại đội này được lựa chọn từ các đại đội 340, 348, 354 và 355 của bộ đội địa phương các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong cùng một số cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội của tỉnh đội Quảng Trị. Từ 13 đồn trạm trải dọc vĩ tuyến và khu phi quân sự, lực lượng Công an đã làm nên những chiến công vang dội lẫn âm thầm, nhưng đã góp phần lớn của mình vào công cuộc giải phóng Vĩnh Linh sau này.

PGS.TS Hoàng Chí Hiếu lần này đem đến một tập sách nghiên cứu có giá trị lịch sử, khiến độc giả nhớ đến cuốn sách cũng của ông đã gây tiếng vang lớn vào năm 2022: "Cuộc chiến tranh công nghệ cao ở Hàng rào điện tử Mcnamara" (1966-1972). Tuy vậy, ông vẫn cho rằng có nỗ lực tập hợp bao nhiêu thông tin đi chăng nữa cũng không thể nào diễn tả hết hiện thực sống động và tầm vóc lớn lao của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Vẫn còn nhiều ẩn số tiếp tục cần giải mã về tầm vóc và những sự kiện mà quân dân đôi bờ giới tuyến đã tạo ra trong thời kỳ 1954-1975.

Và với độc giả, những câu chuyện ở vĩ tuyến, luôn là những câu chuyện rung chạm đến tâm khảm mình nhất.

Tống Phước Bảo