Nhớ giọng hát Trần Thụ
Nhắc đến những giọng hát vàng vang bóng một thời, không thể không nhắc đến Trần Thụ (1929-2009). Ông cùng với Thương Huyền, Mai Khanh và Quốc Hương là những ca sĩ có mặt ở Đài Tiếng nói Việt Nam ngay từ khi mới thành lập và cất tiếng hát đầu tiên trên làn sóng để phục vụ quân, dân trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và những năm tháng sau hòa bình (1954).
Không kể thời gian đi tu nghiệp thanh nhạc ở Hungary, cả đời Trần Thụ làm việc ở Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Mãi tới những năm tháng của thập niên 80 thế kỷ trước, ông vẫn phục vụ tốt với giọng hát vang, giàu âm lượng, truyền cảm, lột tả được hết thần thái tác phẩm.
Mặc dù được đào tạo chính quy ở Hungary nhưng ông vẫn không bị “ô-pê-ra hóa” tức hát cộng minh kiểu ben-căng-tô mà vẫn tròn vành rõ chữ bởi có khuynh hướng đóng khẩu hình khi phát âm những từ có kết thúc là phụ âm. Cùng học với Trần Thụ ở Hungary có Quốc Hương là người cũng xử lý như vậy nên rất được công chúng ưa thích.
Nhiều bài hát do Trần Thụ thể hiện đã in dấu ấn sâu đậm trong lòng người nghe nhiều thế hệ mà sau đó, lứa ca sĩ đàn em, con, cháu đã không thể hát được bằng. Ông đã là cái bóng quá lớn che khuất họ để không dễ có thể vượt qua. Có thể nhắc đến nhiều bài hát nổi tiếng như vây: “Quê tôi” (Lưu Cầu), “Không ai ngăn nổi lời ca” (Nguyễn Hữu Thắng), “Vàm Cỏ Đông” (Trương Quang Lục - Hoài Vũ), “Ngọn đèn đứng gác” (Hoàng Hiệp - Chính Hữu), “Mỗi bước ta đi” (Thuận Yến), “Hành khúc giải phóng” (Lưu Nguyễn - Long Hưng), “Vào lăng viếng Bác” (Hoàng Hiệp - Viễn Phương)...
Giọng hát của ông vừa sôi nổi, hoành tráng, hừng hực khí thế, lại vừa trữ tình, dịu dàng khi cần thiết nên có thể hát nhiều loại ca khúc từ sục sôi chiến đấu đến lắng đọng, tâm tình. Ông hát dân ca cũng rất thành công mà hai bài quan họ Bắc Ninh là “Thỏa nỗi nhớ mong” và “Trống cơm” là những minh chứng rõ nhất. Hát thu thanh trong studio đã đành, ngay cả khi biểu diễn trên sân khấu, ông luôn có phong cách giản dị, chân phương, không một chút ngoại hình, “diễn” mà chỉ để tâm đến biểu hiện trong giọng hát nên cách thể hiện của ông là tiêu biểu cho lối hát rất có hồn, có chiều sâu nội tâm.
Không chỉ hát đơn ca mà Trần Thụ còn kết hợp với một giọng hát vàng khác là Trần Khánh (cũng làm việc ở Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam) thành một trong hai cặp song ca nam hay nhất từ trước tới nay (cặp còn lại là Quý Dương và Trung Kiên). Người nghe không thể quên những bài hai nghệ sĩ họ Trần song ca thật đặc sắc: “Bình-Trị-Thiên khói lửa” (Nguyễn Văn Thương), “Bài hát giải phóng quân” (Lưu Nguyễn-Long Hưng), “Không cho chúng nó thoát” (Hoàng Vân)…
Trần Thụ không chỉ là một ca sĩ nổi tiếng mà còn là nhạc sĩ sáng tác, đã để lại 3 bài thật có duyên, đáng yêu. Năm 1956, một lần vào buổi chiều mùa thu, ngồi chơi, hóng mát bên Hồ Gươm, ông ngẫu hứng viết bài “Chiều Hồ Gươm”: “Hồ Gươm hôm nay chiều về thu/ Làn nước xanh xanh lặng lờ trôi/ Soi bóng Tháp Rùa như đắm chìm trong nắng vàng, nghiêng nghiêng hàng dương liễu…”
Với tiết tấu valse của nhịp 3/4, tác giả tạo nên hình tượng mặt nước hồ Gươm yên ả, phẳng lặng, thỉnh thoảng đung đưa những cành liễu rủ bên hồ thật thơ mộng. Bài hát đã phác họa bằng âm thanh phong cảnh chiếc hồ lịch sử, đẹp nhất Hà Nội giữa những ngày thanh bình của Thủ đô vừa mới được giải phóng chưa được 2 năm. Bài hát hay, có giai điệu quyến rũ nhưng trong những chương trình ca nhạc về Hà Nội trên làn sóng cũng như trên sân khấu rất ít thấy xuất hiện.
Lúc Trần Thụ chưa qua đời, trong một lần đến chơi với ông, tôi đã say sưa hát bài này cho ông nghe và bộc lộ thắc mắc trên thì ông nói: “Mỗi tác phẩm văn nghệ đều có duyên phận riêng như con người vậy. Có những người tài đức song toàn, rất có bản lĩnh, lại chịu khó làm việc mà cuộc đời không may mắn, luôn gặp hết rủi ro này đến bất trắc khác. Ngược lại, không thiếu người kém cỏi, lại lười biếng, nhân cách xấu, chẳng được điểm gì mà luôn gặp may. Bài “Chiều hồ Gươm” mình viết trong trạng thái cảm xúc rất thăng hoa, tâm hồn lâng lâng. Viết xong, thích thú mãi. Cũng thu thanh, phát trên Đài mà không hiểu sao không lây lan, không được nhiều người biết như các bài khác. Có lẽ do bài này không được phát nhiều. Người ta đã lãng quên nó khi làm những chương trình ca nhạc về Hà Nội. Cái số bài này nó sui cậu ạ”.
Năm 1965, khi cuộc chiến tranh leo thang của giặc Mỹ đã lan ra hầu hết các tỉnh ở miền Bắc nước ta, Trần Thụ nhiều lần có dịp vào khu 4 biểu diễn phục vụ bộ đội và nhâa dân nơi tuyến lửa. Trong một lần như thế, trước thực tế sản xuất và chiến đấu của quân dân tại đây, ông sáng tác bài “Nhanh tay lưới, chắc tay súng” thật gọn gàng, đáng yêu: “Làng quê ta bên bờ cát trằng dài/ Biển mênh mông sóng vờn hàng dừa xanh/ Buồm căng thuyền ta ra khơi tung lưới quăng chài/ Vừng đông hé sáng chân trời tia nắng soi màu hồng…” Bài hát diễn tả cuộc sống vừa êm đềm, vừa sôi động của những người ngư dân vùng biển khu 4 tay chài, tay súng vừa đánh bắt hải sản, vừa giữ yên bầu trời quê hương.
Tôi nhớ dạo đó - lúc bom đạn đã trút xuống nhiều thành phố, khu công nghiệp, cuộc sống mọi người dân rất khẩn trương nhưng các hội diễn văn nghệ của thanh niên khắp nơi không vì thế mà không diễn ra. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” do Trung ương Đoàn phát động đã được đông đảo các bạn trẻ hưởng ứng. “Nhanh tay lưới, chắc tay súng” đã có số phận tốt đẹp, không “hẩm hiu” như “Chiều hồ Gươm”.
Tại các Hội diễn và các buổi liên hoan văn nghệ, người ta hát nhiều với hình thức tốp ca, đồng ca có lĩnh xướng. Thật thú vị là cho mãi tới những năm 90 của thế kỷ trước tức là sau 30/4/1975 khá lâu, khi làm giám khảo các hội diễn quần chúng ở Hà Nội, thi thoảng tôi vẫn thấy có đơn vị dựng bài hát này đưa lên sân khấu. Hỏi thì họ trả lời: “Cứ bài hay là chúng em hát thôi. Với lại hát lại những bài có giá trị thời kháng chiến chống Mỹ luôn được Ban Tổ chức khuyến khích”.
Khi “Nhanh tay lưới, chắc tay súng” vẫn còn nhiều dư âm trong đời sống tinh thần của công chúng thì trong một lần đi hát phục vụ nhân dân ở Tây Bắc vào năm 1966, chứng kiến quân dân bắn rơi náy bay Mỹ, Trần Thụ lại có bài “Tây Bắc mừng vui chiến thắng” nghe rất có không khí.
Chất xòe Thái được ông khai thác và nhào nặn khéo léo, nhuần nhuyễn, tạo nên một ca khúc vui tươi, dạt dào âm hưởng chiến thắng: “Tin vui bay đến tận bản làng đón mừng vui chiến công tuyệt vời. Đêm nay ta vui hát ta múa xòe hoa. Vui mừng đón chiến công đầu. Súng trong tay gìn giữ bản làng…”
Bài hát này cùng với “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành), “Đường lên Tây Bắc” (Văn An), “Tình ca Tây Bắc” (Bùi Đức Hạnh), “Mừng chiến thắng Tây Bắc” (Đặng Đình Hưng), “Hành quân lên Tây Bắc”(An Thuyên) là những ca khúc hay nhất viết về Tây Bắc thuộc hàng “đi cùng năm tháng”.
Giới ca sĩ sáng tác không nhiều. Trần Thụ hoàn toàn xứng đáng là một nhạc sĩ sáng tác với 3 bài hát hay đã nhắc ở trên. Nhưng ông khiêm tốn, không nhận mình là nhạc sĩ mà chỉ là ca sĩ. Ông nói: “Ngoài hát các bài của các nhạc sĩ, mình luôn có nhu cầu hát những giai điệu tự nghĩ ra. Thế là khi nào có hứng, có thời gian là sáng tác thôi”. Tuy nhiên, nghe ca khúc của ông thấy rất chuyên nghiệp về sáng tác, từ cách khai thác chất liệu đến việc tổ chức, kết cấu, bố cục tác phẩm. Sự ngắn gọn, hợp lý, khúc triết và cách phát triển chủ đề của ông không thua kém bất cứ một nhạc sĩ chuyên sáng tác nào.
Trần Thụ sinh năm 1929, quê ở Thanh Trì (Hà Nội). Năm 1945, mới 16 tuổi, ông là đội viên đội Tuyên truyền xung phong của Tổng bộ Việt Minh rồi tham gia đoàn nhạc Thiếu sinh quân. Khi Đài Tiếng nói Việt Nam được thành lập, ông đầu quân và hát ngay từ những chương trình phát sóng đầu tiên. Với nhiều thành tích đạt được và sức thuyết phục của giọng hát, ông được phong tặng danh hiệu NSƯT ngay từ đợt đầu tiên (năm 1984). Công bằng mà xét, về sau, ông xứng đáng được đôn lên NSND khi nhiều người không thể so với ông về mọi phương diện đã được tặng danh hiệu cao nhất này.
Giản dị, chân thành, có chiều sâu nội tâm, nghiêm túc trong cuộc sống và công việc là những nét nổi bật trong tính cách của Trần Thụ. Khi bước vào tuổi 50 - độ tuổi còn rất sung sức và giọng ông vẫn còn có thể thu thanh tốt - nhưng ông đã nhường việc đơn ca cho những giọng hát lứa đàn em khi ấy như Huy Hùng, Hữu Nội, Tiến Thành, Ngọc Tân, Tiến Hỷ. Ông không ngần ngại trao đổi, chỉ bảo nghề nghiệp với họ rất chân thành nên được đồng nghiệp và mọi người trân trọng, quý mến.
Ông qua đời năm 2009, hưởng thọ 80 tuổi, để lại cho đời sống tinh thần của công chúng một khoảng trống không dễ khỏa lấp.