Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tình như mây khói bóng ai xa mờ

Chủ Nhật, 11/08/2024, 11:54

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là một trong những nhân vật đặt nền móng cho nền tân nhạc Việt Nam. Những tác phẩm của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã làm xao xuyến giới mộ điệu nhiều thế hệ. Cuộc đời tài hoa và lãng mạn của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước không chỉ có sự trầm bổng những cung đàn, mà còn có sự đắm say những bóng hồng.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sinh năm 1915 tại Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội. Ông nội của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là danh sĩ Dương Khuê, một người bạn tâm giao mà nhà thơ Nguyễn Khuyến từng có bài thơ “Khóc Dương Khuê” tiễn biệt day dứt: “Bác Dương thôi đã thôi rồi/ Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”.

Có năng khiếu thiên bẩm và được tạo điều kiện tiếp xúc âm nhạc từ nhỏ, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước điêu luyện nhiều loại đàn khác nhau, từ các loại đàn dân tộc đến các loại đàn phương Tây. Vì vậy, ngoài việc mở một tiệm bán đàn trên phố Cửa Nam, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cùng nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ thành lập ban nhạc “Hoa lưu ly” nức tiếng Hà Nội đầu thập niên 30 của thế kỷ XX.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tình như mây khói bóng ai xa mờ -1

Thời niên thiếu, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước từng hứa hôn với người đẹp Vi Kim Ngọc, con gái Tổng đốc Vi Văn Định. Tuy nhiên, mối duyên ngỡ chừng môn đăng hộ đối ấy lại không thành, do sự khác biệt quan niệm sống giữa nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và người đẹp Vi Kim Ngọc. Năm 1934, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đám cưới với cô dâu Lương Thị Thuần. (Hai năm sau, năm 1936, người đẹp Vi Kim Ngọc đám cưới với giáo sư Nguyễn Văn Huyên).

Cuộc hôn nhân giữa nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và bà Lương Thị Thuần kéo dài 15 năm. Họ có chung với nhau cả thảy 5 người con. Bà Lương Thị Thuần chăm lo gia đình, để nhạc sĩ Dương Thiệu Tước thỏa sức theo đuổi đam mê. Giai đoạn phu thê với bà Lương Thị Thuần cũng là những ngày tháng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước góp phần định hình nền tân nhạc Việt Nam, như ông từng bày tỏ: “Âm nhạc cải cách đã trỗi dậy và đã gieo vào tâm hồn ta những ý niệm tươi đẹp của một nền âm nhạc Việt Nam tương lai, cái ảnh hưởng mãnh liệt sâu xa của nó đan xen với mạch sống hằng ngày của mỗi người”.

Sau ca khúc đầu tay “Tâm hồn anh trao em” viết năm 1936, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước có một loạt ca khúc lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng như “Tiếng xưa”, “Kiếp hoa”, “Thuyền mơ”, “Vọng chinh phu”, “Dưới ánh trăng”, “Trời xanh thẳm”… Đáng lưu ý, ở thời kỳ này, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước công bố ca khúc nổi tiếng “Ngọc lan” vẫn còn vang vọng đến hôm nay: “Ngọc lan, dòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng/ Ngọc lan, nhành liễu nghiêng nghiêng, tà mấy cánh phong, nắng thơm ngoài song/ Ngọc Lan trầm ngát thu hương/ Bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương”. Cuối năm 1948, cuộc hôn nhân giữa nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và bà Lương Thị Thuần chấm dứt. Bà Lương Thị Thuần một mình nuôi các con khôn lớn và cùng các con sang Đức định cư.

Người vợ thứ hai bước vào cuộc đời nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là ca sĩ lừng danh Minh Trang. Vốn thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt ở Huế, ca sĩ Minh Trang có họ tên khai sinh là Nguyễn Thị Ngọc Trâm. Năm 20 tuổi, bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm kết hôn với một trí thức hoàng tộc là giáo sư Ưng Quả, và có hai người con Bửu Minh và Đoan Trang. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, giáo sư Ưng Quả và bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm đường ai nấy đi. Giáo sư Ưng Quả ở lại cố đô, còn bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm đưa hai người con vào Sài Gòn sinh sống. Cùng với nghề phát thanh viên cho Đài phát thanh Pháp Á, bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm đi hát với nghệ danh Minh Trang được ghép từ tên của hai người con.

Năm 1949, ca sĩ Minh Trang có dịp ra Hà Nội biểu diễn. Trong một buổi giao lưu với giới âm nhạc Hà Nội, ca sĩ Minh Trang đã hạnh ngộ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Khoảnh khắc lương duyên với người đàn ông tài hoa lớn hơn mình 6 tuổi, được ca sĩ Minh Trang hồi tưởng: “Mặc cho các bạn khác rối rít, ông Dương Thiệu Tước im lặng từ đầu đến cuối. Chỉ nhìn thôi. Lâu lâu mới mỉm cười. Sự xa cách, lặng lẽ của ông khiến tôi càng thêm chú ý. Trước khi gặp gỡ, tôi đã từng hát nhạc Dương Thiệu Tước nên tôi cũng rất ao ước được tương phùng ông ấy. Sau đó tôi về Sài Gòn, chúng tôi thư từ cho nhau, thấy hợp, rồi thành đôi”.

Giai đoạn chàng ở Hà Nội còn nàng ở Sài Gòn, đã tạo ra dòng âm thanh khắc khoải trong trái tim nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ca khúc đầu tiên nhạc sĩ Dương Thiệu Tước viết tặng ca sĩ Minh Trang có tên gọi “Phút say hương” gợi nhắc cuộc chạm mặt định mệnh của họ: “Nhớ những phút vui đêm thâu/ Thả hồn mơ cùng mây gió tới đâu/ Nhớ những phút vui bên nhau/ Tìm hồn hoa nhìn trăng khuất non xa/ Ôi say đắm lòng áng hương trầm/ Run tơ mềm trên phím xuân”.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tình như mây khói bóng ai xa mờ -0
Ca khúc "Mơ tiên" được đứng tên chung vợ chồng Dương Thiệu Tước - Minh Trang.

Tuy nhiên, một sáng tác quan trọng nhất của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước làm xiêu đổ ca sĩ Minh Trang là ca khúc “Đêm tàn Bến Ngự”. Ca sĩ Minh Trang thổ lộ, mỗi lần hát “Đêm tàn Bến Ngự”, bà cảm nhận được sự gần gũi với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ca khúc của ông như nói hộ lòng bà về những ngậm ngùi quá khứ, những nuối tiếc dĩ vãng mà bà từng trải qua thuở thanh xuân bên dòng sông Hương thơ mộng: “Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng/ Bến xưa non nước Hương Bình/ Những phút tàn canh vương vấn bao tình/ Ai dứt sao đành/ Thuyền mơ trong khúc Nam Ai/ Đàn khuya trên sông ngân dài”.

Năm 1951, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước chính thức làm lễ cưới với ca sĩ Minh Trang, và cùng nhau hoạt động âm nhạc tại Sài Gòn. Có được người phụ nữ đồng điệu tâm hồn, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước thực sự thăng hoa trong âm nhạc. Đặc biệt, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã cùng ca sĩ Minh Trang có được sự gắn kết vợ chồng rất độc đáo, khi cả hai viết chung hàng chục ca khúc như “Mùa lúa mới”, “Ôi quê xưa”, “Vui xuân”, “Mơ tiên”, “Bến xuân xanh”, “Khúc nhạc dưới trăng”, “Bóng chiều xưa”, “Buồn xa vắng”, “Chiều lữ thứ”…

Ca khúc Dương Thiệu Tước dù được nhiều giọng ca nổi tiếng đưa lên sân khấu, nhưng khán giả lại tìm thấy nét riêng có hương sắc ấm áp khó quên khi nghe nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang cùng song ca. Có lẽ chính họ mới thấu hiểu và thể hiện đầy đủ những gửi gắm của họ trong từng luyến láy trìu mến ở mỗi ca khúc: “Cùng vui/ Ta vui khúc ca du dương/ Lòng tha thiết bao yêu đương/ Cùng mây gió bay ngàn phương/ Lòng quên hết bao sầu thương/ Thề quên hết bao sầu thương”.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang có chung 5 người con, một người con trai Dương Hồng Phong và bốn người con gái Vân Quỳnh, Vân Khanh, Vân Hòa, Vân Dung. Năm 1961, ca sĩ Minh Trang bị hen suyễn phải ngừng sự nghiệp ca hát. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cũng chuyển sang công tác đào tạo âm nhạc, chứ không chuyên tâm sáng tác và biểu diễn nữa. Hình ảnh cặp đôi Dương Thiệu Tước - Minh Trang vắng bóng trên làng nghệ thuật, chỉ còn đọng lại trong nỗi khắc khoải: “Một chiều bên nhau một chiều vui sống quên phút tang bồng/ Anh ơi nhớ chăng xa anh em hát khúc ca nhớ mong/ Một chiều gió mưa em về thăm chốn xưa/ Non nước u buồn nào đâu bóng cố nhân lòng xót xa tình xưa/ Thương nhau làm chi/ Âm thầm lệ vương khi biệt ly/ Xa xôi làm chi/ Vô tình em nhớ duyên hờ/ Tình như mây khói, bóng ai xa mờ”.

Năm 1978, ca sĩ Minh Trang sang Mỹ cùng các con. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước ở lại quê hương, sống lặng lẽ trong một căn nhà nhỏ tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Những năm xế bóng hoàng hôn kiếp người, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước chủ yếu dựa vào sự chăm sóc của một cô học trò cũ tên là Nguyễn Thị Nga. Ngày 1/8/1995, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 80. Còn ca sĩ Minh Trang qua đời ngày 17/8/2010 ở tuổi 89. Dù mang tính rổ rá cạp lại và nhiều thăng trầm ly hợp, nhưng duyên nợ giữa nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang vẫn rộn ràng những giai điệu bất tận, trở thành một phần lịch sử của đời sống âm nhạc Việt Nam.

Đã 30 năm nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vắng bóng trên nhân gian, nhưng hơn 50 tác phẩm ông để lại vẫn tiếp tục làm xao xuyến tâm hồn công chúng. Nhớ đến nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, không chỉ nhớ một dòng nhạc quý phái mà còn phải nhắc cốt cách một nghệ sĩ chân chính. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là người đầu tiên trong giới âm nhạc trả bản quyền cho ca khúc phổ thơ. Khi sử dụng bài thơ “Màu cây không khói” của nhà thơ Hồ Dzếnh (1916-1991) để viết thành ca khúc “Chiều”, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã gửi cho tác giả bài thơ một số tiền nhuận bút lúc ấy tương đương hai lượng vàng.

Lê Thiếu Nhơn
.
.
.